Loạt
ảnh tư liệu về 100 năm tôn giáo cứu tế xã hội
VĂN TÂM - LUẬT
KHOA
14/08/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/08/loat-anh-tu-lieu-ve-100-nam-ton-giao-cuu-te-xa-hoi/
Những bức ảnh quý giá lưu lại một thế
kỷ tôn giáo phụng sự cộng đồng.
Một nữ tu Dòng Bác Ái Vinh Sơn cùng với các bệnh
nhân phong tại Trại phong Di Linh vào năm 1974. Ảnh: Jack Garofalo
Vào lúc bạn đọc bài viết này, có hơn 1.000
tình nguyện viên là tín đồ, tăng ni, tu sĩ của các tôn giáo đang túc trực bên
những bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh.
100 năm qua, tôn giáo và người dân như hai bàn
tay, hễ nơi nào cất tiếng kêu gọi trợ giúp thì ở bên kia đều sẵn lòng giúp đỡ.
Từ khi chiến tranh đến lúc hòa bình, tinh thần đó chưa bao giờ thay đổi.
100 năm qua, tôn giáo Việt Nam đã đi từ chỗ sở
hữu rất nhiều cơ sở, tổ chức cứu tế xã hội, trường học, bệnh viện đến giai đoạn
phải thu hẹp đáng kể hoạt động của mình sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975
ở miền Nam. Tuy vậy, các hoạt động xã hội vẫn luôn là tôn chỉ quan trọng mà các
tôn giáo không ngừng thúc đẩy.
Trong bài viết này, bạn có thể nhìn lại các hoạt
động xã hội của các tổ chức tôn giáo trong 100 năm qua. Trong một số giai đoạn,
do tư liệu thu thập vẫn chưa đầy đủ, một số tôn giáo không được nhắc đến, nhưng
điều đó không có nghĩa là họ không có các hoạt động xã hội vào thời điểm đó.
1920 – 1940: Cứu tế
trong thời kỳ thuộc địa
Vào thời điểm này, Giáo hội Công giáo sau 300
năm truyền giáo ở Việt Nam đã có các cơ sở cứu tế đồ sộ như bệnh viện, trại tế
bần ở nhiều tỉnh, thành.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-19.jpeg
Trẻ em mồ côi và
người già tại Trại tế bần Cù Lao Giêng, Long Xuyên do các nữ tu Công giáo chăm
sóc vào những năm 1920. Trại tế bần này nằm trong một khu vực có nhiều cơ sở Công
giáo, bao gồm nhà thờ Cù Lao Giêng (được cho là nhà thờ đầu tiên ở Nam Kỳ), tu
viện Phan-xi-cô và tu viện Chúa Quan Phòng, tất cả vẫn còn hoạt động cho đến
ngày nay tại xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ảnh: Bộ Văn hóa Pháp.
Một nữ tu Dòng Bác
Ái Vinh Sơn trong giờ ăn trưa của các em bé vào ngày 17/1/1936. Dòng tu này được
thành lập ở Việt Nam vào năm 1933. Sau 10 năm, dòng tu đã có 25 chi hội, gồm
500 hội viên hoạt động. Hoạt động chính của dòng tu là thăm viếng, săn sóc,
giúp đỡ cho các gia đình, chăm sóc và giáo dục trẻ em. [1] Ảnh:
Keystone-France/ Gamma-Keystone via Getty Images.
Linh mục người Pháp
Jean Cassaigne cùng người Thượng bản địa ở Lâm Đồng. Năm 1929, khi làm linh mục
đầu tiên của họ đạo Djiring (Di Linh sau năm 1958), Cassaigne đã lập ra Trại phong Di Linh. [2] Ông đã mời Dòng Bác Ái Vinh
Sơn về đây để chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh phong (hủi), chủ yếu là người Thượng
bản địa. Ảnh: Công giáo và Dân tộc.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-21.jpeg
Trại phong Di Linh
trong thời gian đầu hoạt động. Về Linh mục Cassaigne, ông được bổ nhiệm làm
Giám mục của Giáo phận Sài Gòn vào năm 1941. Năm 1954, ông phát hiện mình cũng
mắc bệnh phong. Ông qua đời tại trại phong Di Linh vào năm 1973. Trại phong hiện
nay là Khu Điều trị phong Di Linh thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng. Ảnh:
Công giáo và Dân tộc.
Phòng làm việc
trong nhà tế bần của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres trên phố Hàng Bột, Hà Nội
vào những năm 1920. Nhà tế bần này do Soeur Antoine thành lập vào năm 1896.
Dòng Thánh Phaolô thành Chartres đến Việt Nam vào năm 1860. Năm 1889, Soeur
Antoine đến Bắc Kỳ để làm việc trong một bệnh viện quân y rồi thành lập nhà
thương Phủ Doãn và Trại tế bần Hàng Bột. Bà mất năm 1925 tại Hà Nội. Ảnh: Manh
Hai via Flickr.
Người già và trẻ em
trong nhà tế bần của Soeur Antoine. Ảnh: Manh Hai via Flickr.
Về giáo dục, vào đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã từ
bỏ nền giáo dục nho học, chuyển sang tân học. Kỳ thi Hương cuối cùng của Việt
Nam kết thúc vào năm 1917. Trước đó, vào năm 1882, chính quyền thuộc địa đã mở
các trường học công lập đầu tiên. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo đã mở trường học
trước cả chính quyền thuộc địa.
Những trường học đầu tiên do Công giáo tổ chức
là trường Bá-đa-lộc, Sài Gòn (lập năm 1861, cải tổ năm 1865), trường Thánh
Giu-se, Mỹ Tho (1867), trường Taberd Sài Gòn (lập năm 1874, cải tổ năm 1889), trường
Đức Cha Phước (Puginier) tại Hà Nội (1897), trường Pellerin, Huế (1904), trường
thánh Giu-se, Hải Phòng (1906) v.v. [3]
Từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa ngừng
tài trợ cho các trường học Công giáo do chính sách “tách quyền lực của nhà thờ
ra khỏi nhà nước”. Bất chấp điều đó, Giáo hội Công giáo vẫn đứng vững trong
lĩnh vực giáo dục, trở thành tôn giáo hoạt động giáo dục mạnh mẽ nhất.
Các hoạt động giáo dục xã hội vào lúc này chỉ quan sát được ở Công
giáo. Các tổ chức Phật giáo trong khi đó tập trung vào giáo dục tự viện cho các
tăng, ni. [4]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-25.jpeg
Học sinh trường La
San Taberd, Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX, hiện nay là trường THPT Trần Đại Nghĩa.
Dòng La San hoạt động giáo dục nổi bật với những ngôi trường được đầu tư bề thế
ở nhiều tỉnh, thành. Ảnh: Manh Hai via Flickr.
Đây là thời kỳ hình thành các tôn giáo mới ở
miền Nam, trong đó Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài là hai tôn giáo phát triển
nhanh chóng và bắt đầu có những hoạt động xã hội.
1940 – 1945: Tôn
giáo và nạn đói
Theo Phạm Đình Khiêm, từ năm 1941 đến 1942,
Giáo hội Công giáo Việt Nam đã mở 58 nhà thương, dung nạp 3.058 giường bệnh, phần
lớn là chữa trị cho người nghèo. Giáo hội có 25 viện tế bần cho người già, khuyết
tật, 177 cô nhi viện, nhà dạy cho trẻ câm điếc, tất cả dung nạp 10.793 trẻ em. Ở
Huế, có bệnh viện lao do các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đảm nhận. Ở Sài
Gòn, có bệnh viện tâm thần chăm sóc khoảng 300 bệnh nhân. Số phòng phát thuốc
là 112 cơ sở, trong năm 1941 đã giúp đỡ cho 2.225.391 người đến xin. Số trường
tư thục Công giáo là 1.779 trường. [5]
Đây cũng là thời kỳ đất nước chao đảo vì những
biến cố chính trị: chiến tranh Đông Dương giữa Nhật và Pháp, Việt Nam tuyên bố
độc lập ở Hà Nội, đau thương hơn cả là nạn đói thảm khốc vào đầu năm 1945 tại miền Bắc và miền
Trung. [6]
Công giáo đã cứu tế nhiệt thành trong nạn đói
đầu năm 1945. Theo Phạm Đình Khiêm, Giáo hoàng Pi-ô XII đã trích 1 triệu quan để
cứu tế cho các nạn nhân của nạn đói nhưng có lẽ vì các biến cố chính trị nên số
tiền này không đến được Việt Nam. [7]
Các hoạt động xã hội của Phật giáo trong giai đoạn
này chưa được ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, có nhiều câu chuyện được kể lại về việc
Phật giáo giúp đỡ người dân. Ví dụ như Hòa thượng Thích Quảng Độ từng kể thầy
ông – Hòa thượng Thích Đức Hải – là người ra thị xã Hà Đông lập
hội cứu tế giúp đỡ nhiều người bị đói, nhờ quan tổng đốc Hà Đông là Hồ
Đắc Điềm can thiệp với người Nhật để lấy gạo cứu đói. [8]
Ở miền Tây, Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh
Phú Sổ đã tổ chức các chuyến
khuyến nông ở nhiều tỉnh, khuyến khích người dân trồng trọt, củng cố kinh tế.
[9]
1945 – 1960: Cuộc
di cư lịch sử
Theo Thích Nhất Hạnh, sau khi mặt trận kháng chiến
tại Hà Nội vỡ, Hòa thượng Thích Tố Liên đã lập Hội Việt Nam Phật Giáo vào năm 1949. Sau đó, hội
đã thành lập một cô nhi viện cho khoảng 160 em. [10] Theo Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất, đây là cơ sở từ thiện xã hội được thành lập đầu tiên của Phật giáo. [11]
Năm 1952, hội xây dựng hai trường tư thục
trung học tại Hà Nội, trường Khuông Việt cho nam sinh và trường Vạn Hạnh cho nữ
sinh. [12]
Từ sau năm 1954, tại miền Bắc, Phật giáo cũng
rơi vào hoàn cảnh giống như Công giáo. Họ bị chính quyền mới lần lượt tịch thu
các cơ sở hoạt động xã hội, cô nhi viện, trường học v.v.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-26.jpeg
Trẻ mô côi ở một cô nhi viện Công giáo tại Hà Nội
vào năm 1950. Ảnh: Paul Almasy.
Theo số liệu
của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, sau khi Hiệp định Genève 1954 được công bố,
tính đến tháng 10/1955, có 676.348 tín đồ Công giáo, 209.132 tín đồ Phật giáo
và 1.041 tín đồ Tin Lành đã di cư vào miền Nam trong chiến dịch “Sang phía Tự
do”. [13]
Trong giai đoạn này, Công giáo đã tổ chức các trại tạm cư, phân phát lương thực và nhu yếu
phẩm. Công giáo có vai trò lớn trong việc hỗ trợ các gia đình di cư thực hiện
tái định cư. [14] Rất nhiều giáo xứ mới được lập ra cho người di cư trong giai
đoạn này như An Hòa (Đà Nẵng), Ba Đông (Đồng Nai), Loan Lý (Huế), Lực Điền
(Bình Dương), v.v. Trạm y tế, trường học, nhà cửa được dựng lên xung quanh các
nhà thờ của giáo xứ.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-27.jpeg
Người di cư miền Bắc
cùng các linh mục tại giáo xứ Thánh Tâm, Đồng Nai. Ảnh: Giáo xứ Giáo họ Việt
Nam.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-28.jpeg
Trường tiểu học của giáo xứ Thánh Tâm vào năm
1956. Ảnh: Giáo xứ Giáo họ Việt Nam.
Một lớp học tiểu học
do đạo Cao Đài tổ chức tại tỉnh Tây Ninh vào năm 1950. Ảnh: Harrison Forman.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-30.jpeg
Bệnh viện Cơ đốc
Sài Gòn của Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm khánh thành vào ngày 22/5/1955 với 38 giường
bệnh. Ảnh: Manh Hai via Flickr.
1960 – 1975: Cứu tế
trong chiến tranh Việt Nam
Cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc giữa hai miền
đã đẩy xã hội vào cảnh đau thương. Khi một quân nhân ngã xuống, một em bé có thể
trở nên mồ côi. Một cuộc tập kích nổ ra là có thêm hàng nghìn người tị nạn chạy
vào các đô thị. Các hoạt động xã hội của tôn giáo trong giai đoạn này phần nào
xoa dịu được nỗi đau chiến tranh đè nặng lên người dân.
Về phía Phật giáo, cho đến năm 1971, Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất có 26 cơ sở bảo trợ trẻ em (9 cô nhi viện, 14
ký nhi viện, 3 cô ký nhi viện), 5 trạm y tế và 2 bệnh viện. [15]
Ni sư Diệu Ninh là một trong những ni sư quan
tâm đến công tác cứu tế xã hội. Năm 1966, bà tổ chức cứu trợ hàng nghìn nạn
nhân bão lụt ở Châu Đốc, Long Xuyên và Đồng Tháp. Năm 1972, bà mở Ký Nhi Viện
Huệ Quang để săn sóc trẻ em, tổ chức cứu lụt ở Quảng Nam. [16]
Thích Nhất Hạnh cũng là một trong những nhà sư
gây ảnh hưởng với các sáng kiến hoạt động xã hội khi ấy. Cuối năm 1963, ông từ
Mỹ trở về miền Nam, rồi sớm bắt tay vào dự án Làng Tự Nguyện – một dự án có phần
lãng mạn nhằm đào tạo ra các thanh niên hoạt động xã hội để phát triển khu vực
nông thôn. Ông cũng là người sáng lập Dòng tu Tiếp Hiện, nơi có các Phật tử dấn
thân vào hoạt động xã hội.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-31.jpeg
Thích Nhất Hạnh dạy
trẻ em tập đọc bằng một bài hát về Quán Thế Âm Bồ Tát tại một làng tự nguyện những
năm 1960. Ảnh: PVCEB.
Nhà ăn tại Làng trẻ
em Long Thành. Làng được thành lập vào năm 1967, nhận nuôi trẻ mồ côi, hoặc gia
đình gửi trẻ vào đây để chăm sóc. Năm 1972, làng bị đóng cửa. Ảnh: Wayland
Magoon.
Cô nhi được chăm
sóc trong một cô nhi viện ở Sài Gòn vào tháng 5/1973. Ảnh: Bettmann/ CORBIS.
Năm 1969, theo thống kê của Giáo hội Công giáo
Việt Nam, Công giáo sở hữu 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong
và 159 phòng phát thuốc. [17]
Công giáo còn có các tổ chức, hiệp hội cứu tế
chuyên nghiệp đã tham gia trợ giúp người dân bất kể tôn giáo. Các tổ chức có
đóng góp lớn là Catholic Relief Services (hơn 50% hỗ trợ của Mỹ được
thực hiện qua tổ chức này), [18] Caritas Việt Nam (chính thức hoạt động vào năm
1965, có 267 cô nhi viện, 66 lớp học may, và 69 phòng khám y tế, tổ chức cứu trợ
lương thực, quần áo, thuốc men), Caritas International (có các tổ chức do Dòng
Bác Ái Vinh Sơn điều hành để hỗ trợ trẻ em như Caritas Daycare Centre, Caritas
Social Centre, và Caritas Nutritional Centre, và Mái Ấm Nữ Vương Hoà Bình).
Trẻ em từ Cô nhi viện
Thánh Elizabeth biểu diễn hóa trang diễn kịch Đám tang của một chú chuột tại
Xóm Mới, Gia Định, Sài Gòn trong ngày 16/8/1966. Ảnh: Fold3.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-33.jpeg
Trẻ em trong cô nhi
viện ở Sài Gòn cầu nguyện trước giờ ăn cơm vào năm 1968. Ảnh: Angelo Cozzi/
Mondadori Portfolio via Getty Images.
Trẻ mồ côi ăn cơm
trong một cô nhi viện Công giáo ở Sài Gòn với khẩu phần một bát cơm một ngày
vào năm 1968. Vào những lúc xung đột vũ trang tăng cao, cô nhi viện đã chăm sóc
đến 800 trẻ em. Ảnh: Angelo Cozzi/ Mondadori Portfolio via Getty Images.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-48.jpeg
Cô nhi viện Công giáo Trí Bưu tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh:
Loui Welsner/ Manh Hai via Flickr.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-47.jpeg
Một nữ tu Dòng Bác
Ái Vinh Sơn cùng với các bệnh nhân phong trước mộ Giám mục Jean Cassaigne vào
năm 1974. Ảnh: Jack Garofalo.
Bệnh viện Cơ Đốc
Sài Gòn được xây dựng mới trên nền đất cũ. Sau năm 1975, bệnh viện trở thành trụ
sở Hội Chữ thập đỏ quận Phú Nhuận. Ảnh: Darryl Henley.
Về giáo dục, mặc dù lúc này Phật giáo và các
tôn giáo khác cũng bắt đầu tham gia hoạt động giáo dục, tuy nhiên Công giáo vẫn
chiếm ưu thế với quá trình hoạt động lâu đời, số lượng cơ sở trường học đồ sộ
và khả năng tổ chức tốt.
Theo Minh Thạnh, Công giáo có hệ thống trường học đa dạng, các trường thuộc giáo xứ có
chất lượng trung bình, các trường của các dòng tu chuyên về giáo dục có chất lượng
cao, và ở giữa là trường của các dòng tu không chuyên về giáo dục. [19]
Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, Phật giáo có hệ
thống trường trung, tiểu học Bồ Đề với học phí thấp dành cho các gia đình khó
khăn. Năm 1970, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có 173 trường Bồ Đề và mẫu
giáo Kiều Đàm. [20]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-45.jpeg
Thầy giáo và học
sinh trường Bồ Đề tại sân chùa Bửu Thắng, Kontum. Chưa rõ năm chụp. Ảnh: Lê
Hoàng Thụy Vũ.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-44.jpeg
Các thành viên thuộc
Viện hóa đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại trường trung học Bồ Đề
Quảng Trị. Ảnh: Cựu học sinh trường trung học Bồ Đề Quảng Trị.
Trường tiểu học,
trung học Lasan Kim Phước tại tỉnh Kontum hoạt động từ năm 1956 đến năm 1973. Ảnh:
Lasan 150.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-42.jpeg
Trường tiểu học
Thánh mẫu của Đan viện Thiên An được thành lập sau năm 1940. Sau năm 1975, trường
bị chính quyền mới mượn làm nhà nghỉ cho các công nhân làm vườn ươm cây, đến
nay vẫn chưa trả lại cho đan viện. Ảnh: Đan viện Thiên An.
Trường nữ trung học
Thánh nữ Anna của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành lập vào năm 1963. Cùng với
ngôi trường này, nhà dòng đã bàn giao thêm hai ngôi trường nữa cho chính quyền
làm trường học công lập sau năm 1975. Ảnh: Facebook Thủ Thiêm.
1975 – 1990: Mất
các cơ sở cứu tế
Từ sau 30/4/1975, cùng với không khí thù hằn của
chế độ mới đối với các tôn giáo, các cơ sở cứu tế xã hội, giáo dục của các tôn
giáo miền Nam đã bị chính quyền lần lượt cưỡng chiếm hoặc mượn để sử dụng. Việc
tịch biên các cơ sở này đã tạo thêm những bất ổn trong xã hội đang xáo trộn khi
đó, đẩy rất nhiều tu sĩ, tăng, ni, nhân viên của các cơ sở hoạt động xã hội vào
tình cảnh không biết đi đâu về đâu.
Không chỉ Công giáo được chính quyền tuyên
truyền là công cụ của Mỹ, Ngụy, Phật giáo nổi tiếng với những hoạt động đấu
tranh chống lại chế độ Ngô Đình Diệm cũng cùng chung số phận. Các tôn giáo khác
như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài cũng phải đóng cửa các cơ sở tôn giáo, đến cuối
những năm 1990 mới được hoạt động trở lại.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-41.jpeg
Thuyền nhân Việt
Nam trôi dạt ngoài khơi biển Singapore được Thích Nhất Hạnh và môn đồ cứu vớt
năm 1976. Ảnh: PVCEB.
Cổng chùa Việt Nam
Quốc tự, trụ sở Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm
1966. Phía sau chùa là cô nhi viện Quách Thị Trang do chùa quản lý. Ngày
3/3/1977, cán bộ chính quyền đã đến tịch thu cô nhi viện này mà không hề báo
trước cho giáo hội. Ảnh: Ivan Bunn.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-39.jpeg
Trường tư thục Phước
An – Thị Nghè của họ đạo Thị Nghè trước năm 1975. Chính quyền mượn sử dụng ngôi
trường sau năm 1975. Hiện nay, cơ sở này là trường Tiểu học Phù Đổng và đã được
cấp quyền sử dụng cho nhà trường. Ảnh: Ogden Williams Collection.
1990 – 2021: Chính
quyền hạn chế hoạt động xã hội của các tôn giáo
Kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, 45 năm
qua, các tôn giáo vẫn tiếp tục các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, quy mô hoạt động
của họ đã nhỏ hơn rất nhiều so với trước năm 1975 do chính sách hạn chế của nhà
nước.
Đến đầu những năm 2000, tổ chức tôn giáo mới
được phép mở trường mầm non. Cho đến nay, phạm vi hoạt động giáo dục của tổ chức
tôn giáo chỉ dừng lại ở cấp học này.
Việt Nam đã có nhiều trường học tư thục, bệnh
viện tư nhân với chi phí cao dành cho tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, tổ chức
tôn giáo có thể đáp ứng nhu cầu của người nghèo trong giáo dục và khám chữa bệnh
thì vẫn chưa được nhà nước cho phép.
Hiện nay, các mái ấm nuôi dưỡng trẻ mồ côi,
khuyết tật, nhà dưỡng lão, cơ sở từ thiện, v.v. vẫn tiếp tục được các tổ chức tôn giáo duy trì. [21]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-38.jpeg
Lễ khai giảng tại
trường mầm non Tình Thương Hoa Sen do chùa Tịnh Quang quản lý tại tỉnh Bình Phước
vào ngày 28/8/2016. Chùa được xây dựng để con em các gia đình công nhân được đi
học miễn phí. Ảnh: Báo Giác Ngộ.
Tổng Giám mục Tổng
Giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn dâng thánh lễ tạ ơn khánh thành và làm phép
ngôi trường mầm non Thăng Long, thành phố Đà Lạt vào ngày 14/3/2018. Trường có
80 phòng học, trong đó, 18 phòng học đạt chuẩn của ngành giáo dục, dành cho 500
học sinh. Trường do Dòng Phaolô Đà Lạt quản lý. Ảnh: Công giáo và Dân tộc.
Giáo dân nhận quà cứu
trợ từ Linh mục Phêrô Nguyễn Vũ, giáo xứ Đốc Sơ, TP. Huế trong trận lụt nặng nề
vào tháng 10/2020. Ảnh: Công giáo và Dân tộc.
299 tình nguyện
viên của các tổ chức tôn giáo đăng ký chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại ba bệnh
viện dã chiến ở TP. Hồ Chí Minh vào ngày 22/7/2021. Ảnh: Vatican News.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-34.jpeg
Các nữ tu Dòng Đức Bà Truyền Giáo tình nguyện
hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 11/8/2021. Các nữ tu
này nằm trong số 70 tu sĩ Công giáo tình nguyện đến các bệnh viện dã chiến để hỗ
trợ nhân viên y tế. Trước đó, đã có hơn 1.000 tín đồ, tu sĩ, tăng ni Phật giáo,
Công giáo và Tin Lành đến giúp đỡ các bệnh viện dã chiến. Ảnh: MTTP/ Báo Thanh
Niên.
--------------------
Chú thích
1. Phạm Đình Khiêm. (1950). Hành
động xã hội của Giáo hội qua các thời đại và ở Việt Nam. An Phong.
2. TGP Sài Gòn. (2009, July 23). Chân
dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne.
http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/164-%C3%90uc-cha-cassaigne-sanh-giam-muc-nguoi-cui-viet-nam.html
3. Xem [1]
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2015,
January 21). Giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội ở Sài Gòn trước năm 1975.
https://phatgiao.org.vn/giao-duc-ton-giao-huong-ra-xa-hoi-o-sai-gon-truoc-nam-1975-d16992.html#
5. Xem [1]
6. Báo Lao Động. (2015, January
12). 70 năm nạn đói lịch sử năm Ất Dậu: Hơn 2 triệu người chết chỉ
trong nửa năm.
7. Xem [1]
8. Luật Khoa. (2020, March 1). Hòa
thượng Thích Quảng Độ: Một đời tranh đấu.
https://www.luatkhoa.org/2020/03/hoa-thuong-thich-quang-do-mot-doi-tranh-dau/
9. Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật
giáo Hòa Hảo. (2015, June 23). Giới thiệu.
https://phatgiaohoahao.org.vn/news/?ID=60&CatID=7
10. Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh).
(1992). Việt Nam Phật giáo Sử luận, trang 737. Thư Viện Hoa
Sen.
https://thuvienhoasen.org/images/file/3k6Xwp1G0QgQABk-/viet-nam-phat-giao-su-luan.pdf
11. Thích Thiện Hoa. (1971). Hình
ảnh về văn hóa giáo dục, 50 năm chấn hưng Phật giáo. Quảng Đức. https://web.archive.org/web/20121116072825/http://quangduc.com/vietnam/50namchanhungpg2-02.html#_ftn2
12. Xem [9]
13. Nghiên cứu quốc tế, bài dịch. (2014,
May 6). #155: Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc và vai trò của
họ tại Việt Nam CH, 1954–1959. Nghiên Cứu Quốc Tế.
http://nghiencuuquocte.org/2014/05/06/bac-di-cu/
14. Nghiên cứu quốc tế, bài dịch. (2020,
May 5). Hoạt động cứu trợ của Công Giáo miền Nam giai đoạn 1954–1975.
Nghiên Cứu Quốc Tế.
http://nghiencuuquocte.org/2020/05/05/hoat-dong-cuu-tro-cong-giao-mien-nam-1954-1975/#_ftnref20
15. Xem [11]
16. Xem [10], trang 713, 714.
17. Tôn giáo và Dân tộc. (2014). Việt
Nam sắp có đại học Thiên Chúa giáo đầu tiên.
18. Xem [13]
19. Xem [4]
20. Xem [10]
21. Giáo xứ Tân Việt. (2019). Địa
chỉ các mái ấm và nhà tình thương.
http://giaoxutanviet.com/dia-chi-cac-mai-am-va-nha-tinh-thuong/
No comments:
Post a Comment