Saturday, 21 August 2021

KABUL 15-8-2021 (Nguyễn Trung)

 


Kabul 15-8-2021 [1]

Nguyễn Trung 

20/08/2021

http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_Kabul15_8_21.html

 


                                                   1

 

         Trước tiên xin nói lại chuyện cũ: Liên Xô vào Afghanistan (1979-1989) với mục đích mở rộng ảnh hưởng ở đây và đối phó những thế lực Hồi giáo (có sự xúi giục của Mỹ) muốn mở mặt trận chống Liên Xô từ vùng này, về danh nghĩa là Liên Xô giúp Afghanistan bảo vệ chủ quyền. Mỹ - kéo theo đồng minh NATO -  vào Afghanistan (2001-2021) với mục đích diệt sào huyệt của al-Qeada ngay sau khi xảy ra vụ “11 tháng Chín” và muốn nhân dịp này giương cao ngọn cờ chống khủng bố thế giới để mở rộng thanh thế của Pax Americana, và nhân danh giúp Afghanistan phát triển, giữ vững chủ quyền chống lại phong trào khủng bố al-Qeada - Taliban.

 

         Song cả Liên Xô và Mỹ đều sa lầy tại đây, với tổn thất rất nặng nề, và cuối cùng cả hai đều phải rút lui. [Riêng tổn thất của Mỹ ước trên 1000 tỷ USD với khoảng 2500 – 3000 thương vong binh sỹ Mỹ.]

 

         Bây giờ đến lượt Trung Quốc muốn vào Afghanistan, nhưng lại bằng cách bắt tay với Taliban, chứ không phải là tổng thống Afghanistan đương nhiệm Ashraf Ghani. Tuy Vương Nghị nói nhiều về hoà bình cho sự kiện này, song trên thực tế bước đi của Trung Quốc với Taliban là hiện tượng ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, mục tiêu biện minh cho biện pháp thường thấy ở bất kỳ nơi nào Trung Quốc đặt chân tới trong triển khai chiến lược vành đai – con đường. Qua bắt tay với Taliban, Trung Quốc theo đuổi những mục tiêu chiến lược sâu rộng với tầm nhìn toàn cầu. Trên bàn cờ toàn cầu của đối kháng Mỹ - Trung, hiện tượng này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng và ngay tức khắc lấp bất kỳ khoảng trống nào do Mỹ để lại để lấn tiếp! Hiện tượng này hứa hẹn nhiều điều chẳng lành đối với thế giới phương Tây, có thể cho cả Nga, và nhiều nơi khác nữa.

 

                                                  2

 

         Việc rút khỏi cuộc chiến tranh ở Afghanistan đã được tính đến từ nhiều đời tổng thống Mỹ khác nhau, rõ nét hơn bắt đầu từ thời tổng thống Clinton – vì triển vọng sa lầy ở đây ngày càng lớn, vì Mỹ còn nhiều ưu tiên chiến lược khác phải giải quyết, sau này lại thêm vấn đề xoay trục sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương… Song đi vào một cuộc chiến tranh thường dễ hơn khi muốn rút ra khỏi nó, nhất là trong cục diện bế tắc trên chiến trường Afghanistan kéo dài triền miên trong bối cảnh đầy rẫy những rối rắm toàn cầu và khu vực rất nhạy cảm. Mấy kỳ bầu cử tổng thống qua đi, nhưng v/đ Afghanistan còn trăn trở nguyên trong ngăn kéo.

 

         Khi tranh cử, trong khuôn khổ quan điểm “America first!” Trump đã đặt ra vấn đề rút ra khỏi Afghanistan. Trong nhiệm kỳ này, chính quyền Trump đã có những tiếp xúc, đàm phán với Taliban, đã ký được hiệp định Doha ngày 29-02-2020[2] bao gồm 4 phần: (1) phía Taliban cam kết không dùng lãnh thổ của mình cho mọi hoạt động chống Mỹ, (2) công bố thoả thuận lịch rút quân đội Mỹ và đồng minh – sẽ thực hiện xong trong 2 đợt, cộng lại là 14,5 tháng, (3) bắt đầu 10-03-2020 các bên Afghanistan đàm phán về tương lai Afghanistan, (4) các bên Afghanistan thoả thuận ngừng bắn hoàn toàn với nhau để đi vào thực hiện nội dung thoả thuận của phần (3) về tương lai Afghanistan; cả 4 phần này liên quan mật thiết với nhau, phần nọ tạo điều kiện thực hiện và ràng buộc phần kia. Trump  rất muốn triển khai sớm, nhưng xẩy ra những sự cố phản bội từ phía Taliban nên không bắt đầu được. Sau đó Trump thất cử. Đáng chú ý là trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ, Trump vẫn tiếp tục đấu Trung Quốc rất căng trong v/đ thương mại, Biển Đông, tăng cường quan hệ với Đài Loan…

 

         Khi lên cầm quyền, Biden với “America is back!” quyết làm mọi chuyện ngược lại với Trump, song phía Trung Quốc ra sức khai thác thực tế này và làm căng với Mỹ, muốn dạy cho Mỹ bài học[3]. Trong vấn đề Afghanistan Biden tháng 4-2021 tuyên bố sẽ rút quân, ngày 07-08-2021 trong diễn văn tại Nhà Trắng Biden công bố kế hoạch rút quân và nói sẽ hoàn tất vào ngày 31-08-2021[4].

 

         Tin tức trên mạng cho biết tình hình chiến trường Afghanistan cho đến tháng 04-2021 quân Taliban ngự trị trong những chiến khu là chính, hầu như chưa chiếm được một thủ phủ quan trọng nào, số quân Mỹ ở Afghanistan tính đến thời điểm 04-2021 khoảng 2500 lính và hầu như không có binh lính Mỹ nào thương vong kể từ những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Trump cho đến tháng 04-2021 – điều này có nghĩa là quân đội của Kabul chiến đấu tốt và làm chủ được tình hình toàn cục Afghanistan. Song tình hình tấn công của quân Taliban bắt đầu thay đổi dần dần từ tháng 05-2021 (ngay sau khi Biden tháng 04-2021 loan báo vấn đề rút quân), và leo thang liên tục trên các mặt trận trong các tháng 06 và 07-2021.

 

         Chỉ 20 ngày sau khi có tuyên bố của Biden ở Nhà Trắng (08-07-2021) về quyết định rút quân và dự báo sẽ hoàn tất vào 31-08-2021, ngày 28-07-2021 ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại Thiên Tân. Bắt đầu từ cuộc gặp này, quân Taliban ồ ạt tổng tấn công trên các mặt trận, thắng như chẻ tre, và như mọi người đều biết, quân Taliban làm chủ Kabul ngày 15-08-2021.

 

         Điều khó hiểu, nhưng thật ra trong bụng mọi người đã có câu trả lời xác đáng rồi, đó là câu hỏi: Tại sao trong những diễn biến ở chiến trường Afghanistan như nêu trên, ngày 08-07-2021 Biden vẫn có diễn văn công bố kế hoạch rút quân, cam kết sẽ hoàn tất vào ngày 31-08-2021? Báo chí hỏi Biden vào dịp này, Biden vẫn khăng khăng không thể có chuyện Taliban sẽ làm chủ Afghanistan, khẳng định ông ta không quan tâm và không cần biết những gì chính quyền Trump đã ký với Taliban ở Doha… 5 tuần lễ sau, ngày 15-08-2021 nói toàn những điều ngược lại với những trả lời của Biden trong phỏng vấn ngày 08-07-2021.

 

         Đến giờ phút này (19-08-2021), Biden đã phải huy động tới 6000 quân, và nhiều phi cơ chiến đấu Mỹ bảo vệ vùng trời Kabul, để giúp việc đưa hàng chục nghìn người Mỹ và những nhân viên người afghan đã cộng tác với phía Mỹ rời Kabul. Hiện nay chính quyền Mỹ đề nghị phía Taliban cho phép kéo dài thời gian làm việc này ở sân bay Kabul đến sau 31-08-2021.

 

         Ngày 16-08-2021 Biden có bài nói hùng hồn (nhận xét của BBC[5]) giải thích và bảo vệ lý do quyết định rút quân (drawndown decision) của mình. Xin mời mọi người đọc trực tiếp và tự bình luận.

        

         Cũng xin được miễn cho tôi việc tường thuật lại báo chí tả và hữu trên thế giới và ngay trong nước Mỹ phán xét việc làm của tổng thống Biden như thế nào. Về phần mình tôi chỉ nghĩ: Mỹ vào Afghanistan liên quan đến cả thế giới, vì thế việc Mỹ ra khỏi Afghanistan như thế nào tất yếu cũng sẽ liên quan đến cả thế giới, không thể tuỳ tiện được – hoàn toàn không nên và không được phép như vậy, nếu Mỹ còn muốn giữ cho mình thiện cảm và sự tôn trọng của bạn bè trên thế giới.

 

         Một khía cạnh khác, cũng như nhiều người Việt khác, tôi tự coi mình là một người bạn của nước Mỹ, vì vậy chỉ có lời nhắn ngắn ngủi: Mỹ đừng làm thêm nữa những việc “Cốc mò, cò sếu xơi![6]

 

 

                                                             3

 

              Vào dịp này bạn bè hỏi tôi dự đoán tình hình Afghanistan sẽ ra sao. Tôi không muốn đoán mò, trong lòng chỉ cầu mong thánh Alah của họ phù hộ cho đất nước này được bình yên, nhất là phụ nữ và các cháu gái của quốc gia này được hưởng những quyền họ đáng có như ở mọi quốc gia văn minh khác. Nghĩ thế, nhưng trong lòng tấy lên ký ức cũ: Trung Quốc và Khmer đỏ đã làm gì đối với chính nhân dân Campuchia và đối với nước ta!?..

 

            Một ông bạn nữa nặng máu ngoại giao nhà nghề, nên quá sốt sắng hỏi tôi: Trong bối cảnh vấn đề Afghanistan như hiện nay, chuyến đi thăm Việt Nam của phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có bị ảnh hưởng gì không? liệu phía Việt Nam có nhân dịp này chấp nhận Mỹ là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện không – nghĩa là: Việt Nam nên chọn thân phận chư hầu hay chọn vươn ra thế giới bên ngoài? tình hình này Việt Nam có chọn vấn đề tứ giác kim cương (QUAD) không?

 

            Tôi trả lời:

-      Hỏi những câu khó thế này thì đi tìm ĐCSVN mà hỏi!

-      Nhưng nếu ĐCSVN trực tiếp hỏi anh chọn gì? Anh trả lời thế nào?

-      Nếu thế, câu trả lời của tôi rất rành mạch: Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy chọn dân tộc mình!

 

Hà Nội – Võng Thị, ngày 19-08-2021

   Ngày Cách Mạng Tháng Tám.

 


 

[1] Trích từ cuốn:  Nguyễn Trung – Kể chuyện tôi làm chính trị

 

[2] Toàn văn Hiệp định Doha 29-02-2020: https://www.state.gov/wp-content/uploads/2020/02/Agreement-For-Bringing-Peace-to-Afghanistan-02.29.20.pdf

 

[3] Tham khảo cuộc gặp Mỹ - Trung tại Thiên Tân 26-07-2021 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210727-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-ngo%E1%BA%A1i-giao-m%E1%BB%B9-trung-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-nhau-trong-cu%E1%BB%99c-g%E1%BA%B7p-t%E1%BA%A1i-thi%C3%AAn-t%C3%A2n

 

[4] Tham khảo: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/07/08/remarks-by-president-biden-on-the-drawdown-of-u-s-forces-in-afghanistan/

 

 [5] Toàn văn phát biểu ‘hùng hồn’ của Joe Biden ngày 16-08-2021 về Afghanistan

https://www.bbc.com/vietnamese/world-58238907

 

 

[6] Nguyễn Trung: “Cốc mò, cò sếu xơi!” - http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_CocMoSeuXoi.html

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats