Saturday, 21 August 2021

HÀ NỘI PHONG TỎA NHƯNG VẪN ĐỔ TIỀN KỶ NIỆM 'CÁCH MẠNG THÁNG TÁM' (Người Việt)

 



Hà Nội phong tỏa nhưng vẫn đổ tiền kỷ niệm ‘Cách Mạng Tháng Tám’

Người Việt

August 21, 2021

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/lanh-dao-ha-noi-bi-chi-trich-vu-ton-tien-trang-hoang-ky-niem-cach-mang-thang-tam/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thành Ủy Hà Nội đang áp đặt lệnh buộc người dân phải ở nhà vì đại dịch COVID-19, bố trí nhiều chốt kiểm soát dịch khắp thành phố, nhưng chính quyền lại đổ tiền trang hoàng đường phố để kỷ niệm 76 năm “Cách Mạng Tháng Tám.”

 

Hôm 21 Tháng Tám, loạt hình trên báo Hà Nội Mới cho thấy khắp các tuyến đường của thành phố này được trang hoàng ít nhất hàng trăm cờ hoa, băng rôn, pa nô, áp phích… mừng “Cách Mạng Tháng Tám.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/08/VN-Ha-Noi-trang-hoang-co-hoa-1.jpg

Khắp các ngả đường ở Hà Nội đều có cờ hoa, băng rôn, áp phích cỡ lớn kỷ niệm “Cách Mạng Tháng Tám.” (Hình: Hà Nội Mới)

 

Ngoài pa nô, áp phích, một số nơi như huyện Đông Anh còn lắp đặt màn hình LED cỡ lớn ngoài đường để tuyên truyền cho sự kiện nêu trên.

 

Tờ báo cho biết: “Hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước… mà còn tạo không khí tươi vui, phấn khởi cho người dân thủ đô.”

 

Có lẽ lo ngại công luận chỉ trích việc bài trí cờ hoa tốn kém, trong lúc người dân đang khốn khổ vì đại dịch COVID-19, báo Hà Nội Mới không đề cập khoản chi phí được lấy từ tiền thuế dân trong dịp này.

 

Hơn nữa, tiền thuế của dân được chi cho cờ hoa trong lúc các báo ghi nhận có một số người nghèo đang phải ngủ ở gầm cầu do mất việc, hết tiền và sống nhờ sự cứu trợ của các nhà hảo tâm.

 

Việc trang hoàng đường phố diễn ra trong lúc nhà chức trách Hà Nội loan báo gia hạn lệnh “giãn cách xã hội” đến 6 giờ ngày 6 Tháng Chín, vì số ca nhiễm COVID-19 đã hơn 2,700 ca, trong đó hầu hết trường hợp được ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Ông Nguyễn Ngọc Chu, cựu cán bộ Viện Toán Học Việt Nam, đặt câu hỏi trên trang cá nhân: “Có ai vui trong những ngày này? Người thân chết không được nhìn mặt. Đám cưới không được mời bè bạn. Tiền không đủ để mua thức ăn. Nợ đến hạn đang không biết xoay xở đâu để trả. Niềm vui trong gia đình còn không có, thì làm sao có được niềm vui xã hội cho một sự kiện diễn ra cách đây 76 năm với bao thế hệ đã thành người thiên cổ?”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/08/VN-Ha-Noi-trang-hoang-co-hoa-2.jpg

Khu vực quảng trường Ba Đình. (Hình: Hà Nội Mới)

 

Theo quan điểm của ông Chu, “triều đại đến rồi đi, thời nào thì hỷ nộ ái ố của thời đó, không thể có lòng tôn trọng tiền nhân khi không biết tôn trọng người đương thời.”

 

Vị tiến sĩ toán học cũng nêu đề nghị giới lãnh đạo Hà Nội “hãy tiết kiệm và ứng xử đúng trong những ngày đại dịch.” (N.H.K) [qd]

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats