COVID-19
vẽ lên bộ mặt người quản lý xã hội
Phạm
Đình Trọng
20/08/2021
https://baotiengdan.com/2021/08/20/covid-19-ve-len-bo-mat-nguoi-quan-ly-xa-hoi/
Một trong những điều khác biệt dễ nhận thấy nhất
giữa nhà nước dân chủ và nhà nước cộng sản là nhà nước dân chủ quản lí đất nước
và xã hội bằng luật, còn nhà nước cộng sản quản lí đất nước và xã hội bằng lệnh.
Quản lí xã hội bằng luật tạo ra hành lang quyền
hạn rộng rãi và rành mạch cho người dân tự làm chủ bản thân và làm chủ đất nước,
đồng thời tạo ra hành lang trách nhiệm rất rõ ràng, chặt chẽ với người quản lí
xã hội.
Nhà nước quản lí xã hội bằng luật, quyền làm
chủ đất nước của người dân ghi trong luật được thực hiện triệt để. Người dân được
thực sự tư do ứng cử và bầu cử. Hiền tài trong dân được phát hiện và bằng lá
phiếu bầu cử tự do dân chủ, người dân đặt hiền tài vào vị trí xứng đáng quản lí
đất nước và xã hội. Nhờ vậy đất nước phát triển mạnh mẽ, xã hội tốt đẹp, bình
yên.
Đất nước Israel thiếu từ giọt nước ngọt. Đất
nước Nhật Bản nghèo từ hòn đất dưới chân. Bốn phần năm đất đai là núi nghèo tài
nguyên lại có độ dốc lớn, khó phát triển nông nghiệp, khó xây dựng hạ tầng công
nghiệp và khó cư trú, người dân phải dồn xuống dải đất hẹp ven biển thường
xuyên có động đất và sóng thần. Khó vậy, chỉ nhờ những tài năng quản lí đất nước
và xã hội đã đưa Israel và Nhật Bản trở thành đất nước phát triển thần tốc đến
giầu mạnh. Người dân ở vùng nào trong nước cũng có mức sống khá giả và cuộc sống
ổn định, không phải lang bạt đi kiếm sống nơi khác.
Quản lí xã hội bằng lệnh dành cho cấp được ra
lệnh nhiều lợi ích và không đếm xỉa đến quyền làm chủ bản thân, làm chủ đất nước
của người dân, không đếm xỉa đến luật pháp. Điều gì khó quản lí với nhà nước cộng
sản, nhà nước liền ra lệnh cấm, đẩy cái khó cho dân, bất chấp quyền con người,
quyền công dân của người dân.
Quản lí đất nước và xã hội bằng lệnh đã thu hẹp
hành lang trách nhiệm gần bằng không và mở ra hành lang quyền hạn không giới hạn
của những nhà quản lí, những quan cai trị. Các loại lệnh: nghị quyết, nghị định,
thông tư, chỉ thị là ý chí của quan cai trị. Chữ kí và con dấu trong tay quan
cai trị. Muốn lệnh gì có ngay lệnh đó. Bằng các loại lệnh, quan cai trị đã tự
cho mình những đặc quyền, đặc lợi vô cùng lớn. Đặc quyền đặc lợi lúc đương quyền.
Đặc quyền đặc lợi lúc nghỉ hưu. Đặc quyền đặc lợi cả khi đã chết. Đặc quyền đặc
lợi từ đời cha đến đời con. Một bà lên quan ở thành Hồ nhờ có bố là bí thư tỉnh
uỷ đã hợm hĩnh và lếu láo phán rằng: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của
dân!
Chưa bao giờ câu ca dao ai oán trong dân: Con
vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa, lại hiển hiện ở khắp nơi khắp
chốn như hiện nay. Vua bố Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra một thời quốc nạn tham
nhũng, tạo ra cả một trận bão tham nhũng kinh hoàng kéo dài suốt hai nhiệm kì,
mười năm, tàn phá đất nước hơn cả mười năm chiến tranh. Chiến tranh chỉ tàn phá
những giá trị vật chất. Vua tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng tàn phá từ bộ máy nhân sự
giường cột quốc gia, tàn phá giá trị đạo đức, tàn phá giá trị vật chất, tàn phá
giá trị văn hoá đến tàn phá cả tình cảm và lòng tin của người dân với nhà nước
cộng sản. Nguyễn Tấn Dũng về hưu, luật pháp mới dám đụng đến bộ sậu nội các
tham nhũng Ba Dũng để lại và lần lượt gọi tên đám bộ sậu tham nhũng của Ba Dũng
ra toà, nhận án tù. Nhưng vua tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng vẫn bình an, vô can và
vô tư đặt con lên bệ phóng quyền lực để con lặp lại con đường công danh tội lỗi
của vua bố. Vua con trị nhậm ở Kiên Giang, đất vàng của nước, đất sống của dân
bị xâu xé trở thành tài sản của quan chức đỏ và tư bản đen, vua con vẫn thăng
tiến về kinh đô ngồi ghế Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Hồng phúc của dân đó!
Những người quản lí đất nước như vậy, làm sao
đất nước không nghèo, làm sao dân không phải trôi dạt từ Bắc vào Nam, từ rừng
xuống biển kiếm miếng ăn từng bữa!
Không biết đến pháp luật, không biết đến người
dân, quản trị quốc gia bằng lệnh là hành lang tiến thân thần tốc và an toàn cho
những quan chức chỉ có dòng dõi nhà quan, cho những quan chức được cơ cấu và
cho những quan chức chỉ biết chạy chọt luồn lách mà không có năng lực và nhân
cách. Những ông quan chỉ để vinh thân phì gia đã chiếm hết chỗ của hiền tài
trong dân muốn được mang tài năng giúp nước. Đất nước mãi mãi trì trệ, càng
ngày càng tụt lại phía sau trong tiến trình đi tới của thế giới. Người dân cứ
trôi dạt vô định. Nay đến thành Hồ làm thuê, mai đến khu công nghiệp Bình Dương
làm mướn, sống lay lắt, vật vờ cho qua kiếp người.
Quản lí đất nước và xã hội bằng lệnh, người
dân chỉ còn là bầy cừu, không còn là những công dân có trách nhiệm với quốc
gia. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” chỉ có ở thời phong kiến những thế
kỉ xa xưa mà thôi. Thời cộng sản độc tài quản lí xã hội bằng lệnh thì đừng mơ
thất phu hữu trách. Người dân dù là hiền tài cũng chỉ là những con cừu tội nghiệp.
Quan tham và ngu cứ mặc sức lộng hành. Đất nước cứ gian nan. Dân đen cứ nghèo
đói dài dài, cứ lưu vong ngay trên đất nước mình từ đời cha đến đời con, từ đời
ông đến đời cháu!
2.
Nhờ có những thuận lợi tự nhiên, không những
là trung tâm kinh tế của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế và giao thương của
Đông Nam Á và thế giới, thành Hồ đã thu hút được vốn liếng, công nghệ và nhà đầu
tư của cả nước và cả thế giới. Nhờ vậy thành Hồ là nơi tạo ra nhịp sống mạnh mẽ
năng động, tạo ra việc làm, tạo ra hàng hoá dồi dào cho thị trường cả nước và
thế giới, tạo ra việc làm ăn, buôn bán dễ dàng nhất trong nước.
Nước nào cũng có những vùng có điều kiện tự
nhiên thuận lợi và những vùng sự sống khó khăn nhưng có hiền tài quản lí đất nước
vẫn tạo được thế mạnh kinh tế cho vùng đất nghèo khó để ổn định dân cư. Người
dân nơi khó không phải bỏ đi nơi khác. Nevada là vùng đất sa mạc khô cằn và
vách đá trần trụi không có mầu xanh sự sống của nước Mỹ. Hiền tài nước Mỹ đã
xây dựng trên sỏi đá khô cằn và giữa những vách đá sừng sững hùng vĩ những lâu
đài, những sòng bạc, vũ trường lung linh ánh sáng, biến mảnh đất nghèo thành
trung tâm giải trí, trung tâm lạc thú không phải chỉ của nước Mỹ mà của cả thế giới.
Người có đồng tiền dư giả trên khắp thế giới tấp nập tìm đến đổ tiền vào mảnh đất
nghèo của nước Mỹ mua vui thâu đêm và mảnh đất Mỹ không có sự sống đã viết lên
cái tên của sự giầu có, phong lưu, ăn chơi lịch lãm nhất thế giới: Las Vegas.
Las Vegas trở thành chốn xả hơi nghỉ ngơi, giải
trí. Vách đá, thác nước và địa hình gập ghềnh sỏi đá nghèo sự sống nhưng kì thú
của Nevada trở thành nơi du lịch và khám phá cho cả thế giới tìm đến. Người giầu
từ mọi miền đất đến Las Vegas bước ra khỏi ánh sáng Las Vegas là đến kì thú
Nevada. Người dân Nevada không phải lang bạt từ miền Tây sang miền Đông nước Mỹ
đến trung tâm thương mại New York, đến thành phố cảng Chicago kiếm việc làm mà
có việc làm, có thu nhập cao ngay ở mảnh đất sỏi đá khô cằn Nevada nơi họ sinh
ra.
Không ảo tưởng hão huyền, không lạc quan địa
lí rừng vàng biển bạc vẫn có thể khẳng định rằng Việt Nam có điều kiện tư nhiên
thuận lợi cho sự sống con người hơn nhiều nước trên thế giới, hơn Israel, hơn
Nhật Bản. Đất nước nơi nào cũng xanh tươi sự sống, nơi nào cũng non xanh nước
biếc. Nơi nào cũng có thế mạnh kinh tế riêng và nơi nào dân cũng có sức lao động
sáng tạo mạnh mẽ và bền bỉ phi thường.
Nhưng hiền tài trong dân không được sử dụng.
Con người quản lí đất nước và xã hội không phải là hiền tài của nước mà chỉ là
quan chức chính trị chay của đảng do đảng cơ cấu, đặt lên ghế cai trị, do đảng
phân chia cho đám thái tử đảng từ trung ương tới địa phương. Bất tài, quan quản
lí đất nước và xã hội chỉ biết hành xử theo lệnh, theo nghị quyết. Cúi đầu vâng
dạ theo lệnh trên và lạnh lùng, quyết liệt ban phát lệnh cho dân. Đám quan chức
cơ cấu không có năng lực sáng tạo, làm quan chỉ để vinh thân phì gia. Người dân
sống chết mặc bay. Vùng đất khó khăn cứ mãi mãi khó khăn. Người dân phải bỏ mảnh
đất quê trì trệ không sống nổi, tìm đến nơi có điều kiện phát triển để kiếm sống.
Người nghèo từ Yên Bái, Sơn La, người lao động từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh,
Quảng Bình, Quảng Trị … lũ lượt tìm đến thành Hồ đổi sức lao động lấy miếng ăn
từng bữa là vì vậy.
3.
Đất nước Việt Nam tươi xanh, tài nguyên trong
lòng đất, tài nguyên trong lòng nước, tài nguyên trong thiên nhiên, tài nguyên
trong con người đều giầu có nhưng đất nước mãi mãi nghèo khó, người dân mãi mãi
điêu đứng, quằn quại, vật vã, rên rỉ, vật vờ trong kiếp sống mòn vì đội ngũ
quan chức quản lí đất nước và xã hội không tương xứng với đất nước văn hiến,
không tương xứng với thời đại dân chủ và tri thức, không tương xứng với một dân
tộc nhiều hào kiệt, nhiều hiền tài nhưng người dân không được cầm lá phiếu tự
do và dân chủ chọn hiền tài trong dân giúp nước. Đợt dịch Covid 19 bùng phát và
lây lan mạnh ở Việt Nam từ tháng năm 2021 lại càng cho người dân thấy sự không
tương xứng đó ở những người được đảng cộng sản cầm quyền cơ cấu, đặt lên ghế
quan cai trị.
Người dân miền Bắc, miền Trung bỏ quê vào
thành Hồ kiếm sống đều phải chấp nhận tiện nghi sống thấp nhất, tồi tệ nhất.
Người có việc làm cùng đồng lương ổn định và người buôn thúng bán bưng gặp lúc
may mắn có thể dành dụm được chút tiền còm, tích cóp gửi về quê. Nhưng cũng có
rất nhiều người kiếm ăn từng bữa, kiếm được đồng nào xào đồng nấy. Sự có mặt của
những người nhập cư chấp nhận cuộc sống tồi tệ, bấp bênh đã giúp cho các khu
công nghiệp san sát và mênh mông ở thành Hồ, ở Bình Dương, Đồng Nai, giúp cho
hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân có đủ sức lao động, giúp cho
hàng hoá trên thị trường dồi dào, dòng hàng hoá lưu thông ào ạt, sức tiêu thụ
hàng hoá mạnh mẽ, làm nên sự phồn vinh, phát triển cả một vùng đất rộng lớn
phương Nam. Trong số tiền thu ngân sách lớn nhất nước của thành Hồ, có phần
đóng góp rất quan trọng và không nhỏ của những người nhập cư.
Cuối tháng bảy 2021 thành Hồ phát lệnh thực hiện
lệnh Chính phủ là chỉ thị 16, giãn cách xã hội, không có việc cần thiết không
được ra đường. Việc buôn bán kiếm sống trên đường phố của người nhập cư đương
nhiên bị xếp vào loại không cần thiết. Không được ra đường, không còn nguồn sống,
thôi đành về quê. Đợt tháo chạy của dân nhập cư lần thứ nhất khỏi thành Hồ đầu
tháng tám 2021 đã cho thấy năng lực quản lí xã hội và cái tâm với người dân của
quan cai trị. Quan chỉ biết ra lệnh. Trên ra lệnh cho dưới. Dưới ra lệnh cho
dân. Dân khốn khổ vì lệnh như thế nào không cần biết.
Cả một gia đình ba người, bốn người ép thành một
hàng kẹt cứng trên chiếc xe máy cà tàng. Vợ mới sinh được vài ngày ôm con đỏ hỏn
sau lưng chồng giữa những bọc lớn, bọc nhỏ chênh vênh, lắt lẻo trên chiếc xe
máy lúc nổ, lúc tịt, ròng rã nắng mưa gió bụi hơn nghìn cây số. Lúc người dân
khốn cùng như vậy không hề thấy bóng dáng quan cai trị đâu cả. Con lành con ở
cùng bà / Văng mình sốt mẩy con ra ngoài đường. Ca dao của dân gian từ xa xưa
nhưng là tiếng thở dài não lòng của dân nhập cư rời thành Hồ hôm nay đấy. Cảnh
người dân đến thành Hồ bán sức lao động, khi dịch bệnh phải ngậm ngùi, bơ vơ rời
khỏi thành Hồ cũng y hệt cảnh người dân đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ thời dân
một cổ hai tròng dưới chế độ phong kiến và thực dân chưa xa.
Nơi dân nhập cư phải tháo chạy dịch Covid 19,
chính quyền bỏ mặc đã là tận cùng của sự vô lương tâm. Chính quyền nơi quê
hương người dân trở về, chính quyền Thừa Thiên Huế, chính quyền Quảng Ngãi còn
tàn nhẫn, độc ác, khốn nạn không cho người dân trở về quê của mình, trở về nhà
của mình. Đám người ngồi ghế quan cai trị không do người dân cầm lá phiếu bầu
lên mới hỗn xược và tàn nhẫn với dân đến như vậy. Những ông quan, bà quan cai
trị dân được đảng phân chia, sắp đặt cho chiếc ghế quyền lực nên họ chỉ biết có
đảng, chỉ cần nói thật đúng, thật hay theo nghị quyết, một thứ lệnh của đảng,
khi họp chi bộ. Không cần biết đến dân. Mặc kệ dân đói khổ tha phương cầu thực.
Kệ xác dân khi hoạn nạn. Không cho dân vào đất cai trị của quan mang dịch bệnh
vào gây khó cho quan, làm mất thành tích của quan! Chỉ có hạng lên quan nhờ được
đảng cơ cấu, chỉ biết hành xử theo lệnh mới hành xử với dân không còn mảy may
tính người như vậy!
Sau hai tuần giãn cách xã hội đầu tháng tám, số
dân nghèo còn nán lại nơi nhập cư đã kiệt quệ. Không còn tiền sống hàng ngày.
Không còn tiền thuê phòng trọ. Không còn tiền mua viên thuốc lúc dịch bệnh bùng
phát. Chưa mắc dịch bệnh thì nguy cơ chết đói đã cận kề. Người nhập cư đang nín
thở chờ ngày hết hạn giãn cách xã hội 15.8.2021 để lại ra dòng chảy cuộc sống
đi làm thuê, đi buôn thúng bán bưng kiếm sống thì sáng 15.8, lệnh quan cai trị
thành Hồ lạnh lùng ban ra tiếp tục giãn cách xã hội thêm một tháng đến
15.9.2021 đã tạo ra đợt tháo chạy thứ hai, cuộc tổng tháo chạy của dân nhập cư
khỏi thành Hồ.
Thành Hồ đã là ổ dịch Covid 19 lớn nhất, chết
chóc khủng khiếp nhất nước. Cuộc tổng tháo chạy khỏi thành Hồ của người dân nhập
cư ngày 15.8.2021 là cuộc tháo chạy khỏi cái đói do không thể kiếm sống và tháo
chạy khỏi cái chết do Covid 19 bủa vây. Người quản lí xã hội thành Hồ sáng suốt
phải nhận ra rằng dân nhập cư đều ở những khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp, tối
tăm, tù túng, lại người người chen chúc là môi trường quá tốt cho covid 19 khu
trú và lây lan. Người nhập cư ở lại là thụ động trông chờ vào nguồn cứu trợ vô
cùng hạn hẹp, ít ỏi, nhỏ giọt. Trở về là chủ động xoay xoả lá rau ngoài vườn,
quả trứng gà trong chuồng, con cá dưới ao và sự san sẻ đùm bọc vô tận của họ
hàng, làng xóm. Tiền cứu trợ dù ngàn tỉ, chục ngàn tỉ, trăm ngàn tỉ cũng quá nhỏ
bé với số người cần cứu trợ tới hàng triệu và với dịch Covid 19 còn dai dẳng. Y
tế thành Hồ đã quá tải. Người nhập cư rời thành Hồ về quê cũng giúp gánh nặng
chống Covid 19 của thành Hồ nhẹ đi rất nhiều. Lúc này người nhập cư rời bỏ môi
trường ngột ngạt Covid 19, trở về với màu xanh trong lành ở làng quê là đúng đắn
và cần thiết.
Lẽ ra việc khẩn thiết cần làm không phải là
giãn cách xã hội mà là chính quyền thành Hồ cần làm việc với chính quyền nơi
người dân trở về rồi hai tỉnh thành tổ chức đưa đón để cuộc trở về quê của dân
được thuận tiện, an toàn và ấm áp tình người. Không chia sẻ với nỗi khó của
dân, chính quyền chỉ biết ra lệnh, dồn thêm nỗi khó cho dân, lại lệnh cho quân
đội, công an, dân phòng, lệnh cho công cụ bạo lực ra chặn dân nhập cư chạy trốn
cái đói, chạy trốn dịch bệnh Covid 19.
Giãn cách xã hội làm ngưng dòng chảy cuộc sống,
không cho người dân được quyền kiếm sống và ngăn chặn người dân nhập cư trở về
quê, đều là việc làm thô bạo, chà đạp lên quyền con người.
Lệnh giãn cách xã hội, không cho dân ra khỏi
nhà, đi lại trên đường thực sự là lệnh tước đoạt quyền con người cơ bản của người
dân. Động vật là loài vật có vận động, di chuyển. Con người là động vật cao cấp
nhất và quyền đầu tiên, cơ bản nhất của con người là quyền đi lại. Luật cơ bản,
luật cao nhất của nước nào cũng có điều luật bảo đảm quyền đi lại của người
dân. Quyền tự do đi lại của người dân Việt Nam được Hiến pháp 2013 bảo đảm ở điều
23: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước.
Tháng 4/2021 dịch Covid 19 bùng phát đợt thứ
tư dữ dội nhất ở Canada. Canada chỉ có hơn 37 triệu dân mà có tới hơn một triệu
dân nhiễm dịch, hơn hai mươi ngàn dân chết dịch. Mỗi ngày có cả ngàn dân nhập bệnh
viện vì Covid 19. Dịch Covid 19 ở Canada nặng nề, thê thảm hơn ở Việt Nam nhiều
lần, quyền tự do đi lại của người dân Canada vẫn được bảo đảm.
Để biết vì sao người dân vẫn dập dìu trên đường
phố khi dịch bùng phát dữ dội, thủ hiến Dough Ford của tỉnh bang Ontario cho một
nhóm cảnh sát chặn ngẫu nhiên người ngược xuôi hỏi lí do đi đường. Lập tức người
dân Canada đùng đùng nổi giận, đòi người ra lệnh xét hỏi dân phải từ chức vì
xâm phạm quyền tự do đi lại và quyền riêng tư. Cảnh sát cũng ý thức được hành
vi trái pháp luật của mình. tự động dừng công vụ, không chấp hành lệnh xét hỏi
dân. Hôm sau lệnh của thủ hiến bị thu hồi và thủ hiến Dough Ford phải lên truyền
hình khẩn khoản xin lỗi dân.
Không quản lí xã hội bằng luật, chỉ quen quản
lí bằng lệnh, chống Covid 19, nhà nước Việt Nam từ trung ương đến địa phương chỉ
biết liên tiếp ban lệnh giãn cách xã hội, tước đoạt quyền tự do đi lại, sinh sống
của người dân. Người dân thì thực sự là bầy cừu, ngoan ngoãn theo chiếc gậy quyền
lực lùa đuổi. Có người phản kháng vì bị tước đoạt quyền tự do đi lại thì lại phản
kháng tiêu cực. Ngày 17.8.2021 một thanh niên đi xe máy ở Thủ Dầu Một, Bình
Dương bị cảnh sát chặn lại xét hỏi và lập biên bản xử phạt. Anh thanh niên liền
châm lửa đốt chiếc xe của mình. Chiếc xe ngùn ngụt cháy như ngọn lửa Norman
Morrison ở nước Mỹ năm 1965 phản đối chính phủ Mỹ đưa lính Mỹ sang tham gia chiến
tranh Việt Nam.
Bằng mắt thường không nhìn thấy con Covid 19
nhưng con Covid 19 vô hình lại cho ta thấy rõ hai loại hình chính quyền. Một
chính quyền mọi hành xử lớn nhỏ đều theo luật, đều vì con người, vì người dân.
Một chính quyền chỉ hành xử theo lệnh và lệnh thường đẩy phần khó cho dân,
giành lợi ích cho quan. Con Covid 19 vô hình còn cho ta thấy rõ hơn những khuôn
mặt của một chính quyền hành xử theo lệnh, khuôn mặt những người quản lí đất nước
và xã hội Việt Nam.
No comments:
Post a Comment