Thursday, 19 August 2021

CHÚNG TÔI GẶP NHỮNG NGƯỜI ĐANG KÊU CỨU TRÊN BẢN ĐỒ SOS. ĐÂY LÀ CÂU CHUYỆN CỦA HỌ (Năng Tịnh, Hạ Di - Luật Khoa)

 


Chúng tôi tìm gặp những người đang kêu cứu trên bản đồ SOS. Đây là câu chuyện của họ    

NĂNG TỊNH, HẠ DI   -   LUẬT KHOA

19/08/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/08/chung-toi-tim-gap-nhung-nguoi-dang-keu-cuu-tren-ban-do-sos-day-la-cau-chuyen-cua-ho/

 

Không được chính quyền trợ giúp, họ phải trông đợi sự giúp đỡ của những người xa lạ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-57-1024x576.jpeg

Ảnh minh họa. Nguồn: Hữu Khoa/ Dân Trí, chụp màn hình trang SOSmap.net

 

Sau khi bài viết giới thiệu về trang web “SOS map” được đăng tải, một số bạn đọc của Luật Khoa đã liên hệ với các trường hợp cần giúp đỡ ở khu vực của mình. [1] Họ đã chia sẻ cho chúng tôi hoàn cảnh của những con người đang cầu cứu đó. Những chia sẻ bên dưới được viết lại từ lời kể của bạn đọc. Tên của các nhân vật được thay đổi để đảm bảo tính riêng tư.

 

                                                               ***

 

“Hoàn toàn không có trợ cấp gì”

 

Gia đình bốn người của chị Trân sống tại quận 12. Chị không may khuyết tật, ở nhà nuôi đứa con nhỏ bốn tuổi. Nguồn thu chính của gia đình phụ thuộc vào những người lớn khác trong nhà. Chồng chị làm nghề sửa xe và một người khác làm công nhân đều mất việc kể từ khi thành phố ra lệnh giãn cách. Suốt hai tháng qua, cả gia đình đều không có đồng thu nhập nào. Số tiền dành dụm ít ỏi của họ không đủ chống chọi với đủ thứ chi phí. Hàng xóm bên cạnh chị trong cùng xóm trọ, đa phần là công nhân, cũng thất nghiệp hai tháng nay.

 

Chồng chị là lao động tự do không có trợ cấp, những công nhân khác trong khu của chị cũng không. Khi được hỏi về việc nhà nước trợ giúp, chị cho biết “hoàn toàn không có trợ cấp gì”, cho dù là từ tổ dân phố, phường hay quận.

 

Khu vực của chị may mắn chưa bị phong tỏa, nhưng cái may đó lại thành rủi khi những lần hiếm hoi các mạnh thường quân đến giúp đỡ lại chỉ tập trung tiếp tế cho khu phong tỏa, bỏ qua những hộ gia đình ở ngoài cũng nguy khốn không kém. Chỉ khi nào còn dư đồ thì các phần trợ giúp ít ỏi đó mới tới được các hộ bên ngoài khu phong tỏa.

 

Giống như nhiều người khác, gia đình chị và những người trong khu trọ đều đăng ký gói hỗ trợ đợt 1 và đều… không thấy gì. Trong lúc mòn mỏi chờ gói hỗ trợ đợt 2 hay những lời hứa hẹn mới nhất từ chính quyền, họ phải lên mạng cầu cứu mọi sự giúp đỡ.

 

 

Mắc bệnh ung thư, nhưng không được bất kỳ ai liên hệ để tiêm vaccine

 

Chị Quyên tại quận Gò Vấp cũng không may không thể tự đi làm kiếm tiền. Bốn năm qua, kể từ khi mắc bệnh ung thư, chị phải nghỉ hẳn để tập trung chữa bệnh. Trước đó, chị có công việc ổn định trong một tổ chức phi lợi nhuận. Thời gian qua, chồng chị may mắn vẫn tìm được công việc lái xe chở hàng, nhưng thu nhập bị cắt giảm đi nhiều so với trước dịch. Một điều may khác là chị ở gần cô tổ phó của tổ dân phố. Biết hoàn cảnh của chị, trong hai lần tổ được phát gạo, cô tổ phó tranh thủ xin được cho chị mỗi lần một bao gạo 5 kg.

 

Chị có liên hệ nhiều nơi để được đăng ký trợ cấp theo diện hộ nghèo, nhưng đều bị từ chối. Lý do là “người ta nói điều kiện để được xác nhận là hộ nghèo là mình phải không có tivi, không có tủ lạnh, máy giặt, không có xe máy, nên chị không có được”.

 

Không “đủ điều kiện” để được hỗ trợ, chị phải tìm cách kêu gọi sự giúp đỡ ở nhiều nơi, trong đó có các nhóm Facebook tự phát. Nhưng có lẽ vì quá nhiều lời kêu cứu nên những trường hợp của chị lọt thỏm không nhận được phản hồi. “Chị cũng ngại phải xin tới xin lui như vậy hoài, nên thôi”.

 

Điều khiến chị lo nhất là chuyện tiêm vaccine. Mắc bệnh ung thư, thuộc diện ưu tiên theo chính sách của chính quyền, nhưng chị không được bất kỳ ai liên hệ sắp xếp tiêm. “Thấy có nhiều người trẻ hơn mà không có bệnh nền họ được tiêm nhiều lắm”, chị nói. “Nhiều khi mình bức xúc, mình thấy kỳ quá mà cũng không biết nói với ai”.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-58-1024x683.jpeg

Người nghèo, người vô gia cư ngồi kéo dài trên cầu Nguyễn Văn Cừ hướng từ quận 5 sang quận 8 chờ nhận quà từ các hội nhóm từ thiện. Ảnh chụp trước ngày thành phố ra chỉ thị người dân không được ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Ảnh: Hữu Khoa/ Dân Trí.

 

 

Gọi lên đường dây nóng 1022 của thành phố, họ “nói ngược nói xuôi”

 

Ở trong cùng quận Gò Vấp, chị Hoa thì tìm ra được người để nói, nhưng kết quả không mấy khác biệt. Chị gọi hai lần lên đường dây nóng 1022 của thành phố để tìm kiếm trợ giúp, nhưng “họ nói ngược nói xuôi, rồi kêu mình liên hệ về ủy ban phường, quận gì rồi thôi”. Khi chị liên hệ với phường thì “người ta nói mình không phải đối tượng nhận hỗ trợ”.

 

Trong khi đó, chị Hoa làm tạp vụ, bị công ty cho nghỉ việc từ cuối tháng Năm. Tuy có hợp đồng lao động, nhưng không được hỗ trợ gì. “Công ty cũng dẹp luôn mà”, chị nói. Chồng chị làm xây dựng, cũng lâm vào cảnh thất nghiệp mấy tháng nay và cũng không nhận được trợ cấp gì.

 

Gia đình chị nợ tiền thuê nhà hai tháng nay, mọi chi tiêu khác đều phải cầm chừng. “Đồ ăn thì nhà chị phải ăn cầm chừng, chứ không hết rồi không còn gì để ăn thì đói”.

 

Sự giúp đỡ duy nhất chị nhận được là từ “mấy nhà giàu trong xóm họ có điều kiện, thấy mình tội nên họ mang gạo, mì tôm họ tới phát cho”.

 

 

“Gọi phường thì cũng đâu có được gì”

 

Không xa nơi chị Hoa ở, chú Dũng cũng nợ tiền nhà ba tháng qua. May mắn là chủ nhà thông cảm, nói chú khi nào qua dịch đi làm được thì trả sau. Nỗi lo về chốn ở tạm thời được gỡ xuống, nhưng cái lo thiếu đói thì lại hiển hiện.

 

Chú làm tài xế taxi, nhưng từ đầu dịch đến nay đã bị công ty cho nghỉ việc. Khoản hỗ trợ duy nhất chú nhận được khi mất việc là 400.000 đồng từ công ty. Ngoài ra, nhờ có hợp đồng lao động, chú được công đoàn cho thêm 200.000 đồng. Đấy là chú đã may mắn vì “ai không có hợp đồng lao động thì không được nhận khoản này đâu”.

 

Nhưng cái hợp đồng lao động đó lại đặt chú Dũng nằm ngoài nhóm “đối tượng được hỗ trợ của chính quyền”. Khi chú liên hệ với tổ dân phố để xin hỗ trợ, người ta nói “chú ở bên công ty nên họ không giải quyết”, và “muốn xin gì thì liên hệ với phường”.

 

“Nói vậy chú thấy thái độ vậy thì thôi, chứ gọi phường cũng đâu có được gì”, chú lắc đầu.

 

Có hai lần chú được mạnh thường quân ở nhà thờ cho gạo và mì tôm. Đó là nhờ những người khác biết tin có đoàn làm từ thiện, cùng gọi nhau chạy ra xin. Nhưng “chú cũng hơn 50 tuổi rồi, đi ra xin hoài chú cũng thấy xấu hổ”.

 

 

Không có thông tin về các gói hỗ trợ của chính quyền

 

Chị Tâm, nhà ở quận Bình Tân, có lẽ cũng có tâm trạng đó khi phải cầu cứu sự giúp đỡ từ những người xa lạ. Như nhiều người khác, gia đình chị đều thất nghiệp từ khi thành phố phong tỏa.

 

Dòng mô tả của chị trên trang SOS map chỉ vỏn vẹn vài chữ “nhà em đói quá ạ”. Khi gặp tôi, chị cũng rất kiệm lời, chỉ “dạ”, “cảm ơn” và “em không biết”. Câu trả lời không biết là về các gói hỗ trợ của chính quyền được công bố trên báo đài.

 

Chị không có thông tin nào về tổ trưởng tổ dân phố lẫn chủ tịch phường để hỏi về các khoản đó. Ngay cả khi được cung cấp số điện thoại của người chịu trách nhiệm khu vực, chị cũng ngại ngần hỏi lại “mình phải nói gì với họ hả anh”.

 

Chần chừ trong việc chủ động đòi quyền lợi của mình, nhưng chị Tâm lại sốt sắng cho những người khác trong xóm đang cầu cứu. Ngay sau khi gặp, chị gọi điện ngay cho tôi, số điện thoại duy nhất chị có thể hỏi giúp đỡ vào lúc đó, để nhờ tìm cách hỗ trợ cho một trường hợp bệnh dương tính đang nguy kịch gần đó.

 

                                                            ***

 

Trên đây chỉ là vài trường hợp mà bạn đọc của Luật Khoa chia sẻ khi tìm gặp những người cầu cứu trên SOSmap.net

.

Hai tuần trước, có 7.600 lời cầu cứu trên trang web. Tính đến ngày 18/8/2021, con số này lên đến gần 18.000, với chỉ 2.500 trường hợp được ghi nhận giúp đỡ.

 

Nếu không ở trong hoàn cảnh của họ, thật khó tưởng tượng được tình thế nguy nan đến mức nào và phải có dũng khí ra sao mới đủ gạt qua một bên lòng tự trọng để cầu cứu những người xa lạ.

 

Và không chỉ những người đang cầu cứu mới bị đặt trong tình cảnh chẳng đặng đừng.

 

Một độc giả của Luật Khoa đã tâm sự khi cô liên hệ giúp đỡ những trường hợp này.

 

“Tôi sợ phải đóng vai là người ban phát. Tôi không muốn mình được phong làm anh hùng (hay cô tiên nhỏ – như chú Dũng đã gọi tôi). Nhưng với họ, tôi có lẽ là người (duy nhất) mà họ có thể ‘gõ cửa’ vào lúc này. Có lẽ là vậy.”

 


 

Chú thích

1. Tịnh, N. (2021, August 6). Dân kêu cứu khắp nơi, chính quyền thì đang làm gì? Luật Khoa Tạp Chí. 

https://www.luatkhoa.org/2021/08/dan-keu-cuu-khap-noi-chinh-quyen-thi-dang-lam-gi/

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats