Friday 6 August 2021

CHỈ CÓ THỂ NÓI: KHÂM PHỤC VÀ NHÂN CHUYỆN NGƯỜI MÔNG HỒI HƯƠNG, NÓI CHUYỆN LỰA CHỌN CHỮ MÔNG (Nguyễn Văn Hiệp)

 


CHỈ CÓ THỂ NÓI: KHÂM PHỤC VÀ NHÂN CHUYỆN NGƯỜI MÔNG HỒI HƯƠNG, NÓI CHUYỆN LỰA CHỌN CHỮ MÔNG   

Nguyễn Văn Hiệp

04/08/2021  lúc 03:44  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=988709081947680&id=100024257933167

 

Cách đây 7 năm (2014), tôi vô cùng kinh ngạc trước sức sống và đôi chân vạn dặm (theo đúng nghĩa đen) của một người Mông, khi đọc tin trên báo Thanh niên: "Vừ Già Pó, một người đàn ông Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) bị cho là mất tích cách đây 2 năm, không hiểu bằng cách nào lưu lạc hơn 5.800 km băng qua Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan)"

 

Hôm nay, đọc trên Vnexpress bài "Cuộc hồi hương 2000 km" kể về cuộc hồi hương bằng xe máy vượt 2000 km của cặp vợ chồng người Mông với 3 đứa con nhỏ, từ Lâm Đồng về đến Lào Cai (vì Hà Nội đang phong toả nên phải đi vòng ra cung Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu). Thật khâm phục ý chí và sự chịu đựng phi thường của gia đình anh Giàng Đỗ Chai, người cầm lái kiên cường đã đưa cả nhà về đến quê an toàn.

 

Tôi đã từng chạy xuyên Việt và ngược xuôi "tối không biết ngủ đâu, thức với ai" trên các cung đèo Tây Bắc, Đồng Bắc nên tôi hiểu quãng đường 2000 km đó lê thê thế nào, oải lắm, mà tôi chạy xe gầm cao, máy 188 mã lực, điều hoà mát lạnh, có định vị Vietmap lẫn Google map (dĩ nhiên, ở miền núi thì Việt mép không thể bằng Việt mồm, tức là đừng tin Vietmap, nhiều khi chỉ bậy, hãy hỏi người địa phương), trong khi anh Giàng Đỗ Chai chẳng có gì ngoài chiếc xe máy cũ, tay lái nặng trĩu vì phải chở 5 người cùng đồ đạc, lại còn không thông thuộc địa hình Tây Nguyên, chỉ biết chạy theo "đường cái to to" và biển chỉ dẫn lác đác dọc đường.

 

Khoảng 5-6 năm nay, một phần do công việc, một phần do thích phiêu lãng vào những dịp nghỉ, tôi có điều kiện đi đến với những bản người Mông heo hút. Chế Cu Nha, La Pán Tẩn ở Yên Bái, Tà Xùa (Bắc Yên) ở Sơn La, Sin Suối Hồ (Phong Thổ), Mường Tè ở Lai Châu, Mường Nhé ở Điện Biên, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và Mèo Vạc ở Hà Giang, Bắc Hà ở Lao Cai, Kỳ Sơn ở Nghệ An (chạy từ Vinh lên Kỳ Sơn đường xa gần bằng chạy từ Vinh ra Hà Nội), Quan Hoá, Quan Sơn (Thanh Hoá)... những địa danh đó, trong tôi giờ rất đỗi thân quen, với bao tình cảm yêu mến,. Bên cạnh những phiên chợ sặc sỡ váy áo các cô gái Mông, mặt tươi như hoa ngày được xuống chợ, màu áo đen thâm trầm của đàn ông người Mông, với nét mặt khắc khổ hàng ngày được nở ra ở các ngóc ngách chợ phiên, thư giãn, cười quên hết nhọc nhằn bên nồi thắng cố nóng hổi, tôi biết đời sống người Mông còn quá vất vả, vì tôi đã đến, đã thấy, và đã hiểu.

 

Tôi đã gặp những trí thức người Mông thông minh, có trách nhiệm với đồng bào, mong mỏi đồng bào có cuộc sống tốt hơn, trẻ con được đi học, tôi đã gặp những lãnh đạo địa phương người Mông, trăn trở sao cho người Mông thoát nghèo, sống hoà hợp với thiên nhiên được bảo vệ, không phải hàng năm thấy cảnh đồi trọc thêm ra, bị khai thác lở loét, rồi những cơn lũ tràn về cuốn phăng tất cả như nước một trận mưa lớn trên máng xối, cái mà người miền xuôi chỉ biết được qua tên gọi là lũ ống, lũ quét khi đọc tin trên báo.

 

Một bộ phận người Mông đã tha hương. Tôi đã gặp họ đâu đó ở Đông Nam Bộ trên những chuyến điền dã của mình (các chuyến điền dã ở Tây Nguyên bị hoãn, do đại dịch covid, nhưng tôi biết người Mông vào sống ở Tây Nguyên cũng nhiều), ở đâu cũng vậy, họ chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, không hề kêu ca, oán trách số phận,

 

Và hôm nay, đọc tin về cuộc hồi hương 2000 km của gia đình anh Giàng Đỗ Chai, bên cạnh sự khâm phục vô hạn, tôi nghĩ chúng ta, mỗi người một góc độ, hãy góp sức làm một điều gì tốt cho họ.

 

Một trong những vấn đề tôi quan tâm, và được được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, là vấn đề chữ viết cho người Mông. Một dân tộc thiểu số có số dân đông như người Mông (1.393.547 người, xếp thứ 5 trong số các dân tộc thiểu số ở VN, số liệu thống kê ngày tháng 04/2019, xếp sau người Kinh 82.085.826, Tày 1.845.492, Thái 1.820.950, Mường 1.452.095) cần có chữ viết để làm công cụ bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, rộng đường tiếp thu tri thức nhân loại, để người Mông phát triển bền vững cùng các dân tộc anh em khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với tiếng Việt được hiến định là ngôn ngữ quốc gia (Hiến pháp 2013).

 

Câu chuyện chữ Mông là câu chuyện dài nhưng có thể tóm tắt như sau: đang tồn tại trong cộng đồng người Mông 2 loại chữ viết: 1) chữ viết được xây dựng ở VN vào năm 1961 và được giảng dạy (ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau) hơn 50 năm qua, với hiệu quả rất khiêm tốn, vì rất khó học và mau quên; 2) chữ viết Mông có nguồn gốc quốc tế, được sử dụng rất nhiều hiện nay qua các ấn phẩm clip bài hát, phim ảnh (phụ đề chữ Mông quốc tế) và các ấn phẩm tôn giáo, là loại dễ học, dễ sử dụng. Lựa chọn loại chữ nào là một vấn đề cần được cân nhắc từ nhiều góc độ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, theo chương trình Ngữ văn mới, tiếng Mông được Bộ GD và Đào tạo chọn là một trong 8 tiếng dân tộc thiểu số được đưa vào giảng dạy ở các cấp học (phần tự chọn), tức phải tổ chức biên soạn sách giáo khoa, đào tạo giáo viên,. Một sự lựa không đúng sẽ làm giảm cơ hội phát triển của các thế hệ người Mông tương lai.

 

Tôi có một bài viết về vấn đề này, với phần Kiến nghị ở cuối bài, xin dẫn ra như sau:

 

Tham khảo những nghiên cứu trước đây (của các tác giả Hờ Bá Hùa, Nguyễn Kiến Thọ, Lý Tùng Hiếu, Hoàng Xuân Lương, UB Dân tộc... như đã dẫn) và từ khảo sát riêng của chúng tôi (qua phỏng vấn sâu từ các chuyến đi điền dã ở Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, trong đó có những vùng như Sơn La, Lai Châu chúng tôi đã thực hiện điền dã hai lần, lần sau tập trung vào phỏng vấn sâu), có thể đi đến những kiến nghị sau đây:

 

Thứ nhất, nhà nước và các tổ chức giáo dục cần nghiên cứu thêm về thực trạng và nhu cầu sử dụng chữ viết của người Hmông ở Việt Nam, có thêm những nghiên cứu so sánh những đặc điểm xã hội và ngôn ngữ học của chữ Hmông Việt Nam và chữ Hmông quốc tế, qua đó xác định bộ chữ nào phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân, cần thiết xem xét việc hợp thức hóa việc dạy và học chữ Hmông quốc tế. Nếu chúng ta chỉ khăng khăng thừa nhận chữ Hmông Việt Nam thì chúng ta đã bỏ qua thực tế về sự tồn tại khách quan chữ Hmông quốc tế ở Việt Nam, được một số lượng rất lớn người Hmông biết và sử dụng hàng ngày. Chúng tôi đã phỏng vấn những ngưởi trẻ ở chợ Bắc Yên (Sơn La) và khu du lịch Cát Cát (Sa Pa), tất cả các em đều nói là “không học mà vẫn biết chữ Hmông quốc tế” nhờ việc xem phụ đề phim, phụ đề bài hát tiếng Hmông từ Internet, thông qua sử dụng điện thoại thông minh.

 

Thứ hai, cần tách biệt mục đích ban đầu với giá trị thực tiễn khách quan của bộ chữ. Trên thực tế còn nhiều ý kiến cho rằng chữ Hmông quốc tế tiềm tàng các yếu tố nhạy cảm về chính trị (xem đây là bộ chữ dùng để truyền đạo Tin Lành). Tuy nhiên, như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, cần thấy rằng, việc đạo Tin Lành sử dụng chữ Hmông quốc tế để truyền bá Kinh Thánh và việc chữ Hmông quốc tế hiện được đón nhận và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Hmông (theo Tin Lành và không theo Tin Lành) là hai việc khác nhau, nên có sự tách biệt. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, dễ dàng thấy rằng ngay cả chữ Quốc ngữ ban đầu được chế tác cũng là để phục vụ truyền giáo, nhưng sau đó đã trở thành chữ viết của cả dân tộc, thay thế cho chữ Nôm để ghi lại tiếng Việt.

 

Thứ ba, cần ghi nhận ý kiến ban đầu của các nhà ngôn ngữ học khi họ đã đánh giá khách quan rằng: bộ chữ Hmông Việt Nam được xây dựng chưa thực sự hợp lí, cho nên phức tạp, khó học, ít hiệu quả, do giải pháp phân xuất âm vị học chưa hợp lí, có nhiều trường hợp không phân biệt nét khu biệt và nét rườm, đó là chưa kể chữ Hmông Việt Nam chủ yếu chỉ dựa vào một phương ngữ Hmông không thực sự tiêu biểu. Trong khi đó, chữ Hmông quốc tế du nhập vào việt Nam một cách rất tự nhiên và được đồng bào chấp nhận và sử dụng ngày càng phổ biến.

 

Nhà nước cần có thêm điều tra, nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, lắng nghe ý kiến của người Hmông và ý kiến chuyên gia để có thể chính thức công nhận và đưa vào sử dụng bộ chữ Hmông quốc tế trong các chương trình Quốc gia, để đảm bảo tính thống nhất và thuận lợi cho việc dạy-học chữ Hmông hiện nay trên cả nước.

 

Thứ tư, cần cân nhắc những được và mất khi không thừa nhận bộ chữ Hmông quốc tế. Như mọi người đều biết, lí luận của chủ nghĩa Mác cho rằng bản thân ngôn ngữ không mang tính giai cấp, chỉ có cách sử dụng và mục đích sử dụng ngôn ngữ mới mang tính giai cấp. Thực tế cho thấy, nếu như chúng ta vẫn cứ sử dụng chữ Hmông Việt Nam như là chữ viết duy nhất, thì rõ ràng việc cứ bắt buộc học và sử dụng một thứ chữ, mà theo ý kiến của nhiều người mà chúng tôi có dịp phỏng vấn, là khó viết, khó hiểu và không còn nhiều người sử dụng, sẽ là một việc ít có tác dụng và thiếu tính khoa học, thiếu thực tế và là một việc làm rất tốn kém.

 

(Nói thêm: Mục sư Hạng A Xà, trong một phỏng vấn sâu, có ý nói: Nếu không thừa nhận chữ Hmông quốc tế, thì nguy cơ chúng ta có thể “thua trên sân nhà”. Ông dẫn chứng: Trong vụ lộn xộn về chính trị, xã hội ở Mường Nhé, tài liệu tuyên truyền, giải thích viết bằng chữ Hmông Việt Nam chính quyền gửi cho đồng bào thì không ai đọc được, vì thế không hiệu quả. Trong khi đó, tài liệu do các thế lực có động cơ xấu, viết bằng chữ Hmông quốc tế, gửi đến các nhóm chống đối, thì tất cả đều đọc được và nhiều người làm theo. Trong một phỏng vấn sâu với một trí thức Hmông là lãnh đạo địa phương ở Điện Biên, ông cho rằng tốt nhất nhà nước nên thừa nhận chữ Hmông quốc tế, dùng như một công cụ, phương tiện rất hiệu quả để chuyển tải nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước).

 

Thứ năm, không nên dùng tên gọi chữ Hmông Mỹ để chỉ chữ Hmông quốc tế, dùng tên gọi chữ Hmông Cách mạng để chỉ chữ Hmông Việt Nam. Nên thống nhất dùng chữ Hmông quốc tế (xuất xứ quốc tế) và chữ Hmông Việt Nam (do người Việt Nam xây dựng).

 

Thứ sáu, nếu vẫn chủ trương dùng chữ Hmông Việt Nam, cần có những nghiên cứu “giải phẫu” để chỉnh sửa, khắc phục những khuyết điểm của chữ Hmông Việt Nam, bổ sung để bộ chữ này tương thích rộng rãi với các vùng người Hmông khác. Trong khi văn liệu chữ Hmông Việt Nam chưa nhiều, chưa nhiều người biết và chưa được sử dụng rộng rãi thì việc chỉnh sửa, bổ sung này là hoàn toàn khả thi. Trong phỏng vấn sâu của chúng tôi với một lãnh đạo địa phương ở huyện Mường Tè (Lai Châu), vị lãnh đạo này cho rằng có thể dùng chữ Hmông Việt Nam nhưng cần phải cải tiến, sao cho giống với chữ Hmông quốc tế.

 

Sau các đợt điều tra, phỏng vấn sâu về thực trạng, thái độ và nguyện vọng của đồng bào về việc sử dụng chữ Hmông, chúng tôi thiên về ý kiến của Nguyễn Kiến Thọ trong một nghiên cứu năm 2014: “không nên/không thể muộn hơn, chúng ta cần công nhận và thống nhất sử dụng chữ Mông quốc tế trong dạy-học chữ Mông ở Việt Nam, vì một mục tiêu hướng tới sự phát triển và khám phá, bảo tồn những giá trị văn hoá đặc sắc và độc đáo của cộng đồng người Mông cũng như việc xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (Nguyễn Kiến Thọ, tài liệu đã dẫn).

 

Vì sự phát triển bền vững của đất nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ, trong đó người Hmông là một thà nh tố quan trọng, Nhà nước cần phải có chính sách đúng đắn trong việc lựa chọn chữ Hmông, để cộng đồng người Hmông có công cụ mạnh để bảo tồn và phát huy tiếng nói, văn hoá của dân tộc mình trong bối cảnh công nghiệp hoá, đổi mới và hội nhập. Chúng tôi mong báo cáo này nhận được nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc lựa chọn đúng đắn chữ Hmông, đưa vào giảng dạy và sử dụng" (Nguyễn Văn Hiệp - Chữ Hmông ở Việt Nam: thực trạng và những vấn đề liên quan đến quyền ngôn ngữ),

 

Còn đây là link bài báo về cuộc hồi hương bằng xe máy vượt 2000 km của gia đình người Mông, đã làm xúc động nhiều người:

Cuộc hồi hương 2.000 km  

https://vnexpress.net/cuoc-hoi-huong-2-000-km-4335266.html

 

52 BÌNH LUẬN  

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats