Thursday, 12 August 2021

BẤT CHẤP DELTA BÙNG PHÁT, ĐÔNG NAM Á VẪN NGOẢNH MẶT VỚI VACCINE TRUNG QUỐC (Nguyễn Long Chiến - Saigon Nhỏ)

 


 

 

Bất chấp Delta bùng phát, Đông Nam Á vẫn ngoảnh mặt với vaccine Trung Quốc

Nguyễn Long Chiến
11 tháng 8, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/bat-chap-delta-bung-phat-dong-nam-a-van-ngoanh-mat-voi-vaccine-trung-quoc/

 

Các nước Đông Nam Á từng triển khai rộng rãi vaccine Trung Quốc giờ đang quay lưng lại với các mũi chích tiếp và thay bằng vaccine phương Tây…

 

Thay đổi thái độ trong khu vực mà Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ đã làm lộ rõ sự hạn chế ngoại giao vaccine của Bắc Kinh. Các quốc gia như Indonesia và Thái Lan từng đặt lòng tin vào Sinovac Trung Quốc – bỏ ngoài tai cảnh báo của các chuyên gia y tế, hệ thống y tế – đang gồng mình với sức ép khi biến chủng Delta xé toạc các thành phố lớn nhỏ. Số người chết ở Indonesia vượt qua 100,000.

 

Tống Gia An, Phó giáo sư khoa chính trị Đại học quốc gia Singapore, nói: “Thực tế hiện nay cho thấy sự khác biệt quá rõ giữa những lời khoe khoang triển khai chích ngừa với việc cả quyết chúng hiệu quả cao, thậm chí có rất ít dữ liệu về vaccine”. Ông ta nói thêm, sự thay đổi cho thấy “thật nguy hiểm biết bao khi mà biến cố đại dịch, cùng với hiểm họa đe dọa mạng sống con người, lại trở thành một loại công cụ tuyên truyền”.

 

Sinovac và Sinopharm là hai sản phẩm thử nghiệm lâm sàng sớm nhất nhưng chúng chẳng cho thấy dữ liệu đầy đủ. Hàng triệu người chích vaccine Trung Quốc mà các chính phủ vội vã mua trong lúc khan hiếm nguồn cung. Trong khi các quốc gia giàu chộp Pfizer và Moderna, các nước đang phát triển chẳng có lựa chọn nào ngoài việc trông vào Trung Quốc.

 

Nghi ngờ về hiệu quả Sinovac tăng lên vào Tháng Sáu, khi các bác sĩ Indonesia đã tiêm phòng đầy đủ bắt đầu chết vì Covid-19. Hiệp hội Y khoa Indonesia ghi nhận ít nhất 20 ca tử vong của các bác sĩ chích đủ hai liều Sinovac. Đầu tháng đó, Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt vaccine này để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

 

Đại diện Sinovac và Sinopharm từ chối yêu cầu bình luận. Sinovac nói với tờ báo quốc doanh Thời báo Hoàn cầu vào Tháng Sáu rằng, vaccine của họ không thể bảo vệ 100% nhưng có thể giảm mức độ bệnh trở nặng và tử vong. Tại Indonesia, theo truyền thông địa phương, trong số người chết ở nước này có Novilia Sjafri Bachtiar, nhà khoa học hàng đầu trong các thử nghiệm Sinovac. Quốc gia 270 triệu dân này bắt đầu sử dụng vaccine Moderna (Mỹ) vào cuối Tháng Bảy cho các nhân viên y tế, sau khi Washington tặng tám triệu liều.

 

Hình ảnh của những quà tặng này – trên những thùng in lá cờ Mỹ – tương phản với hình ảnh vào Tháng Một, khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho truyền hình trực tiếp cảnh ông chích Sinovac. Các quan chức y tế giơ cao hộp vaccine, tô điểm tên của Sinovac, để tăng lòng tin vào vaccine Trung Quốc. Thái Lan cũng vừa chuyển sang tiêm hỗn hợp, khi họ thay đổi chính sách vào giữa Tháng Bảy, bằng cách tiêm cho người dân bằng mũi tiêm Sinovac đầu tiên và mũi tiêm thứ hai với AstraZeneca. Các nhân viên y tế đã được tiêm chủng đầy đủ với Sinovac sẽ được tiêm mũi nhắc thứ ba – một trong hai loại AstraZeneca hoặc vaccine mRNA, như Pfizer hoặc Moderna.

 

Trước khi thay đổi chính sách, truyền thông Thái tường trình về một bản ghi nhớ, được cho là rò rỉ từ một cuộc họp chính phủ về xử lý vaccine, bàn về việc chích nhắc bằng một vaccine khác cho những ai đã chích Sinovac, bởi vì làm như vậy sẽ không khác gì thú nhận vaccine Trung Quốc là “không an toàn”. Tiết lộ trên gây ra phẫn nộ, và hashtag “Hãy chích Pfizer cho nhân viên y tế” (#GivePfizerToMedicalWorkers) lan rộng trên mạng.

 

Ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh cũng đang chuyển đổi. Tuần trước, Campuchia cho biết họ sẽ bắt đầu mũi tiêm nhắc AstraZeneca cho những ai đã tiêm hai liều vaccine Trung Quốc. Bắc Kinh coi việc viện trợ vaccine là “mục tiêu cao cả”, đặc biệt với những nước nghèo. Tuy nhiên, ngay cả trước khi biến chủng Delta bùng phát, người dân khắp nơi thế giới nói chung vẫn chuộng vaccine phương Tây, đặc biệt các mũi tiêm (theo công nghệ) mRNA của Mỹ. Một khảo sát đầu năm nay ở Philippines cho thấy hơn 63% người dân muốn Mỹ là nguồn cung cấp vaccine chống Covid. Hồi Tháng Năm, người dân nước này đã kéo nhau đến một địa điểm chích Pfizer, xếp hàng rồng rắn chờ từ hai giờ sáng.

 

Tờ Washington Post cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, từng tuyên bố hồi nhiệm kỳ đầu rằng ông sẽ “chia tay với Wahsington”, đã nhận hàng triệu liều Sinovac vài ngày trước khi nước ông phải phong tỏa vì các ca nhiễm bùng phát. Tuy nhiên, gần đây, ông cho biết Philippines vẫn duy trì hiệp ước quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines, do tác động của việc viện trợ vaccine Moderna mới đây của Washington. Duterte nói: “Đó là cho và nhận. Chúng ta tri ân họ, và tôi nhượng bộ họ”.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats