Monday, 16 August 2021

AI LY NÔNG, AI NGƯỢC DÒNG ? (Đặng Đình Mạnh)

 


AI LY NÔNG, AI NGƯỢC DÒNG ?   

Đặng Đình Mạnh

16/08/2021  08:02  

https://www.facebook.com/manhdang001/posts/4905574542792371

 

Miền Nam, thế kỷ trước, hai thập kỷ chiến tranh, loạn lạc và nhu cầu cải thiện kinh tế đã gây nên làn sóng ly nông, ly hương từ các vùng nông thôn về các đô thị miền Nam. Chúng làm tăng nhanh dân số cơ học đô thị và gây phát sinh nhiều vấn đề mà đô thị phải đối mặt. Tình trạng này kéo dài cho đến tận trước cơn đại dịch cúm Tàu bùng phát lần thứ tư vào trước mùa hè năm 2021.

 

Hiện tượng ly nông, ly hương đã là di sản chung của cả hai chế độ, chế độ Sài Gòn cũ và chế độ hiện nay.

 

Những hạn chế phổ biến của đô thị như ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn; Kẹt xe kinh niên; Vật giá cho nhu cầu ăn, ở, đi lại đều mắc mỏ; Phân hóa giàu nghèo sâu sắc; Tệ nạn xã hội, tội phạm ... vẫn không khiến cho người ly nông, ly hương ngán ngại. Vì nếu cần phải so sánh, họ vẫn có thể nêu ra hàng loạt ưu điểm của một đô thị “đáng sống” như thế nào trong sự đánh giá của họ so với nông thôn : Hưởng thụ nền giáo dục vượt trội; Chăm sóc y tế tốt, kịp thời; Nếp sinh hoạt văn minh, hiện đại; Và điều mang tính quyết định : Cơ hội việc làm nhiều hơn, tốt hơn, thu nhập cao hơn...

 

Cho nên, người ly nông, ly hương tiến về đô thị là bước tiếp cận với giấc mơ đổi đời. Đó đã là xu hướng chung ở rất nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam.

 

Song, bên cạnh đó, xã hội hiện đại cũng bắt đầu ghi nhận những hiện tượng “lội ngược dòng” từ đô thị về nông thôn.

 

Ở Nhật Bản, nhiều người trong giới trẻ và cả trung niên đã chọn quay về cuộc sống tự cung tự cấp ở nông thôn. Rời đô thị, họ thoát khỏi gánh nặng ám ảnh về áp lực công việc trong đời sống xã hội đô thị hiện đại.

 

Một đôi vợ chồng trong số họ chia sẻ tầm nhìn về lối sống lý tưởng với công chúng mà họ đã tìm thấy nền tảng để làm điều đó như sau :"Chúng tôi đã từng rất mệt mỏi khi làm việc liên tục và không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Đôi khi chính việc tự làm ra nông sản, tự cung tự cấp ở một mức nào đó đem đến cho con người sự tự do". Sự tự do mà họ đề cập tới, về bản chất chính là giá trị tinh thần vô giá mà vật chất không thể tạo ra được.

 

Giới trẻ Hàn Quốc cũng vậy. Nhiều bạn trẻ “lội ngược dòng”ly nông, ly hương từ thủ đô Seoul về nông thôn. Một mặt, họ vẫn đánh giá cao về những giá trị vượt trội của thủ đô mà quê nhà không thể có được, như cơ hội thụ hưởng nền giáo dục hiện đại, cơ hội “đổi đời” khi được làm việc tại 1 trong 14 công ty trong danh sách Fortune 500 - những doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, bao gồm Samsung, LG, Hyundai...

 

Tuy vậy, mặt khác, các vấn đề của thủ đô bao gồm ô nhiễm không khí, giá nhà đất tăng vọt, vật giá leo thang, sự phân hóa giàu nghèo, nạn tắc đường kinh niên, các vấn đề xã hội khiến thủ đô là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới ... đã khiến một phần bộ phận giới trẻ đang “lội ngược dòng” về lại các vùng nông thôn để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

 

Một bạn trẻ “lội ngược dòng” hiện đang là chủ của tiệm cafe đang thu hút giới trẻ, nói :

"Mục tiêu của chúng tôi là nói với giới trẻ rằng tất cả những gì bạn cần làm là tận hưởng cuộc sống, và điều này không có nghĩa là bạn phải sống ở Seoul hay làm việc trong một tập đoàn lớn".

 

Đài Loan cũng có những trường hợp tương tự khi giới trẻ “ngộ” ra rằng đô thị không hoàn toàn là miền đất hứa. Mà chính những giá trị của quê nhà mới dễ làm nơi này trở thành vùng đất hứa với công sức bỏ ra nhẹ nhàng hơn bội phần.

 

Trở lại Việt Nam, việc rời đô thị về quê nhà theo nếp nghĩ “Lá rụng về cội” không còn là “đặc quyền” của người có tuổi. Mà độ tuổi rời đô thị đã giảm dần đáng kể. Tứ tuần, tam tuần hoặc thậm chí, chỉ vừa đôi mươi. “Bỏ phố về quê” là cụm từ mà họ, những người “lội ngược dòng” thường gọi về mình, “Bỏ phố về quê” không còn xa lạ nữa mà đã là hiện tượng khá phổ biến trong lòng xã hội hiện đại. Cứ điểm về những nhóm “Bỏ phố về quê” trên các trang mạng xã hội thì rõ, nhan nhãn.

 

Tuy nhiên, “Bỏ phố về quê” của giới trẻ hiện nay là một sự khởi nghiệp /Startup. Nhưng “Bỏ phố về quê” của hàng vạn người tay xách, nách mang, bồng bế con thơ chạy xe máy dọc theo con đường cái quan ra miền Trung, lên Tây nguyên, xuôi miền Nam vào những ngày đầu tháng 07, rồi lần 2 vào cuối tháng 07/2021 và lần 3 vào giữa tháng 08/2021 khi nghe các mệnh lệnh giãn cách xã hội, thì không phải là một sự khởi nghiệp /Startup, hoặc sự chán ngán đô thị ... mà lại là sự kết thúc đáng buồn của những giấc mơ đổi đời dang dở.

 

Kể ra, “Bỏ phố về quê” hay “lội ngược dòng” là giải pháp bất đắc dĩ mà họ phải chọn lựa khi công việc làm là mối dây giữ họ tại đô thị đã bị đứt đoạn, là khi mà những chính sách an sinh xã hội trong cơn dịch đã không thể “chạm” đến họ, không giải quyết cho nỗi lo lắng thường trực “Cơm, áo, gạo, tiền”. Tiền đâu trả tiền phòng trọ ? Tiền đâu thanh toán hóa đơn điện, nước ? Những phiếu đi chợ ngày chẵn/lẻ có ý nghĩa gì khi mà tiền không có ? Tiền đâu mua thuốc trị bệnh ? ... Các gói cứu trợ nghìn nghìn tỷ đồng đã ở đâu trong cái túi trống rổng của họ ? Chương trình một triệu túi an sinh đã không đến tay trước khi họ, vợ chồng, con cái, ba lô tùm đúm lên chiếc xe gắn máy vượt hàng trăm, hàng nghìn km về quê nhà?

 

Trong một clip quay trước biển người đi xe gắn máy bị chặn lại ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, một vị đại diện UBND phường Long Bình phát biểu vận động người “Bỏ phố về quê” hãy quay trở lại phố ! Nhưng trong phát biểu của ông đã không có lời giải đáp cho nỗi lo lắng là lý do khiến hàng nghìn người đang nôn nóng nổ máy xe tại đó mong về quê nhà.

 

Chúng ta thường khuyên nhau “Ngày mai trời lại sáng”. Dĩ nhiên, ngày mai trời luôn luôn sáng. Nhưng ngày mai, nỗi lo lắng của họ chỉ tăng thêm chứ không giảm, vẫn tối sầm cánh cửa tương lai.

 

Bao giờ cơn dịch đi qua ? Bao giờ họ được nối lại giấc mơ đổi đời ? Lúc này, thật khó ai có câu trả lời thỏa đáng, khi mà những đô thị cưu mang hàng triệu giấc mơ đổi đời như con bệnh khát oxy đang phải thở máy, thân xác rã rời...

 

Tiên sư cúm Tàu

Sai Gon, những ngày giãn cách xã hội

Manh Dang

 

*

Hình ảnh :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4905574156125743&set=pcb.4905574542792371

.

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4905574256125733&set=pcb.4905574542792371

.

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4905574359459056&set=pcb.4905574542792371

.

https://www.facebook.com/photo/?fbid=4905574459459046&set=pcb.4905574542792371

 

19 BÌNH LUẬN

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats