Trên mạng, có nhiều ý kiến
trái chiều.
Một facebooker viết: “Thôi
xong, nó cút rồi, không nói một lời cám ơn”. Một facebooker khác: “Nó
khai là nó không có thân nhân ở Anh. Thế là chẳng bấu víu vào đâu được, phải chữa
miến phí cho nó, VN mất toi 3 tỷ”.
Lại có facebooker kêu ca
rằng người VN chỉ là công dân hạng hai, mấy ngàn người đang kẹt ở nước ngoài,
không lo, lại lo chữa miễn phí cho một thằng tây, đưa cả chuyên cơ chở một mình
nó về nước”. Vân vân.
Có lẽ nhiều bạn hơi ngỡ
ngàng với 3 nguyện vọng của phi công người Anh trước khi xuất viện. Chính tôi,
lúc đầu cũng hơi thắc mắc, tại sao khi TV đưa cảnh phi công người Anh, cứ phải
làm nhòe mặt đi. Anh ta là một nhân vật nổi tiếng, đâu phải là trong một vụ bê
bối, đâu phải là tội phạm, mà phải làm như vậy. Nhưng sau khi đọc thư ngỏ của Tổng
Lãnh sự Anh gửi ban giám đốc bệnh viện thì mới rõ.
“Để chuẩn bị cho buổi
xuất viện của phi công Anh, trong ngày hôm qua, Tổng lãnh sự quán Anh tại
TP.HCM đã có buổi thăm, tiếp xúc bệnh nhân, trong đó ông bày tỏ 3 nguyện vọng:
Thứ nhất, phi công Anh không muốn tiếp xúc với giới
truyền thông trong ngày xuất viện, không muốn chụp hình hay tham gia phỏng vấn
với bất kỳ báo, đài nào.
Thứ hai, bệnh nhân 91 chỉ đồng ý tiếp đón lãnh đạo
thành phố, các sở ban ngành và lãnh đạo bệnh viện đến động viên và chào tạm biệt.
Thứ ba, bệnh nhân chỉ đồng ý duy nhất 1 nhiếp ảnh
gia của Bệnh viện Chợ Rẫy được chụp ảnh trong buổi xuất viện.
Tổng lãnh sự quán Anh đã có thư ngỏ tới Ban giám đốc
Bệnh viện Chợ Rẫy mong muốn được phối hợp để thực hiện các nguyện vọng của bệnh
nhân 91”. (Vietnamnet)
Báo chí đã nhiều lần đưa
tin phi công người Anh tỏ lời cảm ơn bệnh viện, cám ơn các bác sĩ Việt Nam đã cứu
sống ông. Điều đó chắc chắn đúng. Không ai lại vô ơn trong trường hợp này. Còn
3 nguyện vọng trên đây, là quyền riêng tư đương nhiên của con người, rất quen
thuộc với người Phương Tây, không có gì là lạ.
Người Việt Nam chúng ta,
khi thấy một em bé bụ bẫm, xinh xinh, tự nhiên muốn bẹo má nó một cái. Nhưng trẻ
em Tây được dạy từ lớp 1 “Thân thể bạn là của riêng của bạn, không ai được đụng
chám đến, phải biết nói ‘No’, nói ‘Stop’.” Và quyền riêng tư ấy được áp dụng mọi
lúc mọi nơi, kể cả với bố mẹ chúng.
(Hồi con tôi học đại học ở
Úc, tôi sang thăm, gặp văn phòng khoa, tự giới thiệu rằng tôi là bố của cháu,
muốn được biết kết quả học tập của nó như thế nào. Bà văn phòng hỏi ông có giấy
ủy quyền của nó không, nhưng rồi, vì thân thiện, bà nói thêm một câu, rằng ông
có thể yên tâm về kết quả học tập của bạn ấy).
Tôi đoán rằng, viên phi
công ấy biết rằng còn lâu nữa mình mới phục hồi sức khỏe để có thể đi lại được,
còn việc trở lại với nghề lái máy bay thì có lẽ là không bao giờ. Chắc ông ta
muốn giữ những kỷ niệm có một không hai ấy cho riêng mình, không muốn tiết lộ
cho giới truyền thông, để ông ta có thể viết một quyển hồi ký “best seller” về
hơn một trăm ngày từ cõi chết trở về. Khoản thu nhập từ cuốn sách ấy đủ để bù đắp
cho những mất mát vì bệnh tật.
Còn nói rằng từ đầu anh
ta đã khai là không có thân nhân ở Anh để quỵt tiền điều trị là cực vô lý. Tin
tức cho thấy hãng bảo hiểm đã thanh toán chi phí chữa bệnh rồi. Việt Nam chẳng
mất toi đồng nào. Bất cứ người nào đi du lịch nước ngoài cũng phải mua bảo hiểm.
Tùy theo gói bảo hiểm có các chính sách khác nhau, nhưng thông thường là chi
phí chữa bệnh do tai nạn, chi phí vận chuyển đến bệnh viện, thậm chí là vận chuyện
thì hài về nước, nếu bị chết. Cho nên tôi tin là chi phí để chở bệnh nhân 91
cùng bác sĩ, y tá đi kèm đều do hãng bảo hiểm trả.
(Hồi tôi sống ở Regina, một
thành phố nhỏ ở Canada, tôi có quen một anh tên là Trạch. Anh ấy kể chuyện rằng
nếu hỏi người tên là Trạch, có lẽ ít người biết, nhưng nếu hỏi người được ghép
gan thì chắc cả thành phố này đều biết. Ngày ấy anh bị suy gan nặng, chỉ nằm bệnh
viện chờ có gan để ghép, hoặc nằm chờ chết. Một hôm, bà vợ đang đi làm thì nhận
được điện thoại bảo ra sân bay ngay để đi cùng chồng bay đến thành phố đang có
gan chờ ghép. Thế là một máy bay chở hai vợ chồng cùng y bác sĩ đi kèm, bay đến
thành phố xa xôi đó để ghép gan. Mọi chỉ phí bảo hiểm thanh toán hết).
Còn ý kiến cho rằng chính
phủ không lo chở hàng ngàn người Việt đang bị kẹt ở nước ngoài lại lo hết sức
chữa bệnh miễn phí cho một thẳng Tây, thì có lẽ là một sự so sánh khiên cưỡng.
Bà bác của bệnh nhân 17 là người Việt, cũng được hết sức cứu chữa đó thôi (tôi
cứ tự hỏi gia đình ấy giàu có, không biết có đóng góp gì cho chi phí chữa bệnh
không?).
Việc lo cho hàng ngàn người
và việc cứu chữa một người là hai việc khác nhau, và các nhà chức trách đều phải
lo lắng cả. Hình ảnh mấy trăm người Việt (phần lớn là học sinh sinh viên) từ nước
ngoài về, được cách ly tập trung, ăn ngủ trong các tòa nhà cao tầng, trong khi
bộ đội phục vụ họ phải nhường doanh trại, căng lều bạt ngủ đất, cho thấy người
Việt cũng được tôn trọng đấy chứ nhỉ?
Tóm lại, tôi thấy vụ bệnh
nhân 91, Việt Nam chẳng mất gì, nhưng được một điều rất lớn là uy tín của Việt
Nam nói chung và của ngành Y tế nói riêng, trong vụ đại dịch này, được nâng lên
rất lớn. Đó là một điều đáng quý lắm chứ sao?
Vài suy nghĩ của tôi về mấy
ý kiến đọc trên mạng như vậy. Bạn nào trong ngành, hiểu biết hơn, thấy ý kiến
tôi có gì chưa đúng, xin được chỉ giáo.
Cám ơn.
PV (7/2020)
(Hình: Phi công Anh thực
hiện các động tác giơ chân trên giường bệnh khi đại diện Tiểu ban điều trị vào
hỏi thăm. Mặt được làm mờ. Ảnh của Vietnamnet)
No comments:
Post a Comment