Friday, 10 July 2020

VIỆT NAM & HỆ THỐNG CÔNG LÝ ĐẦY MÁU & NƯỚC MẮT (Trân Văn)




10/07/2020

Tòa án TP.HCM vừa phát hành bản án phúc thẩm vụ vợ chồng ông Phan Quý kiện ba người từng mua đất của vợ chồng ông vào các năm 2002, 2009 (1). Chắc chắn bản án này sẽ được nhiều nơi, nhiều người xem xét và bình luận tiếp...

Vụ kiện mà vợ chồng ông Phan Quý là nguyên đơn bùng lên thành scandal vì suýt có một người phụ nữ - vợ của một trong ba bị đơn tự tử ngay tại công đường sau khi Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm vụ kiện này tuyên án hôm 1 tháng 7 (2)!

                                                ***

Năm 1999, vợ chồng ông Phan Quý mua 3.500 mét vuông “đất nông nghiệp” ở phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM. Năm 2002, vợ chống ông cắt 500/3,500 mét vuông “đất nông nghiệp” này cho ông Khưu Văn Sỹ. Năm 2009, họ bán tiếp 174 mét vuông nữa trong thửa đất vừa kể cho ông Lê Văn Dư (người mà vợ vừa toan tự tử tại công đường) và ông Lê Sỹ Thắng.

Sau đó các ông Sỹ, Dư, Thắng chuyển nhượng những phần đất từng người đã mua cho nhau, xây nhà để ở... Thế rồi giá trị mảnh đất họ đã mua tăng vọt. Thông thường đó là may mắn nhưng ở Việt Nam, giá đất thăng thiên, vượt xa mức ông Sỹ từng thỏa thuận khi mua đất từ vợ chồng ông Phan Quý trước đó 15 năm và vượt xa mức ông Dư, ông Thắng từng thỏa thuận với vợ chồng ông Quý trước đó tám năm, lại là… đại họa!

Năm 2017, vợ chồng ông Phan Quý… kiện ông Sỹ, ông Dư, ông Thắng tại Tòa án quận Gò Vấp, yêu cầu tòa xác định thỏa thuận chuyển nhượng 674 mét vuông đất do chính vợ chồng ông chủ động xác lập với cả ba từ hàng chục năm trước là… vô hiệu. Theo yêu cầu của vợ chồng ông Phan Quý, ba “bị đơn” phải trả lại 674 mét vuông đất, “nguyên đơn” sẽ hoàn lại tiền và “tự nguyện” trả… lãi 9%/năm cho khoản tiền đã nhận!

Chắc chắn sẽ có không ít người khẳng định yêu cầu của vợ chồng ông Quý là tráo trở và ngược ngạo nhưng hệ thống tòa án ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại… đồng tình! Sau khi xử sơ thẩm, Tòa án quận Gò Vấp buộc các “bị đơn” trả lại cho vợ chồng ông Quý 500 mét vuông đất mà vợ chồng ông Quý từng bán cho ông Sỹ năm 2002. Tòa chỉ bác yêu cầu trả lại 174 mét vuông mà vợ chồng ông Quý đã bán năm 2009!

Tất nhiên các “bị đơn” không đồng tình, họ kháng cáo! Bản án sơ thẩm cũng bị Viện Kiểm sát quận Gò Vấp kháng nghị. Tòa án TP.HCM rút vụ kiện lên để xem xét theo trình tự phúc thẩm. Bản án mà HĐXX phúc thẩm đã tuyên hồi đầu tháng này cho rằng, HĐXX cấp sơ thẩm áp dụng các… qui định pháp luật… chưa chính xác, cần sửa theo hướng, cả ba “bị đơn” phải trả lại cho vợ chồng ông Quý… toàn bộ đất mà họ đã mua.

Cũng theo HĐXX phúc thẩm, việc HĐXX sơ thẩm buộc vợ chồng ông Quý hoàn lại 5,5 tỉ đồng để nhận lại 500 mét vuông đất mà họ đã bán cho ông Sỹ hồi 2002 cũng… chưa chính xác. HĐXX phúc thẩm đã tính lại và theo tính toán… chính xác hơn của HĐXX phúc thẩm, vợ chồng ông Quý chỉ phải trả chừng 1,3 tỉ và trả thêm chừng 1,6 tỉ nữa để nhận lại thêm 174 mét vuông đất đã bán cho ông Dư, ông Thắng hồi 2009!

Đó cũng là lý do vợ của một trong ba bị đơn gieo mình tự tử. Sự bất bình đối với hệ thống tòa án ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua bản án sơ thẩm, tiếp tục được bản án phúc thẩm chuyển thành… tuyệt vọng: Các “bị đơn” không có cơ hội được diện kiến diện mạo của công lý từ hệ thống tòa án ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bà không uổng mạng chỉ vì có một số người ngăn cản…

Tính đến lúc này đã có một số luật sư, một số tờ báo dùng chính các quy định pháp luật mà hệ thống tòa án từ sơ thẩm đến phúc thẩm cùng… vận dụng để tuyên hai bản án khác nhau, nhằm chứng minh cả Tòa án quận Gò Vấp và Tòa án TP.HCM cùng áp dụng sai các qui định pháp luật ấy (3). Do Viện Kiểm sát TP.HCM đang chờ ý kiến cấp trên (4), Tòa án Cấp cao tại TP.HCM thì đang nghiên cứu (5) nên chưa rõ hồi sau thế nào!

Chỉ có một điều duy nhất mà ai cũng có thể thấy rất rõ, đó là nếu không có sự kiện - một trong những người vợ của các bị đơn tự tử bất thành, hệ thống tư pháp Việt Nam sẽ đem hồ sơ vụ kiện này xếp vào tủ… lưu hồ sơ những vụ kiện đã được giải quyết. Vợ chồng ông Quý không gặp may vì xã hội vẫn còn đang xúc động khi gần đây, một số người do tuyệt vọng vì không nhìn thấy công lý tại các công đường đã thi nhau tự tử!

Cần lưu ý, chưa biết bản án phúc thẩm vừa đề cập có bị Viện Kiểm sát TP.HCM hay Tòa án Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm hay không? Chưa kể nếu có kháng nghị, bản án phúc thẩm bị đưa ra xem xét lại theo hình thức giám đốc thẩm, cũng chẳng ai dám chắc ba “bị đơn” trong vụ kiện mà vợ chồng ông Quý là nguyên đơn có được thấy sự hiện diện của công lý hay không?

Về lý thuyết, hệ thống tư pháp ở Việt Nam chịu trách nhiệm bảo vệ và thực thi công lý song trên thực tế, hệ thống này có… quyền phác họa nhiều diện mạo khác nhau của cái gọi là… công lý xã hội chủ nghĩa. Vụ vợ chồng ông Phan Quý kiện các ông Khưu Văn Sỹ, Lê Văn Dự, Lê Sỹ Thắng xin hủy giao dịch chuyển nhượng “quyền sử dụng đất” mà chính họ chủ động xác lập chỉ là một trong vô số những ví dụ...

                                                   ***
Năm 1999, ông Võ Chánh mua 48 mét vuông đất ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước để dựng nhà. Năm 2004, ông Chánh mua thêm 99 mét vuông nữa cũng từ chủ đất cũ để mở rộng nhà. Năm 2009, chính quyền địa phương thu hồi 50/147 mét vuông đất của ông Chánh để thực hiện dự án thoát nước. Diện tích mảnh đất có căn nhà mà vợ chồng ông Chánh làm chủ còn 97 mét vuông.

Năm 2011, ông Lê Quang Dinh – người mua mảnh đất cạnh nhà ông Chánh năm 2010 - kiện ông Chánh ra Tòa án thị xã Đồng Xoài, đòi quyền sử dụng 40/97 mét vuông đất của ông Chánh. Ông Dinh trưng ra Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền địa phương cấp cho ông Huỳnh Thế Sang – chủ trước – để chứng minh yêu cầu của họ là… hợp lý.

Năm 2014, khi đưa vụ kiện này ra xử sơ thẩm, Tòa án thị xã Đồng Xoài xác định, ông Chánh phải giao cho vợ chồng ông Sang 40 mét vuông đất mà vợ chồng ông Dinh đòi. Ông Chánh kháng cáo. Năm 2015, khi đưa vụ kiện ra xử phúc thẩm, Tòa án tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm. Án phúc thẩm là chung thẩm. Vợ chồng ông Chánh hết cửa để kêu oan…

Ngày 26 tháng 7 năm 2015, ông Chánh sang nhà ông Dinh nói chuyện phải trái. Thất bại, ông chém vợ chồng ông Dinh bị thương rồi dùng con dao ấy tự sát… Dù ông Chánh dùng máu và mạng của chính mình để kêu oan nhưng vô ích. Chi cục Thi hành án dân sự của thị xã Đồng Xoài vẫn tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Chánh để thực thi bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Vợ ông Chánh kháng cự. Bà tuyên bố sẽ tự sát như chồng để bảo vệ tài sản của gia đình, bảo vệ tương lai của con cái. Bất bình trước thảm cảnh mà gia đình ông Chánh đột nhiên phải gánh chịu, dân chúng địa phương dọa sẽ làm giặc nếu chính quyền tiếp tục giả mù, giả điếc, thực thi hai bản án mà hệ thống tư pháp đã đổi trắng thành đen ngay giữa thanh thiên, bạch nhật…

Chuyện cứ thế nhùng nhà, nhùng nhằng trong hai năm, tới tháng 9 năm 2017, chính quyền thị xã Đồng Xoài mới tổ chức “thanh tra” về Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà họ đã cấp cho ông Huỳnh Thế Sang năm 2010 để ông bán cho vợ chồng ông Dinh và là cơ sở để ông Dinh kiện đòi ông Chánh giao đất. Kiểm tra đủ loại giấy tờ, kể cả tài liệu lưu trữ, gặp gỡ - thu thập lời khai của các nhân chứng, trong đó có cả chủ đất (người bán đất cho ông Chánh và ông Sang), trưng cầu giám định chữ ký, Thanh tra xác định, 97 mét vuông đất mà trước giờ gia đình ông Chánh vẫn sử dụng… đúng là của họ.

Toàn bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Huỳnh Thế Sang đã lập là ngụy tạo, trái thực tế và chẳng ai hiểu tại sao chính quyền không thẩm tra mà thừa nhận ngay lập tức.

Không có sự cẩu thả đáng ngờ này sẽ không có vụ vợ chồng ông Dinh (mua đất của ông Sang), kiện vợ chồng ông Chánh đòi đất. Nếu Tòa án thị xã Đồng Xoài, Tòa án tỉnh Bình Phước thực thi đúng chức trách (triệu tập nhân chứng, nghe nhân chứng, trưng cầu giám định, phân xử một cách công tâm,…), ông Chánh không bị dồn tới chỗ phải dùng cả máu lẫn mạng mình để kêu oan.

Đáng ngạc nhiên là Thanh tra chỉ đề nghị hủy các tờ Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai rồi… thôi. Mãi tới tháng 8 năm 2018, chính quyền thị xã Đồng Xoài mới gửi văn bản, đề nghị Tòa án Tối cao dùng thủ tục tái thẩm (thủ tục xét lại các bản án đã có hiệu lực) để hủy những bản án sai, song không có bất kỳ viên chức hay cơ quan hữu trách nào đề cập tới điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân (tối thiểu cũng cỡ chục người) của nhiều cơ quan, nhiều ngành, ở nhiều cấp đã đẩy ông Chánh tới chỗ phải tự sát, vợ con ông vào thảm cảnh (6)!

                                                          ***
Kẻ viết bài này chọn trường hợp Võ Chánh để minh họa thêm cho bản chất của hệ thống tư pháp ở Việt Nam – nơi nhân danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để bảo vệ và thực thi… công lý xã hôi chủ nghĩa - vì việc vận dụng các qui định pháp luật một cách tùy tiện và chẳng mấy khi phải chịu trách nhiệm đã trở thành nguyên nhân tạo ra rất nhiều thảm án, thậm chí là chuỗi thảm án.

Cuối tháng 5 vừa qua, sau khi HĐXX phúc thẩm vụ án “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tuyên y án sơ thẩm, ông Lương Hữu Phước – bị cáo trong vụ án này – đã uống thuốc trừ sâu rồi gieo mình từ lầu hai của Tòa án tỉnh Bình Phước xuống đất tự tử với hy vọng dùng chính sinh mạng của ông để thức tỉnh hệ thống tư pháp ở Bình Phước!

Ngay sau đó, dân chúng Bình Phước phát giác, ông Lê Viết Hòa – một trong những thẩm phán tham gia xét xử phúc thẩm vụ án khiến ông Lương Hữu Phước tuyệt vọng tới mức phải tự tử - cũng chính là người đã tham gia xét xử phúc thẩm vụ kiện đẩy ông Võ Chánh tới chỗ chém hàng xóm rồi tự sát. Bản án phúc thẩm vụ kiện liên quan đến ông Võ Chánh đã bị Tòa án Tối cao hủy và giao cho Tòa án Bình Phước xử lại nhưng vì xử sai cũng… chẳng sao nên ông Hòa vẫn là thẩm phán, thậm chí còn được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án Bình Phước để cùng ngồi phúc thẩm vụ án liên quan đến ông Phước (7)!

Chuyện ông Lương Hữu Phước tự sát nhằm thức tỉnh hệ thống tư pháp xảy ra khi công chúng vẫn chưa nguôi giận với quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao trong vụ án “giết người, cướp tài sản” liên quan tới tử tù Hồ Duy Hải. Sự căm phẫn do cộng hưởng giữa máu và sinh mạng nhiều lương dân đã tạo ra một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử tư pháp xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam: Chỉ trong vòng hai tuần, bản án phúc thẩm liên quan tới ông Phước bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm (8).

Từ vụ ông Võ Chánh bị đẩy đến chỗ chém hàng xóm rồi tự sát, ông Lương Hữu Phước uống thuốc trừ sâu rồi gieo mình xuống đất nhằm thức tỉnh hệ thống tư pháp, tới vụ vợ một “bị đơn” của vợ chồng ông Phan Quý suýt uổng mạng,… có lẽ không ngoa nếu cho rằng máu là một loại… nhiên liệu vận hành… công lý tại Việt Nam. Song nói như thế chưa hoàn toàn chính xác.

Đã hơn năm năm từ ngày ông Võ Chánh chém hàng xóm rồi tự sát, dù nguyên nhân tạo ra oan nghiệt mà gia đình ông đột nhiên phải gánh đã được minh định nhưng bản án đẩy ông và gia đình vào tuyệt lộ chỉ bị hủy, vụ kiện vẫn còn đang được hệ thống tư pháp nghiên cứu tiếp. Vụ kiện do vợ chồng ông Phan Quý là nguyên đơn có thể cũng vậy. Sau khi nhúc nhích, có thể công lý lại đứng yên hoặc… quay về… lối cũ!

Tại Việt Nam, dường như công lý chỉ vận hành nếu máu và nhân mạng lương dân đủ lớn để số người nổi giận đủ đông, khiến hệ thống chính trị luôn kiên định với định hướng xã hội chủ nghĩa đủ lo ngại về mối họa, đe dọa “ổn định chính trị” và hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa đành phải chuyển động sao cho quần chúng yên tâm. Đó cũng là lý do ông Phước kêu oan suốt ba năm - từ khi ông bị khởi tố cho đến khi Tòa án tỉnh Bình Phước lôi ông ra xử phúc thẩm – mà chẳng ai bận tâm. Nếu người Việt không sôi lên vì giận, làm gì có kỷ lục hoàn tất thủ tục giám đốc thẩm - tuyên hủy án trong vòng hai tuần!

-----------------------------------

Chú thích















No comments:

Post a Comment

View My Stats