Phạm
Vũ Hiệp
06/07/2020
Tang lễ trăm tỷ
Tháng 7/2009, bà Cao Thị
Thức, sinh 1916, mẹ tướng Lê Thế Tiệm qua đời tại quê nhà Điện Nam Bắc, Điện
Bàn, Quảng Nam. Lúc này ông Tiệm đang là Ủy viên Trung ương, thứ trưởng Bộ Công
an đầy quyền lực. Thế là cán bộ, doanh nhân từ Bắc chí Nam đổ về xứ Quảng để viếng.
Theo một nguồn tin mà chúng tôi có được, tiền phúng điếu đám tang này lên đến
hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2011, bà Đặng Thị
Trình, sinh 1927, mẹ Nguyễn Bá Thanh, qua đời. Thanh lúc đó là Ủy viên Trung
ương, Bí thư thành Ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu QH, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Thiên hạ đổ xô tranh nhau đi viếng để “ghi công”. Riêng cán bộ Đà Nẵng các cấp
đã đứng chật các ngã đường CMT8 và Nguyễn Hữu Thọ. Những đồn đoán trong dân
chúng Đà Nẵng lúc đó rằng, tiền phúng điếu thu được không dưới con số 200 tỷ đồng.
Tháng 10/2013, bác sĩ Nguyễn
Thiện Thành, bố ông Nguyễn Thiện Nhân, qua đời. Ông Nhân lúc đó là Ủy viên Bộ
Chính trị, Phó thủ tướng, cho nên từ “tứ trụ”, Bộ Chính trị, các Bộ ban ngành,
xuống đến địa phương sở tại, đều có mặt tại đám tang này. Tiền phúng viếng bảo
mật, nhưng con số không nhỏ.
Chưa hết, năm 2019, để
làm mát dạ Nguyễn Thiện Nhân, đương kim Bí thư thành Hồ, người ta còn tổ chức đại
lễ “100 năm ngày sinh Nguyễn Thiện Thành” nữa. Cứ như Nguyễn Thiện Thành từng
là nguyên thủ quốc gia vậy, trong khi thực tế ông chỉ mang cấp bậc đại tá quân
y.
Lễ kỷ niệm 100 năm
này sinh Nguyễn Thiện Thành. Nguồn: Mạnh Hùng/ VGP
Tháng 3/2018, bà Nguyễn
Thị Hường, sinh 1924, mẹ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mất. Đã về vườn “làm người
tử tế” sau trận chiến một mất một còn hồi Đại hội 12, quyền lực ông Dũng không
còn nữa, nên bổng lộc cũng vơi dần. Không có bất kỳ một dòng “tin buồn” hay
“chia buồn” nào trên báo chí chính thống. Lượng người viếng rất thưa, trong Bộ
Chính trị chỉ thấy các đàn em thân tín như TĐQ, NXP, LHA, PMC, HTH, NVB… đến
chia buồn. Nhiều sếp tập đoàn, các tổng công ty quốc doanh, lẫn các đại gia đều
mất dạng.
Tang lễ bà Nguyễn
Thị Hường, thân mẫu cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Lê Hồng Anh tại đám
tang của mẹ Nguyễn Tấn Dũng. Photo Courtesy
Có lẽ đoán trước được
“lòng người”, gia đình Nguyễn Tấn Dũng không nhận tiền phúng điếu. Trong khi
trước đó không lâu, mẹ bà Trần Thanh Kiệm, tức nhạc mẫu ông Dũng qua đời, gia
đình vẫn nhận tiền phúng điếu, mà theo một nguồn tin cho biết, số tiền lên đến
gần 450 tỷ đồng.
Điều đó cũng lý giải phần
nào việc gia đình Trần Đại Quang công bố không nhận tiền phúng điếu khi ông đột
ngột qua đời hôm 21/9/2018. Đơn giản, do không hy vọng “bội thu” thì nhận làm
gì cho mang tiếng.
Mấy hôm nay dư luận và mạng
xã hội xôn xao, khi bà Dương Thị Minh sinh năm 1923, từ trần hôm 2/7/2020. Bà
Minh là mẹ ông Nguyễn Thiện Nhân, đương kim Bí thư thành Hồ. Tin buồn đã được
đăng trên trang nhất báo SGGP,
cơ quan ngôn luận Đảng bộ thành phố và các tờ báo khác.
Hàng ngàn xe biển xanh,
biển trắng sang trọng nối đuôi nhau đổ về nhà tang lễ. Theo tin từ Facebooker
Thiện Nguyễn cho hay, trong ngày viếng đầu tiên, số vòng hoa đã gần chạm
mức 800 và tiền phúng viếng gần… 82 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Mẫn,
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam ghi sổ tang tại lễ viếng. Nguồn: Báo ĐĐK
.
Tang lễ đồng chí
thất sủng…
Trung tướng Trần Độ
(1923-2002), cựu Ủy viên Trung ương, Phó chủ tịch Quốc hội khoá VII. Ông là một
công thần của Đảng Cộng sản nhưng về cuối đời, bị Đảng khai trừ, do ông kêu gọi
thay đổi thể chế chính trị. Chỉ vì kêu gọi “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế
độ độc đảng, toàn trị” mà ông bị trả thù hèn hạ, ngay khi ông còn sống, lẫn sau
khi lìa đời.
Chính ông Vũ Mão trước
khi qua đời đã nói rõ, những kẻ ép ông “bôi bẩn” Trần Độ trong điếu văn là Nông
Đức Mạnh, Phan Diễn và Nguyễn Văn An. Còn người tổ chức phá rối đám tang Trần Độ,
cho an ninh và côn đồ xé băng rôn, cấm đưa vòng hoa ghi “vô cùng thương tiếc”,
“viếng Trung tướng”… vào tang lễ, chính là Trần Đại Quang.
Dòng chữ “Vô cùng
thương tiếc”, quân hàm “Trung tướng” không có ở nơi quàn thi hài ông Trần Độ.
Photo Courtesy
Ông Trần Xuân Bách
(1924-2006) từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng từ tháng
12/1986. Ông bị khai trừ đảng tháng 3/1990, khi là ứng viên số 1 cho vị trí Tổng
bí thư, chỉ vì ông ủng hộ đa nguyên, đa đảng.
Khi ông Bách từ trần, Đảng
phân công ông Ngô Văn Dụ, lúc đó chỉ là Ủy viên Trung ương, đại diện VP Trung
ương Đảng, đứng làm Trưởng ban tổ chức đám tang cho ông Trần Xuân Bách, kiêm
luôn đọc điếu văn. Bộ Chính trị “lặn” hết, không ai đến. Tang lễ ngột ngạt khi
có sự góp mặt của không ít những gương mặt lạ, hằm hằm, lạnh lùng, đứng từ
ngoài cổng vào nhà tang lễ.
Sau đám tang, Ủy viên Bộ
Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Trần Đình Hoan lọ mọ đến nhà ông Trần
Xuân Bách thắp nhang. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng “chia buồn” bằng một cuộc
điện thoại cho bà Nguyễn Thị Đức Thịnh, phu nhân ông Trần Xuân Bách.
Cả ông Hoan và ông Mạnh
nói cùng một giọng đạo đức giả, rằng “Bộ Chính trị cảm ơn gia đình đã đáp lễ rất
văn hóa” và “nhận thấy có thiếu sót trong sự đối xử với anh Trần Xuân Bách chưa
chu đáo…”
Thù hận, sỉ nhục, chà đạp,
hạ nhân phẩm của nhau… đánh mất “Văn hóa Đảng”, “Văn hóa đồng chí” từ những lãnh
đao cấp cao trong Đảng, đã gây phẫn nộ và phản ứng trong chính hàng ngũ những Đảng
viên kỳ cựu.
Truyền thống văn hoá Việt
Nam từ xưa luôn nhắc nhở “nghĩa tử là nghĩa tận”, nhất là những người đã từng
coi nhau là “đồng chí”. Điều mà các quan chức Cộng sản các cấp không có, đó là
thái độ quang minh chính đại của người có văn hóa và hành xử văn minh với nhau.
.
Vinh quang và cay
đắng…
Nhìn tang lễ hoành tráng
và “hốt bạc” của gia đình cán bộ cấp cao, bỗng xót xa cho số phận một con người…
Ông Đinh Văn Nhu
(1932-2018) là cha ruột hai anh em Đinh La Thăng, cựu Bí thư thành Hồ và Đinh Mạnh
Thắng, cựu chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Sông Đà. Ông Nhu mất ngày 26/1/2018,
khi cả hai con trai đều bị tạm giam. Pháp luật vẫn có thể vận dụng linh hoạt,
thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho con trai về chịu tang cha, nhưng các lãnh đạo
thượng tầng đã biến Đinh La Thăng thành đứa con bất hiếu.
Đám tang đơn sơ, cô quạnh
của ông Đinh Văn Nhu ở quê nhà là nỗi buồn cho thân quyến, nhưng việc hai con
trai còn sống sờ sờ ra đó mà không được về đội vành khăn trắng chịu tang cha,
thì thật là quá ác.
Anh em Đinh La
Thăng và niềm đau bất hiếu với cha
Chiều 24/3/2018, trong
phiên tòa xét xử, Đinh La Thăng rơi nước mắt cho biết, ngay trong đêm cha ông mất,
ông bị ám ảnh, thấy cha cứ hiện về, hấp hối hỏi “Thằng Thăng đâu?” Ông Thăng
nói, khi đó ông đã xin được về nhìn mặt cha lần cuối, nhưng không được.
Ngày viếng, truy điệu và
an táng, ông Thăng quặn thắt lòng, chỉ mong được một lần về chịu tang, thắp một
nén hương, tiễn cha về nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng đều bị khước từ. Đó là nỗi
niềm đau đớn nhất đối với Đinh La Thăng, quan chức Cộng sản, từng leo đến đỉnh
cao quyền lực.
Số phận chính trị kỳ lạ
và những gì đã diễn ra với Đinh La Thăng rồi sẽ được giải mã trong một ngày
không xa. Song vinh quang và cay đắng, cũng như cách đối nhân xử thế ghẻ lạnh của
Đảng dành cho ông, đã làm rùng mình, chạy dọc sống lưng của chính những người Cộng
sản.
No comments:
Post a Comment