Tuesday, 7 July 2020

VẪN ĐẢNG CHỌN 'GIỐNG', 'LÉP' LÀ TẤT NHIÊN! (Trân Văn)




08/07/2020

Ông Lê Như Tiến, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam lại lên tiếng về việc chọn “giống”. Tháng 7 năm ngoái, ông từng thảo luận với VietNamNet về những “hạt giống đỏ” bị loại khỏi cuộc chơi quyền lực trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền (1) và tuần rồi, ông tiếp tục bàn về “hạt giống đỏ” trong một cuộc trò chuyện với Tiền Phong vì đảng đang vào mùa… đại hội (2)!

Nhìn một cách tổng quát, những: Vũ Minh Hoàng (đang du học tại Nhật đã được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ của BCH TƯ đảng CSVN, sau đó tiếp tục được UBND thành phố Cần Thơ bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ) (3), Nguyễn Xuân Anh (Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) (4), Lê Phước Hoài Bảo (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng Nam) (5), Nguyễn Bá Cảnh (Thành ủy viên, Phó Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng) (6),… lại tiếp tục bị chì chiết để… “nêu gương” cho công tác nhân sự trong đảng!

Song nếu xét cho thấu đáo, đó không phải là lỗi của những cá nhân thuộc loại vừa kể. Cho dù rõ ràng sự “thăng tiến thần tốc” trên… “quan lộ” có sự sắp đặt của cha, chú những cá nhân này nhưng đó cũng không phải là lỗi của những kẻ soạn kịch bản và đạo diễn. Đó là lỗi của một hệ thống phi dân chủ trong tuyển chọn – bổ nhiệm. Không có “qui hoạch nhân sự”, không có những qui định – qui trình rườm rà nhưng cố tình chừa nhiều kẽ, lỗ,… chắc chắn không có những “hạt giống đỏ” bị chê là “chín ép”, bị coi là “lép”!

Những qui định về “khung tiêu chuẩn chức danh” trong tuyển chọn – bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương (7) và được điều chỉnh cho phù hợp cả với tham vọng cá nhân, băng nhóm lẫn đặc điểm nhân sự của các loại “qui hoạch”, chính là một thứ hàng rào, chặn những cá nhân không “thân thế” ngay từ… “vòng gửi xe”, hỗ trợ “5C” (con cháu các cụ cả) cùng nhau kế vị cha chú, biến “6 ệ” (tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ) thành mực thước.

Đó là lý do khiến những cá nhân như Lê Trương Hải Hiếuphấn đấu” vào đảng khi đang học đại học, xong đại học lập tức được chính quyền TP.HCM chọn – gửi đi du học như một… nhân tài! Học xong, tháng 8/2007 quay về, tháng 9/2007 đã trở thành “cán bộ chủ chốt” của Thành Đoàn TP.HCM. Bốn tháng sau được “điều chuyển” làm Bí thư Quận đoàn 1 – Quận ủy viên, rồi Bí thư phường - Quận ủy viên, Phó Chủ tịch Quận – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1, Chủ tịch quận 12 – Phó Bí thư Quận ủy 12 và dẫu không đủ phiếu nhưng vẫn được Ban Bí thư BCH TƯ đảng CSVN… chỉ định tham gia Thành ủy TP.HCM (8)…

Nếu Lê Trương Hải Hiếu không phải là con ông Lê Thanh Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM) và nếu đảng không định ra “khung tiêu chuẩn chức danh” để tuyển chọn – bổ nhiệm cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, chắc chắn ông Lê Thanh Hải chẳng cần dụng công đến mức như vậy để bảo đảm “đúng qui định, đúng qui trình”. Nếu đảng để chính đảng viên tự do bầu chọn những cá nhân lãnh đạo các tổ chức đảng, không dùng “qui hoạch nhân sự” để chọn thay thì có lẽ hai năm sau (tháng 4/2018), khi tương quan giữa thế và lực trong đảng thay đổi, đảng không phải “kềm” đồng chí Lê Trương Hải Hiếu bằng hình thức “khiển trách” do “có quan hệ tình cảm với một phụ nữ, có con nhưng chậm báo cáo” (9)!

Tương tự, nếu cha Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết không phải là Nguyễn Tấn Dũng (Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng) thì ông Nghị khó có thể trở thành Hiệu phó Đại học Kiến trúc TP.HCM chỉ sau hai năm giảng dạy tại đó và chẳng có đảng viên nào đề cử nhưng vẫn được bầu làm Ủy viên dự khuyết của BCH TƯ đảng khóa 11, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Xây dựng, được “luân chuyển” về Kiên Giang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi được “bầu” làm Bí thư kiêm Phó Chủ tịch tỉnh. Còn ông Triết thì khó có thể vừa từ Anh trở về đã được chọn làm “cán bộ chủ chốt” của BCH TƯ Đoàn TNCS, được “điều chuyển” làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định, sau đó là Bí thư Tỉnh Đoàn – Tỉnh ủy viên Bình Định, rồi lộn trở lại Hà Nội làm Ủy viên BCH TƯ Đoàn TNCS…

                                                    ***

Khi trò chuyện với báo giới về những “hạt giống đỏ” bị lép, ông Lê Như Tiến liên tục đề cập đến việc nên để các đại biểu dự đại hội đảng trực tiếp bỏ phiếu bầu Bí thư (người đứng đầu tổ chức đảng ở địa phương hay ngành) để tránh tình trạng “ép” cho “chín” và trở thành giống “lép”. Đề nghị này vốn đã được nhiều người, nhiều giới nêu ra từ lâu và được xem như là biểu hiện của “mở rộng dân chủ trong đảng”. Tuy nhiên đến giờ, chuyện để các đại biểu tham dự đại hội đảng trực tiếp bỏ phiếu bầu Bí thư vẫn chỉ được… thử nghiệm tại vài tổ chức đảng cấp… cơ sở! Giới lãnh đạo đảng dứt khoát không buông bỏ “qui hoạch nhân sự”!

Chẳng riêng ông Tiến, nhiều người cũng đã từng đề cập đến việc cần truy cứu trách nhiệm những người đề cử các “hạt giống đỏ” bị “lép” song ý tưởng này chẳng khác gì ảo vọng. Tuần trước, báo chí Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, có tám Ủy viên BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này (nhiệm kỳ 12, từ 2016 đến 2020) bị kỷ luật (10). Còn nếu tính cả số đảng viên thuộc diện BCH TƯ đảng quản lý thì con số này tròm trèm cả trăm (11). Tất cả đều là những cá nhân được tuyển chọn – bổ nhiệm làm “cán bộ cấp chiến lược”, “cán bộ chủ chốt”, hội đủ các yêu cầu trong “khung tiêu chuẩn chức danh” nhưng không có ai nhận trách nhiệm hoặc bị truy cứu trách nhiệm vì sai lầm trong “qui hoạch nhân sự”.

Cách nay năm năm, trước thềm Đại hội đảng 12, BCH TƯ đảng CSVN khóa 11, từng tuyên bố: Kiên quyết không để lọt vào BCH TƯ khóa 12 những người có một trong các khuyết điểm nhưXu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị. Bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm. Có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc. Lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính (12). Cuối cùng thì có tám Ủy viên BCH TƯ khóa 12 bị kỷ luật như đã biết song BCH TƯ đảng khóa này không những không nhận trách nhiệm mà còn xem đó là… thành tích trong chỉnh đốn đảng!

BCH TƯ đảng khóa 12 đã điều chỉnh những qui định về “khung tiêu chuẩn chức danh” để tiếp tục tuyển chọn – bổ nhiệm cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cho phù hợp với… hiện trạng nhân sự bằng cái gọi là “qui hoạch nhân sự” cho BCH TƯ đảng khóa 13. Lần này, BCH TƯ đảng khóa 12 lại tiếp tục tuyên bố: Kiên quyết… đủ thứ như BCH TƯ đảng khóa 11 đã từng tuyên bố cách nay năm năm. Chọn “giống” theo cách đó thì nên mơ gì ở tương lai?

---------------------------------------

Chú thích



















No comments:

Post a Comment

View My Stats