Sunday 5 July 2020

TỰ DO BÁO CHÍ - BÀI HỌC TỪ HỒNG KÔNG (Đỗ Hùng)




02/07/2020

Phần 1 : Dẫn Nhập

Jeffrey Ngo là một chàng mảnh mai trẻ tuổi đang làm tiến sĩ lịch sử tại Đại học Georgetown (Mỹ). Anh nói được tiếng Việt chút chút và từng nghiên cứu về thuyền nhân Việt Nam tị nạn.

Một hôm mình bèn hỏi chuyện Jeffrey bởi vì cậu ta, bên cạnh con đường học thuật, còn là một nhà hoạt động, giữ cương vị “trưởng ban tuyên giáo” (chief researcher) phong trào Demosisto.

Nói thêm một chút, Demosisto (Hương Cảng chúng chí) khởi sinh trên nền các phong trào Scholarism (Học dân tư triều) và Hong Kong Federation of Students (HKFS, aka Học liên tức Liên hội Sinh viên Hong Kong), những phong trào đã làm nên cuộc cách mạng dù vàng kinh thiên động địa hồi năm 2014.

Khi ra đời vào năm 2016, Demosisto là một chính đảng với một trong những mục tiêu là tranh cử vào Hội đồng Lập pháp (Legco) và các vị trí dân cử khác trong hệ thống chính quyền đặc khu. Tuy nhiên, sau khi các thủ lãnh như Nathan Law, Joshua Wong, Agnes Chow bị loại khỏi lập pháp viện, bị cấm tranh cử hoặc thậm chí bị bỏ tù, Demosisto bèn chuyển thành một phong trào đấu tranh chính trị, với mục tiêu là đòi quyền tự trị sâu rộng, bảo vệ các giá trị dân chủ, tự do cho Hong Kong.

Giờ đây, với những quy định kìm kẹp tự do của luật An ninh quốc gia do Bắc Kinh áp thẳng xuống, Demosisto bị đặt vào điểm ruồi. Các hoạt động của Demosisto, chiếu theo luật mới, là phạm pháp và các nhân vật chủ chốt như Joshua Wong, Agnes Chow, Nathan Law và Jeffrey Ngo đứng trước nguy cơ bị truy tố với các tội danh: kích động bạo loạn, khủng bố, lật đổ, hợp tác với ngoại bang…

Cho nên, vào hôm nọ – ngày 30 tháng 6 – một loạt nhân vật chủ chốt như Joshua Wong, Agnes Chow, Nathan Law và Jeffrey Ngo đã rời khỏi vị trí ở Demosisto.

Phong trào này, dưới hình thức là một nhóm hoạt động vì dân chủ, đã chấm dứt.

Nghe tin này mình bèn bổ sung một câu hỏi vào cuộc trò chuyện dự kiến với Joshua, rằng có phải đó là điểm kết của cuộc đấu tranh, nhưng sau đó Joshua hồi đáp, khá buồn: “Xin lỗi, tôi xin phép không trả lời phỏng vấn nữa. Hy vọng anh sẽ hiểu”.

Mình nói là mình hiểu tình hình hiện tại không thuận lợi và hẹn một ngày nào đó thích hợp hơn. Thanh sơn, lục thủy còn đó, lo gì không có ngày sau.

Mình hỏi Jeffrey có trở lại Hong Kong trong tương lai gần không, bạn ấy bảo “chắc còn lâu”.

“Vì rằng những hoạt động của tôi có thể dễ dàng bị dán nhãn bạo loạn, lật đổ, hợp tác với thế lực nước ngoài. Trong hoàn cảnh Hong Kong không còn quyền tự quyết như cam kết ‘một quốc gia, hai chế độ’, Bắc Kinh sẽ dễ dàng bắt bớ”, Jeffrey nói.

Thực ra cuộc trò chuyện với Jeffrey có trọng tâm là Demosisto và phong trào đấu tranh tại Hong Kong, nhưng mình cũng hỏi về báo chí bởi nó gần gũi với mình. Cũng bởi, tự do báo chí là một trong những quyền tự do then chốt mà người Hong Kong đấu tranh để bảo vệ.

Jeffrey Ngo cũng hào hứng với câu chuyện báo chí: “Nói thế này để anh dễ hình dung: Năm 2002, Hong Kong xếp thứ 18 trên bảng xếp hạng của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, năm nay Hong Kong xếp thứ 80” (*).

Mình đã kiểm tra thông tin trên website của Reporters sans frontières (RSF) và thấy quả đúng như vậy.

Phần này chỉ mới như dẫn nhập thôi…


-----------------------------------------------------------

02/07/2020

Phần 2: Minh báo của Kim Dung và cuộc tập kích của Lưu Tiến Đồ

Vào lúc 10 giờ sáng 26 tháng 2 năm 2014, nhà báo Lưu Tiến Đồ (Kevin Lau, 劉進圖) như thường lệ lái xe ghé quán quen trên đường Thái Khang (太康街) ở khu Tây Loan Hà (西灣河).

Vừa lúc họ Lưu bước xuống xe, một kẻ lạ mặt đường đột xuất hiện dùng dao xắt thịt thoi mấy nhát vào người ông rồi nhảy lên xe mô tô do đồng bọn cầm lái tẩu thoát khỏi hiện trường. Trúng ba nhát vào cổ, lưng và chân, Lưu vừa lết vào xe vừa gọi điện cho cảnh sát.

Vụ Lưu Tiến Đồ bị thôi chức gây ra nhiều bất bình trong làng báo và cả trong nội bộ Minh Báo. Ảnh: AFP

Cảnh sát và các nhà quan sát độc lập sau đó đều chung nhận định: đây là đòn tấn công cảnh cáo chứ không nhằm giết người vì kẻ thủ ác dù đủ thời gian để giết Lưu nhưng dường như vẫn cố tình né các tử huyệt.

Họ Lưu là Tổng biên tập tờ Minh Báo (明報) từ năm 2012 cho đến trước lúc bị chém một tháng, khi ông được thay thế bởi Chong Tien Siong (Chung Thiên Tường, 鍾天祥), một người Malaysia có lập trường thân Bắc Kinh.

MINH BÁO TRỞ CỜ

Minh Báo do nhà văn Kim Dung và bằng hữu Thẩm Bửu Tân (沈寶新) thành lập năm 1959, là một thế lực lớn trong báo giới Hoa ngữ Hong Kong. Tờ báo này có lập trường tự do, nổi tiếng trong mảng báo chí điều tra.

Ông Lưu bị đâm suýt vong mạng. Ảnh: internet

Minh Báo một thời dưới nhãn quan Bắc Kinh là tờ báo chống Cộng.

Thế rồi, kể từ sau khi bị tỉ phú Malaysia Tiong Hiew King thâu tóm, nó ngả dần về Bắc Kinh. Tiong Hiew King sinh ra tại Malaysia và có tên tiếng Hoa là 张晓卿 (Trương Hiểu Khanh), chủ một tập đoàn gỗ lớn, hay là “lâm tặc” theo cách gọi của giới bảo vệ môi trường, có cơ sở làm ăn tại nhiều nước.

Rồi đây, khi thâu tóm Minh Báo, ta sẽ thấy Tiong Hiew King xây dựng nên tập đoàn báo chí tiếng Hoa Ming Pao Holdings Ltd ở Hong Kong, sau đó đổi thành Media Chinese International (Thế Giới Hoa Văn Môi Thể, 世界華文媒體) trở thành một đế chế trong làng báo chí Hoa ngữ bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Một báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ Truyền thông (CIMA, Mỹ) vào năm 2013 viết: “Trước và sau cuộc chuyển giao Hong Kong vào năm 1997, một số tờ báo có ảnh hưởng do các gia đình điều hành đã bị thâu tóm bởi các trùm tài phiệt có lợi ích kinh tế tại Trung Quốc hoặc có quan hệ mật thiết với đại lục, chẳng hạn Minh Báo, Tinh Đảo Nhật Báo (星島日報) và Thành Báo (成報)” và điều này cho thấy “làng báo ngày càng chịu sức ép phải giảm bớt sự chỉ trích nhằm vào chính quyền trung ương”.

Dù thế, với nền tảng là một luật sư và là một người có tiết tháo trí thức, tổng biên tập Lưu Tiến Đồ đã cố gắng để níu giữ vị thế độc lập của Minh Báo với các loạt bài điều tra gai góc, chẳng hạn điều tra cái chết của Lý Vượng Dương (李旺阳), một nhà bất đồng chính kiến ở Thiệu Dương, Hồ Nam từng ngồi tù 20 năm vì ủng hộ cuộc đấu tranh của sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989; viết bài phản đối chương trình Phổ cập giáo dục đạo đức (德育及國民敎育), chương trình vốn châm ngòi cho các hoạt động phản đối của Học dân tư triều, Học liên…

Sát thủ Diệp Kiếm Hoa (葉劍華) là một trong hai người bị kết án 19 năm tù

Minh Báo dưới thời Lưu Tiến Đồ cũng viết về các vụ bê bối chính trị của quan chức Trung Quốc, thậm chí còn động chạm tới cả thân bằng quyến thuộc của Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo.

Có lẽ vì thế mà Minh Báo đã thay họ Lưu bằng Chong Tien Siong vào tháng 1 năm 2014. Vụ thay người thoạt tiên làm dấy lên nhiều bất bình, phản đối trong làng báo Hong Kong, nhưng rốt cuộc thì nó vẫn diễn ra.

Một khi nằm dưới sự điều hành của Chong Tien Siong, ta sẽ thấy Minh Báo kiểm duyệt các thông tin có thể làm Bắc Kinh phiền lòng. Vào năm 2015, Chong đã yêu cầu thay một bài viết về cuộc thảm sát Thiên An Môn bằng bài về tập đoàn Alibaba “như một hình mẫu cho các bạn trẻ muốn trở thành doanh nhân thành đạt”.

Năm 2016, thư ký tòa soạn Khương Quốc Nguyên (姜國元) ăn gan hùm cho đăng vụ hồ sơ Panama, một vụ việc có thể phơi bày chuyện làm ăn mờ ám của nhiều đại gia Hong Kong lẫn người có thế lực lớn tại đại lục. Trước đó vài tuần, Khương còn cho đăng bài điểm phim Thập niên (十年), một bộ phim bị Bắc Kinh cấm (Bàn thêm: Phim này là một chùm năm phim ngắn, cực hay, mình xem trên Netflix mà nổi da gà. Bà con nên xem lắm lắm!).

Tổng Chong bèn lập tức sa thải họ Khương.

Đến năm 2019, khi biểu tình phản đối dự luật dẫn độ nổ ra, Minh Báo biên một bài xã luận gọi các cuộc biểu tình là “bạo động” (暴動).

Minh Báo trở nên là một tấm gương quy thuận triều đình, điều này không chỉ khiến những người làm báo công chính Hong Kong giận dữ mà nó còn tạo ra nội chiến ngay trong lòng tờ báo.

Nhiều tiếng nói bất bình đã vang lên bên trong tòa soạn Minh Báo.

Trong bối cảnh Minh Báo ngày càng đổ đốn ra dưới bàn tay lông lá của Cộng sản Trung Quốc, một trí thức điềm đạm nhưng quyết liệt như Lưu Tiến Đồ càng được đồng nghiệp và công chúng yêu tự do Hong Kong quý trọng. Cho nên, vụ ông bị kẻ giấu mặt ám toán ngay lập tức làm dấy lên cơn giận dữ trong lòng đặc khu.

AI RA LỆNH ĐÂM LƯU TIẾN ĐỒ?

Cuộc điều tra về vụ tấn công sau đó đã dẫn tới việc bắt giữ 11 thành viên Thủy Phòng bang (水房幫), hai trong số đó bị kết án 19 năm tù. Trước tòa, có bị cáo khai mình được thuê để thực hiện vụ đột kích.

Tuy nhiên, rốt cuộc người ta cũng không tìm ra được chân dung và động cơ của trùm cuối và cũng không trả lời được câu hỏi liệu rằng họ Lưu bị đâm là do công việc làm báo của ông ta hay không.

Ông Lưu sau mấy tháng nằm viện. Ảnh: internet

“Chúng ta không bao giờ biết được mệnh lệnh từ đâu đến. Trong trường hợp của Kevin Lau, có thể là do việc anh ta đã phanh phui các hoạt động ngầm của tội phạm địa phương. Có thể đây là chuyện quá nhỏ, không đáng để Bắc Kinh phải ra lệnh”, giáo sư Keith Richburg nói trong lần gọi Google Meet với mình.

Keith từng có hơn 20 năm làm cho Washington Post, trong đó có nhiều năm thường trú tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong nên rất am tường tình hình. Giờ đây, trong cương vị là Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Báo chí thuộc Đại học Hong Kong, ông có dịp nhìn bức tranh theo một góc nhìn khác.

Mình bèn nhắc tới một số vụ tấn công khác, chẳng hạn vụ tư dinh của tỉ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh, 黎智英) bị xe ủi hoặc tờ báo Apple Daily của ông bị cướp đốt.

“Câu chuyện với Jimmy Lai thì lại khác. Trong vụ nhà riêng của tỉ phú Jimmy Lai bị xe húc, có lẽ đó là do những người thân Bắc Kinh ở Hong Kong thực hiện. Chúng ta không thể nói rõ có phải Bắc Kinh ra lệnh hay không, nhưng tình hình là rất đáng lo. Bạo lực nhằm vào nhà báo là một vấn đề rất lớn của Hong Kong”, Keith Richburg nói.

Tóm lại, Chân tướng vụ Lưu Tiến Đồ bị tập kích vẫn mờ mờ ảo ảo như số phận của báo chí sau ngày Hong Kong được chuyển giao cho Trung Quốc.

(Còn tiếp)
_____

Ảnh:
1. Vụ Lưu Tiến Đồ bị thôi chức gây ra nhiều bất bình trong làng báo và cả trong nội bộ Minh Báo.
2. Họ Lưu bị đâm suýt vong mạng.
3. Sát thủ Diệp Kiếm Hoa (葉劍華) là một trong hai người bị kết án 19 năm tù;
4. Họ Lưu rũ bùn đứng dậy sáng lòa sau mấy tháng nằm viện.

Nguồn:
– Mình phỏng vấn riêng một số nhân vật trong làng báo và làng hoạt động Hong Kong

– Báo cáo One Country, One Censor: How China undermines media freedom in Hong Kong and Taiwan (Một quốc gia, một bộ máy kiểm duyệt: Cách mà Trung Quốc hủy hoại tự do báo chí ở Hong Kong và Đài Loan) của CPJ

– Hong Kong Free Press: https://bit.ly/3dPORvK

– Báo Apple: https://bit.ly/2VDm6vU


– https://bit.ly/38igsEH và một số nguồn khác


------------------------------------------------

04/07/2020

Tiếp theo Phần 1

Phần 2Minh báo của Kim Dung và cuộc tập kích của Lưu Tiến Đồ. 

Phần 3: Đấm vỡ mồm báo chí

Lưu Tiến Đồ không phải là trường hợp duy nhất nhà báo hoặc ngành báo chí, xuất bản bị tấn công bằng bạo lực.

Một báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) ghi nhận 2013 là năm gia tăng các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cánh nhà báo.

TẨM QUẤT TRẦN BÌNH, THỊ UY LÊ TRÍ ANH

Trong năm này, Trần Bình (陳平), chủ báo Dương Quang (iSun, 陽光), đã bị tẩm quất trên phố một thời gian sau khi tạp chí này cho đăng hình ảnh dân Tây Tạng tự thiêu phản kháng.

Trần Bình là nhân vật có lai lịch phức tạp. Sinh năm 1955 tại Thượng Hải trong một gia đình “giàu truyền thống cách mạng”, với cha mẹ là những đảng viên Cộng sản trung kiên hoạt động trong lĩnh vực khoa học quân sự, Trần Bình được giáo dục kỹ càng về lý tưởng cách mạng. Thế rồi Cách mạng Văn hóa nổ ra, cha Trần Bình trong một lần công tác Liên Xô bị gán tội phản quốc và bị cấm trở về nhà. Suốt 30 năm sau đó, ông đã không được gặp vợ con, nhưng đã kịp để lại cho Trần Bình một kho sách đồ sộ. Có lẽ nhờ đó mà Trần Bình đã học hành thành tài, trở thành một chuyên gia kinh tế trẻ tuổi và tài ba.

Năm 1984, họ Trần dự Hội nghị Mạc Can Sơn ở Chiết Giang, sự kiện mang tính bước ngoặt của thời kỳ cải cách kinh tế của Trung Quốc. Có vẻ tại sự kiện ở miền đồi núi gắn liền với huyền tích về cặp vợ chồng rèn kiếm Can Tương – Mạc Tà này, Trần Bình đã giác ngộ lý tưởng mới.

Tới năm 1989 khi xảy ra biến cố Thiên An Môn và sau khi sang Liên Xô thăm cha, Trần Bình bèn rời xa đảng Cộng sản, dần từ bỏ công việc trong cơ quan nhà nước để hướng ra các hoạt động kinh doanh quốc tế. Năm 1997, thời điểm Anh chuyển giao Hong Kong về với Trung Quốc, Trần Bình sang Hong Kong định cư.

Có gốc rễ từ đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng cũng có huyết hải thâm thù với đảng Cộng sản, Trần Bình tỏ ra không kiêng dè gì, có dịp phang được bèn phang ngay.

Thế nên khi Trần Bình bị hai gã trai trẻ nện một trận nhừ tử bên ngoài trung tâm Tân Hoa Phong ở Trại Loan, người ta liền chĩa mũi nghi ngờ về phía Bắc Kinh. Nhất là trước đó ít lâu tờ báo Dương Quang của Trần tiên sinh đã cho đăng tải hình ảnh tự thiêu ở Tây Tạng.

Trần Bình: “Chúng cầm gậy phang vào vai tôi”.

Báo Apple Daily (Bình Quả Nhật Báo) của tỉ phí Jimmy Lai (Lê Trí Anh, 黎智英) là một mối đau đầu khác của Bắc Kinh, do lập trường chống Cộng và ủng hộ dân chủ của ông chủ Lê.

Jimmy Lai – trùm báo chí mà Bắc Kinh coi như cái gai trong mắt, liệt vào nhóm Bè Lũ Bốn Tên cùng với Trần Phương An Sinh (Anson Chan), Lý Trụ Minh (Martin Lee), Hà Tuấn Nhân (Albert Ho). Ảnh: internet

Thế rồi vào ngày 19 tháng 6 năm 2013, một chiếc xe (ăn trộm) ủi thẳng vào cổng tư dinh của tỉ phú Lê Trí Anh trên đường Kadoorie thuộc khu dân cư Hà Vấn Điền. Trước khi rời đi, những kẻ tấn công không quên để lại một thanh mã tấu và một cái rìu để dằn mặt.

Tới ngày 30 tháng 6, một nhân viên của Apple Daily đang chở báo đi phát ở khu Hồng Khám thì bị hai gã đàn ông lạ mặt khống chế. Toàn bộ 26.000 tờ báo bị đốt sạch.
Xen giữa hai vụ trên, một nhà báo của tờ Sharp Daily (Sảng Báo), cũng thuộc tập đoàn Next Media (Next Digital) của ông chủ Lê Trí Anh, đã bị đánh trọng thương ở ngay khu Trung Hoàn.

Chỉ tính riêng năm 2013, có tới 18 vụ nhà báo Hong Kong bị tấn công khi đang tác nghiệp tại đại lục nhưng nhà đương cục không điều tra, theo thống kê của Hội Ký giả Hong Kong.

Đến năm 2014 xảy ra biểu tình Dù vàng thì có tới hơn 30 vụ nhà báo bị tẩn nhưng không có thủ phạm nào bị bắt và truy tố.

Nói về việc dính đòn, có lẽ Lê Trí Anh và tập đoàn Next Media đứng thứ hai thì không ai dám đứng thứ nhất. Vào tháng 1 năm 2015, cả nhà riêng lẫn trụ sợ của Next Media đều bị tấn công bằng bom xăng.

Báo cáo 29 trang “Nhà báo giữa hai làn đạn: Báo giới Hong Kong đối mặt với bức hại và tự kiểm duyệt nghiêm trọng” (Journalists caught between two fires: Hong Kong media faces serious harassment and self-censorship) do Hội Ký giả Hong Kong thực hiện vào năm 2015 cho thấy một bức tranh xám xịt.

Các vụ việc bị tấn công khi đi đưa tin biểu tình thì nhiều vô kể, đặc biệt là trong các đợt biểu tình năm 2019, 2020.

VAI TRÒ CỦA BẮC KINH

Hôm trước mình hỏi về khả năng Bắc Kinh đứng đằng sau các vụ bạo lực nhằm vào nhà báo, với tất cả sự cẩn trọng, giáo sư Keith Richburg ở Trung tâm Báo chí và Truyền thông Đại học Hong Kong nói rằng có thể không có một mệnh lệnh trực tiếp từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rất có khả năng các nhóm thân Bắc Kinh là thủ phạm.

Có một số điểm mấu chốt bổ trợ cho mối hoài nghi nhằm vào Bắc Kinh: Thứ nhất, các vụ việc này thường được điều tra không đến nơi đến chốn, thủ phạm thực sự không bị vạch mặt; Thứ hai, các nhà báo và tòa báo chống chính quyền trung ương có vẻ dễ bị tẩn hơn các nhà báo và tòa báo thân Bắc Kinh.

Nhưng nếu như các vụ việc trên còn nhiều điều mờ ảo, thì có một vụ mà bóng dáng Bắc Kinh hiện ra lồ lộ. Đấy là vụ bắt cóc năm người liên quan đến Đồng La Loan Thư Điếm – aka nhà sách Vịnh Đồng La – vào năm 2015.

Năm người – gồm Lữ Ba (呂波), Quế Miên Hải (桂民海), Lâm Vinh Cơ (林榮基), Trương Chí Bình (張志平) và Lý Ba (李波) – bị bắt cóc ở vào các thời điểm và địa điểm khác nhau. Trong đó, Lý Ba bị bắt cóc ở Hong Kong, ba người bị bắt cóc ở đại lục, còn Quế Miên Hải bị bắt cóc ở tận Thái Lan.

Ban đầu những người này đều biến mất một cách bí ẩn, mãi một thời gian sau thì chính quyền đại lục mới thông báo họ phạm pháp tại đại lục.

Ngày 28 tháng 2 năm 2016, Đài Truyền hình Phượng Hoàng ở Quảng Đông phát cảnh Lữ Ba, Lâm Vinh Cơ và Trương Chí Bình thú tội là đang móc nối để tuồn sách cấm vào đại lục. Mấy người còn lại cũng bị bắt ký vào các bản khai nhận tội.

Nguồn cơn của vụ này được cho là có liên quan đến việc Đồng La Loan Thư Điếm phát hành các cuốn sách phanh phui bê bối của giới lãnh đạo trung ương tại Bắc Kinh.

Về sau, Lâm Vinh Cơ được về Hong Kong mà theo họ Lâm là với điều kiện ông ta phải lấy đĩa lưu trữ danh sách người mua sách. Tuy nhiên, một khi về đến Hong Kong, ta sẽ thấy họ lên tiếng tố cáo chuyện bị bắt, bị còng tay và bị ép buộc nhận tội tại đại lục. Đến năm 2019, khi dự luật dẫn độ rục rịch được thông qua tại Hong Kong (sau đó bị phản đối quá nên phải dẹp), Lâm sợ rằng một khi luật này được ban hành thì ông ta sẽ bị dẫn độ sang Trung Quốc, bèn trốn qua Đài Loan.

Tổng thống Thái Anh Văn tới thăm nhà sách mới khai trương tại Đài Bắc của Lâm Vinh Cơ.

Tại Đài Loan, Lâm mở một nhà sách mang tên Đồng La Loan Thư Điếm để viết tiếp câu chuyện tự do xuất bản. Bà Thái Anh Văn, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, đã đến thăm như một cử chỉ biểu trưng cho sự ủng hộ của bà đối với tự do ngôn luận và chống lại sự đàn áp của Trung Quốc.

Quế Miên Hải, một người có quốc tịch Thụy Điển, thì tiếp tục ngồi tù tại đại lục và trong thời gian ngồi tù, ông ta được trao một số giải thưởng quốc tế, trong đó có giải thưởng Voltaire do Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao năm 2018 (giải năm 2020 trao cho Nhà xuất bản Tự do).

Năm 2019, Hội Văn bút Thụy Điển trao giải thưởng Tucholsky cho họ Quế và vụ này thậm chí gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Thụy Điển. Cớ sự là bà Bộ trưởng Văn hóa Thụy Điển Amanda Lind tới dự và trao giải cho họ Quế (vắng mặt do đang ngồi tù tại Trung Quốc) khiến Bắc Kinh nổi giận, liệt bà Lind vào danh sách “không chào đón” (persona non grata).

Bộ trưởng Văn hóa Thụy Điển Amanda Lind trao giải cho Quế Miên Hải (khiếm diện) sau đó bèn gặp rắc rối với Bắc Kinh.

Vụ Đồng La Loan Thư Điếm không liên quan tới báo chí, nhưng mình móc vào vì đang rảnh, với lại tự do xuất bản và tự do báo chí cũng bà con gần gũi và là một phần của tự do biểu đạt.

(Còn tiếp)

Ảnh: 1. Jimmy Lai - trùm báo chí mà Bắc Kinh coi như cái gai trong mắt, liệt vào nhóm Bè Lũ Bốn Tên cùng với Trần Phương An Sinh (Anson Chan), Lý Trụ Minh (Martin Lee), Hà Tuấn Nhân (Albert Ho)

2. Trần Bình: "Chúng cầm gậy phang vào vai tôi"

3. Tổng thống Thái Anh Văn tới thăm nhà sách mới khai trương tại Đài Bắc của Lâm Vinh Cơ

4. Bộ trưởng Văn hóa Thụy Điển Amanda Lind trao giải cho Quế Miên Hải (khiếm diện) sau đó bèn gặp rắc rối với Bắc Kinh



-----------------------------------------


05/07/2020

Tiếp theo Phần 1 : Dẫn nhập.  — Phần 2: Minh báo của Kim Dung và cuộc tập kích của Lưu Tiến Đồ. Phần 3: Đấm vỡ mồm báo chí.

Phần 4: Sức mạnh đồng tiền

Một ngày mùa thu năm 1990, một người đàn ông được mời đến gặp Đặng Tiểu Bình. Họ Đặng lúc bấy giờ đã rời khỏi tất cả các chức vụ trong đảng và chính quyền, nhưng quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông vẫn bao trùm mọi ngõ ngách.

Vị khách hôm ấy là ngoại kiều Hoa nhân Robert Kuok – aka tỉ phú Quách Hạc Niên. Sinh ra tại Malaysia nhưng họ Quách không hề quên gốc gác Phúc Kiến của mình.

QUÁCH HẠC NIÊN TÔN THỜ ĐẶNG TIỂU BÌNH

Sau khi thừa hưởng cơ nghiệp đường (sugar chứ không phải road) từ cha, Quách Hạc Niên đã không ngừng mở rộng đế chế gia đình, tạo nên một tập đoàn hùng mạnh có mặt trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, khách sạn đến sản xuất bao bì và tất nhiên vẫn duy trì ngành đường truyền thống.

Đặng Tiểu Bình và con gái Đặng Dong (邓榕) đón Quách Hạc Niên năm 1990. Ảnh: internet

Năm 1971, ông xây khách sạn Shangri-la đầu tiên tại Singapore và cũng trong thập niên này, ông chuyển tổng hành dinh sang Hong Kong.

Thời kỳ Trung Quốc mở cửa vào thập niên 1980, Quách chính là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên thâm nhập vào thị trường rộng lớn nhưng còn ngổn ngang này. Từ rất sớm, ông đã có nhiều nhà máy bao bì và các cơ sở kinh tế khác tại đại lục.

Chính những dòng vốn từ hải ngoại Hoa nhân như họ Quách đã góp phần rất lớn vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau mở cửa.

Đặng Tiểu Bình vời Quách vào hôm đó chính là để biểu dương cũng như một lần nữa khẳng định vai trò của cộng đồng người Hoa hải ngoại trong công cuộc phát triển đất nước Trung Hoa.

“Khi chúng tôi vừa yên vị, ông dành những lời đầu tiên để cảm ơn và ca ngợi người Hoa ở nước ngoài về sự đóng góp của họ cho sự ra đời của đất nước Trung Hoa mới, về vai trò quan trọng của họ trong thời gian qua và sắp tới trong sự phát triển của nền kinh tế Trung Hoa”, Quách Hạc Niên viết lại trong hồi ký Robert Kuok: A Memoir.

“Sau ba mươi năm nữa, Trung Quốc sẽ là quốc gia quan trọng và mạnh nhất tại châu Á, châu lục mạnh nhất thế giới vào lúc đó”, Đặng Tiểu Bình nói với Quách.

“Tôi không sống tới ngày ấy đâu, nhưng tôi tin ngày ấy sẽ đến”.

Đặng nói chuyện với phong thái khoan thai, nụ cười cũng thập phần nhẹ nhàng, như thể đấy là cuộc hàn huyên giữa bằng hữu vong niên lâu ngày gặp mặt vậy.

Thế rồi tới một điểm trong cuộc nói chuyện, giọng của họ Đặng đột nhiên đanh lại. Đấy là lúc ông nói về Đài Loan.

“Tôi đã đề nghị với họ hào phóng hơn những gì tôi sẽ trao cho Hong Kong. Họ sẽ có tất cả những gì mà tôi trao cho Hong Kong, thêm vào đó họ có thể duy trì lực lượng vũ trang, nâng cấp vũ khí. Tất cả những gì tôi đòi hỏi là một quốc gia thống nhất trở lại; dưới một lá cờ, một bộ ngoại giao, một dân tộc. Không có con đường nào khác ở phía trước cho Trung Quốc!”, Đặng nói với Quách.

“Khi nói về Đài Loan, lầu đầu tiên tôi thấy ở con người này sự bất bình cực độ”, Quách kể lại trong cuốn hồi ký.

Lần gặp đầu tiên và duy nhất với họ Đặng đã để lại trong tâm tưởng tỉ phú Quách một dấu ấn không hề phai mờ.

“Khi thấy những gì Đặng Tiểu Bình làm, tôi thực sự tôn thờ ông ta. Tôi thường nói với bạn bè hải ngoại của tôi rằng, suốt 5.000 năm lịch sử Trung Quốc, thật hiếm khi có lãnh đạo quyết tâm lo cho dân cho nước như lúc Đặng lên nắm quyền”, Quách viết.

Bàng bạc trong cuộc gặp ta thấy tâm sự của Quách Hạc Niên khi gặp Đặng Tiểu Bình là nỗi lòng một kẻ tha hương tìm về nguồn cội, giữa một anh hùng dọc ngang trời đất chợt bắt gặp minh chủ của mình.

“Bạn có thể cảm nhận được con người này không bao giờ nghĩ về bản thân. Ông ấy dành tất cả cho người dân, cho nhân dân của mình”, mấy chục năm sau cuộc gặp, Quách nhớ lại.

Lòng ngưỡng mộ, mối thiện cảm, dòng máu Trung Hoa hòa quyện cùng lợi ích, Quách Hạc Niên đã tìm thấy tất cả lý do để phục vụ hết mình cho Bắc Kinh.

SOUTH CHINA MORNING POST ĐỔI MÀU

Rất nhanh sau cuộc gặp, ta sẽ thấy rõ Quách có vai trò như thế nào khi tập đoàn Kerry Group của ông mua lại 34,9% cổ phần tại báo South China Morning Post (SCMP) từ News Corporation của Rupert Murdoch vào năm 1993.

Trong khoảng thời gian này, Quách còn được mời vào Hương Cảng Sự Vụ Cố Vấn (香港事務顧問), là nhóm cố vấn do chính phủ Trung Quốc lập nên để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao Hong Kong 1997.

Ở đây, Quách dường như được giao hai trọng trách: thứ nhất là thao túng truyền thông, thứ hai là, với sự am hiểu về Hong Kong của ông ta, cố vấn cho Bắc Kinh những vấn đề liên quan đến kinh tế Hong Kong sau ngày chuyển giao.

Tại SCMP, sau khi tập đoàn của Quách nắm quyền chi phối, một loạt nhà báo tên tuổi vốn thường chỉ trích Trung Quốc đã bị sa thải trước ngày chuyển giao Hong Kong, trong đó có Larry Feign và Nury Vittachi.

Từ năm 1997, nhiều thành viên của Ban Trung Quốc đã rời South China Morning Post, đặc biệt là trong năm 2000 và 2001 khi biên tập viên xã luận Danny Gittings và phóng viên thường trú tại Bắc Kinh Jasper Becker ra đi.

Gitting nói rằng ông ta luôn bị ép phải viết nhẹ nhàng hơn khi đụng phải các vấn đề chính trị nhạy cảm của Trung Quốc.

Biên tập trang Trung Quốc Willy Lam (Lâm Hòa Lập, 林和立) cũng chia tay trong năm 2000 sau khi bài viết của ông bị chính Quách Hạc Niên phê trách. Lúc bấy giờ, Lâm Hòa Lập là người hay chỉ trích Giang Trạch Dân và về sau ông đã giải thích lý do rời South China Morning Post là do không chịu được sự kiểm duyệt.

Không gian làm báo tự do tại SCMP ngày một thu hẹp. Năm 2011, khi Vương Hướng Vĩ (王向偉) lên làm tổng biên tập, ta sẽ thấy đâu đó ở SCMP bóng dáng của một tòa soạn báo đại lục.

Họ Vương là một người sinh ra tại đại lục và có chân trong Chính hiệp tỉnh Cát Lâm.
Với lai lịch như vậy, khi tiếp nhiệm cương vị mới, Vương Hướng Vĩ có vẻ đã hoàn thành xuất sách vai trò “gác cửa” của một cán bộ tuyên truyền. Vào ngày 7 tháng 6 năm 2012, ông đã cắt gọt một bài dài về cái chết của nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lý Vượng Dương (李旺阳) thành một tin nhỏ gồm hai đoạn văn và nhét vào đăng trang trong. Một biên tập viên (Alex Price) sau đó thắc mắc đã bị Vương Hướng Vĩ nạt cho một trận.

Đoạn chat giữa hai người sau đó bị rò ra:

Alex Price: Chào anh Hướng Vĩ, nhiều người thắc mắc tại sao mình lại cắt cái bài về Lý Vượng Dương tối qua. Chuyện này lạ hen, anh giải thích giùm đi?
Vương Hướng Vĩ: Đó là quyết định của tớ.

Alex Price: Anh có thể giải thích tại sao lại quyết định vậy? Bên ngoài người ta cho rằng mình tự kiểm duyệt…
Vương Hướng Vĩ: Tôi không việc gì giải thích với cậu. Tôi không nghĩ rằng quyết định của tôi có gì đó không ổn. Nếu cậu không thích cách giải quyết đó, thì tự biết phải làm gì rồi hen!”

Đến năm 2015, có vẻ mệt mỏi với thế sự và muốn về vui thú điền viên ở Thâm Thủy Loan, tỉ phú Quách Hạc Niên ở tuổi 92 với gia tài hơn 10 tỉ đô la bèn bán lại SCMP.
Người tiếp quản là tỉ phú Jack Ma (Mã Vân), ông chủ của Alibaba và đồng thời là một đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi tiếp quản, Mã Vân tuyên bố: “Với việc tiếp cận các nguồn lực, dữ liệu và các quan hệ trong hệ sinh thái của Alibaba, Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) có thể đưa tin về châu Á và Trung Quốc một cách chính xác hơn so với các tờ báo không có điều kiện tiếp cận như vậy”.

Dưới thời đại mới, SCMP có vẻ tinh tế hơn trong việc giữ cân bằng giữa khen và chê Bắc Kinh, một mặt tạo ấn tượng về một “tờ báo độc lập”, mặt khác không quá đụng chạm tới các vấn đề nhạy cảm của chính quyền trung ương. Nhưng dù thế nào, xét trên một chặng đường dài và điểm qua vài vụ cụ thể, có thể thấy đường hướng thân Bắc Kinh vẫn hiển lộ nơi tờ báo này, điều mà trước năm 1993 không hề có.

Năm 2017, cây viết kinh tài kỳ cựu Nhậm Mỹ Trinh (任美貞) tuyên bố bỏ việc sau khi một bài viết của cô bị rút. Đó là bài viết chỉ ra mối quan hệ giữa một nhà đầu tư Singapore với Lật Tiềm Tâm (栗潛心), con gái rượu của Ủy viên Bộ Chính trị Lật Chiến Thư (栗戰書), một người thân tín của Tập tổng chủ.

Quách Hạc Niên được Tập Cận Bình tiếp đón năm 2016. Ảnh: internet

Nhậm cô cô sau đó chia sẻ với Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) rằng 11 năm phóng bút tự do của cô tại SCMP đã chấm dứt. “Điều này (viết lách phi kiểm duyệt) đã không còn nữa khi bài tôi bị rút, điều mà tôi không đồng tình”.

Kiểm duyệt và không khí thân Bắc Kinh lan tỏa ở Nam Hoa Tảo Báo, vừa hay, lại không phải là chuyện đơn lẻ.

Làng báo Hong Kong, từng chút một, quả như cảm thán của tỉ phú Jimmy Lai Lê Trí Anh: “Chúng ta từng là chim trong rừng, giờ bị bắt nhốt vào lồng.”
_____

Nguồn:

1. Mình phỏng vấn riêng một số nhân vật trong làng báo và làng hoạt động Hong Kong

2. Báo cáo One Country, One Censor: How China undermines media freedom in Hong Kong and Taiwan (Một quốc gia, một bộ máy kiểm duyệt: Cách mà Trung Quốc hủy hoại tự do báo chí ở Hong Kong và Đài Loan) của CPJ

3. Báo cáo Journalists caught between two fires: Hong Kong media faces serious harassment and self-censorship) do Hội Ký giả Hong Kong thực hiện vào năm 2015

– Minh Báo










No comments:

Post a Comment

View My Stats