Nguyễn
Tuấn Khoa
03/07/2020
Sự kiện Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam (PVN) đầu tư dự án thủy điện (DATĐ) Luang Prabang trên dòng chính
Mekong đang gây phẫn nộ từ phía người dân. Với công suất 1,460 MW TĐ Luang
Prabang chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng hạn-mặn cho ĐBSCL.
Sự uất hận càng tăng thêm
khi người dân biết thêm rằng, PVN dùng thủ đoạn chuyển lỗ cho dân Việt bằng cái
gọi là Cơ Chế Đặc Thù đang trình lên Chính phủ. Theo đó, EVN sẽ mua điện với
giá 9.38 cent/kWh [1] gần gấp đôi giá mua do Bộ Công Thương ấn định là 4.8
cent/kWh trong suốt 5 năm qua. [2]
Đập trên dòng chính Mekong- Thông tin cập nhật đến
tháng 6/2020. Nguồn: STIMSON
Trong vai trò người phát
triển dự án, PVN đã đầu tư vào Luang Prabang qua PV Power mà PVN giữ 80% cổ phần,
20% còn lại gồm cổ đông nước ngoài và cổ đông khác (được cho là của các ông
quan Dầu Khí (?) [3]. PV Power đã lập liên doanh LPCL gồm 3 thành viên:
– PV Power giữ 38% cổ phần
– Chính phủ Lào giữ 25% cổ
phần
– Công ty TNHH PT (Lào)
giữ 37% cổ phần. Các ông quan Dầu Khí có quyền lợi ở đây không?
Ông Hồ Công Kỳ, Chủ
tịch HĐQT PV Power cho rằng, ngoài mục đích thương mại thì dự án còn là một biểu
tượng tình hữu nghị của hai nước Việt – Lào. Nguồn: PetroTimes
Tại sao PVN muốn sống
chết với một dự án lỗ?
Có ý kiến cho rằng,
PV Power trong vai trò chủ đầu tư sẽ giúp Việt Nam
chọn phương án thiết kế, vận hành, điều tiết, từ đó giảm thiểu tác động xấu đến Đồng bằng Sông Cửu Long. Về mặt tài chánh, với
số vốn góp 38%, PV Power không có quyền lớn đến như vậy! Về mặt kỹ thuật, chỉ bằng
thiết kế và vận hành, các kỹ sư VN không thể giải quyết chuyện “đội đá vá trời”
này được. Thực tế, TĐ Luang Prabang bị kẹp giữa:
– Thượng nguồn gồm 11 đập
ở Vân Nam, giữ 47 tỷ m3 nước, với tổng công suất 21,310 MW bằng 15 lần Luang
Prabang. [4]
– Hạ nguồn gồm Xayaburi
có công suất tương đương và Don Sahong nhỏ hơn. Có 3 DATĐ sẽ sớm được khởi
công. Tổng công suất khi đó là 5,745 MW và giữ 1.9 tỷ m3 nước.
Muốn hạn chế tác động xấu
cho Đồng bằng Sông Cửu Long như PVN kỳ vọng thì Việt Nam phải có đủ sức mạnh
chính trị để yêu cầu Lào, Thái Lan và nhất là Trung Quốc chia sẻ thông tin của
tất cả các đập đang vận hành (13 +3 đập). Tiếp theo, VN phải trở thành điều phối
viên vận hành đập liên quốc gia với điều kiện các quốc gia trên đồng ý. Chuyện
này là không tưởng! Vì vậy đây không phải là lý do.
Có ý kiến cho rằng, PVN đầu tư là để ngăn không cho TQ có cơ hội phá
VN. Ngược lại, TQ không dại đầu tư vào đây bởi vì chúng muốn nhìn thấy chính những
người Việt Nam tham lam, tự bỏ tiền để phá hoại môi trường của Việt Nam.
Hơn nữa, theo phân tích
trong bài trước [5], việc bán điện cho Thái Lan là không khả thi vì Luang
Prabang có vị trí xa nhất đến Thái Lan nên dự án gặp nhiều bất lợi dẫn đến giá
bán rất cao. Bán điện cho VN càng khó vì theo lập luận này, TQ đầu tư là để phá
VN. Không có người mua điện, không lẽ TQ đầu tư TĐ chỉ để phá VN thôi sao? Do
đó đây cũng không phải là lý do.
Như thế chỉ có quyền lợi đen với âm mưu của mafia quốc tế mới thúc đẩy
các ông quan PVN dùng thủ đoạn moi tiền của dân Việt để đổ vào một dự án tàn
phá nước Việt. Chúng ta không thể coi thường người Lào và càng không để cho Việt
gian đưa mafia vào phá Đồng bằng Sông Cửu Long!
Chính Phủ đã chấp
thuận dự án Luang Prabang hay chưa?
Trong khi người dân đang
mong Thủ tướng sẽ phủ quyết Cơ Chế Đặc Thù của PV Power thì hai bài báo dưới
đây đã đập tan mọi hy vọng:
Báo Đầu Tư [6] cho biết: Ngày 5/6/2020 Thủ Tướng đã đồng ý cho EVN và
PV Power góp vốn với tỷ lệ tối thiểu là 10% hoặc 12% và đề nghị 2 đơn vị này
xây dựng tờ trình dự án để báo cáo Quốc hội và Bộ Chính trị thông qua trong thời
gian sớm nhất.
Báo Petro Times [7] cho
biết, PV Power đã tổ chức hội thảo về “Dự án Thủy Điện Luang Prabang” vào ngày
7/6/2020. Trong buổi hội thảo này, ông Nguyễn Duy Giang, Tổng Giám đốc PV Power
đã trình bày cơ chế thúc đẩy nhanh triển khai đầu tư.
Cả hai bài báo đều mập mờ,
khó hiểu. Tuy vậy rõ ràng Thủ tướng đã đồng ý dự án Luang Prabang và đã chỉ ra
lộ trình hai bước tiếp theo: Trình Quốc hội và trình Bộ Chính trị. Cơ Chế Đặc
Thù dù không được nhắc trong bài báo nhưng có vẻ nó đã được chấp thuận và giờ
đây nó là một phần trong thủ tục sẽ trình duyệt.
Một điều bất thường của
quyết định này là EVN từ người mua điện (giá cao) nay đã được cho phép làm cổ
đông đầu tư. Như vậy EVN cùng một lúc sắm ba vai trong một vở kịch tồi: 1) Nhà
đầu tư trong liên doanh LPCL, bán điện cho chính mình (EVN). 2) Người buôn điện
tức đại diện của VN mua điện do mình bán (từ Luang Prabang). 3) Người bán điện
cho dân Việt.
Tổ quốc đang lâm nguy.
Thu nhập quốc gia không đủ để trả nợ tới hạn. Đẩy lỗ cho dân Việt để thu lợi cá
nhân, PVN và những ai đang đứng đằng sau giống như một con thú đang ăn dần vào
đuôi của chính nó. Chúng ta không thể ngăn chặn chuyện động trời này nhưng
chúng ta nhất định đòi hỏi một lời giải thích từ người ra quyết định cuối cùng.
______
Tham khảo:
[1] PV Power chờ những dự án khủng, ngày 24/6/2019, báo Đầu
Tư: https://baodautu.vn/pv-power-cho-nhung-du-an-khung-d102574.html
[2] Canh bạc Luang Prabang – Bài 1: Hiệu quả tài
chính còn để ngỏ, Nguyễn Đăng Anh Thi,
báo Người Đô Thị, ngày 9/4/2020: https://baotiengdan.com/2020/04/09/canh-bac-luang-prabang-bai-1-hieu-qua-tai-chinh-con-de-ngo/
[3] POW- Báo cáo Thường Niên 2019: https://www.stockbiz.vn/News/2020/4/15/810322/pow-bao-cao-thuong-nien-nam-2019.aspx
[4] Mekong Mainstream Dams by Brian Eyler, ngày 23/6/2020,
Stimson: https://www.stimson.org/2020/mekong-mainstream-dams/
[5] Thủy Điện Luang Prabang- Phải Dừng Khởi Công Ngay Lập Tức! Ngày
23/6/2020, Nguyễn Tuấn Khoa: https://baotiengdan.com/2020/06/23/phai-dung-khoi-cong-thuy-dien-luang-prabang-ngay-lap-tuc/
[6] ĐHĐCĐ PV Power: Giảm tỷ trọng đầu tư dự án thủy
điện Luang Prabang, hơn 5.000 tỷ đồng công nợ tồn đọng, ngày 12/6/2020, báo Đầu Tư: https://baodautu.vn/dhdcd-pv-power-giam-ty-trong-dau-tu-du-an-thuy-dien-luang-prabang-hon-5000-ty-dong-cong-no-ton-dong-d124028.html
[7] PV POWER tổ chức hội thảo về dự án thuỷ điện
LUANG PRABANG, ngày 11/6/2020, báo
PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/pv-power-to-chuc-hoi-thao-ve-du-an-thuy-dien-luang-prabang-539405.html
No comments:
Post a Comment