Monday, 20 July 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/07/2020 (The Economist)




The Economist
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
20/07/2020

Số ca tử vong vì covid-19 trên toàn cầu đã vượt 600.000. Hôm thứ Bảy, WHO thông báo gần 260.000 trường hợp mới đã được ghi nhận trên toàn thế giới trong 24 giờ trước đó, cao nhất từ trước đến nay. Ấn Độ hiện là quốc gia thứ ba ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm, sau Mỹ và Brazil.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã bác bỏ các báo cáo chính phủ Trung Quốc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sau khi được xem một đoạn video quay bằng drone cho thấy một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ bị bịt mắt và trói tay để đưa lên tàu hỏa. Ông bác bỏ các cáo buộc chính phủ Trung Quốc đang cưỡng chế triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ. Ông nói chính phủ đối xử với “các dân tộc ở Trung Quốc công bằng như nhau”.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tuyên bố Anh sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới lên lãnh thổ này. Úc và Canada, các thành viên của liên minh tình báo ‘Ngũ Nhãn’ cũng đã đình chỉ các hiệp định tương tự. Hoa Kỳ và New Zealand hiện đang xem xét.

Rajquer Kumar, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ cho biết chính phủ cần phải can thiệp thêm để giải quyết hậu quả của covid-19. Ông cảnh báo rằng nếu không được hỗ trợ, các lĩnh vực đang gặp khó khăn như hàng không và khách sạn sẽ đe doạ nỗ lực cải thiện hệ thống tài chính nước này mấy năm qua. Trước đại dịch, các cải cách đã giúp giảm tỷ lệ nợ xấu cao thường thấy của Ấn Độ.

Thị trưởng thành phố Portland, bang Oregon, đã yêu cầu rút các sĩ quan cảnh sát liên bang khỏi thành phố, cáo buộc họ đã vi hiến khi bắt giữ người biểu tình. Tổng chưởng lý Oregon đã đệ đơn kiện chính phủ liên bang. Thành phố này đã chứng kiến ​​biểu tình hàng đêm kể từ cái chết của George Floyd. Một tòa nhà của công đoàn cảnh sát đã bị đốt cháy hôm tối thứ Bảy.

Bộ Y tế Bangladesh cho biết tỷ lệ xét nghiệm hàng ngày đã giảm từ khoảng 18.000 vào cuối tháng 6 xuống chỉ còn hơn 10.000 trong hai tuần qua. Điều này xảy ra sau vụ bê bối mà trong đó hai bệnh viện và một trung tâm xét nghiệm đã bị đóng cửa và hơn một chục người bị bắt vì đã chứng nhận cho hàng ngàn người là không nhiễm virus dù không xét nghiệm.

Carrie Lam, trưởng đặc khu Hồng Kông, cảnh báo tình hình covid-19 tại lãnh thổ này là “rất nghiêm trọng” và “không có dấu hiệu” tình hình đang  được kiểm soát. Thành phố đã công bố 108 ca mới hôm thứ Bảy, một kỷ lục mới tính theo ngày. Thành phố đã loại trừ được lây nhiễm cộng đồng hồi cuối tháng 6, nhưng chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến trong hai tuần qua.

TIÊU ĐIỂM

Ấn Độ chìm trong khủng hoảng covid-19
Ấn Độ đang liên tiếp phá kỷ lục. Hôm thứ Sáu, nước này trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Brazil ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm covid-19. Ngày hôm sau họ ghi nhận gần 39.000 trường hợp mới, một kỷ lục. Số người chết chính thức vẫn còn khiêm tốn đối với một quốc gia gần 1,4 tỷ dân, song đó một phần là vì dữ liệu thiếu sót.

Khu vực nông thôn rất đáng quan ngại: người dân ở vùng sâu vùng xa ít có khả năng được chẩn đoán và chăm sóc y tế, trong khi hàng triệu công nhân thất nghiệp đã rời thành phố về quê, mang theo virus. Một số bang đã tái phong tỏa. Các chuyên gia dự đoán dịch sẽ không đạt đỉnh sau vài tháng nữa. Covaxin, một loại vắc-xin được phát triển trong nước, bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn của Delhi trong tháng này. Đây là niềm hy vọng trong bối cảnh tăm tối hiện nay.

Bang Victoria mở cuộc điều tra về đợt bùng dịch gần đây
Australia hầu như đã dập tắt được các ổ dịch covid-19 ở địa phương nhờ lệnh ở nhà, đóng biên giới và chính sách cách ly những người vừa nhập cảnh trong khách sạn. Nhưng giờ đây một làn sóng thứ hai đang bùng lên ở bờ biển phía đông đất nước vì người ta vi phạm lệnh cách ly hai tuần bắt buộc ở Victoria, tiểu bang đông dân thứ hai. Một cuộc điều tra chính thức về các vi phạm sẽ bắt đầu vào hôm nay.

Các tờ báo địa phương đổ lỗi cho các nhân viên an ninh tư nhân canh gác các khách sạn cách ly, đưa tin rằng họ vi phạm quy tắc giãn cách xã hội và một số người đã có quan hệ tình dục với những người cách ly. Một số người đã nhiễm virus, và sau đó lây lan qua các quận đông đúc ở Melbourne. Hiện có gần 3.000 ca nhiễm đang điều trị ở bang này.

Melbourne đã phong tỏa trở lại, và người dân đã được yêu cầu đeo khẩu trang. Các ổ dịch cũng đang phát triển ở New South Wales, khiến những người ở Sydney tự hỏi liệu số phận tương tự có đang chờ đợi họ hay không.

Quốc hội Mỹ chuẩn bị bổ sung kích thích kinh tế
Quốc hội hôm nay họp lại với nhiệm vụ cấp bách là đề ra thêm một dự luật cứu trợ nữa. Gần 2,5 nghìn tỷ đô la đã được phân bổ trong các gói trước đó. Dù vậy, virus vẫn đang tàn phá nền kinh tế nên cần nhiều hơn nữa. Đảng Dân chủ đề xuất gói 3,4 nghìn tỷ đô la, qua đó sẽ phát cho mỗi người Mỹ một tấm séc 1.200 đô la, mở rộng các khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang đến cuối năm và trợ cấp cho ngân sách của các thành phố và bang bị thiệt hại nặng.

Tham vọng của đảng Cộng hòa khiêm tốn hơn, mặc dù vẫn có thể lên tới 1 nghìn tỷ đô la chi tiêu mới. Cho đến nay, các nỗ lực kích thích đã tương đối hiệu quả, giúp hạn chế nghèo đói trong khi thất nghiệp vẫn cao. Còn các nỗ lực kiềm chế virus thì không được như vậy. Chính phủ liên bang đã tạo ra  một khoản thâm hụt 2,7 nghìn tỷ đô la trong chín tháng – hơn 10% GDP – trong khi số ca nhiễm đã đạt mức cao kỷ lục, khoảng 78.000 ca mỗi ngày. Do chỉ “trị triệu chứng” mà không trị bệnh gốc, Mỹ đã chọn một con đường tốn kém và đầy sóng gió.

Công bố dữ liệu vắc-xin covid-19 của Đại học Oxford
Hôm nay sẽ công bố dữ liệu giai đoạn 1 của thí nghiệm vắc-xin covid-19 được mong chờ bấy lâu của Đại học Oxford. Một bài báo trên tạp chí y khoa Lancet sẽ cho thấy liệu vắc-xin có tạo ra phản ứng miễn dịch hay không và liệu các tình nguyện viên có gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi thử nghiệm hay không. Được để ý nhất sẽ là dữ liệu về mức độ kháng thể và tế bào T được phát triển, điều cho thấy liệu vắc-xin đã có thể tạo được phản ứng miễn dịch giống như trong nhiễm bệnh tự nhiên hay chưa.

Vẫn chưa rõ mức độ [kháng thể và tế bào T] nào là tương ứng với mức độ miễn dịch hữu ích. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều thí nghiệm hơn nữa. Hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna gần đây đã công bố dữ liệu đáng khích lệ về hai loại vắc-xin tiềm năng. Nhưng vắc-xin Oxford vẫn dẫn đầu cuộc đua. Nó đang trải qua thử nghiệm giai đoạn cuối ở ba quốc gia và các nhà khoa học có thể có được dữ liệu hiệu quả sớm nhất là vào tháng 8. Điều này sẽ giúp vắc xin hướng tới việc được phê duyệt hạn chế vào tháng 10 và sử dụng rộng rãi vào đầu năm tới.

Các chuỗi bán lẻ ở Mỹ bắt buộc đeo khẩu trang
Những tín đồ của thời trang khẩu trang và những người đánh giá cao khả năng ngăn chặn covid-19 của chúng có lý do để ăn mừng. Kể từ hôm nay, một số nhà bán lẻ lớn của Mỹ, bao gồm Kohl, Walmart và CVS, sẽ yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang tại cửa hàng, theo sau các chuỗi như Best Buy và Costco. Khi số ca nhiễm covid-19 vẫn tăng ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tiếp tục yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang.
Nhưng sự hưởng ứng đã không đồng đều. Tương tự là phản ứng của chính phủ. Trong khi hơn một nửa các bang đã ra yêu cầu đeo khẩu trang, một số chính trị gia lại phản đối điều này. Thống đốc Brian Kemp của Georgia đã đình chỉ các quy định địa phương về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội trong tuần này. Ông cũng đã đệ đơn kiện thành phố Atlanta để buộc thành phố phải hủy các hạn chế. Với việc ưu tiên làm ăn hơn dịch bệnh, ông Kemp tuyên bố “đặt người dân lên trên chính trị đại dịch”. Nhưng một số doanh nghiệp ưu tiên chống dịch  hơn lại đi ngược lại quan điểm của chính quyền.






No comments:

Post a Comment

View My Stats