Jeff
Sharlet - Vanity
Fair
Dịch giả: T.Vấn
04/07/2020
Lời giới thiệu: Donald Trump là một hiện tượng chưa từng có tiền
lệ trong lịch sử chính trị văn hóa xã hội Hoa Kỳ. Điều này ai cũng biết, cũng đồng
ý. Hơn nữa, “hiện tượng” này còn là cuộc đấu tranh gay gắt, khốc liệt giữa
hai phe đối nghịch: Ủng hộ Trump (Pro-Trump) và chống Trump (Anti-Trump) hiện
đang diễn ra, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa là tới kỳ bầu cử tổng
thống, quyết định số phận của Trump, ông ta sẽ tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa
hay trở thành tổng thống 1 nhiệm kỳ, gia nhập hàng ngũ của các cựu tổng thống
Jimmy Carter và George H. Bush (Bush cha).
Đã có quá nhiều điều được
nói, viết, bàn luận về Trump, về con người, về quá khứ, về tư cách, về tất cả
những gì Trump nói, làm, trong đời sống riêng cũng như với tư cách nguyên thủ
quốc gia. Nếu đem những chuẩn mực bình thường để đo lường, đánh giá tư cách và
khả năng của Trump sau hơn 3 năm đảm nhận nhiệm vụ tổng thống, thì từ trước tới
nay lịch sử nước Mỹ cho thấy, chưa có một chính khách nào tồn tại được lâu như
vậy, thậm chí cũng khó mà được một đảng như đảng Cộng Hòa đề cử vào vai trò ứng
cử viên tổng thống.
Nhưng hiện nay, sau tất cả
những thất bại trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, với sự bất ổn gây ra bởi
phong trào chống kỳ thị chủng tộc của người da màu và một nền kinh tế đang đứng
mấp mé ở bờ vực một cuộc suy thoái trầm trọng, uy tín chính trị của tổng thống
Trump tuy có giảm sút đáng kể, nhưng mức độ ủng hộ của nhóm cử tri “gà nhà”
(base) của ông ta hầu như không bị lung lạc, bất kể những yếu tố sống chết như
vừa nêu trên.
Đã có nhiều nghiên cứu,
khảo sát về mọi khía cạnh: Lịch sử chính trị, hoàn cảnh kinh tế, trình độ giáo
dục văn hóa, tầm ảnh hưởng của các mạng truyền thông xã hội (bao gồm cả sự lan
truyền tin vịt, với động cơ là sự cố ý nhằm các mục đích trục lợi hay ủng hộ
quan điểm chính trị của mình, hay đơn giản chỉ là vô tình không biết, tắc trách
thiếu suy nghĩ v..v…). Dường như, càng nghiên cứu, người ta càng có thêm những
bất đồng với nhau trong việc đánh giá hiện tượng Trump và “base” của ông
ta.
Bài phóng sự: “He’s the Chosen One to Run America”: Inside the Cult of Trump,
His Rallies Are Church and He Is the Gospel, của nhà văn, ký giả
Jeff Sharlet, đăng trên tạp chí Vanity Fair ngày 18/6/2020 là một nỗ lực – có
thể tạm gọi là một “thiên phóng sự điều tra” theo cách phân loại
thông thường của báo chí Việt Nam – nhằm đi tìm câu trả lời cho vấn đề mà cả nước
Mỹ đang quan tâm.
Sharlet đã bỏ ra nhiều
tháng trời, tham dự các cuộc tập họp vận động tranh cử (Rallies) của Trump từ
Pennsylvania, tới Louisiana, cho tới Florida, cùng sinh hoạt chung với các cổ động
viên nồng cốt của Trump. Trong đó, có nhiều người đã bỏ cả công ăn việc làm đi
theo Trump, tự dùng tiền túi trang trải các chi phí về ăn, ở, di chuyển, cờ quạt,
quần áo mang hình ảnh Trump hay các nội dung xiển dương sự ủng hộ Trump. Nơi
nào có Trump tập họp, nơi đó có họ. Không chỉ một, mà hàng ngàn người như vậy.
Theo Sharlet, ông đã tìm ra mẫu số chung liên kết họ với Trump. Đó một
sự tin tưởng nhuốm màu sắc tôn giáo, là một sự pha trộn giữa đức tin Kitô giáo,
sự sùng bái cá nhân và cả sự sùng bái những loại thuyết âm mưu xiển dương bởi
những đầu óc không bình thường. Với
họ, Trump là hình ảnh cụ thể, bằng xương bằng thịt của sự tổng hợp đó.
Nhà văn Sharlet đã nhìn
thấy tận mắt một giáo phái mang tên Trump, coi ông ta là Thiên sứ (the
chosen one) sai xuống để lãnh đạo nước Mỹ và để … trừng phạt nước Mỹ. Họ
coi những lời Trump nói, tweet, kể cả những động tác nháy mắt, huơ tay múa chân
là Phúc Âm (phúc âm của Trump – the gospel of Trump). Họ, những tín đồ
(disciples) của Trump, tự cho mình là những người nhận được ơn soi sáng của
Chúa Thánh Thần (một khái niệm thuần túy Kitô giáo) để có thể nhận ra điều xấu
trong cái vẻ ngoài tốt lành, điều tốt lành trong cái vẻ ngoài xấu xa dung tục.
Chính nhờ vậy, họ nhìn ra
được sự thần thánh thiêng liêng ẩn chứa trong những lời nói, hành vi của Trump
mà người thường – kẻ chưa được ơn soi sáng – cho là dung tục,
là ngô nghê, là ngu dốt, là sai trái. Vả chăng, như lời kinh thánh, Chúa chọn
những kẻ tội lỗi làm khí cụ thi hành ý chí của mình là có một mục đích, họ so
sánh Trump với vua David của người Do Thái mà kinh thánh nói đến, một kẻ
tội lỗi nhưng được Chúa chúc phúc.
Cũng với ơn soi sáng của
Chúa Thánh Thần, họ đã nhìn ra bọn lãnh đạo đảng Dân Chủ gồm toàn “một
lũ ấu dâm, một bọn cặn bã, bọn ăn thịt trẻ con” mà mục đích duy
nhất của bọn này là tiêu diệt nước Mỹ [có lẽ những người Việt ủng hộ Trump khi
nhắc đến đảng Dân Chủ, họ dùng những từ miệt thị như “bọn DÂM chủ THỔ TẢ”
là có nguồn gốc từ đây chăng?].
Sự kiện xảy ra ngày
4/12/2016, khi Edgar Maddison Welch tin vào thuyết âm mưu đã xách súng AR-15 đến một tiệm Pizza ở D.C để
“giải thoát cho những trẻ em bị bắt cầm tù làm nô lệ tình dục” bắt nguồn
từ sự tin tưởng rằng bà Hillary Clinton đã dùng chỗ này làm bản doanh chỉ huy
các hoạt động phi pháp – mà nhà văn Sharlet nhắc đến trong bài là một thí dụ điển
hình cho niềm tin ở “ơn soi sáng” này.
Edgar Maddison
Welch trước khi bị cảnh sát bắt giữ bên ngoài tiệm pizza Comet Ping Pong ở
Washington, D.C. hôm 4/12/2016. Nguồn: AP
Sau nhiều tháng trời có mặt
ở các Rallies khắp miền đất nước, tiếp xúc với nhiều người (mà
đa số là các mục sư), nhiều thành phần ủng hộ viên Trump tận tụy, Sharlet đã có thể kết luận sự hiện
hữu của một giáo phái có tên là Trump, mà nhà thờ của họ (church – nơi cử hành
thánh lễ) là các Rallies, và kinh thánh của họ được ẩn chứa trong
những tweets mà Trump phát đi hàng ngày, trong những bài diễn văn, những lời
nói (Phúc Âm của Trump – The Gospel of Trump).
Cũng với đức tin ở Phúc
Âm của Trump, họ tin rằng, một trong những nhiệm vụ của Trump ở vai trò thiên sứ
lãnh đạo nước Mỹ là ngoài việc “Make America Great Again” (2016) và “Keep
America Great” (2020) còn là … sự trừng phạt nước Mỹ vì nước Mỹ
vẫn còn quá nhiều người tội lỗi luôn tìm cách chống phá con cái Chúa (Trump),
không cho họ thi hành nhiệm vụ. Chính vì vậy mà đại dịch Covid-19 hoành hành khủng
khiếp nhất ở Mỹ với hơn ¼ số
người nhiễm bệnh trên thế giới là người Mỹ và số tử vong
chiếm gần ¼ số tử vong trên thế giới. Điều này khó có ai tin lại xảy ra ở nước
Mỹ, quốc gia có nền y học tiên tiến nhất thế giới. Nhưng thực tế đã cho thấy đó
là sự thật, nên họ cho rằng, đó là do Chúa trừng phạt nước Mỹ, bằng cách sai
Trump thi hành nhiệm vụ này.
Đó là nội dung thiên
phóng sự khá dài (hơn 30 trang giấy khổ 8×11 tiếng Việt) của Jeff Sharlet, nhà
văn và là ký giả người Mỹ, 48 tuổi, tác giả nhiều ấn phẩm thuộc hạng
best-sellers, đã cộng tác với hầu hết các tờ báo nổi tiếng và uy tín của Mỹ,
cũng như thế giới. Bài
phóng sự mà quý vị sắp đọc, được đăng trên nguyệt san chuyên về văn hóa xã hội
Vanity Fair, số ra ngày 19-6-2020, một tạp chí có bề dày hơn 100 năm (số đầu
tiên phát hành năm 1913) và hiện có 5 ấn bản quốc tế cùng song song phát hành
trên thế giới.
Trong bài, tác giả sử dụng
cách viết ẩn dụ và trích dẫn nhiều điển tích (cổ và kim). Về những điển tích,
cũng may, chúng ta có Google, cho nên, những chú giải về “điển tích” trong bài
chỉ có tính cách khái quát, đủ để hiểu ý trong bài, tránh cho độc giả bị “chia
trí” trong lúc đọc bài. Độc giả cần truy cứu sâu hơn, có thể dùng những từ khóa
(key words) để tra khảo. Về cách viết ẩn dụ, chúng tôi đã cố gắng hết sức trong
khả năng và với sự cẩn trọng cần thiết của người làm công việc dịch thuật, làm
sao giữ được ý nghĩa chính (và thực) của câu văn, nhưng phải mang tính cách Việt
để người đọc Việt không cảm thấy khó chịu, thậm chí khó hiểu. Đó là một việc
làm không dễ. Thế nên, chắc chắn có sai sót. Xin nhận được sự chỉ giáo trong
tinh thần học thuật nghiêm túc, xây dựng, không bị chi phối bởi quan điểm chính
trị bênh-chống.
Cuối cùng, khi bỏ thì giờ
làm công việc chuyển ngữ bài viết của nhà văn Sharlet, chúng tôi không hề có ý
định thuyết phục những người Việt có quan điểm ủng hộ tổng thống Trump xem xét
lại quan điểm của mình. Thiết nghĩ, nếu những phân tích đầy lý lẽ của nhà báo kỳ
cựu Đinh Từ Thức nhân nhận định bài phê bình của dân biểu Adam
Schiff về quyển hồi ký “The room where it happened”
của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton không đủ sức thuyết phục họ, cộng
thêm với rất nhiều bài viết, dịch thuật khác của nhiều tác giả, thì bài chuyển
ngữ này cũng vô ích mà thôi.
Hôm nay là ngày 4 tháng
7, ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, là công dân Hoa kỳ có chiều dày thâm niên 30
năm, chúng tôi tri ân một nước Mỹ hùng cường, đại lượng đã mở rộng vòng tay đón
những kẻ khốn cùng năm xưa, đã cưu mang, đã tạo cơ hội để những kẻ khốn cùng
như chúng tôi – và gia đình – sống sót và hơn nữa, hoàn thành giấc mơ Mỹ để cuối
đời, giữa sự an lành và no đủ, có thể ngồi viết những dòng chữ này mà không cảm
thấy xấu hổ với chính mình và con cháu.
Houston, ngày 4-7-2020
--------------------------------------------------------
Jeff
Sharlet - Vanity
Fair
Dịch giả: T.Vấn
05/07/2020
Tiếp theo: Phần giới thiệu
*
Bên trong thế giới sùng bái
Trump, các buổi tập họp vận động tranh cử như những buổi lễ ở nhà thờ và Phúc
âm Trump.
Những cuộc tập họp vận động tranh cử của Trump – mớ
hỗn độn những tổng hợp lạ lùng của những con số, những nội dung tweet, và quan
điểm thượng tôn da trắng (white supremacy) – mang vóc dáng một nghi lễ tôn
giáo, qua đó, ông ta đánh dấu sự ngự trị của mình về giấc mơ một nước Mỹ vĩ đại.
Trong lúc ông ta đang chuẩn bị cho những buổi tập họp như vậy tái xuất giang hồ,
những tín đồ của Trump cũng đã tỏ ý sẵn sàng tham dự.
Đứng trước một dẫy buồng
vệ sinh lưu động, Yusif Jones úp chiếc mặt nạ hình Trump làm bằng nhựa lên mặt,
vênh váo: “Ổng đây nè!”. Vừa nói, anh ta vừa ưỡn ngực khoe chiếc áo
thun TRUMP may lấy ở nhà, một loại áo thun ngắn tay lấy lá cờ Mỹ làm nền, vắt
qua những sọc ngang trắng đỏ là mấy mẫu tự màu đen: GOT TRUMP? Rồi đưa tay lên
làm dấu hiệu O.K., phô ra một chiếc nhẫn bạc trên ngón út: “Ổng nè
bay!”
Với những người ủng hộ
Trump như Jones thì dấu hiệu O.K. – ngón trỏ và ngón cái giao nhau, 3
ngón còn lại giữ thẳng – còn mang ý nghĩa một cái bắt tay (bí mật).
Ban đầu đó chỉ là một thứ trò đùa – nhằm chơi khăm bọn cấp tiến
(liberals) để họ tưởng mấy ngón tay đưa lên là biểu tượng của hai mẫu tự W và P
– White Power – quyền lực da trắng. Trò đùa đạt được kết quả ngoài
sức mong đợi nên đã trở thành “trò thật”.
Dấu hiệu của White Power – Quyền lực da trắng. Ảnh
trên mạng
Hiện nay, trong một vài
giới nào đó, O.K. có nghĩa là quyền lực trắng – trừ khi nó được
xác nhận là không phải vậy. Jones, anh chàng Mỹ trắng cao lớn, tay chân gân guốc,
luôn bị ám ảnh bởi cái tên “sặc mùi Hồi giáo” mà bà mẹ hippie của mình
đã đặt (tên anh là Yusif). Thỉnh thoảng, Jones cũng có đi nhà thờ. Anh ta tỏ vẻ
rất thích thú với ý nghĩ mình sở hữu ý nghĩa bí mật của ký hiệu trắng này, vì
nó chỉ được biết tới bởi một số ít người được lựa chọn.
Đó là một thứ chủ nghĩa
Trump chứa đầy những điều nghịch lý đến khó tin nhưng vẫn có thể cùng song song
tồn tại: Một nhóm đặc quyền sặc mùi dân túy, một phong trào quần chúng
bao gồm những “người tự do suy tưởng” mà luôn luôn chỉ suy nghĩ về cùng một điều,
cùng một việc, cùng một sự kiện. Họ yêu Trump vì ông ta làm cho họ cảm
thấy mình là người “trong nhà” (insiders), cảm thấy sự tồn tại của mình
đã được công nhận mặc dù chính họ cho rằng ông ta không phải là người thuộc giới
của mình.
Đó là lý do khiến Jones
có mặt ở địa điểm tập họp vận động tranh cử của Trump, tổ chức bên trong tòa
nhà rộng lớn của CenturyLink Center thuộc thành phố Bossier City, tiểu bang
Louisiana, 2 tuần trước ngày lễ Tạ Ơn. Như 14,000 tín đồ của Trump đang đứng chờ
buổi vận động tranh cử được khai mạc, Jones tin rằng Trump đang thừa hành một sứ
vụ từ Chúa giao cho là vạch trần (và tiêu diệt) lũ quỷ ác đang ẩn mình trong
các thế lực ngầm đang ra sức phá hoại nước Mỹ.
Ảnh: Bruce Gilden/ Magnum
Đến tham dự những buổi tập
họp như vậy là trực tiếp cảm nhận nỗi thống khoái được chia sẻ những thông tin
đến từ con người vĩ đại ấy, con người mà hành vi trần tục đầy tính cách khiêu
khích bên ngoài chỉ là để che đậy sự thần thánh thiêng liêng ẩn giấu bên trong.
Jones kể cho tôi nghe về Jesse
Lee Peterson, một mục sư có quan điểm cực hữu. Ông ta có talk show riêng và
đã từng gọi Trump là “Niềm
Hy Vọng Da Trắng Vĩ Đại” (the Great White Hope). Nói
xong, Jones cúi gập người xuống, lấy tay vỗ vỗ vào đầu gối, một dấu hiệu cho biết
điều anh ta vừa nói cũng chỉ là đùa thôi. Jones nói: “Ông này là người
da đen”.
Ý anh ta muốn ám chỉ mục
sư Jesse Lee Peterson. Jones nói tiếp: “Tui khoái thằng cha này”.
Với Jones, Peterson và cả
ông “Hy Vọng Da Trắng” (Trump), là những con người vui tính dí dỏm không
có chỗ chê.
“Mà quả đúng là như vậy!”.
Anh ta tái khẳng định một cách nghiêm chỉnh.
Đó là phương cách tâm lý kỳ thị chủng tộc được gieo cấy trong các cuộc
tập họp tranh cử của Trump; rất giống với lối khiêu khích đặc thù của ông ta – gợi
lên một vấn đề với đầy ngụ ý, xong rồi chối phắt, rồi lại lặp lại; những từ ngữ
chẳng đẹp đẽ gì được thốt ra kèm theo ngay sau đó là sự chối bỏ, bảo chỉ là đùa
bằng cách lặp lại cũng những từ ngữ xúc phạm đó. Giỡn thôi mà! Không phải đùa
đâu! Cứ thế chúng được lặp đi lặp lại, cho đến khi sự mỉa mai châm biếm trở
thành có thật.
Sau này, tôi có tìm nghe
talk show của Peterson. Ông ta gọi Trump là “Niềm Hy Vọng Da Trắng Vĩ Đại” bởi
vì, theo ông ta, “Thứ nhất, ổng là người da trắng. Thứ hai, ổng là người nhà
trời”. Khi khẳng định như vậy, Peterson không hề muốn nói đó chỉ là ẩn
dụ. Trump là thiên sứ trời sai xuống, thế nên lời ông ta thốt ra phải là
phúc âm.
Không thể nói rằng
Peterson quá cực đoan với sự tin tưởng như vậy. Rất nhiều người ủng hộ Trump đã
viện dẫn đến vai trò Thiên Sứ của Trump để biện minh cho các hành vi lạm dụng
quyền hành của ông ta. Họ cho rằng Trump chính là vua David hiện đại, một người
tội lỗi nhưng vẫn được Chúa chúc phúc. Có người còn so sánh Trump với nữ hoàng
Esther, vợ vua Ba Tư và sứ mệnh bảo vệ dân Do Thái khỏi sự thù địch của Iran –
theo như lời truyền giảng của phúc âm. Hoặc, cũng có kẻ viện dẫn đến Cyrus để
so sánh. Cyrus là ông vua Ba Tư trong Cựu ước, được Chúa sử dụng như một khí cụ
để thể hiện ý chí của mình.
Ông Zach Wamp, cựu dân biểu quốc hội Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng Hòa, hiện là một thành
viên của tổ chức tôn giáo The Family, hàng năm vẫn đứng ra tổ chức buổi lễ Điểm
tâm cầu nguyện quốc thái dân an (National Prayer Breakfast) cho tổng thống
Trump, đã dùng thuật ngữ trong kinh thánh “hình ảnh thiên chúa” (Vessel
for God) để chỉ Trump.
Lance Wallnau, một thành viên sáng lập liên minh các giáo phái phúc âm ủng hộ Donald
Trump, phong cho ông ta cái tên “chiến binh thời hỗn mang của Thượng Đế”
(God’s chaos candidate): Một người tự vươn mình lên để đảm nhận sứ mệnh, xuất hiện
giữa diễn trường, nhanh nhậy chớp bắt thời cơ để trở thành con người mang hình
dáng của chúa, được chúa ban cho sức mạnh để hoàn thành những việc mà ông ta
không thể làm được nếu chỉ dựa vào sức mạnh của riêng mình”.
Trong trường hợp của
Trump, sự thánh hóa mà các tín đồ của ông ta tin tưởng bao hàm ý nghĩa trừng phạt
nhiều hơn là hòa giải. Tháng 10 năm 2019, một thời gian ngắn sau khi có lời qua
tiếng lại với Trump về các vấn đề liên quan đến thành phố Baltimore, tiểu bang
Maryland, dân biểu Elijah Cummings qua đời ở tuổi 68 vì các biến chứng phức tạp
của bệnh tật. Trên talk show của mình, mục sư Peterson tuyên bố: “Ông ta chết
rồi” – Peterson không quên nhắc “giống như những kẻ thù của Trump, John
McCain và Charles Krauthammer” – Đó là hệ quả tất yếu xảy ra nếu
các người dám gây chiến với Quyền Lực Da Trắng Vĩ Đại. Chớ có bao giờ đụng đến
con cái Chúa!”
Jones cũng chỉ vừa mới trở
thành một trong những đứa con đó. Anh ta thú nhận: “Cả đời tôi nào có
biết gì đâu về sự tiến hóa gì gì đó”. Anh ta muốn tôi hiểu rằng anh ta
không phải có ý nói về khoa học. Ý anh ta muốn tôi hiểu là từ bao lâu nay, anh
ta tin rằng, con người ta không bao giờ biết được ý định của Thượng đế như thế
nào, một loại lý thuyết bất khả tri. Thế rồi người yêu của anh ta thuyết phục được
anh ta bắt đầu đi dự lễ ở một nhà thờ Chính Thống giáo khoảng thời gian ngắn
trước khi Trump đắc cử Tổng thống. Từ đó, tấm màn che được vén lên. Chẳng hạn
như, giờ đây anh ta đã nhận ra được “nghị trình đồng tính” của mấy người thuộc
đảng Dân Chủ. Jones bảo: “Thật ra bọn họ toàn là một lũ ấu dâm”(Pedophiles).
Một tín đồ của
Trump. Nguồn: Bruce Gilden/ Magnum
Jones mới là người thứ
hai tôi gặp được trong buổi tập họp vận động tranh cử này nên không thể quả quyết
được quan điểm này có được nhiều người ở đây chia sẻ hay không. Trong suốt mùa
vận động tái tranh cử của Trump, trước khi có trận đại dịch buộc ông ta phải tạm
ngưng xuất hiện trước công chúng khắp nơi, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều ủng hộ
viên của Trump. Tất cả họ đều tin rằng các cơ sở hạ tầng của đảng Dân Chủ đều
là những vỏ bọc che đậy việc khai thác tính dục trẻ em.
Nhưng chỉ có một số nhỏ tỏ
ra quen thuộc với “QAnon” – cái tên dính liền với một nhóm hữu
khuynh truyền bá một thứ thuyết âm mưu cho rằng có một loại “nhà nước ngầm”
đang tìm cách lật đổ chính quyền Trump và đề cao các biện pháp khéo léo mưu lược
của Trump đối phó với những cuộc tấn công gọi là “Trận Bão” (Storm) hay “Tổng
Nổi Dậy” (Great Awakening) – còn lại phần lớn hầu như không biết gì về
QAnon. Họ bảo, đơn giản là ai mà không biết chúng. “Cái bọn bệnh hoạn và sát
nhân ấy!”. Một phụ nữ ở Bossier City thản nhiên nói.
Một người khác, di dân đến
từ Venezuela, giải thích. Bọn xã hội chủ nghĩa phần lớn là những kẻ ăn
thịt người. Vợ chồng Clintons đó, tất nhiên rồi. Nhưng anh chàng mục
sư trẻ tuổi quả quyết rằng, Trump biết rõ tên tuổi của tất cả cái bọn tội
lỗi ấy và đang chuẩn bị hình phạt đích đáng cho chúng. Chính ngài tổng thống, trong những bài diễn văn
của mình, đã từng ngầm tiết lộ rằng ngày tận thế sắp đến rồi.
Một lần ở thành phố
Hershey, Pennsylvania, ông ta nói đến “bọn nhập cư bất hợp pháp”, cướp bóc,
hãm hiếp, đánh đập liên tục không ngừng một nữ sinh trung học đẹp tuyệt vời cho
đến chết bằng cây chầy đánh bóng, sau đó lấy mã tấu chặt thân thể nạn nhân ra từng
mảnh”. Ông ta còn nói thêm, tôi chỉ có thể cho biết đến thế, còn
nhiều, còn nhiều, nhiều nữa. Hãy tin tôi đi!
Đó là đặc tính của chủ
nghĩa Trump: Bóng gió và gợi ý, nháy mắt và tiết lộ. Jones nắm bắt được những
điều đó. Để giải thích, anh ta giơ chiếc mặt nạ Trump lên cao, cong người xuống
khụt khịt ngửi mặt đường nhựa ẩm ướt như một con chó săn tìm dấu vết cần tìm. Một
người ngồi gần đó la lên: “Gớm ghiếc quá, Joe!”. Jones bật người đứng
lên, vẻ mặt thích thú. Đó là cử chỉ Jones đang nhại Joe Biden (ứng cử viên tổng
thống của đảng dân Chủ) đánh hơi các chú trai trẻ để đến “sách nhiễu”. Joe
Biden tên ấu dâm bệnh hoạn nghiện mùi trai tơ đã trở thành một meme (ý
tưởng) ưa chuộng của hệ thống truyền thông cực hữu.
Thật ra, mũi dùi họ chỉa
vào không phải chỉ một mình Biden. Họ tin rằng Biden chỉ là một trong rất nhiều
những người cầm đầu đảng Dân chủ mắc chứng bệnh đáng tởm đó. “Bọn chúng
là ma quỷ, chứ không phải con người”. Jones muốn ám chỉ giới lãnh đạo của đảng
Dân chủ. Đó cũng là lý do có sự ra đời của Quyền Lực Da Trắng Vĩ Đại,
được lựa chọn bởi Chúa, để đối phó với bọn ma quỷ ấy. Vì những người bình thường
như Jones chẳng hạn, không bao giờ là đối thủ của chúng. Jones biết, vì anh ta
đã thử, nhưng thất bại.
***
“Tôi đã phạm sai lầm. Tôi gọi cho họ trước khi đến”. Jones thú nhận.
Ngày 4/12/2016, một người
(Edgar Maddison Welch, 28 tuổi – người dịch) đến từ North Carolina đã dùng súng
liên thanh AR-15 bắn xả vào tiệm bán Pizza Comet Ping Pong, ở thủ đô Washington
D.C., nơi mà những người ủng hộ Trump tin rằng đó là đại bản doanh bà Hillary
Clinton dùng để điều hành hệ thống buôn bán tính dục trẻ em.[Vụ nổ súng này
không làm ai bị thương. Sau đó, Edgar M. Welch đã bị bắt và bị kết án 4 năm tù
– người dịch].
Bị khích động bởi sự kiện
đó, Jones quyết định đóng góp phần của mình vào công cuộc trừ gian diệt
bạo. Theo như bản khẩu cung anh ta khai sau khi bị bắt, ba ngày sau khi sự
việc nói trên xảy ra, Jones đã gọi điện thoại cho một tiệm bán Pizza khác ở
trên cùng một con đường (với tiệm bị bắn hôm trước). Anh ta thông báo: “Tao
sẽ đến để kết thúc công việc mà người kia đang làm dở dang. Tao đến để cứu lũ
trẻ em và bắn gục các ngươi và bất cứ người nào ở trong đó”. Jones đã
không nghĩ đến việc che đi số điện thoại của mình.
Sau khi ở trong tù 40
ngày và 40 đêm (anh ta bảo thực sự chỉ có 33 thôi), Jones quyết định nhận tội
đã dùng lời nói đe dọa người tính mạng người khác. Anh ta cho rằng đúng ra anh
ta đâu có đe dọa bắn ai, nhưng vì dịch vụ cắt cỏ thuê ở nhà cần có người chăm
sóc nên anh ta buộc lòng phải nhận như thế để được tha. Đó là chưa kể mấy con
chó cần được cho ăn nữa. “Bởi vậy, tiên sư cha nhà chúng nó! Tôi nhận tội.
Nhưng mà ít nhất cái tội mà tôi nhận là tốt, là đúng. Mục sư của nhà thờ tôi bảo
như thế. Ổng nói: Mày làm một việc rất tốt đấy!”
Một bà ủng hộ
Trump. Nguồn: Bruce Gilden/ Magnum
“Được lắm!”. Một ủng hộ viên khác của Trump tỏ vẻ thán phục cuộc chạm trán của Jones
với kẻ thù.
Quay qua tôi, Jones tròn
xoe hết cỡ đôi mắt, khoe: “Đã hết biết luôn!” (It’s real!)
Cái câu nói “đã hết biết”
mà Jones thốt lên – “Tôi được lên tin trong Yahoo News nè!”, tay anh ta
chìa ra chiếc điện thoại có trang Yahoo News trên mặt – là từ các chương trình
Reality TV [các chương trình truyền hình có nội dung lấy từ thực tế: Người thật
việc thật] mà thần tượng Trump của anh ta đã từng thực hiện: The
Apprentice, Celebrity Apprentice… [Tên hai chương trình Reality TV
trên đài truyền hình NBC do Trump làm Host trước khi ra tranh cử tổng thống Hoa
Kỳ – người dịch].
Một thứ hiện thực được tự
do thoát ra khỏi cuộc sống thật, thoát ra khỏi lịch sử, lung linh mờ ảo những cảm
giác, triệu triệu sự thật riêng của từng cá nhân, như sự thật của Jones, của
Jesse Lee Peterson, của gã sát thủ ở tiệm Pizza Ping Pong – tất cả đều hướng về
một sự kiện vĩ đại: TRUMP.
Jones giờ đã biến mất đằng
sau chiếc mặt nạ hình Trump. Đã quá trưa. Ngài tổng thống sẽ có mặt trong gần 7
tiếng đồng hồ nữa. Đến lúc phải đứng vào xếp hàng.
***
Bài viết quá hay, nhận định
chính xác về những tín đồ của trump, nước Mỹ rồi vẫn tiếp tục có những vụ
Jonestown (Jim Jones 1978), Waco (David Koresh 1993) khác...
------------------------------------
Jeff Sharlet - Vanity
Fair
Dịch giả: T.Vấn
06/07/2020
Tiếp theo: Phần giới thiệu và phần 1
*
Trong suốt 4 năm qua, một
cách có hệ thống, Trump đã làm điều mà Obama từ khước không chịu làm: Khích động
trực tiếp vào những cử tri một lòng một dạ đi theo mình, chọc cho họ lồng lên với
sự giận dữ. Những cuộc tập họp vận động tái tranh cử của ông ta có một cái gì
đó lớn hơn những sự kiện một đám đông tập họp theo nghĩa thông thường. Chúng có
không khí sôi động của những cuộc họp báo, bằng thời lượng thỏa mãn người tham
dự và với sự cuồng nhiệt chỉ thấy có trên sân khấu.
Sự khích động hiện hữu
trong từng dòng tweet có thể có tác động như trong đời thực “IRL” (in
real life), thúc đẩy tín đồ của mình tiến lên “giải phóng
Virginia”, “giải phóng Michigan”. Và cơn phẫn nộ sẽ có mặt vào thời điểm
quan trọng nhất vào đầu tháng mười một sắp tới, khi mà tương lai của đất nước
chúng ta có thể được định đoạt bởi những màn trình diễn đầy kịch tính này.
Năm 2016, tôi đã tham dự
những buổi tập họp vận động tranh cử của Trump khắp mọi nơi trên đất nước để chứng
kiến tầm ảnh hưởng của tôn giáo trong sinh hoạt chính trị. Tôi phát hiện ra điều
ấy nhờ vào những câu chuyện bên lề về sự giàu có của Trump, về phi cơ riêng của
ông ta “Trump Force One” với dàn nội thất dát vàng và trong những
lời hứa hẹn của các nhà truyền giáo hạng D, những vị thường được Trump mời đến
nói vài lời chúc phúc cho các cuộc tập họp, với nội dung cũng chỉ lòng vòng từ
phá thai cho đến sự suy đồi của xã hội cùng với sự giàu có như một phép lạ của
Trump mà chúa đã ban cho ông ta.
Trước đó, ứng cử viên
Trump đã được tín đồ của mình coi như là một bằng chứng sống của phúc âm cho sự
thịnh vượng (Prosperity Gospel), được ưa chuộng bởi những người bảo thủ Thiên
chúa giáo, mà nội dung của nó nhiều phần là về nỗ lực làm giàu để tiến gần đến
chúa hơn là nhằm cứu rỗi xã hội loài người. Hãy chứng tỏ đức tin của mình vào
ân sủng của chúa, hiện thực qua cuộc sống phong phú dồi dào của các vị mục tử
được chúa giao phó nhiệm vụ, rồi thì sự giàu có sẽ từ từ đến với kẻ có đức tin.
Giống như Trump, giáo phái Phúc Âm Cho Sự Thịnh
Vượng có tính cách một sự giao dịch – một thứ tôn giáo có sẵn cho bất cứ
ai vớ được nó – như mọi thứ khác trong cuộc đời của ông ta. Trong những quyển
sách mà Trump cho rằng chính mình đã soạn lấy, ông ta viện dẫn đến bộ ba đã góp
phần tạo ảnh hưởng đến mình: Người cha, Fred Trump đã cho ông ta sức mạnh; người
đỡ đầu, Roy Cohn, viên luật sư chuyên truy lùng các thành phần được coi là thân
cộng [cộng sự viên đắc lực của TNS McCarthy trong thời kỳ 1950-1954 săn tìm những
người tình nghi là cộng sản trong chính quyền – người dịch], đã dạy ông ta thói
xảo quyệt; và viên mục sư từ thời niên thiếu, Norman Vincent Peale, tác giả có
sách thuộc loại best-seller, đã truyền cho Trump Sức mạnh của tư duy
tích cực.
Mục sư Peale rao giảng: Hãy
cứ tin vào một điều gì đó, sớm muộn bạn sẽ sở hữu nó. Đôi bên cùng có lợi
(Quid Pro Quo), là một thỏa thuận với chúa: Sự giàu có thịnh vượng (hoặc ước mơ
mong nó đến) đổi lại một lòng trung thành bất khả tư nghị.
Chiến dịch vận động tranh
cử của Trump lấy sức mạnh từ sự tụ hội những đặc tính bảo thủ nói trên: Sự tàn
bạo của Fred Trump, sự suy đồi của Cohn và cây thập giá được gói gọn trong lá cờ
như trong lời rao giảng của mục sư Peale.
Trump biết hơn ai hết, thứ
thỏa thuận tốt nhất – tức loại thỏa thuận đem lại lợi lộc – không chỉ mang tính
thương mại mà còn kèm theo với nó đặc tính của sự biến hình thay dạng. Ngoài một
vài ngoại lệ nhỏ không đáng kể, các tổ chức Thiên chúa giáo cực hữu đã vồ vập ngay phúc âm của Trump,
và họ đã gặt hái được kết quả: Môn đồ của họ chiếm lĩnh những vị trí từ cao nhất
xuống đến thấp nhất trong guồng máy chính phủ của Trump, tạo thành một khối
hùng mạnh hơn cả dưới thời George W. Bush hay Ronald Reagan. Trong khi đó,
Trump càng ngày càng nặng thêm thiên hướng tự cho mình là nạn nhân đến mức độ
hoang tưởng, khiến giới bảo thủ Kitô giáo phải dè chừng vì nó gây quá nhiều
tranh cãi, khi ông ta hứa hẹn về một “cuộc chiến tranh tâm linh” với các thế lực
ngầm đầy ác hiểm.
Năm 2016, khẩu hiệu của Trump đã được xướng
danh: Make America
Great Again (MAGA),
với triển vọng về sự phục hồi một quá khứ huyền thoại (nên hiểu là: TRẮNG) đã
qua. Giờ đây, nước
chúa đã trị đến (the kingdom has come). Trump không còn là kẻ nổi dậy nữa,
mà đã trở thành người nắm quyền hành.
Nhờ tham dự các cuộc tập
họp tranh cử của Trump, tôi biết được rằng khẩu hiệu cho năm 2020 vẫn còn là một
bí mật, nó đóng vai cái nháy mắt cảnh giác những người ủng hộ rằng, kẻ thù luôn
vô hình và có mặt ở khắp mọi nơi: bọn nhà nước ngầm (deep state), bọn ấu dâm và
FBI, những thành phố chứa chấp bọn bất hợp pháp của đảng Dân chủ và bọn “ngoài
vòng pháp luật” được chúng sai phái đến để cướp phá xứ sở. MAGA đã trở thành KAG (Keep America Great)
– đòi hỏi không chỉ sự thịnh vượng mà còn là phải loại trừ tất cả kẻ thù của nước
Mỹ từ bên trong. Phúc âm của Thomas đã nói rõ: “Nếu các ngươi không tống khứ
những thứ ở trong các ngươi ra ngoài thì những thứ mà các ngươi không tống khứ
sẽ tiêu diệt chính các ngươi”.
Phúc âm của Thomas – kẻ
nghi ngờ sự sống lại của Thiên chúa – tất nhiên, không có mặt chung cùng với
các phúc âm của các vị thánh Matthew, Mark, Luke và John trong sách thánh King
James (ấn bản Anh ngữ năm 1611 của tập kinh thánh chính thức của giáo hội Anh
giáo). Nhưng Trump có bao giờ đọc kinh thánh.
Ông ta đâu có cần phải đọc. Những cuốn sách về lề luật chỉ dành cho bọn thua cuộc. Đọc
sách chỉ để dành cho bọn thua cuộc. Phúc âm của Trump, như
phúc âm của Thomas – phản kinh điển, phản quy tắc – chính là sự ngộ (đạo), một
hình thức sở hữu những điều hiểu biết bí mật chỉ dành cho kẻ mộ đạo, một thứ
“chân lý” mà người ta phải có mắt để nhìn thấy được trước khi tin.
Lý thuyết về sự ngộ đạo
[một phong trào dị giáo, có nguồn gốc từ đạo Thiên chúa – người dịch], ra đời từ
thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, là con đường mà Thiên chúa giáo không lựa chọn
để đi. Sách vở của nó bị tiêu diệt vì được coi là dị giáo và bị quên lãng cho đến
năm 1945 khi ở Ai Cập, người ta khai quật được trong một cái bình đất sét 13
quyển kinh cổ của lý thuyết này. Và cũng có thể nó chưa bao giờ bị quên lãng vì
với hàng thế kỷ trôi qua biết bao thuyết âm mưu đã tồn tại qua thời gian cùng với
niềm tin sâu thẳm rằng có những sự thật hiển nhiên (truths – số nhiều) tồn tại
mà, họ – Luôn là họ (ở số nhiều), từ các vị hồng y, các quan lại của
giáo hội cổ xưa, bọn trí thức ưu tú đặc quyền của thế giới cổ đại, cho tới bọn
truyền thông dỏm chuyên phịa tin giả đem bán rong trong thời hiện đại – không
muốn chúng ta, quảng đại nhân dân, được biết tới.
Dưới con mắt người Mỹ, lý
thuyết ngộ đạo này dường như có mang một chút gì có tính cách dân chủ. Phúc âm
của Thomas đã khuyên: “Nhận biết được cái ở ngay trước mắt các ngươi, tức là
các ngươi đã thấy được cái ẩn giấu bên trong”. Thế giới này người ta
không cần phải có bằng cấp mới nhận biết được chân lý, đơn giản vì các “dữ liệu”
không phải là sản phẩm của các “nhà chuyên môn”. Hiểu biết không nằm trong sự
uyên bác hay sở hữu thông tin đến từ bên ngoài mà là ở bên trong chính sự hiểu
biết, là cái người ta hay hiểu như “trực giác” (gut), như Trump thường hay nói
tới, hoặc như mới đây trong một cuộc họp báo về Covid-19, ông ta vừa lấy tay gõ
gõ vào thái dương của mình vừa phán “ở ngay đây nè!” Bằng cách đó,
Trump biết rõ khi nào thì an toàn cho chúng ta được phép ra khỏi nhà, mở cửa lại
kinh tế và được phép tụ tập cả ngàn người để ca tụng xưng hô ngài tổng thống.
Ủng hộ viên của
Trump. Nguồn: Bruce Gilden/ Magnum
***
Tại thành phố Bossier
City, trong khu vực bãi đậu xe mênh mông, đoàn người xếp hàng chờ vào bên
trong, nơi tổ chức cuộc tập họp tranh cử của Trump chỉ nhích từng bước một chậm
chạp, ngúc ngắc. Có vẻ như chẳng ai than phiền về điều đó cả. Đứng trước tôi là
hai phụ nữ trẻ. Họ đã lấy phép nghỉ làm để đi từ Arkansas đến đây tham dự. Cả
hai đều mặc quần áo có đủ 3 màu xanh trắng đỏ, đặc hiệu Trump trông rất ấn tượng.
Trong lúc xếp hàng chờ, họ khoe với nhau những câu chuyện bí mật của gia đình
Clinton.
Họ đã giúp giữ chỗ để tôi
có thể lấy máy chụp bức hình một người đàn ông, bất kể thời tiết giá lạnh đã chỉ
mặc độc chiếc quần short ngụy trang và chiếc áo T-Shirt vẽ hình Bill và Hillary
Clinton – Bill thì tay cầm súng, còn hai tay Hillary đeo găng da kéo căng một sợi
dây trong tư thế sẵn sàng thắt cổ một ai đó – choàng qua bức hình là hàng chữ: Bọn Clintons không thể làm
cho tất cả chúng ta phải tự tử chết (CLINTONS: THEY CAN’T SUICIDE US ALL) [Thực
ra, chữ SUIDCIDE ở đây có nghĩa là GIẾT. Xin xem chú thích về ARKAN-CIDE bên dưới
– người dịch].
Một phụ nữ mà theo lời
bà, nhờ Chúa và Trump nên cửa hàng chế biến thức ăn của bà mới mở đã thành công
rực rỡ. Bà không ngại thố lộ với tôi rằng, “có thể bọn Clintons đã làm cho
người chú của tôi phải tự tử”. Cũng theo lời bà, ông chú này vốn là một
luật sư có quan điểm bảo thủ, rất thành công trong nghề nghiệp, chết bất đắc kỳ
tử trong một nhà hàng vì bị nghẹn khi đang ăn beefsteak.
Không biết có phải như vậy
không? Bà nói: “Người ta bảo chuyện ấy thật vô lý!”. Điều này
có lẽ là sự thú nhận thành thực nhất của bà. Người ta đặt tên
cho những vụ giết người như thế – với hung thủ là bọn Clinton, vì những lý do
mà người ta chỉ có thể võ đoán – “ARKAN-CIDE”.[Có nghĩa là một người bị đối thủ
chính trị của mình ám sát chết, rồi đổ cho là tự tử. Có nguồn gốc từ thời cựu tổng
thống Bill Clinton còn làm Thống đốc tiểu bang Arkansas, nơi xảy ra vài vụ án
chết người không tìm ra thủ phạm, rồi sau đó giới hữu trách cho là tự tử. Do
đó: ARKAN: Arkansas; CIDE: Suidcide – người dịch].
Bên trong địa điểm tập họp,
ngay trước diễn đài, phần lớn đều là đàn ông. Họ thà phải đứng ở đây từ nhiều
tiếng đồng hồ trước – không ai được phép ngồi – còn hơn là xếp hàng bên ngoài.
Tôi khơi mào cuộc chuyện trò với một cặp đứng tuổi. Họ có mặt ở vị trí hàng đầu
từ lúc trời chưa sáng. Phần thưởng cho sự tận tụy này là họ được tặng mỗi người
một chiếc áo thun đen dài tay có in trên đó hàng chữ màu trắng, TRUMP’S TWEETS
MATTER.
Người chồng tự giới thiệu
họ là những nhà truyền giáo. Ông ta là mục sư Sean Jones. Ông đội mũ MAGA và để
râu dài giống như các nhân vật trong kinh Cựu ước. Vẻ mặt ông trông phong trần,
thận trọng, và khôn ngoan. Kẹp giữa hai chân ông là một chiếc nón màu đen, có kẻ
hàng chữ GOD WINS, lấy ý từ một bài viết trên QAnon rất có ảnh hưởng [QAnon là
một nhóm người có tư tưởng hữu khuynh cực đoan, tin rằng hiện đang có một nhà
nước ngầm – deep state – mà mục đích của nó là phá hoại và tìm mọi cách lật đổ
chính quyền Trump – người dịch].
Áo và mũ của mục sư Sean
là món quà tặng từ một vị mục sư bạn, ông này cũng như Sean, có mặt trong hầu
khắp các buổi tập họp tranh cử của Trump. Về phần mình, quà tặng của mục sư
Sean gởi đến các tín đồ Trump đồng đạo là quyển Tân Ước nhỏ có in kèm theo Hiến
pháp Hoa Kỳ, một văn kiện mà Sean tin rằng “mang hơi thở của Chúa”. Ông
cho biết đã cho phổ biến cả ngàn quyển thánh kinh như vậy.
Bốn năm trước đây, bầu
không khí ở những cuộc vận động tranh cử của Trump, tuy rất náo nhiệt, nhưng
cũng khá nặng nề, pha trộn giữa sự phẫn nộ và cảm giác hy vọng về một khả thể “chiến
thắng”. Chiến thắng quá trời luôn, Trump hứa hẹn, chiến
thắng nhiều đến độ mình cảm thấy mệt mỏi vì chiến thắng.Và kể từ ngày đó,
ông ta đã chiến thắng; thắng và thắng, và thắng. Giờ đây, nguồn năng lượng thúc
đẩy mọi người là sự chiến thắng. Thậm chí, cả những thế lực đen tối bên ngoài.
Nếu trong các diễn trường
của các cuộc tập họp ủng hộ Trump là nơi an toàn cho các tín đồ, hoặc trong một
ngôi nhà thờ nơi những người cùng chí hướng tụ họp, với một rừng mũ đỏ MAGA,
thì thế giới bên ngoài lại đáng sợ hơn bao giờ hết. “Những vụ giết người bí
mật xảy ra ở khắp mọi nơi”. Mục sư Sean nói, giọng thấp hẳn xuống, như muốn
gầm gừ: “Bọn ấu dâm và ma quỷ ấy!”.
Đó là lý do Sean yêu
Trump, bởi vì với Sean, Chúa đã chọn Trump cho giờ phút này đây. Điều mà những
người phê bình Trump cho là thô thiển và chia rẽ, mục sư Sean coi đó là bằng chứng
của sự phê chuẩn của Chúa. Trump là chiến binh của Chúa, là một chiến sĩ, một “võ
sĩ giỏi phản công”. Tất cả những thứ đó làm cho mạng sống của Trump bị nguy
hiểm. Mục sư Sean quả quyết. “Ổng biết nhiều quá!”.
-------------------------------------
Dịch giả: T.Vấn
07/07/2020
Tiếp theo: Phần giới thiệu — phần 1 và phần 2
*
“Đó là cách mà sự
kỳ thị chủng tộc tạo ảnh hưởng tại các cuộc tập họp tranh cử của Trump…”
Tôi hỏi Sean: “Ông muốn
nói những điều ông ta biết về những người bên đảng Dân chủ?” Ông ta gật đầu.
Mục sư Sean không giống như những người này – ông ta khoát tay chỉ về phía đám
đông – quá u mê để tin rằng hầu hết những người Dân chủ đều là những kẻ phục vụ
cho Satan một cách có ý thức. Chính bản thân ông đã từng là nạn nhân của một
hình thức hiến tế man rợ (SRA – Satanic Ritual Abuse), nhận thức được rằng, có
những người thi hành mệnh lệnh của ma quỷ nhưng không hề biết rằng mình đang phục
vụ cho ma quỷ.
Với Sean, đức tính nổi bật
nhất của Trump là sự trong sáng. Sean tin rằng, ở thời điểm muộn màng này, khi
mà nhiều người trong chúng ta đã quỵ ngã, nhiều người tỏ ra sợ hãi và lo âu,
chúng ta nhìn sự việc qua một lăng kính sậm màu. Nhưng giữa bầu không khí ảm đạm
vẫn lóe lên những tia sáng để cho chúng ta nhìn thấy rất rõ không phải sự vinh
quang mà là nỗi kinh hoàng: Thảm kịch chết chóc của người Mỹ, sự hùng mạnh của
đoàn quân đông đảo đang dàn trận chống lại Chúa.
Bọn Dân chủ, bọn CNN, “tất
cả chúng nó”, mục sư Sean gầm lên, ngón tay chỉ về phía khu vực dành riêng
cho cánh nhà báo, truyền hình. Ông ta còn thêm vào: “cả một lô một lốc bọn
ngôi sao điện ảnh nữa”. Ông ta nhìn đám đông, xem xét. “De Niro”,
ông ta thì thầm, giọng nhỏ đến độ tôi phải sát người đến gần mới nghe rõ được
[Robert De Niro, một ngôi sao điện ảnh, là người thường xuyên công khai lên tiếng
chỉ trích Donald Trump – người dịch]. Nhưng trước khi mục sư Sean có thể giải
thích thêm cho tôi về ý của mình, thì nhạc ngưng lại. Đã đến giờ chào cờ, tức
cam kết lòng trung thành. Với lá quốc kỳ, tất nhiên rồi. Và với vị tổng thống,
mà lá cờ biểu trưng, với một con người, dưới sự chứng kiến của Chúa.
Sau phần chào quốc kỳ,
tôi tìm cách đến gần người được coi là đã sáng chế chiếc áo T-shirt có hàng chữ:
TRUMP’S TWEETS MATTER.
Tôi thấy có nhóm người đứng sát bên diễn đài chính, miệng đang nhai khô bò. Một
người trong số họ đã vẽ kiểu chiếc áo. Người này rất ghét người da đen, được gắn
biệt danh là TRUMP-UP COWBOY. Nhưng anh chàng cao bồi tín đồ Trump lại hiện
đang rất bận, thế nên một người trước đây là mục sư hướng dẫn thanh thiếu niên
trong nhóm của ông ta, tên Dave Thompson, bằng lòng nói chuyện với tôi.
Anh ta đưa cho tôi tấm
danh thiếp: “God Wins/Prayer Warrior”, phía đằng sau là một đoạn trích từ
Kinh Thánh (Chronicles 7:14) nói về lời chúa hứa với “dân của ta”, rằng Chúa sẽ
“ban ơn cứu rỗi cho đất nước”. Cũng giống như mục sư Sean, mục sư Dave
theo Trump đi khắp vạn nẻo đường, hướng dẫn các buổi cầu nguyện bên ngoài các
chương trình tụ họp; mỗi ngày vào đúng 7:14 sáng và 7:14 chiều.
Là một người sống bằng
nghề môi giới địa ốc, mục sư Dave đáp lại một “tiếng gọi tâm linh” tận
hiến một phần đời của mình cho Trump. Khởi đầu từ một buổi tập họp vận động ở
Texas, nơi Dave sinh sống. Tại đây, Dave làm bạn với những số đông ủng hộ
Trump: Richard ở New York, là người đã có mặt tại 68 hoặc 69 lần gì đó các buổi
tập họp của Trump; và Rick, ở Ohio, đã tham dự khoảng 17 lần.
Dave theo chân những người
bạn mới này đến một cuộc vận động của Trump ở thành phố Minneapolis. Cũng chính
ở lần tụ họp này, Trump đã có một màn diễn kịch xuất sắc nội dung trao đổi qua
điện thoại giữa hai cựu nhân viên FBI là Lisa Page và Peter Strzok, hai khuôn mặt
được thuyết âm mưu QAnon xếp vào thành phần thuộc nhóm “nhà nước ngầm” kẻ thù của
Trump. Trump rên rỉ, giả bộ là Page, nói với Strzok: “Em yêu anh quá trời
luôn anh Peter ơi!”. Rồi ông ta giả làm Strzok, đưa hoạt cảnh lên đến đỉnh
điểm: “Anh cũng yêu em nữa Lisa ơi! Lisa à! Lisa hỡi! Ôi, Chúa ơi! Anh yêu
em, Lisa!”.
[Người dịch: Lisa Page và
Peter Strzok là hai cựu nhân viên cao cấp FBI. Họ trao đổi với nhau những tin
nhắn, chỉ trích Trump trong khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm
2016 và một số tin nhắn mang nội dung tình cảm cá nhân khác. Giữa năm 2017,
Strzok tham gia cuộc điều tra về sự can thiệp của nước Nga vào cuộc bầu cử tổng
thống Mỹ năm 2016 do Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller phụ trách. Sau đó,
Mueller phát giác ra các tin nhắn Strzok trao đổi với Lisa Page và loại Strzok
ra khỏi ủy ban điều tra. Tháng 8, 2018, Strzok bị sa thải khỏi cơ quan FBI bởi
phụ tá giám đốc David Bowdich. Trước đó, hồi tháng 5/2018, Lisa Page đã từ chức,
xin ra khỏi FBI].
Trong một lần tham dự buổi
vận động ở Mississippi, mục sư Dave gặp gỡ chàng Cowboy. Lúc này, Cowboy đã có
dưới tay mình một nhóm những chàng trai trẻ đến từ Kentucky. Mục sư Dave và
Cowboy bắt đầu cùng nhau theo chân những cuộc vận động tranh cử của Trump, và
cùng đóng vai trò chăn dắt nhóm tín đồ trẻ, từ đó nhóm có tên là “nhóm thiếu
niên trưởng thành nhờ Trump” (Trumped-Up Teens). Cowboy dùng tiền túi mua
vé máy bay cho nhóm thiếu niên đệ tử, dựng lều cho họ ở trong khu bãi đậu xe
bên ngoài địa điểm tổ chức tụ họp.
“Hãy nhìn kìa!”.
Dave lấy tay chỉ về phía gần diễn đài. Có mấy chú bé đứng sát sân khấu. Tám chú
trong bọn họ mặc chiếc áo thun do Cowboy vẽ kiểu. Dave đọc lớn hàng chữ in trên
áo: “Trumps. Tweets. Matter”. Dave cho biết Cowboy gặp mấy chú bé này ở
trong rừng. (Hoặc, như sau này anh ta nói lại, ở trong một buổi tập họp tranh cử
của Trump tại Lexington). “Cowboy trả tiền vé máy bay cho tụi nó đi dự tập họp
tranh cử đó!”. Để truyền bá thông điệp.
Tôi hỏi Dave: “Thông
điệp là mấy cái tweet của Trump?”
Mục sư Dave đáp: “Đúng
rồi. Chúng đáng được quan tâm chứ!”
“Phải!”. Tôi nói.
Dave giải thích: “Chúng
mang nhiều ý nghĩa lắm”. Anh ta chỉ tay.Kìa, một chiếc áo. Và đó,
phía trên dãy ghế đó. Thêm một chiếc áo nữa. Và đó, đó nữa kìa, thấy không? Như
thể đó là bằng chứng cho thấy những cái tweets của Trump mang đầy ý nghĩa.
Một cổ động viên của
Trump trong đám đông. Nguồn: Bruce Gilden/Magnum
Tôi hỏi Dave: “Đó
không phải chỉ là một sự đùa giỡn chứ?”. Những chiếc áo đó có vẻ như
là một sự đối nghịch với phong trào BLACK LIVES MATTER của người da đen.
“Không!”. Dave không có vẻ gì coi câu hỏi như một sự xúc phạm. Khó mà tưởng
tượng có một người nào đó ở ngay đây, sát ngay bên bục nói chuyện của Trump, mà
lại dám có ý tưởng đó.
Anh ta tiếp. “Nó giống
như là…”. Dave cố tìm chữ.
“Kinh thánh?”. Tôi nói.
Dave trả lời với vẻ
nghiêm trang của một mục sư hướng dẫn giới trẻ: “Phải rồi, như Kinh thánh vậy
đó!”.
Mỗi nội dung tweet, mỗi
chữ viết sai chính tả, mỗi lỗi đánh máy, mỗi chữ được viết toàn HOA một cách kỳ
lạ – đặc biệt là những chữ viết toàn HOA, đều có ý nghĩa cần được lưu tâm đặc
biệt. Dave giải thích: “Chân lý nằm ở đó, ngay chỗ mà bọn truyền thông bảo
là sai, là lỗi. Ổng không bao giờ phạm lầm lỗi hết!”.
Thông điệp chuyển tải từ
hàng chữ trên chiếc áo T-shirt mà Dave muốn giải thích là: Hãy để ý tới
những ý nghĩa tiềm ẩn từng lớp bên trong. Sau đó, Dave nói thêm: “Trump
được biết là một người chơi cờ suy nghĩ cả hàng 5 nước trước”. Ổng
dùng tweet gởi cho chúng tôi những gợi ý. Về bọn Dân chủ, về Ukraine và về
những kế hoạch của mình. Mấy tháng sau, Dave cho tôi biết: “Đang có những
chiến dịch quan trọng được thi hành”. Dave giải thích là Trump đang sử
dụng những bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân Covid-19 làm “vỏ bọc” để giải
cứu những trẻ em bị đem đi bán cho mục đích tình dục.
Dave bảo tôi: “Hãy xem
kìa”, một lần nữa ngón tay ông ta chỉ về phía chỗ mấy chú bé từ Kentucky.
Ca sĩ Phil Collins đang hát bài “In the Air Tonight”. Mấy chú chồm người
tiến về hàng rào chắn lối lên sân khấu, miệng cười toe toét: đến đoạn tiếng trống
solo, 8 chú phùng miệng làm tiếng trống nhái theo, ba-dum-dum-dum-dum,
âm thanh như tiếng một đứa bé nhẩy từng bước xuống bậc thang.
Tôi có thể cảm được điều ấy,
Xuyên trong không gian đêm nay,
Ôi chúa ơi!
Mấy chú bé chỉ khoảng độ
16 hoặc 17 tuổi. Chúng đã chờ đợi khoảng khắc này suốt cả đời mình. Brad
Parscale là người chỉ huy chiến dịch tranh cử của Trump, bước ra sân khấu
trong bộ suit màu xám thẳng băng được cắt may thật khéo. Ông ta đưa tay chỉ về
phía các chú bé, về phía chàng Cowboy, chiếc mũ đen của anh ta nhấp nhô trên đầu
đám đông. Cả biển đỏ vỡ òa.
“Hãy hướng về ta, hỡi những kẻ làm rạng danh
ta”. Mệnh lệnh thiêng liêng đã
được viết trong một bài thơ lừng danh của thuyết Ngộ (đạo) có tên “The
Thunder, Perfect Mind”.
Cũng tương tự như lời mệnh
lệnh, ở các diễn đài trong mọi buổi tập họp vận động tranh cử của Trump, nơi
hàng ngàn, hàng ngàn chiếc mũ đỏ MAGA giống hệt chiếc nón ông ta đội trên đầu,
chiếc nón mà ông ta sẽ ném xuống đám đông sau mỗi buổi tập họp, như một biểu tượng
của sự hiến mình của Trump cho quần chúng. Đó chính là những phép lạ của Trump,
sự ngưỡng mộ toà tháp dát vàng của Trump (Golden Trump Tower), những vòi
nước làm bằng vàng của nhà Trump, và tấm lòng đại lượng của Trump gởi đến quần
chúng. Kẻ nào nhận được nhiều nhất sẽ cho đi nhiều nhất.
“The Thunder (Sấm Sét)”, kinh thánh của thuyết Ngộ (đạo), trình bày sự
thiêng liêng thần thánh qua một chuỗi những điều mâu thuẫn:
Ta là người được vinh danh và là kẻ bị khinh bỉ.
Ta là đứa đĩ điếm và là đấng thánh linh…
Ngươi, kẻ nói lên sự thật về ta, đã nói những điều dối
trá bịa đặt về ta,
Và ngươi, kẻ đã dối trá bịa đặt về ta, nói đúng sự
thật về ta…
Ta là sức mạnh và ta là sự sợ hãi…
Ta là kẻ đã bị sỉ nhục và là sự vĩ đại…
Ta, ta là kẻ vô thần,
Và ta là người mà các đấng thần thánh của ta vô cùng
vĩ đại…
Ta là quyền năng thống trị và là kẻ không thể thống
trị.
Ta là sự liên kết và là sự phân hủy.
----------------------------------------------------
NGUỒN :
BY JEFF SHARLET
PHOTOGRAPHY BY BRUCE GILDEN
JUNE 18, 2020
No comments:
Post a Comment