Saturday 25 July 2020

MỘT NGƯỜI SINGAPORE THỪA NHẬN LÀ GIÁN ĐIỆP TRUNG QUỐC TẠI HOA KỲ (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
25 tháng 7 năm 2020

Một người đàn ông Singapore đã nhận tội tại Hoa Kỳ rằng ông ta đã làm việc như một đặc vụ của Trung Quốc.

Đây là sự cố mới nhất trong một cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Jun Wei Yeo bị buộc tội sử dụng các tư vấn chính trị của mình ở Mỹ làm mặt trận để thu thập thông tin cho tình báo Trung Quốc, các quan chức Mỹ nói.

Trong một diễn biến khác, Hoa Kỳ cho biết một nhà nghiên cứu Trung Quốc - người bị buộc tội che giấu mối quan hệ với quân đội Trung Quốc - đã bị giam giữ.

Trung Quốc trước đó đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô.

Động thái đóng cửa cơ quan ngoại giao Mỹ ở thành phố phía tây nam này là để đáp trả việc lãnh sự quán Hoa Kỳ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết quyết định này được đưa ra vì Trung Quốc đang "đánh cắp" tài sản trí tuệ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã đáp trả rằng động thái của Hoa Kỳ là dựa trên "những lời dối trá chống Trung Quốc".

Sau thời hạn 72 giờ mà Mỹ đặt ra cho các nhà ngoại giao Trung Quốc để rời khỏi lãnh sự quán tại Houston hết hạn vào thứ Sáu lúc 16:00 (21:00 GMT), các phóng viên thấy những người đàn ông có vẻ là quan chức Mỹ buộc cơ quan này mở cửa để họ vào. Nhân viên mặc đồng phục từ Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận nhiệm vụ bảo vệ lối vào.

Căng thẳng đang gia tăng giữa hai cường quốc hạt nhân về một số vấn đề chính.

Một nhân viên người Mỹ đứng gác tại lối vào lãnh sự quán TQ tại Houston sau khi nơi này bị buộc phải mở cửa cho giới chức Mỹ vào trưa thứ Sáu

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh về thương mại và đại dịch virus corona, cũng như việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới gây tranh cãi ở Hong Kong.

Về công dân Singapore bị bắt

Jun Wei Yeo, còn được gọi là Dickson Yeo, vào thứ Sáu đã nhận tội tại tòa án liên bang rằng ông ta đã làm việc như một đặc vụ bất hợp pháp của chính phủ Trung Quốc vào năm 2015-19, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, ông này đã bị buộc tội sử dụng tư vấn chính trị của mình ở Mỹ để thu thập thông tin không công khai, có giá trị cho tình báo Trung Quốc.

Trong lời nhận tội, ông ta thừa nhận đã tìm kiếm những người Mỹ có quyền tiếp xúc với các tài liệu mật và để những người này viết báo cáo cho khách hàng giả.

Ông Yeo đã bị bắt khi ông bay sang Mỹ vào năm 2019.

Về nhà nghiên cứu Trung Quốc bị bắt

Nhà nghiên cứu người Trung Quốc được giới chức Mỹ cho hay tên là Juan Tang, 37 tuổi.
Bà Tang nằm trong số bốn công dân Trung Quốc bị buộc tội vào đầu tuần này vì gian lận visa vì bị cáo buộc nói dối về việc phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Juan Tang là người cuối cùng trong bốn người bị giam giữ tại California, sau khi Hoa Kỳ cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco chứa chấp bà.

Hiện chưa rõ bà bị bắt như thế nào.

Các đặc vụ FBI đã tìm thấy hình ảnh Juan Tang mặc đồng phục quân đội và các bài báo ở Trung Quốc cho thấy bà này có liên hệ với quân đội Trung Quốc, theo báo cáo của Associated Press.

Báo cáo này trích dẫn nguồn từ Đại học California Davis nói rằng bà này đã bỏ việc nghiên cứu sinh tại Khoa Ung bướu Bức xạ vào tháng Sáu.

Tại sao có sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ?

Có một số yếu tố dẫn đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới chức Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lan rộng toàn cầu của Covid-19. Cụ thể hơn, Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc, mà không đưa ra bằng chứng rằng virus này có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán.

Và, trong những nhận xét không có căn cứ, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố vào tháng Ba rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus đến Vũ Hán.
Mỹ và Trung Quốc cũng đã mắc kẹt trong cuộc chiến thuế quan kể từ năm 2018.

Ông Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc thực hành giao dịch không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ, nhưng Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh như một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Hoa Kỳ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các chính trị gia Trung Quốc, những người mà họ nói là chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương. Trung Quốc bị buộc tội giam giữ hàng loạt, đàn áp tôn giáo và buộc người Duy Ngô Nhĩ và những người khác phải triệt sản.

Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc này, và cáo buộc Hoa Kỳ "can thiệp thô bạo" vào các vấn đề đối nội.

Vấn đề Hong Kong

Việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh sâu rộng cũng là một nguyên nhân dẫn đến căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và Anh, nơi quản lý Hong Kong cho đến năm 1997.

Đáp lại, Mỹ tuần trước đã thu hồi tình trạng giao dịch đặc biệt của Hong Kong vốn cho phép thành phố này không phải chịu mức thuế mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc.

Hoa Kỳ và Vương quốc Anh coi luật an ninh là mối đe dọa đối với các quyền tự do mà Hong Kong đã được hưởng theo thỏa thuận năm 1984 giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh - trước khi thành phố này được trao trả cho Bắc Kinh.

Vương quốc Anh đã chọc giận Trung Quốc bằng cách vạch ra một lộ trình đến quốc tịch Anh cho gần ba triệu cư dân Hong Kong.

Trung Quốc đã phản ứng bằng cách đe dọa ngừng công nhận một loại hộ chiếu Anh - BNO - mà nhiều người Hong Kong hiện đang sở hữu.

------------------
Tin liên quan

Những căng thẳng mới trong quan hệ Anh - Trung có thể làm thay đổi quan hệ này mãi mãi.
22 tháng 7 năm 202
.
Các đại công ty bao gồm Nike, Apple, Gap phải đối mặt lời kêu gọi ngưng sử dụng "lao động cưỡng bức" từ người Uighur.
23 tháng 7 năm 2020
.
Đây là những người bị cáo buộc nói dối về tư cách thành viên các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
24 tháng 7 năm 2020
.
Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Mỹ ra lệnh cho Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston.
24 tháng 7 năm 2








No comments:

Post a Comment

View My Stats