14/07/2020
Bộ Ngoại giao Mỹ rạng
sáng nay 14.7 chính thức công bố Lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông được
chờ đợi nhiều ngày qua.
Tuy Mỹ từng nhiều lần
tuyên bố các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, nhưng đây là
lần đầu tiên Washington bác bỏ các yêu sách này một cách cụ thể và chính thức.
Tạm lướt qua những phát
biểu lên án Trung Quốc thường thấy trong các tuyên bố trước kia, chi tiết về lập
trường mới của Mỹ nằm trong 3 đoạn chính yếu dưới đây:
Đầu tiên, lập trường mới
được minh định của Mỹ phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS
1982) và Phán quyết của Tòa án về phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc về Biển
Đông năm 2016.
Nó cũng phù hợp với Công
thư của Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 6 và công
hàm gửi Trung Quốc ngày 28.12.2016, sau khi có phán quyết của phiên tòa giữa
Philippines và Trung Quốc vào tháng 7.2016.
Tuy nhiên, có một điểm mới
và đáng chú ý là Mỹ nêu rõ việc “bác bỏ mọi yêu sách biển của PRC tại vùng
biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank – ngoài khơi Việt Nam). Cụm bãi cạn
Luconia (Luconia Shoals – ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền
kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn (Natuna Besar – ngoài khơi Indonesia)”.
Đây là những khu vực
không nằm trong phạm vi phán quyết của Tòa án năm 2016, ngoài việc bác bỏ “Đường
lưỡi bò” chung chung.
Rõ ràng, Mỹ đã đứng về
phía Việt Nam trước việc Trung Quốc quấy phá hoạt động nghề cá và khai thác dầu
khí hợp pháp của Việt Nam ở khu vực này, tương tự đối với khu vực cụm bãi cạn
Luconia với Malaysia và vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo
Natuna Lớn.
Ảnh vệ tinh chụp
tàu Hải cảnh 5402 rình rập ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam ngày 13.7. Nguồn:
internet
Đây là những khu vực trở
thành điểm nóng trong thời gian qua trước hoạt động quấy phá của tàu chiến, tàu
hải cảnh, tàu khảo sát, tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc.
Trong đó, đối với Việt
Nam rõ ràng là một động thái hết sức hoan nghênh và đập tan luận điệu của Trung
Quốc cho rằng khu vực Bãi Tư Chính là khu vực tranh chấp.
Nghĩa là sẽ không còn
chuyện Mỹ kêu gọi chung chung các bên hãy “giải quyết hòa bình các tranh chấp” ở
khu vực này, mà chỉ đích danh: “Bất kỳ hành động nào của PRC quấy rối
hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những
vùng biển này – hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương – là phi
pháp”.
Trong lập trường của
mình, Mỹ vẫn khéo léo giữ quan điểm trung lập đối với các tranh chấp LÃNH THỔ
(tức Mỹ không xác định nước nào có chủ quyền đối với các thực thể có thể yêu
sách chủ quyền ở khu vực).
Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ hầu
hết yêu sách biển của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông và khu vực quần đảo Trường
Sa.
Phần khu vực phía bắc và
khu vực quần đảo Hoàng Sa không được nhắc đến vì chưa có phán quyết cụ thể của
tòa ở khu vực này. (Nhiều khả năng chỉ có thể có được thông qua một phiên tòa
do chính Việt Nam đệ đơn).
Như vậy, đối với các khu vực biển ở phía nam Biển Đông, bao gồm khu vực
quần đảo Trường Sa, Mỹ không giữ vị thế trung lập, mà đứng về phía luật pháp quốc
tế, về phía lẽ phải, bao gồm luật Biển và phán quyết của tòa, qua đó đứng về
phía các nước bị Trung Quốc cưỡng ép và đe dọa.
Ngoài ý nghĩa về pháp lý
và biểu tượng, chưa rõ lập trường minh định của Mỹ sẽ dẫn đến những hệ quả thực
tế nào. Tuy nhiên, nó có thể mở đầu cho các hành động cứng rắn hơn của Mỹ trong
việc bác bỏ yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc thông qua các phương diện
quân sự, ngoại giao và pháp lý.
Đặc biệt, nó có thể mở đường cho việc trừng phạt
Trung Quốc sau khi xác định rõ ràng giới hạn hành động hợp pháp và phi pháp.
Chẳng hạn, trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham
gia vào việc quấy phá hoạt động nghề cá, thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của
nước khác hoặc đơn phương thực hiện các hành động phi pháp như thăm dò, khai
thác dầu khí.
Theo thông tin từ một số
người trong giới quan sát, Mỹ đã thông báo trước cho các nước liên quan về lập
trường của họ trước khi công bố vào sáng nay.
Có thể thấy rõ sự tức tối
của Bắc Kinh khi chỉ vài tiếng sau khi lập trường được công bố, người phát ngôn Đại
sứ quán Trung Quốc ở Washington đã đưa ra tuyên bố phản đối.
Lập trường mới của Mỹ có
thể mở ra một giai đoạn mới ở Biển Đông, với ý nghĩa dịch chuyển chính sách
không thua kém phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại hội nghị ASEAN
ở Hà Nội năm 2010, khi tuyên bố Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết
hòa bình các tranh chấp ở khu vực.
Phát biểu của Ngoại trưởng
Clinton khi ấy mở ra một giai đoạn mới đối với tình hình Biển Đông, vốn diễn ra
sau việc Việt Nam và Malaysia liên danh đệ đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa
Liên Hiệp Quốc và việc Trung Quốc công khai yêu sách “Đường lưỡi bò” một năm
trước đó (2009).
Nay lập trường mới của Mỹ
cũng được công bố sau khi Malaysia khai mào cái gọi là “cuộc chiến công hàm” ở
Biển Đông vào cuối năm 2019, cũng liên quan đến việc đệ đơn lên Ủy ban Ranh giới
thềm lục địa Liên Hiệp Quốc.
Những phân tích, bình luận
sâu hơn về vấn đề này có thể sẽ được tìm thấy tại Hội
thảo Biển Đông lần thứ 10, do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế
ở Mỹ tổ chức, khai mạc vào tối nay 14.7 (giờ Việt Nam).
_____
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment