7/21/2020 1
Comment
41 năm trước vào ngày 20-7-1979, tại thủ đô Geneva,
Thụy Sĩ, 65 quốc gia họp bàn cứu vớt thuyền nhân Việt Nam đang lênh đênh biển cả
và khốn khó các trại tị nạn Đông Nam Á. Kết quả từ hội nghị quốc tế này là có
hơn 1 triệu người Tị Nạn Cộng Sản Việt Nam được định cư khắp thế giới.Từ lớp
người đông đảo này, họ bảo lãnh thân nhân từ quê nhà sang, sinh con đẻ cái và
sau mấy chục năm tạo nên Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại lớn mạnh.
Bắt nguồn từ những người
tị nạn Cộng Sản được các nước tự do dân chủ nhận định cư, cho nên gốc rễ của Cộng
đồng Việt Nam Hải ngoại là Chống Cộng và yêu chuộng tự do nhân quyền. Việt Cộng
- tên gọi tắt của Cộng Sản Việt Nam - lúc nào cũng muốn nhuộm đỏ cộng đồng người
Việt tại hải ngoại bằng mọi thủ đoạn, âm mưu hiểm độc với thế lực của một chế độ
đang cai trị 90 triệu dân.
Những năm sau này, có một
số người từ trong nước sang định cư bằng du học, bằng hôn thú và trở thành công
dân nước bản xứ một cách dễ dàng. Chính những người tị nạn Cộng sản vượt biển
vượt biên đã mở một con đường để cho những người sau này dựa theo mà tiến bước,
hòa nhập vào đời sống nơi xứ người. Con đường đó đã hình thành bởi mạng sống, bởi
những gian khổ mà lớp người tị nạn đầu tiên đã trải qua.
45 năm trôi qua kể từ khi
Việt Cộng chiếm Miền Nam, Cộng đồng Việt Nam Hải ngoại lớn mạnh. Nhiều người lớn
tuổi đã qua đời, những đứa bé đã lớn lên NHƯNG lịch sử của người tị nạn Việt
Nam lúc nào cũng cần được hâm nóng.
Hội nghị Quốc Tế Cứu Thuyền
Nhân Việt Nam ngày 20-7-1979 tại Geneva Thụy Sĩ được 65 quốc gia tham dự là vì
lương tâm thế giới xúc động trước thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam. Nhiều chiếc
thuyền mong manh giữa đại dương làm mồi cho sóng dữ và hải tặc. Ghe thuyền tị nạn
đến bờ Thái Lan, Mã Lai bị xua đuổi và bị kéo trở lại ra khơi vì các trại tị nạn
Đông Nam Á đã quá đông đúc. Kết quả của hội nghị quốc tế là nhiều quốc gia đồng
ý nhận định cư thêm các người tị nạn Việt Nam. Từ đó các trại tị nạn tiếp tục mở
cửa và không còn cảnh xua đuổi và kéo ghe thuyền tị nạn ra khơi nữa.
Những thuyền nhân năm
xưa, trong đó có tôi, mãi biết ơn tấm lòng thế giới đã mở rộng vòng tay cứu vớt
người Việt Nam Tị nạn Cộng sản. Biết ơn những thuyền nhân đã bỏ mình vì sự hi
sinh của họ đã làm thế giới xúc động mà giang tay cứu giúp những thuyền nhân
còn sống. Có thể nói người chết cứu người sống.
Trong hoàn cảnh thế giới
dửng dưng với người tị nạn khắp thế giới thì chúng ta lại càng trân quí tấm
lòng của họ vào những năm xưa với Hội nghị Quốc tế Cứu Thuyền nhân Việt Nam
20-7-1979 tại Geneva Thụy Sĩ.
Mỗi năm cứ đến ngày 20
Tháng Bảy thì lòng tôi lại bồi hồi, nhớ lại những tháng ngày vượt biển và trại
tị nạn. Đã có những ý kiến chọn ngày 20 Tháng Bảy là ngày biết ơn quốc tế cứu
thuyền nhân Việt Nam trở thành Ngày Thuyền Nhân Việt Nam. Theo tôi thì để tránh
sự tranh luận đôi khi không cần thiết tạo ra mất hòa khí thì Ngày 20 Tháng Bảy
là ngày kỷ niệm quốc tế cứu thuyền nhân Việt Nam. Thuyền nhân nào, bộ nhân nào
còn nhớ kỷ niệm thì cùng nhau hồi tưởng và kể lại cho con cháu nghe.
Tôi đã cùng bằng hữu tổ
chức Đêm 30 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân tại San Jose, tối Thứ Bảy 18-7-2009 và
Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân tại Quận Cam 20-7-2019 để tỏ lòng biết ơn thế
giới và nhắc nhở con cháu biết về lịch sử gian khổ tị nạn của thế hệ đi trước.
Mời quí vị nghe ca khúc
Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới qua hình ảnh của hai đêm nhạc năm 2009 tại San Jose và
năm 2019 tại Quận Cam.
21 thg 11, 2019
Đêm 40 Năm Quốc Tế
Cứu Thuyền Nhân 20-7-1979/ 20-7-2019 tổ chức tại Hội Trường Việt Báo Quận Cam,
mở đầu với bản Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới, sáng tác Trần Chí Phúc, trình bày Đoàn
Cẩn, Ái Liên, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, tiếng đàn tác giả.
.
19 thg 7, 2020
Đêm kỷ niệm 30 NĂM
QUỐC TẾ CỨU THUYỀN NHÂN VIỆT NAM 20-7-1979 / 20-7-2009 tại rạp Le Petit Trianon
Theater San Jose, California. Bài hát Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới sáng tác dịp
này, trình bày hợp ca của các tiếng hát Thung Lũng Hoa Vàng.
Thời gian sẽ phôi pha nhiều
thứ, năm tháng trôi đi, hi vọng lịch sử Thuyền Nhân, Bộ Nhân của người Việt Nam
Tị nạn Cộng Sản thập niên 70, 80 vẫn không phai mờ.
21.07.2020
No comments:
Post a Comment