Tú
Anh - RFI
Đăng
ngày: 02/07/2020 - 19:22
Hồng Kông tiếp tục là thời sự nóng trên báo Pháp
ngày 02/07/2020. Chế độ Trung Quốc thô bạo bị lên án. Các nền dân chủ Tây
phương cũng bị phê phán vì thái độ nhu nhược.
Cờ Trung Quốc và Hồng
Kông trong lễ kỷ niệm 23 năm Hồng Kông được Anh Quốc trao trả lại cho Bắc Kinh.
Ảnh ngày 01/07/2020. Anthony WALLACE / AFP
Kẻ mạnh chiếm thượng phong
Không hẹn mà nên, báo chí
Pháp hôm nay đều dành trang nhất để tố cáo bạo lực trong quan hệ quốc tế,
trong chính sách quốc gia và cả trong xí nghiệp.
Bắc Kinh áp đặt chế độ áp
bức tại Hồng Kông, tựa của Le Monde. Sáp nhập Cisjordani, ván cờ rủi ro của thủ
tướng Israel Netanyahu, chủ đề chính của Le Figaro. Liberation trình bày vụ án
sách nhiễu tình dục trong công ty Ubisoft, số ba thế giới về trò chơi điện tử :
hơn một chục giám đốc ra tòa.
Trang châu Á của Le Monde
hôm nay cũng rất súc tích : Hồng Kông, một ngoại lệ về tự do bị kết liễu một
cách thô bạo. Tập Cận Bình và luật của kẻ mạnh. Kim Yo Jong, bàn tay thép của Bắc
Triều Tiên. Ấn Độ cấm 59 ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc mà báo chí ở
Bắc Kinh không phản ứng.
Phát súng ân huệ của Tập Cận
Bình
Sự kiện mà nhật báo kinh
tế Les Echos gọi là « Hồng Kông chuyển sang luật Trung Quốc »
được Le Monde mô tả là « phát súng ân huệ của Bắc Kinh » tặng
cho nền dân chủ tự do tại đặc khu, nơi mà không gian tự do mỗi ngày mỗi thu hẹp
từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền ở Hoa Lục cách nay 7 năm.
Theo tường thuật của
thông tín viên tại chỗ, đặc khu Hồng Kông là thành phố duy nhất của Trung Quốc
là nơi mà các quyền tự do cá nhân được tôn trọng trước khi luật an ninh Trung
Quốc ban hành, đạo luật mà dân biểu đối lập Claudia Ho gọi là « đạo luật
khủng bố, đạo luật dọa nạt biến Hồng Kông thành con số không, thành một nơi
không còn đối lập, không còn biểu tình phản kháng ».
Chỉ mới vài giờ mà đã thấy
đổi khác. Ngay một luật gia có tiếng tăm, cũng như nhiều người khác nữa, khi được
nhà báo Pháp phỏng vấn, đều xin đừng nêu tên. Một thái độ chưa từng thấy tại Hồng
Kông. Đúng như chính phủ Trung Quốc tuyên bố : « Luật an ninh quốc
gia là lưỡi gươm treo trên đầu bọn thiểu số đe dọa an ninh quốc gia ».
Điều mỉa mai là chính quyền ra luật mà người dân Hồng Kông không hề được thông
báo nội dung.
Đó cũng là nhận định của
Le Figaro trong bài « Trung Quốc xuất khẩu công lý tùy tiện » :
ngày thứ nhất, số người bị bắt lên đến hàng trăm.
Ngoại kiều và Hoa kiều phải thận
trọng
Về chi tiết này, có lẽ phải
tìm trên La Croix qua bài « Bắc Kinh khóa miệng Hồng Kông »,
La Croix cho biết một thông tin đáng ngại : mục tiêu của đạo luật triệt tự
do này không chỉ giới hạn ở Hồng Kông mà còn nhắm vào kiều dân nước ngoài cũng
như dân Hồng Kông định cư ở ngoại quốc « phạm tội khuynh đảo »
sẽ bị trừng trị nếu đương sự đến Hoa lục hoặc Hồng Kông.
Trong một bài khác
« Bắc Kinh đập nát Hồng Kông », nhật báo Công giáo xem
đây là bằng chứng quan hệ quốc tế trở lại thời dã man : chế độ Bắc Kinh
xem chữ ký của chính họ không có một giá trị nào. Họ đã cam kết với Luân Đôn
vào năm 1984, bảo đảm tự do cho Hồng Kông thêm 50 năm kể từ 1997. Nhưng Tập Cận
Bình đã hành động như Putin đối với bán đảo Crimée.
An ninh quốc gia hay an ninh của
đảng Cộng sản Trung Quốc ?
Le Monde cho rằng những
người ủng hộ Bắc Kinh chẳng có mấy ai. Trung Quốc ra tay thô bạo vì đảng
cộng sản sợ hãi. Còn phản ứng quốc tế mạnh hay yếu ? Báo chí Pháp thất vọng
thái độ rụt rè của Châu Âu.
Nhìn từ Hồng Kông, thông
tín viên Le Monde cho rằng phe ủng hộ Bắc Kinh chẳng bao nhiêu. Cụ thể, tại khu
thương mại Causeway, ngày hôm qua, số dư luận viên thân Bắc Kinh ra đường cầm cờ
đỏ 5 sao vàng và bìa các-tông với hàng chữ « giấc mơ Trung Hoa » có
đông hơn ngày hôm trước một ít, trong khi phần còn lại của Hồng Kông « để
tang » cho tự do.
Trên trường quốc tế chỉ
có chính quyền Cuba ủng hộ luật an ninh của Bắc Kinh và nhân danh 52 nước đệ
trình một dự thảo nghị quyết theo chiều hướng này lên Hội Đồng Nhân Quyền tại
Genève. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định : Trung Quốc đang sợ
hãi, sợ quyền tự do suy nghĩ và hành động của người Hồng Kông.
Cũng với nhận định là đảng
Cộng sản lo sợ cho an nguy của họ chứ không phải vì an ninh quốc gia, bài xã luận
« Triệt hạ Hồng Kông, thách đố phương Tây » của Le Monde, so
sánh hai vụ việc xảy ra cách nhau 30 năm : Chiến xa Trung Quốc không tràn
vào đường phố Hồng Kông như ở Thiên An Môn năm 1989 nhưng luật an ninh cũng gây
kinh hãi không kém : Thương gia gỡ khẩu hiệu treo trong cửa kính, số người
xin visa di cư tăng lên hàng ngàn.
Thật ra, theo Le Monde, đối
tượng trừng trị của Bắc Kinh không phải là những tiếng nói hiếm hoi đòi độc lập.
Chính vì muốn bảo vệ an toàn cho chế độ chính trị mà Tập Cận Bình mới xem chiến
tranh thương mại do Mỹ phát động cũng như nghị quyết của quốc hội Mỹ chống
Trung Quốc chà đạp nhân quyền, nhất là tại Tân Cương, là những yếu tố làm tăng
thêm rủi ro cản trở Trung Quốc thực hiện tham vọng chiếm vị trí trung tâm trên
sân khấu quốc tế. Do vậy, phải cần triệt ngay phong trào phản kháng tại Hồng
Kông. Trong bối cảnh Hoa Kỳ và Châu Âu bận tâm chống dịch, Covid-19 đúng là cơ
hội trời cho để Bắc Kinh ra tay, thách thức.
Châu Âu đánh mất linh hồn ?
Les Echos trong bài xã luận
« Đánh mất linh hồn », không giấu tức giận thái độ
« im lặng đáng kinh ngạc của Liên Hiệp Châu Âu trước hành động chệch hướng »
của Bắc Kinh. Cũng vì nội bộ chia rẽ và cũng vì quyền lợi thương mại mà
Châu Âu không có thái độ cương quyết như đã trừng phạt Bắc Kinh sau vụ đàn áp
Thiên An Môn. Thái độ cứng rắn đó, đúng vào lúc Đặng Tiểu Bình muốn xích lại gần
với phương Tây, làm cho Trung Quốc bị cô lập.
Những gì Bắc Kinh làm ở Hồng
Kông ngày nay, cũng đi ngược lại các giá trị nền tảng của Châu Âu. Một lãnh thổ
có tự do, có nhà nước thượng tôn pháp luật, nay bị rơi vào tay một chế độ phủ
nhận các giá trị đó, thế mà Châu Âu, hãnh diện là khối thương mại lớn nhất hành
tinh, lại bị tê liệt vì sợ làm phật lòng đối tác thương mại số hai sau Hoa Kỳ.
Vậy thì tuyên bố mới đây, gọi Trung Quốc là « đối thủ trên mọi mặt »
để làm gì ? Les Echos đặt câu hỏi.
Nga thuê Taliban ám sát lính Mỹ
và đồng minh ?
Trang quốc tế của
Liberation tập trung vào hồ sơ Nga ve vãn Taliban với hai mục đích : Vừa
phá hòa đàm Mỹ - Taliban tại Afghanistan, vừa để mượn tay Hồi giáo võ trang giết
binh sĩ Mỹ trả thù cho lính đánh thuê Nga bị oanh kích chết ở Syria. Mục tiêu
thứ nhất dường như bất thành vì Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận, Mỹ rút quân,
Taliban ngăn chận các tổ chức thánh chiến khác tấn công quyền lợi của Hoa Kỳ.
Chuyện thứ hai bị CIA phát hiện nhưng hệ quả tác động đến tận Nhà Trắng và tổng
thống Donald Trump.
Câu hỏi cốt lõi là Donald Trump có biết hay không ? Chuyện nghiêm trọng như thế là tại sao không
được báo cáo ? Còn đã biết thì sao không có phản ứng với Nga ? Theo
Libération, thái độ tung hỏa mù của Nhà Trắng và một số thượng nghị sĩ Cộng Hoà
bênh vực Donald Trump, sau khi New York Times tiết lộ đã làm một thượng nghị sĩ
Cộng Hoà khác là Ben Sasse nổi cáu : Tổng tư lệnh tối cao có biết
chuyện nghiêm trọng này hay không ? Nếu không thì tại sao hỡi trời ?
Một số chủ đề khác đáng chú ý
Le Monde cho rằng đại dịch
Covid tiếp tục hoành hành tại Mỹ làm suy yếu tổng thống Donald Trump trong mùa
tái tranh cử. Le Monde cũng đặt biệt tường thuật hành trình tìm đất sống và thảm
nạn của thuyền nhân Rohingya.
Les Echos với « Trưng
cầu dân ý » ở Nga : chính quyền Nga cố hết sức bảo đảm cho chủ
nhân điện Kremlin được thật nhiều phiếu thuận để đạt kỷ lục thời gian cầm quyền
tại nước Nga thời hiện đại, nhưng với cái giá « gian lận »,
hình như là như thế.
Le Figaro lo ngại những hệ
quả mà ngay giới quân sự Israel cũng không thể tiên liệu nếu thủ tướng
Netanyahu thi hành lời đe dọa sáp nhập thung lũng Cisjordani. Không kể phản ứng
tuyệt vọng của người Palestine, quyết định của Israel sẽ là món quà cho đối thủ
Iran, và hai tổ chức Hồi giáo Hezbollah và Hamas, cánh tay nối dài của Teheran
trong khu vực.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
No comments:
Post a Comment