Tuesday, 21 July 2020

GÓP Ý VỚI BÍ THƯ BẾN TRE PHAN VĂN MÃI VỀ ĐÊ XUẤT “THUNG LŨNG SILICON” CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HÙNG (Nguyễn Ngọc Chu)





Sáng 17/7/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc trực tuyến với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi. Trong buổi làm việc đó ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:

“Khó khăn là trở ngại nhưng cũng là lợi thế của Bến Tre. Chỉ cần sẵn sàng thí điểm công nghệ mới, lúc đó tất cả doanh nghiệp công nghệ sẽ đến vùng này và biến tỉnh trở thành thung lũng Silicon về chuyển đổi số.”
"Bến Tre có thành trung tâm Silicon hay không chủ yếu liên quan đến quyết tâm chính trị, quyết tâm ứng dụng cái mới, quyết tâm thí điểm"( https://vietnamnet.vn/…/ben-tre-se-tro-thanh-thung-lung-sil…).

Được biết “Bến Tre đang xây dựng Chương trình Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của tỉnh này là đến năm 2030, Bến Tre phải trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nội dung số”. Bởi thế xin gửi đến Bí thư Bến Tre Phan Văn Mãi các góp ý dưới đây.

1. KHÔNG NGỘ NHẬN VỀ THUNG LŨNG SILICON

Điều đầu tiên, là hy vọng ông Bí thư Bến Tre Phan Văn Mãi không ngộ nhận về Thung lũng Silicon, biết “Tiếp nhận cái có lợi, bỏ qua cái không lợi; Tiếp nhận cái đúng, bỏ qua cái chưa đúng”, mà hiểu được rằng Bến Tre không bao giờ trở thành Thung lũng Silicon.

Cũng như vậy, “Không nhất thiết luôn luôn phải phê phán hay tranh luận đúng sai ở mọi thông tin đưa ra”, cho nên không bàn về đề xuất của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng biến Bến Tre thành “Thung lũng Silicon”, mà đề cập đến những điều cụ thể thiết thực nhất trong khả năng Bến Tre có thể làm được.

2. NHỮNG ĐIỀU BẾN TRE CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC

Bến Tre có thể làm được rất nhiều điều để trở thành tỉnh giàu mạnh. Dưới đây là 11 điều chủ chốt mà Bến Tre nên làm.

2.1. THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Thương mại điện tử là điều bắt buộc trong xã hội hiện nay. Không có thị trường thương mại điện tử thì sẽ bị tổn thất lớn về kinh tế và bị tụt hậu. Bởi thế, Bến Tre phải thiết lập được Thị trường thương mại điện tử cho mọi sản phẩm trong đời sống của người dân Bến Tre.

Mục tiêu của Bến Tre đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 mới “chuyển đổi số” xong là quá chậm. Nhiệm kỳ của ông Phan Văn Mãi là 5 năm (dài hơn nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ chỉ có 4 năm), thì phải giải quyết xong trong nhiệm kỳ, không thể định hướng cho nhiệm kỳ của người khác. Ở Việt Nam đã thành phong trào “định hướng 10-30 năm” mà không nhớ rằng ngay sau khi hết chức, không ai theo kế hoạch của người tiền nhiệm.

Một mục tiêu “tham lam” nhưng khả thi cho Bến Tre là thiết lập Thị trường thương mại điện tử trong vòng 2 năm. Những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, với mục tiêu “xâm lược” (aggressive), thì chỉ cần 1 năm để thiết lập Thị trường thương mại điện tử đầy đủ cho Bến Tre.

Ông Phan Văn Mãi nên xem xét hiệu chỉnh lại kế hoạch “chuyển đổi số” của Bến Tre. Không có Thị trường thương mại điện tử, người dân Bến Tre mỗi ngày bị thua thiệt hàng triệu USD trong kinh doanh, sản xuất và tiêu dùng. Đó là chưa nói đến tiết kiệm thời gian, hiệu quả công việc, nâng cao hiểu biết và làm giàu tri thức.

Cũng xin nhắn ông Phan Văn Mãi đừng đặt mục tiêu “Bến Tre phải trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nội dung số”.

Bởi vì đây là một mục tiêu không khả thi. Và không cần thiết phải đặt mục tiêu như thế. Lãnh đạo các tỉnh ở Việt Nam hiện nay, chẳng hạn trong kêu gọi đầu tư nước ngoài, luôn đặt mục tiêu là tỉnh có thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Mặt trái của mục tiêu này là đua nhau hạ giá. Hạ giá bằng cách miễn giảm thuế, tăng ưu đãi. Hạ giá bằng cách tăng thời hạn thuê đất, miễn giá trị thuê đất - mà Formosa Hà Tĩnh là một điển hình ê chề. Sự hạ giá đau đớn được khoác bộ lông “cơ chế vượt trội” mà các “đặc khu kinh tế” là những điển hình nhức nhối.

Mục tiêu quan trọng mà Bến Tre cần đặt ra, là tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của Bến Tre đang quá thấp, chỉ đạt khoảng 33 triệu đồng/người/năm - đứng thứ 58/63 tỉnh thành. Đừng nghĩ đến đứng đầu. Nhưng đưa thu nhập bình quân đầu người của Bến Tre về mức trung bình thứ 30/63 - nên là mục tiêu sống chết của lãnh đạo Bến Tre trong giai đoạn 2021-2025.

Lãnh đạo Bến Tre cũng đừng lo tỷ lệ smart phone 54,14% là cản trở. Đó là lý do bao biện của những người thiếu quyết đoán và không mạnh mẽ. Cứ thành lập Thị trường thương mại điện tử đầy đủ, tức khắc người dân sẽ tự thích nghi. Và con số sẽ thay đổi chóng mặt.

Một báo động cần thiết nữa, là kế hoạch phủ 42 000 vệ tinh toàn cầu của tỷ phú Elon Musk đã đi vào thử nghiệm. Hiện đã phóng 540 vệ tinh và chương trình Starlink đang phát thử nghiệm cho Bắc Mỹ. Người dùng trên toàn cầu chỉ cần cắm một ăng ten hướng vào chùm sao vệ tinh là nối mạng. Thương mại điện tử sẽ thống trị khắp mọi nơi. Không thiết lập sẽ bị tụt hậu toàn phần. Không thể đợi chờ đến năm 2030 mà tức thì trong các năm 2020 – 2021. Mỗi ngày chậm, Bến Tre sẽ thua thiệt hàng chục tỷ đồng.

2.2. QUẢN LÝ ĐIỆN TỬ VÀ CHỐNG LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ
Quản lý điện tử là lĩnh vực thứ 2 mà Bến Tre nên thực hiện. Nhưng đây cũng là lĩnh vực có nhiều lực cản. Chẳng hạn như phạt vi phạm giao thông. Không mấy ai hào hứng áp dụng quản lý điện tử trong phạt vị phạm giao thông.

Quản lý điện tử đưa đến minh bạch. Minh bạch thì khó kiếm chác, khó tham nhũng. Nên sinh ra lực cản chống lại sự áp dụng quản lý điện tử.

Quản lý điện tử đưa đến tinh gọn. Từ đó rút bớt được thời gian, giảm được nhân sự, chống được nhũng nhiễu.

Lợi của Quản lý điện tử vô cùng to lớn. Nên bắt buộc phải thực hiện. Thời hạn hợp lý cho hoàn tất Quản lý điện tử trên địa bàn tỉnh, hành động quyết liệt là 1 năm. Ở các thành phố lớn có thể cần đến 2 năm.

Chống lãng phí đầu tư - không phải là một ngành kinh tế - nhưng đưa lại nguồn kinh phí tiết kiệm to lớn. Muốn Bến Tre giàu mạnh thì không thể không triệt để chống lãng phí đầu tư. Phải cắt bỏ những đầu tư không cần thiết, trong đó có tượng đài, cổng chào, lễ hội… Phải cắt bỏ các dự án không hiệu quả. Phải chống nâng giá trong mọi đầu tư. Sự nâng giá lên đến cả ngàn phần trăm là hố đen khổng lồ tiêu tán nền kinh tế.

2.3. CHỐNG NGẬP MẶN. CHỐNG HẠN HÁN. BỐ TRÍ LẠI CƠ CẤU KINH TẾ
Bến Tre nói riêng, và ĐBSCL nói chung, đang đối mặt với nguy cơ nhiều thế kỷ về ngập mặn và hạn hán. Đây là bài toán của lãnh đạo quốc gia. Nhưng lãnh đạo Bến Tre phải biết tự lo cho mình trước. Ngập mặn và hạn hán ở xu thế không tránh khỏi - sẽ bắt buộc con người phải chống trả. Kéo theo là sự thay đổi về cơ cấu kinh tế. Vấn đề cực kỳ quan trọng này cần có một diễn đàn khác chứ không thể chỉ nêu vài dòng ở đây. Nhưng đề cấp ở đây là để Bến Tre cấp thiết đối mặt mà không đợi chờ lãnh đạo quốc gia. Bến Tre phải đối mặt tức thì để tái cơ cấu kinh tế.

2.4. ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG SẢN
Nông sản là thế mạnh cột sống đầu tiên của Bến Tre. Thành lập Thị trường thương mại điện tử cũng là vì phục vụ cho nông sản Bến Tre, chứ không thể biến Bến Tre thành trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại hay Thung lũng Silicon. Lãnh đạo Bến Tre từ bỏ nông sản để mơ ước trở thành Thung lũng Silicon là sai lầm tự sát.

Bởi thế, Bến Tre phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế lớn. Diện tích canh tác lúa của Bến Tre (khoảng 15 639 ha vụ Thu Đông và 8 048 ha vụ Mùa năm 2018) có thể không mở rộng nhiều, nhưng năng suất thì phải tăng trưởng. Diện tích cây dừa (khoảng 72 022 ha) và sản lượng dừa (58 163 tấn) cũng phải có sự tăng tiến. Tương tự là các nông sản (ngô, mía, rau màu các loại) và cây ăn quả khác (ước tính khoảng 28 676 ha, 19 236 tấn), cũng phải được tăng năng suất. Điều này đòi hỏi cần có các giống mới năng suất cao. Đòi hỏi áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi trồng chăm bón.

Chăn nuôi là ngành không thể không chú trọng trong kinh tế Bến Tre. Môi trường Bến Tre phù hợp tốt cho phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. Hai dòng gia súc chính là lợn (583 730 con) và bò (209 650 con) của Bến Tre còn khiêm tốn. Chăn nuôi là nhân tố tốt giúp tăng thu nhập và cải thiện mức sống của người dân Bến Tre, nên cần có quyết sách đúng đắn.

Song song là phát triển công nghiệp chế biến nông sản để đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng, nhất là phục vụ cho xuất khẩu. Công nghiệp thực phẩm phải là một trong những định hướng phát triển chiến lược của Bến Tre.

2.5. ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THUỶ SẢN
Thuỷ sản và công nghiệp chế biến thuỷ sản phải là một trụ cột quan trọng nữa của kinh tế Bến Tre. Giá trị nuôi trồng thuỷ sản của Bến Tre hiện nay rất bé. Theo số liệu của Tổng cục thống kê cho 10 tháng đầu của năm 2018 thì toàn tỉnh chỉ đạt 253 968 tấn. Trong đó, cá tra khoảng 166 907 tấn, tôm sú 4 288 tấn. Tổng sản lượng thuỷ sản đánh bắt xa bờ cũng chỉ đạt 172 522 tấn trong 10 tháng đầu năm 2018.

Thuỷ sản xuất khẩu phải là định hướng chiến lược của Bến Tre - vì đang có mênh mông thị trường cung ứng với giá trị cao. Đây chính là nguồn thu nhập góp phần tăng nhanh mức sống của người dân Bến Tre. Bởi thế Bến Tre cần tập trung vào 3 thị trường xuất khẩu là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cùng với đó là đổi mới công nghệ nuôi trồng, đánh bắt, và công nghệ chế biến - đáp ứng yêu cầu của EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ngành thuỷ sản Bến Tre thay đổi về chất. Hiển nhiên, Bến tre không thể bỏ sót các quốc gia khác, có nhu cầu về nông sản và thuỷ sản, mà không thể kê khai hết ở đây.

2.6. TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU LÀ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
Không phải Thung lũng Silicon, mà tăng trưởng gấp 5 – 10 lần giá trị xuất khẩu mới là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của Bến Tre trong giai đoạn 2021-2025. Đây không phải là một mục tiêu cao, vì giá trị xuất khẩu của Bến Tre hiện còn quá bé. Một lãnh đạo tài năng và tham vọng, trong nhiệm kỳ 2021-2025 có thể đặt ra mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu của Bến Tre lên đến 20 lần và hơn nữa. Tăng như thế mà thu nhập bình quân của người dân Bến Tre cũng chưa thể nâng cao đến mức 5000 USD/người/năm, thì để thấy cần phải hành động mạnh mẽ như thế nào.

2.7. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
Công nghiệp Bến Tre phải định hướng chính vào công nghiệp nhẹ. Chủ đạo là công nghiệp chế biến thực phẩm, cùng với các ngành: hoá dược, dệt may, giày da, lâm nghiệp, cơ khí, điện máy… phục vụ cho nhu cầu sản xuất, thương mại, tiêu dùng và xuất khẩu - phù hợp với khả năng.

Một ngành công nghiệp khác mà Bến Tre có thể phát triển tốt chính là năng lượng. Địa hình và điều kiện tự nhiên cho phép Bến Tre phát triển các nguồn năng lượng sạch vô hạn từ thiên nhiên là điện mặt trời, điện gió và điện thuỷ triều.

Còn những ngành công nghiệp tiềm năng khác nữa, có thể xuất hiện theo sự phát triển, mà người lãnh đạo đương thời không được bỏ lỡ.

2.8. PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ DU LỊCH
Một hệ thống giao thông vận tải hiện đại là điều không thể quên trong suy nghĩ hàng ngày của lãnh đạo Bến Tre. Gần TP HCM là một thuận lợi lớn của Bến Tre trong thiết lập một hệ thống giao thông vận tải thông thương nhanh chóng với thế giới.

Trên địa bàn Bến Tre có 4 sông lớn là Tiền Giang, Hàm Luong, Ba Lai, Cổ Chiên. Bến Tre không được quên lợi thế sông ngòi kênh rạch chằng chịt - để phát triển giao thông tàu thuỷ ca nô. Hơn nữa, như là một nhu cầu của đời sống khá giả - khi các gia đình sở hữu ca nô tàu thuỷ riêng, không chỉ là phương tiện giao thông tư nhân, mà còn trong tư thế du thuyền riêng - một tiêu chuẩn sống, mà chỉ số ít người giàu ở thành phố mới có khả năng sở hữu.

Du lịch, nếu biết phát triển, thực sự là thế mạnh của Bến Tre. Bãi biển, sông ngòi, miệt vườn, thảm thực vật và động vật, hoa quả, thực phẩm và con người Bến Tre quả thực là một thế giới kỳ thú cho du khách trong và ngoài nước đến khám phá. Nếu biết xây dựng và tổ chức, thì ngành du lịch của Bến Tre có thể mang đến những khoản thu lớn cho nền kinh tế tỉnh và cho thu nhập của người dân.

2.9. NÂNG CAO GIÁO DỤC, KHOA HỌC, Y TẾ, DÂN TRÍ VÀ AN SINH XÃ HỘI
Là những lĩnh vực vô cùng quan trọng mà bất cứ người nào đứng vào vị trí lãnh đạo Bến Tre cũng đều phải hao tâm tổn lực. Đây là những lĩnh vực cần sự nghiên cứu công phu với những đề xuất cụ thể, nên dành ở một diễn đàn khác.

Có một câu hỏi cần lưu ý ở đây, là dân số Bến Tre trong vòng 25 năm qua không đổi. Theo thông kê thì năm 1995 dân số Bến Tre là 1 281 800 người, thì đến năm 2019 cũng chỉ có 1 288 463 người. Trong 25 năm chỉ tăng có 6 663 người, mà đáng ra phải là không dưới 250 000 người. Không có lẽ di dân cơ học (đến nơi khác) của Bến Tre nhiều đến như vậy? Còn những nguyên nhân khác? Làm quan đứng đầu tỉnh không thể không trăn trở!

2.10. BẢO VỆ PHÁP QUYỀN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Xã hội muốn phát triển nhanh thì mỗi cá nhân phải được tôn trọng, các quyền cơ bản của con người phải được đảm bảo. Đây là yêu cầu tiên quyết.

Bến Tre chẳng có thể có bước tiến vượt trội - nếu các quyền cơ bản của con người không được tuân thủ. Đây mới là điều quan trọng nhất trong mọi điều quan trọng nhất.

Tiếp theo, điều phải được lãnh đạo Bến Tre quan tâm chính là bảo vệ luật pháp. Chưa bao giờ có nhiều án oan, có nhiều vi phạm pháp luật như bây giờ. Số phận con người rất mong manh trước pháp luật. Muốn giàu có thì lãnh đạo tỉnh phải bảo vệ được công dân của tỉnh mình.

Một lĩnh vực nữa, rất cần có sự đầu tư cấp bách, chính là vấn đề bảo vệ môi trường. Tầm quan trọng của bảo vệ môi trường thì ai cũng thấu hiểu, mà không cần phải nhấn mạnh ở đây. Biện pháp cụ thể dành ở một cơ hội khác.

2.11. THÚC ĐẨY SỰ LỚN MẠNH CỦA DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
Điều quan trọng cuối cùng trong mục này cần lưu ý - giữ vai trò hạt nhân bùng phát trong sự lớn mạnh của kinh tế Bến Tre - chính là kinh tế tư nhân. Phải nhìn thấy vai trò trụ cột về năng suất và hiệu quả của kinh tế tư nhân để dành cho doanh nghiệp tư nhân những khoảng không gian đủ lớn. Về dài lâu, kinh tế tư nhân mới là nhân tố số 1 trong tăng trưởng kinh tế Bến Tre.

3. NHÂN SỰ VÀ CƠ CHẾ

Nhân sự và cơ chế là 2 vũ khí - ví như “tên lửa và đầu đạn hạt nhân chiến lược” - để Bến Tre thực hiện thành công 11 mục tiêu đề xuất ở mục 2 nêu trên.

Điều mà Bí thư Phan Văn Mãi có thể làm được, vì một tình yêu thiết thực cho Bến Tre, chính là để những người tài ở Bến Tre tham gia vào công việc quản lý tỉnh, chứ không phải là những kẻ leo lên quyền lực qua con đường chạy chức.

Điều mà Bí thư Phan Văn Mãi có thể làm được, vì một tình yêu thiết thực cho Bến Tre, chính là xoá bỏ các rào cản phi lý cho doanh nghiệp, hạn chế các nhiễu nhương để cho doanh nghiệp được tự do phát triển.

Chỉ cần làm được 2 điều này thôi, Bến Tre sẽ giàu mạnh và thế hệ sau sẽ còn mãi nhắc. Có điều, để đưa được 2 “vũ khí chiến lược” đến với Bến Tre - không chỉ cần sự dũng cảm, mà còn cả sự hy sinh quyền lợi.

4. ĐỪNG VIN VÀO CƠ CHẾ

Biết rằng thể chế là bài toán bao trùm. Nhưng giải bài toán thể chế cần không chỉ một thập niên. Cho nên, không thể vin vào bài toán thể chế để lấy cớ mà không hành động.
Cơ chế là con đẻ của thể chế. Nên có thể giải bài toán cơ chế từng phần, trước khi đến bài toán cuối cùng.

Từ cách đây hơn 3000 năm, khi giặc Ân đến xâm lược nước ta, tiên vương các vua Hùng đã cho người đi loan tin khắp hang cùng ngõ hẻm, mời người tài ra giúp nước. Vì thế đứa bé mới có cơ hội vươn vai thành Thánh Gióng.

Đến thời các vua nhà Nguyễn gần đây, các quan lại cai trị huyện, tỉnh đều phải là những người đỗ hàng đầu trong các cuộc thi cử nhiều vòng của hàng ngàn ứng viên. Đó là những cuộc đua đường dài, hầu như không có cơ hội gian trá. Bởi thế, các quan đầu tỉnh thường là những người có trí tuệ lớn.

Nay việc bổ nhiệm quan đầu tỉnh của nước ta, chỉ do một số người quyết định, mà không qua thi cử. Nên rất ít người có năng lực hàng đầu. Lại không cho người đi loan tin mời người tài giỏi khắp nước ra ứng cử, như thời tiên vương các vua Hùng đã làm, nên cả ngàn người tài giỏi ở đầu núi cuối thôn không thể vươn vai trở thành Thánh Gióng.

Lãnh đạo Bến Tre có vì tình yêu quê hương mà để cho hàng ngàn người tài giỏi, đang ẩn mình ở khắp các kênh rạch miệt vườn, vươn vai giúp cho Bến Tre vươn mình thành Thánh Gióng chăng?

Đấy mới chính là bảo bối để Bến Tre giàu mạnh. Chứ không phải Thung lũng Silicon.



.
Bài viết của tiến sĩ Chu đầy tâm huyết, trí tuệ, chân thành góp ý với bí thư Bến Tre. Nhưng tôi tin rằng ông bí thư bến tre chả nghe đâu, và có nghe cũng không làm được nhất là vấn đề dân sự và cơ chế. Nhưng những góp Ý là rất quý để nhân sự và cơ chế. Nhưng để dân bến tre hiểu ra vấn đề và nhìn xem chính quyền của họ tiếp thu những góp Ý đúng đắn và chân thành như thế nào.
.
 Anh Chu Nguyen Ngoc thân mến, anh lại đặt cho các độc giả chúng tôi cái khó khi muốn viết bình luận nữa rồi. Biết viết gì hơn khi một đề xuất khùng của tay (tướng) khoác áo dân sự, đã nổ như thế.
Và phải nói rằng anh có một bài phân tích tuyệt vời mà nếu tay BTTU Bến Tre cố gắng lãnh đạo thực hiện được như thế thì tin chắc 5 năm sau BT đã là một tỉnh nằm ở tốp nhất nhì chứ không 58/63 như hiện nay.
Tôi rất muốn ai đó sẽ gữi những bài này của anh cho CTN, TT, QHVN chứ không gữi cho tổ tư vấn TT của tay Kiên đâu.
.
Tư duy vừa sâu sắc, vừa cụ thể, vừa thực tế. Người Nghệ An mà viết về Bến Tre như thể là người sinh ra ở Bến Tre. Phải là người có tấm lòng yêu thương đất nước mới chịu khó bỏ công sức mất thời gian để viết được những điều chân tình, trí tuệ, đầy tâm huyết như vậy. Mong các lãnh đạo tỉnh Bến Trẻ đọc kỹ. Cảm ơn TS Ng.Ngọc Chu !
.
Lẽ ra phải mời anh Chu ra làm thủ tướng, chỉ đạo như vậy là cụ thể sát sườn và có thể vận dụng cho nhiều địa phương tương tự khác. Ôi, đất nước ta, cả một đám lãnh đạo dốt nát tham lam
.
Bài viết rất công phu, tác giả đã dành nhiều tâm huyết để đọc, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, địa lý, lịch sử, kinh tế và về con người Bến Tre. Cái lợi thế - cái trở ngại, cái được - cái mất của Bến Tre cũng được tác giả đề cập đến. Tuy nhiên đó mới chỉ là lý luận, từ đây đến với thực tế hãy còn xa nhưng vẫn còn có thể nhìn thấy được chứ không như anh 4T đề cập về "Thung lũng Silicon".
Điều đáng nói là liệu có ai đọc, ai quan tâm hay không lại là một chuyện khác.






No comments:

Post a Comment

View My Stats