Tuesday, 21 July 2020

CƠ HỘI ĐÃ TỚI (Cánh Cò)




Thứ Hai, 07/20/2020 - 19:29 — canhco

Vào ngày 9 tháng 5 Tập đoàn Noble Clyde Boudreaux thông báo rằng hợp đồng khoan thăm dò tại Lô 06-01, nơi tập đoàn Rosneft của Nga đang hoạt động được vài năm tại Việt Nam đã bị hủy bỏ. Lô 06-01 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, tuy nhiên cũng nằm trong khu vực Đường Chín Đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra.

Rosneft Việt Nam là liên doanh giữa tập đoàn Rosneft của Nga (35%), ONGC (45%) của Ấn Độ, và PetroVietnam - PVN (20%) của phía chủ nhà Việt Nam. Trong liên doanh này, Rosneft làm nhà điều hành và đây là công ty có 50% vốn của chính phủ Nga.

Ông Nguyễn Lê Minh, thuộc Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nói với BBC rằng "Trong hai vụ Việt Nam hủy hợp đồng với Repsol và Rosneft, về lý thuyết là giống nhưng bản chất khác nhau. Điểm giống nhau là Trung Quốc luôn gây sức ép bằng việc gửi công hàm ngoại giao đến các nhà điều hành là các tập đoàn, công ty mẹ trước (Repsol và Rosneft). Sau đó, mới leo thang, hạ đặt giàn khoan hoặc gây hấn ở Biển Đông để gây sức ép lên phía Việt Nam.

"Điểm khác nhau là, Repsol là công ty đại chúng và không có vốn của Chính phủ Tây Ban Nha, trong khi Rosneft (công ty có 35% vốn góp ở Rosneft Việt Nam), cũng đã lên sàn giao dịch chứng khoán nhưng có 50% vốn của Chính phủ Nga.”

Sự thật là Rosneft không phải chỉ riêng chính phủ Nga làm chủ mà trong đó nó đã bán một số lớn cổ phần cho Trung Quốc từ năm 2017 và 2018. Công ty đầu tư tài chính và quản lý tài sản Huarong Asset Management của Trung Quốc đã mua lại 36,2% cổ phần của một đơn vị thuộc công ty CEFC China Energy, thông qua đó công ty này mua được 9,1 tỷ USD cổ phần của Tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft của Nga. Công ty Huarong hiện do Bộ Tài chính Trung Quốc quản lý.

Như vậy mọi quyết định quan trọng của tập đoàn Rosneft có thể nói không thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc và vì vậy việc giàn khoan nước sâu Noble Clyde Boudreaux phải nhổ neo về nước khi chưa kịp chạm mũi khoan xuống đáy biển của Lô 06-01 không thể nói Trung Quốc không can dự.

Vào tháng 5/2018, tức là ba tháng sau khi Trung Quốc mua được cổ phần của Rosneft thì Repsol của Tây Ban Nha bị chính phủ Việt Nam ra lệnh ngưng hoạt động. Kết quả là Repsol nhận được tiền bồi thường lên đến 1 tỷ đô la.

Hành động ngược ngạo của Trung Quốc một lần nữa cho thấy họ không xem chính phủ Việt Nam ra gì vì những lần tấn công thăm dò từ Bắc Kinh luôn được Hà Nội khép nép âm thầm chịu đựng. Nhưng lần tấn công này xem ra Hà Nội có thể mạnh miệng hơn một chút khi chắc chắn rằng Mỹ đã khẳng định, đã bỏ chiếc neo khổng lồ của các hạm đội trên vùng biển Đông và nhất là trên phương diện chính thức Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định không để cho Trung Quốc tiếp tục xem biển Đông là vùng biền của đế chế hàng hải Trung Quốc

Hơn một tháng sau khi Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trên Bãi Tư Chính và buộc ngưng hoạt động thăm dò của Tập đoàn Noble Clyde Boudreaux, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 tuyên bố thay đổi chính sách của Washington đối với các yêu sách hàng hải mà Trung Quốc luôn miệng khẳng định trước cộng đồng thế giới. Một tuần lễ sau, ngày 20 tháng 7 ông Kritenbrink đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết: “Lập trường của Mỹ về Biển Đông cho thấy Mỹ sát cánh với Việt Nam để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam nhất quán với luật pháp quốc tế - bao gồm cả quyền đối với các nguồn dầu khí ngoài khơi, và quyền đánh bắt cá, là những điều sống còn cho sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á”.

Điều này bao gồm cả sự bác bỏ rõ ràng yêu sách của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính, nơi Bắc Kinh đã tiến hành “một chiến dịch cưỡng bức và quấy rối hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam”, vẫn lời của Đại sứ Kritenbrink, Ngoại trưởng Pompeo và Mỹ coi sự bắt nạt này “không chỉ mang tính khiêu khích và gây bất ổn, mà còn là bất hợp pháp”.

Những phát biểu có tính khẳng định và hoàn toàn khả tín của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không thể là lời nói suông nhằm gây chia rẽ giữa Trung Quốc và Việt Nam mà nó cho thấy sách lược của Mỹ rõ ràng là đang cô lập Trung Quốc bằng mọi giá trong đó có cả việc bảo vệ Việt Nam trước móng vuốt của Bắc Kinh. Chính sách này của Mỹ chỉ là lập lại những gì mà Wahington đã từng làm với Nhật Bản, Hàn Quốc và trong một chừng mực nào đó nó cho thấy quyền lợi của nước Mỹ được bảo vệ qua chính sách này hơn là muốn lôi kéo một nước đầy hằn học như Việt Nam.

Việc còn lại là sự lựa chọn của Hà Nội. Mặc dù khó khăn vì sức ép của Trung Quốc ngày một lớn hơn nhưng Việt Nam có lợi thế hơn các nước Đông Nam Á khác bởi nó có thực lực quân đội vì dù sao trong chiến tranh nó đã chứng minh rằng có thể gây thất bại cho Trung Quốc trên đất liền còn muốn gây chiến trên biển Trung Quốc có khả năng chạm mặt trực tiếp với Mỹ, một khủng long biển thật sự chứ không phải làm bằng giấy như Trung Quốc mô tả.

Hôm 20 tháng 7, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh đã tới vùng biển Thái Bình Dương kết hợp với hai hàng không mẫu hạm của Mỹ đang có mặt tại đây. Theo kế hoạch, có thể, các chiến đấu cơ F-35 của Nhật sẽ tham gia hoạt động trên mẫu hạm của Anh, và các chiến hạm cùng tàu ngầm của Canada, Úc, sẽ hợp thành một hải đội tháp tùng chiếc HMS Queen Elizabeth. không phải là dấu hiệu rõ ràng cho Trung Quốc thấy đã đến ngày họ phải soi lại chính mình hay sao?







No comments:

Post a Comment

View My Stats