Thuận Đạo
06/07/2020
Gần đây khi đọc một số
bài báo, như: “Không để ‘hạt giống lép’ lọt vào đại hội“, đăng trên
báo Tiền Phong ngày 29/6/2020 và các bài báo trước đó của Tạp chí Xây dựng Đảng
ngày 9/2/2020 “Vá lỗ hổng về cơ chế lựa chọn cán bộ“; VietNamNet ngày
10/5/2018 “Con ông cháu cha, cả họ làm quan: Vì sao dai dẳng?“…
tôi nhận thấy đảng CSVN dường như ngày càng bế tắc trong công tác cán bộ.
Nghiên cứu một số mô hình
lựa chọn lãnh đạo của các nước, tôi và có lẽ nhiều người khác cũng tâm đắc, gần
đây có bài viết về việc lựa chọn lãnh đạo và nhân tài của Đảng Hành động nhân dân
Singapore, đó là:
“Đảng Hành động Nhân
dân chú trọng chất lượng hơn là số lượng đảng viên, để đảm bảo “ít mà tinh”, phải
là người thật sự có tài mới được kết nạp. Đảng viên bắt buộc phải là người tinh
hoa của dân tộc. Đảng không phát triển cơ sở chi bộ theo kiểu phong trào, hô
hào số lượng, mà chọn luôn những người đặc biệt xuất sắc của đất nước trên mọi
lĩnh vực để mời vào Đảng. Quy trình lựa chọn này rất thực tế và chặt chẽ.
Đầu tiên, phương pháp của Lý Quang Diệu là lùng sục
trên khắp Singapore để phát hiện các thủ lĩnh có năng lực thuộc nhiều lĩnh vực
khác nhau, những người được đồng nghiệp công nhận có bộ óc thông minh và kỹ
năng quản lý mạnh. Việc này được thực hiện thông qua sự giới thiệu của một số
lãnh đạo nhất định của Đảng, những người công tâm và có con mắt sành sỏi. Những
người được phát hiện thường có thành tựu trong thực tế và đã chứng minh được
năng lực sáng tạo cũng như lãnh đạo trong thực tế.
Điểm độc đáo là những người hay phê bình Đảng với
thái độ xây dựng càng được ưu tiên mời vào Đảng để thay đổi Đảng theo cách tích
cực, giao ngay cho họ cương vị cao mà không tính tuổi Đảng theo kiểu “sống lâu
lên lão làng”. Rất nhiều trường hợp, Đảng đi thuyết phục những người tài trong
nhiều năm họ mới chịu gia nhập Đảng, sau khi họ tranh cử thành công vào Quốc hội
được bổ nhiệm ngay vào các chức vụ cao trong chính quyền hoặc phụ trách các
công việc quan trọng của đất nước”.
So sánh giữa hai quốc gia
với hai cách lựa chọn người tài, người lãnh đạo, chúng ta thấy rõ cách nào đã
chọn được người tài thật sự và quốc gia nào đã thành công trong việc đưa quốc
gia mình lên đỉnh cao trên trường quốc tế. Chắc chúng ta rõ là nước nào và mô
hình nào tốt hơn.
Tại sao Việt nam cứ mãi
loay hoay với kế hoạch lựa chọn nhân sự của mình kiểu “nội bộ”, không thể nào
thoát ra được cách lựa chọn cũ kỹ lạc hậu? Tôi nghĩ với thể chế hiện tại, chắc
chắn là không thoát ra được, có lẽ văn hóa và lịch sử Việt nam đã định hình
như vậy. Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu giai đoạn triều Trần trong lịch sử Việt
Nam thì chúng ta thấy rất rõ sự tương đồng giữa thời đại hiện nay và thời nhà
Trần trong dùng người và từ đó chúng ta sẽ hiểu được Việt nam hiện nay sẽ
đi theo xu hướng như thế nào.
Trong lịch sử Việt Nam,
có lẽ không đâu các nhân vật trong dòng họ cầm quyền xuất hiện nhiều trong
chính sử như họ Trần. Việc ấy chẳng lấy gì làm lạ khi triều Trần nổi lên như một
triều đại mà cả tông tộc trị nước “Thiên hạ này là thiên hạ của tổ tông ta”.
Đặc điểm đó rành rành ở cái phổ hệ nhập nhằng rối rắm và hơn cả, là những
cuộc hôn nhân nội tộc.
Ngày nay, khoa học đã chứng
minh được rằng, những cặp vợ chồng có quan hệ gần gũi về huyết thống thì sinh
con bị dị dạng, trí tuệ không phát triển bình thường, thể chất yếu đuối, nghĩa
là không bảo đảm được sự lành mạnh của giống nòi.
Công tác cán bộ ở Việt
Nam ở một mức độ nào đó không khác gì về bản chất trong thời nhà Trần, khi sợ
người bên ngoài dòng tộc tham chính. Ở Việt nam hiện nay, người ngoài đảng CSVN
hoàn toàn không được tham gia vào chính quyền từ vị trí thấp nhất trong thang bậc,
hệ thống. Do vậy, chỉ có “nội tộc” đảng cầm quyền “kết hôn” với nhau và từ đó
sinh ra các “cậu ấm, cô chiêu”, là “hồng phúc của dân tộc”, như bà Nguyễn Thị
Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội TPHCM phát biểu
trên diễn đàn Quốc hội.
Tôi rất trân trọng các ý
kiến của các ông như Lê Như Tiến, Lê Thanh Vân, nhà báo Nhị Lê và nhiều giáo sư
tiến sĩ khác với nhiều tâm huyết, nhiều gửi gắm, v.v… cho lãnh đạo đảng, nhà nước,
nhưng các ông ấy cũng không thoát khỏi hạn chế do quy định về công tác cán bộ
hiện tại, vẫn những góp ý đó, nhưng rất nhiều năm qua, công tác cán bộ cũng
không có gì thay đổi căn bản.
Do đó, gần đây chúng ta
thấy rất nhiều ‘hạt giống đỏ’ trở thành ‘hạt giống lép’, có lẽ do kết quả của
“hôn nhân nội tộc” như đã phân tích ở trên, thậm chí có nhiều hạt giống tưởng rất
là tốt nhưng thật ra trong đó không có “mầm sống” để nảy nở thành cây cối xanh
tốt, ra hoa, kết quả ngon ngọt cho đời, hoặc nếu có ra cây thì chắc cây cũng
“quặt quẹo” vì chưa từng được “tôi luyện” qua thực tế, qua “mưa giông, bão tố”
như các thế hệ đi trước.
Chúng ta cố gắng tìm hiểu
xem cái gì đã làm cho công tác cán bộ của đảng CSVN không thể “bứt phá” được.
Trong triết lý, văn hóa của người Việt Nam có câu “bứt mây động rừng” và “một
trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, thì hai câu này hoàn toàn áp dụng
chính xác cho công tác cán bộ của đảng.
Tôi được những người quen
biết làm trong bộ máy nhà nước kể vanh vách danh sách con ông nào, bà nào làm ở
cơ quan trung ương, bộ ngành nào. Tôi nhận thấy những vị lãnh đạo rất “khôn
khéo” khi gửi con, cháu của mình cho các cơ quan “bạn” để tránh vi phạm quy định
bổ nhiệm và sử dụng người nhà, ví dụ ông A là lãnh đạo bộ A, sẽ gửi con mình
sang làm việc ở bộ B, con lãnh đạo ban B của Trung ương đảng sẽ gửi sang làm việc
tại bộ C, cứ lòng vòng như thế, vì lãnh đạo các bộ ngành trung ương hoặc các địa
phương có quan hệ chặt chẽ với nhau, việc gửi gắm là khá bình thường, rồi tìm
cách nâng đỡ người nhà của “bạn”, thì con mình cũng được “nâng đỡ” vì đó là mối
quan hệ có qua có lại mà.
Với cơ chế điều hành và
lãnh đạo hiện nay, muốn ai có tội là có tội, muốn không là không, hoàn toàn
mang tính chủ quan của lãnh đạo vì lý do gì thì chắc mọi người cũng rõ. Do vậy,
ai trong bộ máy cũng cần phải chuẩn bị các phương án để “đáp lại thịnh tình của
bạn bè” hoặc thậm chí là phương án “con tin” trong trường hợp bị “thanh tra, kiểm
tra”.
Mặt khác, lực lượng cài cắm
này tai mắt của đảng, nhà nước, nếu có việc gì là thông tin ngay cho cha, chú,
v.v… Cho nên động đến một người nào là động đến cả một mớ dây mơ rễ má, khắp
các nơi. Chưa kể, với công tác luân chuyển cán bộ vừa qua cho thấy tác dụng thật
sự chẳng đạt được như mục đích của nó là để cho cán bộ trẻ có cơ hội thông qua
thực tiễn địa phương để trưởng thành.
Thực chất là việc luân
chuyển chỉ bảo đảm tiêu chí, còn người được luân chuyển chỉ đi cho đủ điều kiện
đáp ứng các tiêu chí, họ không nắm được công việc gì ở địa phương, đi vài năm
thì biết được gì, trong khi người sinh ra và lớn lên tại địa phương gần như cả
đời còn chưa hiểu hết.
Thậm chí, các cán bộ địa
phương cũng “rỉ tai” nhau là, cậu đó, cô đó thuộc diện luân chuyển vài năm rồi
về trung ương, chứ không ở đây lâu, nên cũng không giao việc gì quan trọng, chủ
yếu là “ngồi chơi xơi nước” cho đến hết thời hạn. Mà muốn thuộc diện được luân
chuyển cũng không phải dễ dàng gì, hoặc là diện “con cháu các cụ cả” (CCCCC) hoặc
phải “chạy” để được cơ cấu, để được quy hoạch, v.v…
Đọc lịch sử Việt Nam có
nhiều gương tiến cử thật là tuyệt vời như đại thần Tô Hiến Thành cương quyết
tiến cử người có tài năng, đức độ gánh việc nước thay mình lúc lâm chung, nhất
định không tiến cử người ngày đêm phục dịch ông chuyện cơm nước, thuốc thang…
Trong các triều đại phong
kiến Việt Nam, nhất là các triều đại cường thịnh, đánh thắng giặc xâm lược thì
những tướng lĩnh nơi đầu sóng ngọn gió, nơi biên cương, trận mạc là những người
thuộc dòng tôn thất, con cháu vua chúa, tướng lĩnh, chính được đào tạo xông pha
trận mạc, được trui rèn qua thử thách, qua sinh tử thì phẩm chất của họ được
nâng cao và nhà nước phong kiến có được những tướng tài. Còn ngày nay thì hoàn
toàn ngược lại, CCCCC thì được bố trí vào các vị trí “béo bở”, xa rời thực tiễn,
không được trui rèn, chỉ ngồi phòng máy lạnh, cho nên “hạt giống lép” là điều
khó tránh khỏi.
Còn nói về tiêu chí bằng
cấp thì tôi không nói thêm nhiều, vì đã có nhiều bài báo chính thống và không
chính thống nói về chất lượng của bằng cấp cả trong và ngoài nước. Gần đây nhất
là bài viết của ông Nguyễn Như Phong “Càng ngày càng giả dối vì chủ nghĩa bằng cấp!“.
Đối với CCCCC thì việc có
bằng cấp là điều có lẽ dễ dàng nhất trong số các tiêu chí đặt ra, chỉ trừ những
trường hợp bị thiểu năng trí tuệ, vì họ là những người có tiền của, sẵn sàng đầu
tư cho con cái đi du học để lấy bằng nước ngoài (không phải trường nước ngoài
nào cũng tốt, thậm chí như gần đây họ phanh phui trường đại học Harvard của Mỹ
cũng có tiêu cực khi tuyển CCCCC), hoặc học trong nước thì dễ dàng hơn,… bằng
gì cũng có, mọi thứ đã có dịch vụ từ A đến Z.
Còn những người có năng lực
thật sự, hay còn gọi là tài năng thì hầu như không có một cơ hội nào để được cất
nhắc vào các vị trí cao trong hệ thống công quyền đầy bổng lộc. Do vậy, họ
không có động lực để làm việc, để cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Từ đó tạo
ra tâm lý hết sức tiêu cực tại nơi làm việc, cho nên năng suất lao động và hiệu
quả làm việc của người VN không cao, tôi nghĩ một phần chính là vì lý do này.
Thậm chí họ “noi gương” các lãnh đạo là CCCCC để “hoạnh họe” người dân, doanh
nghiệp để “nhả tiền ra” cho “nuốt”.
Ở VN bây giờ không có nghề
nào sướng bằng nghề làm quan chức, đầy quyền lực, ăn vài chục phần trăm các dự
án đầu tư của nhà nước, trong khi người dân, người lao động thì bị bần cùng, đầu
tắt mặt tối, doanh nghiệp thì phải vận dụng hết trí não, kinh nghiệm, để điều
hành, vận hành, tìm kiếm thị trường, … để mong tạo lợi nhuận khoảng năm mười phần
trăm, là điều mà doanh nhân mừng lắm rồi.
Tóm lại, với tất cả những
thông tin và phân tích trên, chúng ta thấy rõ là phương thức lựa chọn nhân sự
lãnh đạo, nhân tài hiện nay của đảng CSVN, đặc biệt là CCCCC hoàn toàn có kết
quả tiêu cực, không giúp gì cho đất nước, cho người dân, còn đối với đảng CSVN
thì đó chỉ là những hạt giống “lép” hoặc nhìn thì “chắc, mẩy” nhưng không có “mầm
sống” nào trong đó.
Đảng CSVN còn chờ gì mà
không thay đổi để có những vụ mùa no ấm, từ những hạt giống tốt qua chọn lọc tự
nhiên, qua cạnh tranh như MẸ thiên nhiên hàng triệu năm qua đã và đang làm?
No comments:
Post a Comment