Friday, 3 July 2020

BLACK LIVES MATTER : HÃY ĐỒNG HÀNH TƯ TƯỞNG VỚI CON MÌNH (Lương Tạ)




Lương Tạ
Viết từ Nam California
03/07/2020

Một buổi chiều gió nhẹ nam California, tôi và con gái ngồi trên xích đu sau nhà. Tôi cảm ơn con gái đã chia sẻ với tôi, cho tôi thêm nhiều kiến thức về hoàn cảnh người da đen.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang với dòng chữ "Tôi không thể thở" ở Nantes, vào 8/6/2020, trong một cuộc biểu tình 'Black Lives Matter' chống lại nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của George Floyd. GETTY IMAGES

Cháu đáp:" Con cảm ơn bố mới đúng, vì nhiều bạn của con không thể nào nói chuyện với bố mẹ được."

Cháu nói "có những bạn khóc rất nhiều vì không thể nào chia sẻ cho cha mẹ bạn nghe được, dù chỉ một câu. Có lúc còn la mắng. Các bạn nén trong lòng, và coi gia đình mình như xa lạ. Khổ lắm bố".

Câu cháu nói làm tôi muốn làm cái gì đó. Và đây, câu chuyện của tôi và con gái.

Con gái tôi xong năm thứ nhất ở đại học xa. Vì dịch bệnh nên hai bố con có cơ hội với nhau hơn.

Sau một năm đại học, tôi thấy cháu trưởng thành nhiều. Hôm xảy ra chuyện ông George Floyd bị chết, và biểu tình nhiều nơi. Tôi tò mò hỏi con mình, cháu nghĩ gì về sự kiện này.

Những gì cháu nói ra làm tôi phát sốc. Rõ ràng không phải là những gì mình đã nhận thức.

Vì thương con, không muốn con mình bị lạc đường. Tôi lựa cách để tìm hiểu thêm. Tôi khám phá ra không riêng gì cháu, các bạn đại học của cháu, thế hệ trẻ có tư tưởng khá giống nhau.

Cháu kêu tôi cùng coi phim tài liệu nổi tiếng "13th" của Netflix, đạo diễn bởi bà Ava DuVernay. Tựa đề dựa theo 13th Amentment, Tu chính án 13 của Hiến Pháp Mỹ về bãi bỏ chế độ nô lệ. Phim này làm sáng tỏ một lịch sử bất bình đẳng chủng tộc với người da đen ở Hoa Kỳ, từ thời nô lệ, kéo dài. Tập trung vào thực tế là các nhà tù giam nhiều người Mỹ gốc Phi hơn hẳn các giống dân khác, để lại mẹ côi, con mọn vì thiếu cha.

Cháu giải thích rất nhiều làm tôi ngạc nhiên về kiến thức của cháu trong vấn đề này.

Tác giả bài viết và con gái

Cháu nói, nếu người da đen không tranh đấu như ông Martin Luther King thì người da màu vẫn còn bị đàn áp nhiều hơn, trong đó có cả gia đình mình, người Việt da vàng.

Nhưng tranh đấu như thế vẫn chưa đủ, cháu nói. Cháu dẫn chứng thực tế về những sinh viên da đen bạn của cháu, sợ gặp cảnh sát như thế nào, dù không có tội.

Cháu đưa tôi vào hoàn cảnh một người da đen bình thường: "Bố có muốn anh con ra đường cứ gặp cảnh sát là phải lẩn tránh, dù con bố không có tội gì?"

Cháu hỏi. Tôi sững sờ và mới hiểu cảm giác tại sao thế hệ trẻ rất ủng hộ phong trào Black Lives Matter, hay BLM, "Mạng Sống Người Da Đen Quan Trọng".

Tìm hiểu thêm vào giới trẻ, tôi được biết có một số đông các cháu khác kêu gọi Defund The Police, Bãi Bỏ Cảnh Sát.

Một vận động không tưởng đối với cộng đồng Việt Nam quen trật tự. Những từ ngữ này rất quen thuộc trong tư tưởng với các cháu: Colonialism- chính sách Thực Dân, Imperialism- Đế Quốc, White Supremacy- Da Trắng Thượng Đẳng. Các cháu trẻ cho rằng xã hội hiện nay bị thống trị có hệ thống bởi người da trắng và chủ nghĩa Tư Bản, phải xóa đi những gì bất bình đẳng trong các sắc dân và giới tính.

Các cháu có lý tưởng giúp đỡ người da đen, da đỏ, hay những người có giới tính khác nam hoặc nữ (queer), vì tin họ bị đàn áp có hệ thống.

Người biểu tình đeo mặt nạ đòi "giảm ngân sách cảnh sát". GETTY IMAGES

Các cháu, theo tư tưởng của BLM, phân chia rõ ràng giai cấp bị đàn áp và giai cấp/hệ thống thống trị. Muốn xã hội như thế nào, thương yêu nhau như một đại gia đình, tất cả đều bình đẳng.

Có một ít cháu còn khen xã hội Việt Nam bình đẳng và an bình. Càng tìm hiểu, tôi càng lo ngại, vì các cháu quá lý tưởng hóa, không nhận thức được một xã hội thực tế phức tạp, qua lăng kiếng tuổi trẻ chưa từng vấp ngã, chưa trải nghiệm đau thương thế hệ trước đã trải qua.

Xa hơn nữa, có những cháu đã hăng say tham gia vận động và đấu tranh cho lý tưởng, mà không để ý đến mặt trái của vấn đề.

Tôi chia sẻ sự đồng cảm với con mình, để cháu biết rằng mình hiểu câu chuyện và cảm nghĩ của cháu, và thông cảm với cảnh người da đen.

Tôi còn nhấn ý với cháu:"Bây giờ bố hiểu hơn, tại sao nhờ đấu tranh của người da đen, bố mới không phải vào toilet dành cho người da màu." Sau đó, tôi chia sẻ lại những trải nghiệm trong đời, để giúp cháu nhìn vào vấn đề BlackLivesMatter một cách thực tế hơn.

Tôi công nhận với cháu chế độ nô lệ người da đen gánh chịu, kéo dài, để lại di tích và tinh thần bại nhược cho đến ngày hôm nay.

Nhưng tranh đấu cho công bình xã hội không phải là tranh đấu trong bạo động như một số các người biểu tình làm. Hay chỉ tranh đấu mà quên rằng chính bản thân họ cũng phải tự thắng mình để vươn lên. Và nhờ thế, sự giúp đỡ sẽ hiệu quả hơn. Lý tưởng hóa nhiều quá sẽ đi lạc đường.

Tôi giải thích cho cháu nghe về lý thuyết ngày xưa của Karl Marx, tạo ra phong trào Bolshevik lật đổ Nga Hoàng năm 1917, tin vào một thế giới Đại Đồng. Phong trào này lan tỏa, kéo Việt Nam vào, cho đến ngày hôm nay. Một lý tưởng biến dạng như thế nào, để tôi và các đồng hương của mình phải liều mạng, để cháu có được ngày hôm nay.

Thời còn trẻ, tôi đã rất hăng say với lý tưởng. Trong lòng tôi luôn có một ngọn lửa hun đúc vấn đề xã hội. Nhờ thế, tôi luôn cảm thấy mình có ý nghĩa và tích cực trong cuộc sống.

Thế nên, khi thấy con có được một tư tưởng giúp xã hội, tôi vừa vui, vừa lo.

Giáo dục Mỹ và cái gì con mình đã học hỏi trong thế giới của cháu, đã đưa vào tư tưởng con mình những lăng kiếng màu rõ ràng không ngõ nghách phức tạp, thiếu thực tế.

Cháu chỉ thấy màu hồng của thế giới ước mong, màu đen của sự chịu đựng áp bức bất công, và màu trắng của những giai cấp áp bức.

Tôi tâm niệm rằng, con mình học đại học để có tương lai. Trong quá trình trải nghiệm học đường, sẽ có cái tốt, và cái không tốt.

Nhưng rõ ràng cái mà cháu có được qua giáo dục ở Mỹ, là cái tôi mong ước.

Tôi cũng nghĩ rằng ngày xưa, khi về thăm mẹ ở nơi tôi sinh ra.

Tôi đã thấy tư tưởng trải nghiệm thế giới của tôi rất khác với người mẹ thương yêu suốt đời quanh co với xóm làng.

Tôi biết bà kém kiến thức, nhưng bà vẫn mãi mãi là mẹ kính trọng và yêu thương của tôi.

Tôi nghĩ con tôi và tôi cũng sẽ gặp trường hợp này. Xã hội internet cập nhật quá nhiều, và cho ra nhiều ý tưởng và phong cách mới.

Cháu sớm muộn sẽ bỏ xa tôi với kiến thức và trải nghiệm mới. Tôi thường tâm niệm: "Con hơn cha nhà có phúc". Nên tôi không cảm thấy đúng khi buộc cháu vào ý thức hệ và kinh nghiệm của mình. Nhờ thế, tôi đã tạm bỏ được cái tôi của mình sang một bên, mở lòng lắng nghe không định kiến, để tạo nhịp cầu đồng cảm với con mình.

Sau đó, tôi chia sẻ kinh nghiệm, dựa trên nhận xét và trải nghiệm của cháu, để chỉ cho cháu thấy thêm nhiều khía cạnh khác, cộng thêm thực tế lịch sử.

Cháu có thêm một chân trời mới, vẫn giữ những ước mong, nhưng hành động chừng mực hơn, đậm nét theo chia sẻ của bố.

Phần thưởng mà tôi có được, là hai bố con gần gũi nhau hơn. Chúng tôi đã xây dựng cho nhau chiếc xe đồng hành trên con đường tương lai của cháu. Và tôi, kéo dài niềm vui đồng hành với con mình.

--------------------------------
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tin liên quan
·        

·        






No comments:

Post a Comment

View My Stats