Tina
Hà Giang
BBC News Tiếng Việt
23 tháng 7 2020, 15:04
+07
Tiếp tục loạt bài phản ánh suy nghĩ của cử tri gốc
Việt về bầu cử tổng thống Mỹ 2020, BBC News Tiếng Việt phỏng vấn giới ủng hộ đảng
Dân chủ - không thích TT Donald Trump.
Dưới đây là nhận định của
họ về khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng Hòa của nhiều người Việt; sự xung khắc sâu
sắc của hai phe bênh và chống Trump, và hướng đi của Hoa Kỳ hiện giờ.
Từ trái, cử tri gốc
Việt Jenny Đỗ, Thắng Đỗ, William Tuấn Nguyễn, Trâm Nguyễn và Madison Nguyễn
.
Khuynh
hướng ủng hộ đảng Cộng hòa
Nhiều người Việt ở Mỹ cho
rằng nguyên nhân ủng hộ đảng Cộng hòa của người Việt đến từ ưu tiên chống cộng
của người tị nạn, và tính bảo thủ ít tiếp cận với cách suy nghĩ mới cũng như ít
quan tâm đến ưu tiên giảm bất công xã hội của đảng Dân chủ.
Thắng Đỗ: Người Việt vẫn quan niệm rằng đảng Cộng hòa chống cộng hơn, do ký
ức của họ về đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam. Vào thời điểm đó, đảng Dân chủ
có khuynh hướng phản chiến với chủ trương rút ra khỏi "vũng lầy" Việt
Nam. Người Việt vẫn đổ lỗi cho đảng Dân chủ như nguyên nhân của sự thất trận của
VNCH.
Người Việt cũng có tính bảo
thủ và ít cởi mở để tiếp cận với cách suy nghĩ mới. Do đó, họ cảm thấy gần gũi
với các giá trị mà đảng Cộng hòa cổ súy, như đạo đức gia đình, chống tội phạm,
cứng rắn về ngoại giao,v.v... Họ không cập nhật tin tức nhanh như dòng chính và
bị bưng bít thông tin, nên không thấy và không hiểu rằng đảng Cộng hòa trong
hai mươi mấy năm nay đã thay đổi rất nhiều và đã đánh mất nhiều những giá trị
đó.
Nhưng giới trẻ lớn lên ở
Mỹ có góc nhìn rất khác với các thế hệ đã trưởng thành ở Việt Nam. Do thông thạo
tiếng Anh, họ ít bị ảnh hưởng bởi tin giả và tuyên truyền. Thêm vào đó, nền
giáo dục phương Tây đã cho họ cách suy nghĩ cởi mở và nhân bản. Họ có khả năng
đồng cảm với các giống dân khác họ và hòa nhập dễ hơn nhiều. Họ cũng không có
các định kiến như thế hệ cha anh và không chấp nhận sự kỳ thị, bất công xã hội
và các tệ đoan khác.
Jenny Đỗ: Người tị nạn Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ có tinh thần chống cộng
rất cao vì hầu hết có quan hệ chặt chẽ với chính quyền miền Nam sụp đổ năm
1975. Những diễn biến ở VN sau khi cộng sản tiếp quản đã khẳng định nỗi sợ của
họ đối với chế độ cộng sản, trong khi đảng Cộng hòa được xác định là chống cộng.
Thêm nữa, họ đa số đều tin rằng đảng Dân chủ quá nghiêng về phía xã hội, quá xã
hội chủ nghĩa, quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội ảnh hưởng đến người dân ở
Hoa Kỳ chứ không quan tâm lắm về việc có một chính sách mạnh mẽ và trừng phạt
Việt Nam.
William Tuấn Nguyễn: Có nhiều điểm tương đồng giữa cộng đồng
người Mỹ gốc Việt và cộng đồng người Mỹ gốc Cuba. Tôi nghĩ phần lớn do kinh
nghiệm chung là người tị nạn từ các quốc gia cộng sản. Tuy nhiên, trong khi thế
hệ đầu tiên của cả hai cộng đồng có thể có xu hướng xác định là đảng Cộng hòa,
thì những cử tri trẻ tuổi, đặc biệt là người sinh ra ở Hoa Kỳ, hoặc đến tuổi đi
bầu ở đây, đang có xu hướng theo Đảng Dân chủ. Quan điểm chính trị của cử tri
trẻ người Mỹ gốc Việt dường như ít được xác định bởi kinh nghiệm tị nạn của người
Việt và sự phản đối sâu sắc với chủ nghĩa cộng sản.
Madison Nguyễn: Dựa trên các cuộc trò chuyện với nhiều cử tri
gốc Việt trong thời gian là một dân cử và trong suốt chiến dịch tranh cử 10
năm, tôi nghe nói người Mỹ gốc Việt ghi danh là cử tri đảng Cộng hòa nhiều hơn
Dân chủ, bởi họ hầu hết đến Hoa Kỳ trong thời chính quyền Reagan. Tổng thống
Reagan đã thực hiện nhiều chương trình xã hội và tài chính rất có lợi cho dòng
người tị nạn gốc Việt trong thập niên 1980. Vì vậy, họ cảm thấy Đảng Cộng hòa
phù hợp hơn với hy vọng và ước mơ của họ tái tạo cuộc đời ở đất nước mới này.
Trâm Nguyễn: Tôi nghĩ là cộng đồng người Việt nhớ ơn đảng Cộng
hòa vì nhờ những chính sách dưới thời Tổng thống Reagan mà phần lớn chúng ta có
mặt ở đây. Tôi cũng ghi nhận và nhớ ơn điều đó. Nhưng tôi không thể hiểu tại
sao một số người Việt lại không ủng hộ những chính sách có lợi cho trong cộng đồng
của chúng ta, như những chương trình đấu tranh cho người nhập cư mới, tạo một
môi trường cho họ thấy được đón nhận, và giúp đỡ. Tôi thực sự không thể hiểu được.
*****
Xung
khắc giữa quan điểm bênh và chống Trump
Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ
có khuynh hướng cho rằng ông Trump là một trong những nguyên nhân lớn tạo ra sự
chia rẽ không thể khắc phục được.
Đỗ Thắng: Trong lịch sử, các chính sách mị dân (tôi dùng từ này theo nghĩa
demagogue: một chính trị gia chủ trương khích động sự thù hằn, kỳ thị của dân
thay vì tiếp cận với họ bằng lý trí) và có khuynh hướng độc tài đều cố tình
chia rẽ cử tri và lợi dụng sự chia rẽ đó mà tiếm quyền. Ông Donald Trump ngay từ
trước khi ra tranh cử đã khơi dậy tính kỳ thị và sự sợ hãi của thành phần da trắng
bảo thủ bằng cách tung tin vịt là Tổng thống Obama không sinh ra ở Mỹ. Rồi sau
đó, ông nguyền rủa người da màu và nhiều thành phần không được ưu đãi và cổ võ
cho người da trắng. Bên bị tấn công và những người bênh vực họ với một tinh thần
công bằng và nhân đạo, tất nhiên phản ứng. Thế là gây chia rẽ.
Trong thời đại Trump, sự
chia rẽ này lên cao, có lẽ vì hai lý do: mạng thông tin xã hội dung túng các
sinh hoạt tuyên truyền và tung tin giả để lũng đoạn dư luận. Những kỹ thuật
lũng đoạn dư luận của họ rất tinh vi khiến những người không có khả năng kiểm
chứng dễ rơi vào bẫy. Những người này tin rằng nhiều người khác cũng tin như
mình, và hoàn toàn coi những lời tuyên truyền này như sự thật tuyệt đối. Khi
ông Trump gọi một tổ chức truyền thông nào là tin giả, đám ủng hộ ông tin ngay
điều đó là đúng.
Thứ hai là do giật dây của
các quốc gia khác, đứng đầu là tình báo Nga, rồi sau đó có lẽ Trung Quốc và một
số các quốc gia độc tài khác kể cả Việt Nam. Đã có nhiều bằng chứng rằng nhiều
tin giả xuất sứ từ Nga. Trong các cuộc tranh luận giữa người Việt, có những người
xen vào chửi bới tục tĩu và hoàn toàn không bao giờ dựa trên lý lẽ. Khả năng họ
có liên hệ đến nhà nước Việt Nam là điều chúng ta không thể loại ra ngoài.
Jenny Đỗ: Chưa bao giờ tôi thấy có tình trạng chia rẽ nặng nề như bây giờ.
Ông Trump đã ít nhiều đổ dầu vào lửa để bây giờ phe tả, phe hữu không sao ngồi
xuống với nhau được. Từ khi nhậm chức, ông đã tiếp tục theo đuổi chính sách biệt
lập hóa nước Mỹ, cổ võ tinh thần bài ngoại và kỳ thị chủng tộc, và chia đất nước
thành hai phe rõ rệt. Bạn bè tôi đa số theo đảng Cộng Hoà. Trước thời Trump,
chúng tôi vẫn hoà đồng với nhau và vẫn tranh luận về các tư duy khác nhau theo
mỗi chu kỳ bầu cử. Nhưng bây giờ, hoàn toàn chúng tôi không thể nhắc tới chính
trị tại các nơi gặp gỡ.
Người Mỹ gốc Việt ủng hộ
Trump cũng ủng hộ tinh thần bài ngoại của ông ta, đặc biệt khi nói đến Trung Quốc.
Họ cũng thường ra mặt bày tỏ thái độ kỳ thị người Mễ, người đạo Hồi, người da
đen như Trump. Hầu hết người Việt Nam chống Trung Quốc. Chỉ vì tinh thần bài
Trung mà cộng đồng Việt sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước nhiều sai sót khác của
ông. Bất kể ông có ăn nói lố bịch, dựng chuyện nói láo, hay trở mặt với bạn bè
hoặc thuộc hạ, bất kể ông và tùy tùng có những hành động dối trá và tham nhũng,
họ cứ vẫn suy tôn. Lẽ phải không còn có chân đứng.
Madison Nguyễn: Tôi ghi danh theo đảng Dân chủ. Tôi không thuộc bất kỳ nhóm ủng hộ
Trump hay chống Trump nào. Tôi có xu hướng đồng ý hoặc không đồng ý với một
chính trị gia hay dân cử dựa trên quan điểm của họ về các vấn đề chứ không phải
về tính cách của họ. Tôi đồng ý rằng có những khác biệt rõ ràng về quan điểm giữa
những người Mỹ gốc Việt khi nói về cảm xúc và phản ứng của họ về Trump.
Như chúng ta biết, người
Mỹ gốc Việt có lịch sử lâu dài bất đồng với Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ tại
quần đảo Hoàng Sa. Sự bất đồng này tiếp tục gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa
Trung Quốc và người Mỹ gốc Việt. Đối với nhiều người Mỹ gốc Việt, Trump đã đứng
lên chống lại Trung Quốc ở những lãnh vực khác nhau và điều đó thu hút được sự ủng
hộ đáng kể từ người Việt trên toàn quốc.
Trâm Nguyễn: Tôi choáng váng và bị sốc trước ngôn ngữ và sự lên án mà giới ủng
hộ ông Trump đưa ra để tấn công những người không đồng quan điểm với họ. Tôi thấy
sự đấu đá giữa hai bên đang xé tan cộng đồng, không cho phép chúng ta tiến lên.
Tôi tin rằng chúng ta nên ngồi xuống để nói chuyện về những sự khác biệt đó,
nhưng dường như một số người có quan điểm là nếu không nghĩ giống tôi là bạn chống
tôi, và vì thế có thái độ thù nghịch với những người nghĩ khác mình.
*****
Hoa
Kỳ có đang đi đúng hướng?
Một số cử tri ủng hộ đảng
Dân chủ nhận định rằng Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của ông Trump, đang đi sai hướng.
Đỗ Thắng: Nước Mỹ đang như một chiếc xe buýt xuống dốc không phanh, với một người
lái xe không có khả năng hay không quan tâm đến lèo lái. Là hành khách, chúng
ta phải giành lại tay lái trước khi quá muộn.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống
Trump đã có những hành động liều lĩnh và bất lợi cho Mỹ. Thí dụ: rút ra khỏi
TPP, một hiệp định với khả năng cô lập TQ về cả chính trị lẫn thương mại. Đơn
phương rút khỏi Syria, nơi Mỹ đang tranh giành quyền lực với Nga. Khiêu khích Bắc
Hàn và Iran, suýt đưa đến chiến tranh và cuối cùng không những không đưa đến tiến
triển khả quan gì, mà còn gia tăng bất ổn khu vực. Vô cớ chọc giận cả khối Hồi
giáo Trung Đông khi ủng hộ những sự gây hấn của Do Thái.
Ông Trump rút ra khỏi Hiệp
định Khí hậu Paris, rồi còn khuyến khích khai thác than mỏ, một năng lượng bẩn
của thế kỷ 19, để kiếm phiếu. Môi trường xuống cấp trầm trọng trong nhiệm kỳ
ông Trump cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Ông Trump thường xuyên đổ
lỗi cho Đảng Dân chủ, nhưng thực ra Dân chủ từ hồi nào vẫn thế. Người gây ra
chia rẽ là chính ông: phỉ báng, hạ nhục bất cứ ai, từ Cộng hòa đến Dân chủ. Vì
thế, hiện nay một số rất đông các chính khách Cộng hòa, gồm cả những nhân viên
cao cấp trong chính quyền Tổng thống George W. Bush, Thống đốc và ứng cử viên tổng
thống Kasich, đã thành lập các nhóm vận động cho ông Biden, như nhóm Lincoln
(The Lincoln Group), Cộng Hòa Chống Trump (Republicans Against Trump), và các cựu
chiến binh như VoteVets.
Đại dịch Covid-19 làm lộ
rất rõ sự yếu kém và vô trách nhiệm của ông Trump. Là lãnh đạo quốc gia, ông
không có bất cứ biện pháp gì đối phó, tuy giới y tế đã cảnh báo nguy cơ mấy
tháng trước đó. Hành động duy nhất của ông là chửi bới và đổ lỗi cho người
khác. Cho đến hôm nay, đã có hơn 4 triệu người Mỹ bị nhiễm với hơn 145 ngàn ca
tử vong, và số ca bệnh đang lại tăng vọt lên ở nhiều tiểu bang. Vai trò một tổng
thống là gì nếu không phải là lãnh đạo quốc gia trong những cơn nguy biến. Đại
dịch này cho thấy: không thể trông mong gì ở ông Trump nếu chúng ta gặp bất cứ
tai ương nào.
Jenny Đỗ: Đối với tôi, một người lớn lên trong chế độ độc tài và thiếu dân chủ của
Việt Nam, nền tảng dân chủ của Hoa Kỳ là cái tôi yêu thương và ngưỡng mộ. Tôi
đã xúc động về các cuộc đấu tranh gian truân của những sắc tộc di dân đi trước.
Khi học luật, tôi đã gắng kiềm chế được sự xúc động khi đọc các lý lẽ của toà
nói lên để bênh vực cho tự do dân chủ và những người thấp cổ bé miệng. Tôi yêu
Hoa kỳ vì thế.
Thế nhưng, từ ngày Ông
Trump nhậm chức, tôi cảm thấy cái đẹp vô cùng quý báu của Hoa kỳ mà tôi đã ngưỡng
mộ qua sách vở mấy chục năm qua đã/đang từ từ bị biến mất. Quyền tự do báo chí
và tự do ngôn luận là những quyền căn bản cho nền tảng của một xã hội công bằng
dân chủ đã và đang bị đốt cháy. Ông đã bôi nhọ lên nó bằng cách công khai tuyên
chiến với báo chí và gọi các giới truyền thông là kẻ thù của dân tộc. Kết quả
là bây giờ đa số những người theo ông ta đã không còn tin vào báo chí của dòng
chính.
Trâm Nguyễn: Phải nói thẳng, tôi không phải là một người ủng
hộ Trump. Và chính quyền ông Trump chắc chắn là đang không đưa Hoa Kỳ đi đúng
hướng. Tôi sẽ cố gắng để giúp một ứng cử viên đảng Dân chủ đắc cử tổng thống.
Nước Mỹ hiện đang đi ngược lại tất cả những gì là giá trị biểu hiện của Hoa Kỳ,
nơi tất cả mọi người được đón nhận, được bảo vệ và được bình đẳng. Không, Hoa Kỳ
chắc chắn là đang không đi đúng hướng.
***
Thắng
Đỗ, 60 tuổi,hiện là Chủ tịch của công ty thiết kế Aedis
Architects, văn phòng tại San Jose và Sacramento, California. Năm 2017, ông được
tuyển vào Học viện Kiến trúc sư Đoàn Hoa Kỳ, một trong những kiến trúc sư gốc
Việt đầu tiên được danh dự này. Ông thiết lập nên Khu Ẩm thực SoFA Market
và các dự án khác tại trung tâm San Jose, và là thành viên của SPUR, viện
nghiên cứu về quy hoạch đô thị của Thung lũng Silicon.
Jenny
Đỗ, 54 tuổi, hiện hành nghề luật tại San Jose,là
người tích cực tranh đấu cho nhân quyền và cồng đồng người Việt tị nạn. Bà đến
Mỹ năm 1984; từng được tuyên dương là Phụ Nữ Tiên Phong của California năm 2007
và 2015. Bà là người sáng lập ra Áo Dài Festival và đồng thời tranh đấu để tiểu
Bang California công nhận ngày 15 tháng Năm là Ngày Áo Dài.
William
Tuấn Nguyễn, hiện hành nghề luật tại
tiểu bang California, chuyên về an toàn cho người dân tại sở làm. Trước
khi học luật, ông là một giáo viên tiểu học ở Oakland, California, giảng
dạy trong một lớp học song ngữ tiếng Việt. Gia đình ông đến Hoa Kỳ tị
nạn năm 1975, định cư tại Houston, Texas. Ông William Tuấn Nguyễn chuyển
đến California vào năm 1995, và ghi danh là một đảng viên Dân chủ.
Madison
Nguyễn, 45 tuổi, cựu nghị viên của San Jose từ 2005 đến
2014, và là cựu phó thị trưởng San Jose từ 2011 đến 2014. Bà hiện là phó giám đốc
của The Silicon Valley Organization (SVO), tổ chức thúc đẩy chính sách công, vận
động chính sách, chiến lược phát triển kinh tế và cộng đồng. Bà cũng là người
triển khai Học viện Tu luyện Ứng viên tại SVO, một chương trình tuyển dụng, giảng
dạy và trau dồi ứng cử viên cho văn phòng công cộng, và dạy họ tầm quan trọng của
chính sách công và các vấn đề ảnh hưởng đến San Jose và Thung lũng Silicon.
Trâm
Nguyễn, 34 tuổi, đến Mỹ với gia đình năm 1991, lúc mới
5 tuổi. Bà hiện là dân biểu tiểu bang Massachusetts. Trước khi đắc cử dân
biểu, bà từng là một luật sư đấu tranh cho người cao tuổi, cựu chiến binh, trẻ
em và những người bị bạo hành gia đình. Bà cũng từng ủng hộ nhiều dự luật nâng
cao đời sống của cư dân và đã giúp cho nhiều dự luật này được thông qua.
No comments:
Post a Comment