13/07/2020
Hàng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ
công bố một báo cáo toàn diện về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Hàng năm, Việt Nam
dường như cũng chỉ chờ đến lúc đó để đăng đàn phản đối báo cáo của Mỹ.
Đối với Việt Nam, Mỹ có lẽ
là một đối tác khó chịu, khi vừa cung cấp nguồn viện trợ dồi dào, vừa yểm trợ
Việt Nam trên Biển Đông nhưng cũng thẳng thắn chỉ trích tình hình tự do tôn
giáo kém sáng sủa của Việt Nam.
Tuy đăng đàn phản đối
nhưng Việt Nam chỉ đưa ra quan điểm chung chung, không đề cập đến một sự việc cụ
thể nào mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu ra trong báo cáo hàng năm.
Dưới đây là 7 vấn đề
mà Bộ
Ngoại giao Mỹ đã đề cập xuyên suốt trong các báo cáo từ năm 2010 của mình,
dựa trên những thông tin do các tín đồ tôn giáo, tổ chức nhân quyền trong nước
cung cấp.
1. Dùng bạo lực để
trấn áp
Sử dụng bạo lực để kiểm
soát tôn giáo là một trong những vấn đề lặp đi lặp lại trong các báo cáo của Bộ
Ngoại giao Mỹ.
Đã có hàng loạt các vụ việc
sử dụng bạo lực đối với tôn giáo đã được phía Mỹ nêu ra, nhưng chính quyền Việt
Nam không hề công bố cuộc điều tra nào liên quan đến những cáo buộc đó.
Theo các báo cáo hàng năm
của Bộ Ngoại giao Mỹ, các tín đồ theo đạo Dương Văn Mình năm nào cũng đối diện
với bạo lực từ các cơ quan công quyền.
Ví dụ như năm 2015, 7 tín
đồ của đạo này bị hành hung khi công an phá bỏ một nhà đòn, nơi các tín đồ làm
lễ tang, đặt các linh vật của mình. Năm 2019, công an đã mang roi điện, súng
trường bao vây và đánh đập các tín đồ không chịu giải tán trong một lễ hội của
đạo này ở tỉnh Cao Bằng.
Các tín đồ theo các tôn
giáo đã được công nhận như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Phật giáo, Tin Lành…
nhưng không muốn sinh hoạt trong các tổ chức tôn giáo mà nhà nước đã cấp phép
cũng có cùng số phận.
Năm 2019, các tín đồ theo
đạo Tin Lành ở Bắc Giang báo cáo rằng cảnh sát có mặt nhưng làm ngơ để cho một
nhóm người dùng bình xịt hơi cay xong vào ngôi nhà đã đăng ký sinh hoạt tôn
giáo của họ, bắt họ đốt các tài liệu tôn giáo.
Có nhiều hình thức tấn
công khác nhau đã được nêu ra trong các báo cáo, như khám xét nhà của mục sư
Nguyễn Hồng Quang, đuổi vợ con mục sư Nguyễn Công Chính ra khỏi nhà của mình,
ném đá vào nhà linh mục Phan Văn Lợi cùng xảy ra vào năm 2015, hay phun mắm tôm
vào các giáo dân Tin Lành ở Quảng Bình vào năm 2016.
2. Phân biệt đối xử
Phân biệt đối xử là hình
thức trừng phạt tinh vi của chính quyền đối với các tín đồ không tuân theo sự sắp
xếp của chính quyền.
Năm 2018, các tín đồ theo
đạo Dương Văn Mình nói chính quyền tịch thu đất đai nhưng họ nhận được số tiền
bồi thường ít hơn những người không theo đạo này.
Các tín đồ theo đạo Tin
Lành độc lập ở Tây Nguyên có lẽ là một trong những người biết rõ nhất như thế
nào là bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Họ nói rằng chính quyền địa
phương từ chối cấp giấy chứng minh, hộ chiếu, hay làm giấy đăng ký kết hôn, một
số thủ tục khác ủy ban nhân dân cũng từ chối cung cấp cho họ.
Năm 2019, ông Phan Văn
Dũng nói rằng các cán bộ địa phương ở tỉnh Tiền Giang đã ngăn cản ông làm đám
tang cho mẹ của mình. Các cán bộ nói rằng nghi lễ nhà ông vi phạm luật pháp về
tôn giáo, và mặt khác do ông đang theo một hệ phái Cao Đài chưa được công nhận.
Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất ra đời trước Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay nhưng đến nay
vẫn không được nhà nước công nhận. Từ năm 2012, họ không được thực hiện các hoạt
động từ thiện như trước kia. Những thành viên của giáo hội này cũng đã trải qua
sự cấm đoán đi lại ngặt nghèo trên chính đất nước của mình.
3. Hạn chế quyền tự
do đi lại
Cản trở quyền tự do đi lại
của các tín đồ và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã được đề cập xuyên suốt trong các
báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Không chỉ cấm họ xuất cảnh
như trường hợp của Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Phạm Thế Trung, chặn đường cha
Đinh Hữu Thoại sang Campuchia cùng vào năm 2011, tịch thu hộ chiếu của Chánh trị
sự Cao Đài Hứa Phi vào năm 2015, công an còn chặn các nhà hoạt động tôn giáo ra
khỏi nhà hoặc ngăn tín đồ đến các cơ sở tôn giáo chưa được đăng ký.
Hòa thượng Thích Quảng Độ,
Tăng thống thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là người bị giam
giữ nhiều năm trong căn phòng nhỏ của Thiền viện Thanh Minh ở TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2016, một vị trụ trì
của chùa An Cư ở Đà Nẵng bị công an đe dọa, cấm ông gặp Hòa thượng Thích Quảng
Độ.
Năm 2017, sau khi thăm trụ
trì của một ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở tỉnh Bà Rịa
– Vũng Tàu, ni cô Đàm Thoa bị công an đưa ra Bắc Giang giam giữ suốt 13 ngày
trong một ngôi chùa không có nhà vệ sinh và rất ít thức ăn. Đợi cho đến khi Hội
nghị APEC kết thúc ở Đà Nẵng thì cô mới được thả.
Ảnh Hòa thượng
Thích Quảng Độ tại căn phòng của mình ở Thiện viện Thanh Minh vào ngày
03/09/2018. Ảnh: Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.
4. Kiểm soát liên
kết với nước ngoài
Đạo Baha’i là một đạo du
nhập vào miền Nam từ trước năm 1975 nhưng đã bị chế độ mới cấm hoạt động công
khai, đến năm 2008 thì đạo này mới được công nhận. Và phải mất thêm bốn năm nữa
chính phủ mới cho phép 20 tín đồ của Baha’i đi hành hương ở Israel.
Những nhóm tôn giáo ở Việt
Nam có tính liên kết với nước ngoài thường bị giám sát rất chặt chẽ.
Năm 2012, Thạch Thuol,
một nhà sư người Khmer bị cáo buộc đã gửi các báo cáo vi phạm nhân quyền cho
các tổ chức nước ngoài và báo chí quốc tế , bị buộc phải hoàn tục ra khỏi một
chùa dòng Nam Tông ở Sóc Trăng.
Năm 2016, chính quyền Đà
Nẵng đã đe dọa rút giấy phép kinh doanh của một doanh nghiệp địa phương khi nơi
này cho các thành viên của một hệ phái Tin Lành nước ngoài thuê địa điểm. Đà Nẵng
đã nói thẳng rằng các tín đồ của giáo phái này không được hội họp ở nhà riêng
mà phải sinh hoạt ở nhà thờ đã được cấp phép.
Từ nhiều năm qua, chính
quyền đã kiên quyết răn đe các tín đồ độc lập có liên kết, dù ít hay nhiều, với
các tổ chức nước ngoài mà không được chính quyền cho phép. Tin Lành Đề Ga và
FULRO là hai tổ chức mà chính quyền bằng mọi giá không để bén rễ ở Tây Nguyên.
5. Xâm phạm đất
đai và tài sản của các tôn giáo
Đất đai, tài sản là những
công cụ quan trọng trong hoạt động tôn giáo. Một tổ chức tôn giáo mất đi những
thứ này cũng đồng nghĩa với hoạt động tôn giáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong các cuộc tranh chấp
đất đai và tài sản với chính quyền Việt Nam, các tổ chức tôn giáo hiếm khi được
đối xử công bằng.
Năm 2011, chính quyền đã
dỡ bỏ một thánh thất đạo Cao Đài ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận mà không đền
bù sau khi các tín đồ của thánh thất từ chối giao đất.
Vào tháng Tư năm 2016, dù
không được hội thánh chấp thuận, chính quyền một địa phương ở tỉnh Bình Định đã
thu hồi một lô đất liền kề với thánh đường của Hội thánh Tin Lành Phú Phong.
Hơn 20 năm qua, Đan viện
Công giáo Thiên An thuộc Dòng Thánh Biển Đức lâm vào cuộc tranh chấp dai dẳng với
chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 2017, một tượng Chúa và một thánh giá được
báo cáo là bị một nhóm người xông vào đan viện đập vỡ. Sau đó, đan viện đã làm
việc với chính quyền năm tiếng đồng hồ về việc thu hồi đất đai của đan viện để
làm du lịch nhưng không tìm được tiếng nói chung. Tranh chấp này vẫn còn căng
thẳng đến ngày nay.
6. Cưỡng ép cải đạo
Theo các báo cáo, cưỡng
ép cải đạo là phương pháp được công an ở nhiều địa phương khéo léo sử dụng.
Hình thức này thường được báo chí nhà nước gọi tên là “vận động”.
Hình thức này không chỉ
áp dụng đối với tín đồ theo các tôn giáo mới mà còn xảy ra đối với những tôn giáo
đã được nhà nước công nhận.
Trong cùng năm 2015, công
an ở tỉnh Điện Biên đã gây áp lực để các tín đồ Tin Lành người H’mông thôi theo
đạo này. Các tín đồ báo cáo rằng công an đã xé kinh thánh của họ, phá hủy tài sản,
hành hung các tín đồ, một số tín đồ Công giáo khác còn bị trục xuất ra khỏi
làng.
Năm 2015, các tín đồ Tin
Lành độc lập ở Tây Nguyên báo cáo rằng họ bị chính quyền đe dọa sẽ loại họ ra
khỏi chương trình phúc lợi xã hội nếu không chịu bỏ đạo.
Năm 2018, chính quyền ở
các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Cao Bằng đã tuyên truyền cho học
sinh không được theo đạo Dương Văn Mình.
Một cảnh vận động
người dân không theo những tôn giáo mới của Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện
Biên. Ảnh: dienbientv.vn.
7. Can thiệp vào nội
bộ tôn giáo
Các tổ chức tôn giáo có
đăng ký cũng báo cáo với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ bị nhà nước giới hạn trong việc
tổ chức bộ máy hoạt động của mình.
Năm 2011, Ban Tôn giáo
Chính phủ, “giáo hội” của các giáo hội, đã từ chối mong ước thống
nhất hai Hội thánh Tin Lành miền Nam và miền Bắc với cơ cấu tổ chức theo quận,
huyện dưới hội thánh trung ương như trước năm 1975. Ban Tôn giáo Chính phủ đã
trả lời rằng Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo không cho phép cơ cấu lãnh đạo ba
cấp.
Nhưng có những nơi chính
quyền lại yêu cầu các nhóm tôn giáo thống nhất với nhau khi các tín đồ còn chưa
muốn.
Năm 2015, chính quyền địa
phương ở khu vực Tây Nguyên đã yêu cầu gộp các chi hội nhỏ đang sinh hoạt khoảng
100 tín đồ thành nhóm lớn hơn khoảng 1.500 tín đồ để đăng ký chính thức. Hội
thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã không đồng ý vì đây là các chi hội có
ngôn ngữ, cách thức thờ cúng khác nhau.
Trong năm 2011, một hội
thánh đã đăng ký ở tỉnh Trà Vinh bị tịch thu Kinh Thánh, chính quyền triệu tập
các thành viên của họ do chuyển địa điểm cầu nguyện mà chính quyền chưa cho
phép. Hội thánh này nói rằng mình đã xin phép nhưng không được chính quyền trả
lời.
No comments:
Post a Comment