Thursday, 11 June 2020

VỀ MỘT BỨC TRANH & MỘT CHUYỆN NGỤ NGÔN (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
June 10, 2020

Trong những ngày còn du học tại Mỹ, tôi rất kính phục chính phủ và xã hội Hoa Kỳ. Tuy rằng lúc đó cũng có những bạo động, biểu tình phản đối – tôi đi học đúng vào lúc phong trào đấu tranh đòi quyền công dân lên cao, nhưng không bao giờ người ta có cảm giác rằng có một khoảng trống trong lãnh đạo chính trị cũng như là một ước muốn hoàn thiện xã hội bên trong chính quyền.

Nhưng những cuộc biểu tình phản đối lúc này lại cho một ấn tượng khác. Giống như trong những năm 1960, biểu tình phản đối đã lan truyền sang khắp nước Mỹ, nhưng lần này người ta cảm thấy rất rõ sự thiếu một lãnh đạo tại Washington.

Trong những ngày bị cô lập trong nhà của dịch bệnh COVID-19 này, nhìn những cảnh truyền hình chiếu lại về các cuộc biểu tình tại Mỹ, bỗng làm tôi liên tưởng đến một bức bích họa được nhìn thấy tại Ý.

Bức bích họa của họa sĩ Ambroglio Lorenzetti có tên là “Ngụ ngôn về chính quyền tốt và xấu” (Allegory of Good and Bad Government). (Hình: en.wikipedia.org)

Đây là một bức bích họa của họa sĩ Ambroglio Lorenzetti có tên là “Ngụ ngôn về chính quyền tốt và xấu” (Allegory of Good and Bad Government) được vẽ theo đơn đặt hàng của nhóm công dân nước Cộng Hòa Siena từ mùa Đông năm 1338 đến mùa Xuân 1339. Bức bích họa của Lorenzetti mô tả các chính quyền tốt và xấu trông như thế nào và ảnh hưởng của các loại chính quyền đó đối với dân chúng và đất nước.

Nhà chính trị học Quentin Skinner đã viết nhiều về bức tranh tuyệt tác này của Lorenzetti. Và như Skinner đã chỉ ra, sự khác biệt giữa biểu tượng chính quyền tốt và chính quyền xấu thì cực kỳ hiển hiện. Trong biểu tượng của chính quyền xấu, “Thần Công Lý được biểu tượng ngồi bệt dưới đất, mặc một cái váy vải thô trắng, chân bị kềm và đầu tóc bù xù. Sợi dây của cái cân thần cầm bị cắt đứt, bàn cân bị đứt rời khỏi cân và một sợi dây của cái cân này nằm trong tay một nhân vật mặt mũi hầm hầm. Nhân vật này cũng nắm trong tay sợi dây dùng để trói thần Công Lý lại.”

Thế còn ngụ ngôn một chính quyền tốt thì sao? Theo Skinner, ta thấy Công Lý được lên ngồi ngang hàng với Hòa Bình. Thần mặc một cái áo đẹp dệt từ những phiến sách luật nạm đá quý và mái tóc thần được tô điểm một cách lịch sự.

Vai trò của nhà nước trong việc ảnh hưởng đến cuộc sống của dân chúng cũng cho thấy rõ một tương phản giữa chính quyền tốt và xấu. Các quan chức nhà nước hầu như không ai thấy trong ngụ ngôn của Lorenzetti về một đất nước cai trị tốt. Đó là vì họ bị chìm lấp trong muôn vàn những hoạt động thương mại và công dân của xã hội. Ngược lại nhân viên nhà nước hầu như chi phối ngụ ngôn của Lorenzetti về một chính quyền xấu. Ta thấy binh lính bắt giữ dân chúng. Hoạt động thương mại độc nhất được thấy rõ là cửa hàng bán vũ khí.

Rõ ràng là có một quan hệ mật thiết giữa tình trạng của một nhà nước và sức khỏe của một xã hội. Tuy rằng bất kỳ hành động phi pháp nào cũng đòi hỏi phải có phản ứng của nhà nước. Một số những phá hoại và hôi của xảy ra trong những cuộc biểu tình phản đối tự nhiên là đòi hỏi phải có phản ứng của cảnh sát để giữ gìn trật tự.

Thế nhưng bức bích họa của Lorenzetti nhắc lại cho ta rằng nguyên lý nhân quả có tác động theo cả hai chiều. Khi những hành động của các quan chức nhà nước cho thấy một sự bất chấp công lý thì niềm tin giữa nhà nước và nhân dân tàn lụi đi. Hậu quả là một nhà nước quân phiệt hóa và một xã hội công dân nghèo nàn hóa.

Những bạo động trong tuần qua không phải đột nhiên xuất hiện hoặc là do một thế lực nào âm mưu phá hoại. Cái chết thê thảm của anh George Floyd trong tay cảnh sát thành phố Minneapolis chỉ là cái ngòi nổ kích động. Anh Floyd chỉ là cái tên mới nhất được thêm vào trong một danh sách dài dặc những người da đen bị chết trong tay cảnh sát tại Mỹ. Danh sách này quá dài để có thể bị đổ tội là đó chỉ là hành động của một số “phần tử xấu” trong cảnh sát Mỹ mà thôi.

Có triển vọng rằng tình hình sẽ trở thành tệ hơn. Tất cả chuyện này xảy ra trong bối cảnh một trận dịch toàn cầu mà những sắc dân thiểu số bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong vòng ba tháng qua, 40 triệu người Mỹ đã bị thất nghiệp, hầu hết họ là những người trong tầng lớp có thu nhập thấp. Phản ứng hung hăng của cảnh sát tại một số thành phố trong những ngày qua không những không làm nguội đi mà còn làm cho nó bùng nổ thêm. Điều này có thể thấy qua việc những nơi nào mà cảnh sát tìm cách đối xử ôn hòa với các người biểu tình thì không có bạo động. Và một vị tổng thống mà mở miệng ra là nói đến việc gởi quân đội đến đàn áp biểu tình thì lại càng không làm cho tình hình lắng dịu đi.

Cố nhiên là phản đối chống lại bạo hành của cảnh sát không biện minh được cho việc phá hoại tài sản người khác. Nhưng những ai cho rằng chỉ có việc dùng bạo lực mới có thể bảo đảm an ninh thì không thấu hiểu nguyên nhân sâu xa của biến động xã hội này. Cái nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng này là sự thi hành công lý không đồng đều. Cho đến khi tình trạng này được giải quyết, họăc ít nhất các viên chức do dân bầu cho thấy họ muốn giải quyết thì mọi hành động của chính quyền chỉ là chữa triệu chứng chứ không đụng gì đến căn nguyên của bệnh cả. [qd]






No comments:

Post a Comment

View My Stats