Tiến
sĩ Nguyễn Tiến Hưng
Gửi tới BBC từ Virginia, Hoa Kỳ
12/06/2020
Cả thế giới đang ngỡ ngàng về biểu tình và bạo loạn
ở nước Mỹ sau biến cố George Floyd, và từ Mỹ lan tràn tới nhiều nước khác.
Việc Tổng thống Donald
Trump điều Vệ binh Quốc gia về Washington và nói ‘nếu các thống đốc tiểu bang
không giữ được trật tự thì ông sẽ cho quân đội tới giúp để giải quyết cho nhanh
chóng’ thì đang bị nhiều người chỉ trích năng nề, kể cả một số quan chức cao cấp
tại Bộ Quốc Phòng, như Tướng Colin Powell (cựu Ngoại trưởng), Tướng Martin
Dempsey (cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng), cựu Bộ trưởng Quốc phòng James
Mattis, và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống 2020 của đảng
Dân chủ.
Trong bài này, chúng tôi
không bàn về chuyện ông Trump đúng hay sai và cung cách hành xử của ông, mà chỉ
nói tới kinh nghiệm cá nhân về việc tổng thống Mỹ điều quân dẹp bạo loạn.
Trước hết là một câu chuyện
lịch sử.
Xe tăng trên phố
Washington D.C.?
Hồi còn làm việc tại
Dinh Độc Lập, VNCH, một hôm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hỏi tôi: giáo sư ở Mỹ
lâu năm nên chắc biết chuyện có lần xe tăng đã phải điều tới Washington để dẹp
bạo động? Tôi bỡ ngỡ về câu hỏi, rồi nói tôi không nghĩ rằng ở Mỹ lại có thể xảy
ra chuyện xe tăng tới Washington. Ông mỉm cười, rồi kể cho tôi một câu chuyện
đã xảy ra ở Sàigòn (lúc tôi còn ở Mỹ): đó là biến cố về các thương phế binh
VNCH chiếm đất, rồi cắm lều trại đòi thêm đất. Lúc đầu thì ở Nha Trang, rồi dần
dần lấn về Vườn Tao Đàn ở Sàigòn.
Cựu chiến binh là một vấn
đề nhạy cảm, thương phế binh lại là một vấn đề có khả năng châm ngòi biểu tình,
bạo loạn.
Đoàn cựu chiến binh có
chương trình sẽ kéo tới trước Dinh Độc Lập để cắm lều, đòi cấp đất. Thấy vậy một
quan chức Mỹ xin gặp và cố vấn ông Thiệu là phải dẹp đi ngay vì “có thể là Cộng
sản đứng đằng sau giật giây.”
Người này đem ra một tiền
lệ là đã có lần chính cựu chiến binh Mỹ cũng đã biểu tình, cắm lều trại ở vùng
Washington D.C., nhưng tổng thống Herbert Hoover đã ra lệnh cho Tướng Douglas
MacArthur dẹp đi ngay để khôi phục an ninh và trật tự, “MacArthur thẳng thừng
ra tay, và đã thành công, cho nên ông nổi tiếng.”
Nghe vậy, ông Thiệu suy
nghĩ về lời cố vấn và – do tính đa nghi vốn có của ông – đã đi tới kết luận rằng
đây là xúi bậy để cho mình mắc bẫy: “cái này là xúi trẻ con ăn cứt
gà rồi,” ông nói.
Khi đoàn biểu tình kéo tới
trước Dinh Độc Lập cùng với nhiều người dân đi theo ủng hộ, ông Thiệu đã hành xử
khôn ngoan: thay vì cho cảnh sát dẹp đi như ông Mỹ cố vấn, ông cứ để cho họ cắm
lều, rồi cho người mang đồ ăn, nước uống tới tiếp tế. Hôm sau, ông mới cho đại
diện ra gặp trưởng đoàn thương phế binh để trình bày hơn thiệt, nại tới lòng
yêu nước của họ, và điều đình để thỏa mãn một số yêu sách.
Đoàn người vui vẻ ra về.
Ông nói: “Dĩ nhiên là
mình biết rằng không thể thỏa mãn được hết mọi yêu sách, nhưng ít ra thì ngay
lúc ấy, đã tránh được hành động châm ngòi bạo loạn.”
Tò mò, chúng tôi nghiên cứu
thêm về vụ này thì mới biết là vào năm 1932, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, cựu
chiến binh Mỹ đã kéo về thủ đô Washington để biểu tình. Số là tám năm trước đó
(1924), Quốc Hội và Chính phủ có hứa sẽ cấp phát tiền thưởng 'bonus' cho binh
sĩ tham gia cuộc Thế chiến I. Tiền thưởng là từ $1 tới $1.25/ cho mỗi ngày phục
vụ. Ai được $50 thì được trả ngay, nhưng trên $50 thì nhận được giấy chứng chỉ,
tới 1945 mới được lĩnh.
Vì khủng hoảng trầm trọng,
nhiều cựu chiến binh thất nghiệp. Trong phiên họp thường niên ngày 15 tháng 3,
1932 tại Portland (Oregon), thượng sĩ Walter Waters đứng lên hô hào anh em hãy
nhảy lên xe lửa kéo về thủ đô cắm lều lập một 'Hooverville" (thành phố
Hoover, tên của Tổng thống) đòi chính phủ đổi chứng chi ra tiền mặt ngay chứ đợi
đến 1945 thì chắc chết hết rồi. Thế là phong trào 'Bonus Army' (Đội
quân Tiền thưởng) được thành lập. Từ trạm này tới trạm khác, càng về gần tới
Washington lại càng đông. Ngày 29 tháng 5 thì toán đầu tiên từ Portland đã về tới
nơi. Khoảng 15,000 người gồm cả 1,100 vợ con cắm lều tại một khu vực ở
Anacostia, ngoại ô Washington.
Tình báo quân đội Mỹ báo
cáo về Tòa Bạch Ốc là có cộng sản lẩn vào đoàn cựu chiến binh để lật đổ chính
phủ. Báo chí hùa theo làm rùm beng. Ngày 14 tháng 7 - kỷ niệm phá ngục
Bastille, ngày Lễ Độc lập của Pháp, Phó Tổng thống Charles Curtis lo cuộc biểu
tình sẽ dẫn tới một cuộc nổi dậy giống như biến cố Bastille.
Tới ngày 28/07/1932 thì
có bạo động thật.
Tướng Douglas MacArthur
theo lệnh Tổng thống Herbert Hoover liền cho quân đội từ Fort Meyer ở
Arlington, Virginia, gần ngay nhà chúng tôi, tiến qua cầu trên sông Potomac
sang Washington. Phụ tá của ông là Trung tướng Dwight Eisenhower (sau làm Tổng
thống) khuyên ông MacArthur không nên xuống đường và chỉ nên chỉ định một sĩ
quan cao cấp để làm việc này. MacArthur không nghe, lại còn chỉ thị ngay
Eisenhower phải đi theo ông luôn. Sĩ quan dẫn đầu đoàn quân lại chính là Tướng
George Patton, theo sau là 5 chiếc xe tăng với 300 binh sĩ đội nón sắt đi quần
trên đường phố Washington, dùng lựu đạn khói dẹp hết biểu tình.
Như vậy là cả ba tướng lừng
danh của nước Mỹ là MacArthur, Eisenhower và Patton đã cùng với xe tăng tuần
hành trên đường phố thủ đô để dẹp bạo động.
Mười lần thấy tổng thống Mỹ điều
quân dẹp bạo loạn
Ánh lửa từ những bó đuốc
của đoàn người da trắng đi tuần hành tại Charlottesville, Virginia vào tháng
8/2017 làm sáng rực bầu trời khuôn viên trường Đại Học Virginia (UVA) gợi lại
cho chúng tôi bao nhiêu kỷ niệm về vấn đề da màu và biểu tình ở nước Mỹ trong
suốt bảy năm theo học tại nơi đây (1958-1965).
Đại học Virginia là trường
của người da trắng vì không nhận sinh viên da đen. Và sinh viên da trắng thì phải
là phái nam. Muốn vào UVA, nữ sinh viên phải theo học tại Mary Washington
College ở Fredericksburg, cách Charlottesville 66 dặm.
Nhiều cuộc biểu tình và bạo
động đã xảy ra trong thập niên 1960, giai đoạn quan trọng của phong trào tranh
đấu cho nhân quyền:
1962 – TT John F Kennedy và nổi
loạn ở Oxford, Mississippi:
Trước 1962 thì vào năm
1957 đã có biến cố lớn gọi là “Little Rock Nine” (“nine” ám chỉ chín học sinh),
nhưng chúng tôi chưa tới Mỹ nên không được chứng kiến. Ngày 23/09/1957, Tổng thống
Dwight Eisenhower đã điều quân từ Sư đoàn Dù 101 tới Little Rock, Arkansas để
vãn hồi trật tự và bảo vệ chín học sinh da đen khi chính Thống đốc Arkansas là
Orval Faubus kêu gọi Lực lượng Vệ binh tới để chận việc chín em nhập học trường
trung học Central High School.
Cuộc bạo loạn đầu tiên mà
chúng tôi được thấy là biến cố ngày 10/09/1962 tại Đại học Mississipi ở thành
phố Oxford, Mississipi khi một sinh viên da đen tên là James Meredith, cựu quân
nhân Không quân, muốn ghi danh vào học. Bạo động bùng nổ làm cho hai người chết
và một số bị thương. Tổng thống Kennedy phải liên-bang-hóa Vệ binh Quốc gia và điều
tới để dẹp bạo loạn, buộc phải chấp nhận anh James.
Toàn bộ thành phố Oxford
đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội.
Trong tất cả các cuộc biểu
tình không bao giờ có cả một thành phố bị đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội
như vậy. Làm sao mà ở nước Mỹ lại có thể có cái cảnh này, chúng tôi tự hỏi? Sau
cùng thì Meredith đã được nhập học và trở thành sinh viên da màu tốt nghiệp đại
học Mississippi đầu tiên vào tháng 8/1963.
1963 – TT Kennedy điều quân tới
Đại học Alabama:
Ngày 11/06/1963 chúng tôi
thật ngỡ ngàng khi thấy TV chiếu cảnh Thống đốc Alabama, ông George Wallace đứng
chặn ngay trước cửa Đại học Alabama (ở Tuscaloosa) - đối đầu với Thứ trưởng Tư
Pháp Nicholas Katzenbach - không cho hai sinh viên da đen Vivian Malone và
James Hood vào ghi danh. Tổng thống Kennedy lại phải đưa vệ binh tới, và cảnh
sát tháp tùng hai sinh viên nhập học.
Khi được bầu lên thống đốc,
ông Wallace đã tuyên bố sẽ đảm bảo: "Tách biệt màu da bây giờ, tách biệt
ngày mai, tách biệt mãi mãi." (segregation now, segregation tomorrow,
segregation forever).
Tiếp theo là cuộc biểu
tình vĩ đại "March on Washington" ngày 28/08/1963 do Mục sư Martin
Luther King lãnh đạo. Thông điệp của ông về "Tôi có một giấc mơ" (I
have a dream) và phản ứng của đoàn người biểu tình ước tính tới 250.000 người.
Ngày hôm sau, một nhà
lãnh đạo nhân quyền bị ám sát ở Jackson, Mississipi.
1965 – TT Lyndon Johnson và
“Bloody Sunday”:
Ngày 7/3/1965 được gọi là
ngày "Chủ nhật đẫm máu" (Bloody Sunday) ghi dấu ấn cuộc biểu tình về
nhân quyền ở tiểu bang Alabama.
Đoàn biểu tình do John
Lewis lãnh đạo tuy ôn hòa nhưng đã bị cảnh sát đánh đập khi họ cố gắng đi qua
cây cầu Edmund Pettus của thành phố Selma, bất chấp lệnh cấm.
TT Johnson phải điều vệ
binh tới để bảo vệ cho Mục sư Martin Luther King Jr. khi ông dẫn đầu hơn 3.000
người tuần hành qua cây cầu này hai tuần sau đó, và tiếp tục chuyến đi nổi tiếng
dài 54 dặm đến Montgomery, thủ phủ của Alabama.
Biến cố này là bước ngoặt
của hành trình nhân quyền, vì nó dẫn tới “Luật về Quyền bầu cử” (Voting Rights
Act) năm 1965.
1967 – TT Johnson và bạo loạn ở
Detroit:
Bạo loạn xảy ra vào sáng
sớm ngày 23/7/1967 khi lực lượng cảnh sát gần như hoàn toàn chỉ có người da trắng
của thành phố Detroit bắt giữ nhiều người da đen bước ra từ một ‘câu lạc bộ uống
rượu sau giờ làm việc.’
Sự việc này đã châm ngòi
một thời gian bạo lực tàn khốc: tới 43 người thiệt mạng và nhiều tài sản bị phá
hủy.
TT Johnson phải điều hàng
ngàn quân đội và Vệ binh Quốc gia tới Detroit.
1968 – TT Johnson và khủng hoảng
Chicago:
Năm 1968 là năm rất căng
thẳng sau vụ ám sát Mục sư Martin Luther King Jr. ở Memphis, Tennessee vào ngày
4/4/1968.
Khi tin tức lan rộng, bạo
loạn và cướp bóc diễn ra tại nhiều thành phố lớn.
Tại Chicago trong đêm bạo
loạn đầu tiên, chín người, tất cả đều là người da đen, đã thiệt mạng. Quân đội
được điều động tới, và hàng ngàn binh sĩ tràn ngập các khu có bạo động.
Kết cục là 12 người chết,
162 tòa nhà bị phá hủy, và khoảng 3.000 người bị bắt giữ.
1968 – TT Johnson điều trên một
sư đoàn tới Washington:
Bốn ngày sau, cướp bóc và
bạo loạn đã bùng nổ ra khắp nơi trên thành phố Washington. Số quân đội được TT
Johnson điều tới để vãn hồi trật tự lên tới 13.600. Đây là số quân đông nhất -
trên một sư đoàn - đã phải tới đóng tại một thành phố của nước Mỹ kể từ sau nội
chiến.
1968 – TT Johnson và bạo động ở
Baltimore:
Cùng một thời điểm, bạo động
ở Baltimore, Maryland đã tàn phá thành phố này trong hai tuần: sáu người thiệt
mạng, hàng chục người bị thương, và hỏa hoạn, cướp bóc gây nhiều thiệt hại.
Hàng ngàn Vệ binh Quốc gia
đã được điều động để tuần hành ngày đêm trên thành phố.
1989 - Tổng thống George H.W.
Bush dẹp bạo loạn sau bão Hugo:
TT Bush phải điều động Vệ
binh tới để tái lập trật tự tại đảo St. Croix thuộc Quần đảo Virgin của Hoa Kỳ
sau cơn bão Hugo thật lớn.
Cướp bóc và căng thẳng chủng
tộc vốn đã âm ỷ từ lâu bây giờ bùng nổ sau những thiệt hại tàn khốc như chôn
vùi hòn đảo này trong đổ nát.
Sau cùng, TT Bush đã phải
điều tới 1.100 quân đội được vũ trang đầy đủ.
1992 – Tổng thống Bush và
“cuộc nổi dậy” ở Los Angeles:
Một người da đen tên là
Rodney King bị cảnh sát bắt giữ và đánh đập. Ngày 29/4/1992 bồi thẩm đoàn xét xử
vụ việc đã tha bổng cho bốn nhân viên của Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) về tội
sử dụng vũ lực quá mức.
Bạo loạn liên tục xảy ra
vào tháng 4 và tháng 5 năm 1992 đôi khi còn được gọi là “cuộc nổi dậy ở Los
Angeles.”
Đây là lần đầu tiên thảm
cảnh được quay video và phổ biến rộng rãi trên TV gây sốc cho mọi người. Hàng
ngàn người nổi loạn đã gây ra cảnh cướp bóc, tấn công, đốt phá, và giết người.
Tình hình hỗn loạn chỉ được
giải quyết sau khi TT Bush điều trên 2.000 quân và một số cơ quan thực thi pháp
luật liên bang tới để phối hợp với Lực lượng Vệ binh California vãn hồi trật tự.
Khi bạo loạn chấm dứt, 63
người đã thiệt mạng, 2.383 người bị thương, hơn 12.000 người bị bắt và thiệt hại
về tài sản ước tính lên trên 1 tỷ đô la.
2020 – TT Donald Trump điều
quân tới Washington:
Vụ việc cảnh sát viên
Derek Chauvin gây nên cái chết đau đớn của George Floyd ở Minneapolis
(Minnesota) ngày 25/5 vừa qua đã gây ra tình trạng bất ổn trên toàn quốc kéo
dài tới ngày hôm nay. Các cuộc biểu tình đã lan ra thật nhanh tới Washington và
nhiều thành phố, rồi tới các nước khác.
Từ biểu tình tới bạo động
cũng không xa nhau lắm. Bạo loạn đã xảy ra tại Washington DC kéo dài 48 giờ: TT
Trump điều 5.000 vệ binh và một số quân đội tới thành phố để phòng ngừa.
Tại Minneapolis thì ngay
ngày hôm sau vụ việc, bốn sĩ quan cảnh sát đã bị sa thải và ông Chauvin bị buộc
tội giết người, nhưng bạo động đã bùng nổ.
Phần nào thì sự lan rộng
mau lẹ và mạnh mẽ của khủng hoảng này cũng do bối cảnh coronavirus buộc nhiều
người phải ở nhà để tránh lây lan trên hai tháng. Phần đông, nhất là giới trẻ rất
bực bội, cảm thấy bất lực và bị cô lập, cho nên khi có cơ hội ra ngoài thì nắm
lấy ngay.
Nhiều người ở nhà vì bị
nghỉ phép, hay thất nghiệp do các cơ sở, nhà máy đóng cửa, cho nên lo lắng.
Không những lo về rủi ro bệnh tật mà còn về chính cuộc sống. Trong tình trạng bất
an, lại có nhiều thì giờ nhàn rỗi, cho nên theo dõi tin tức nhiều hơn, dễ bị
kích động hơn, chiều hướng tham gia biểu tình lên cao hơn.
Ngoài ra, lại còn yếu tố
truyền thông. Truyền thông chính thống và truyền thông xã hội, cả hai đều giúp
chuyển tải tin tức và hình ảnh ấn tượng thật nhanh chóng, cũng như tăng mạnh cường
độ về tranh luận, cãi vã.
Tôi nhận thấy có yếu tố
chính trị rất quan trọng, chỉ còn năm tháng nữa là tới ngày bầu cử tổng thống:
sự chia rẽ về chính trị đã lan sang xung đột về xã hội.
Nhiều vấn đề đặc trưng và sức
mạnh của Hoa Kỳ
Đối xử với người Mỹ gốc
Phi Châu nói riêng và kỳ thị chủng tộc nói chung là một vấn đề nan giải triền
miên của xã hội Mỹ. Nó như cục than hồng âm ỷ, chỉ chờ cơ hội để bốc lửa, như
hiện đang tiếp tục xảy ra ở Minneapolis, một thành phố có tình trạng phân biệt
sắc tộc và cách biệt giàu nghèo nghiêm trọng đã từ lâu, nhất là về vấn đề nhà ở
và trường học, hai lãnh vực rất nhạy cảm. Tuy được chính quyền địa phương quan
tâm nhiều nhưng chưa có những giải pháp thỏa đáng.
Tâm lý kỳ thị ở Mỹ có
nguyên do sâu xa từ lịch sử, văn hóa, lối sống. Biểu hiện của kỳ thị có thể mờ
có thể rõ, nhưng nếu rõ quá thì người kỳ thị rất dễ bị luật pháp trừng phạt,
không kể là ai.
Nước Mỹ là một quốc gia
đa sắc tộc, đa văn hóa và tự do. Nhưng tự do được xây dựng trên nền tảng pháp
luật mạnh mẽ. Quyền tự do tối đa của con người được tôn trọng, nhưng bị chi phối
bởi luật pháp nghiêm minh và rõ ràng, không bao che.
Người dân được tự do biểu
tình, phát biểu, công kích chính phủ - kể cả tổng thống - như đang xảy ra liên
tục, nhưng không được vượt qua ranh giới của luật pháp.
Mỗi khi biểu tình đi tới
bạo động thì Vệ binh Quốc Gia – và nhiều khi tổng thống phải điều động cả quân
đội tới để vãn hồi trật tự. Có lúc cả một thành phố đã bị đặt dưới quyền kiểm
soát của quân đội như tại thành phố Oxford, Mississipi (tháng 9/1962) mà tôi đã
đề cập trên đây.
Nhưng mặt khác thì chính
xã hội đa chủng - tụ tập được nhiều tài năng trên thế giới, và quyền tự do tối
đa để cho con người phát triển hết mức lại là sức mạnh của nước này.
Cho nên sự tiến bộ về mọi
mặt, nhất là về xã hội thì rất mau lẹ. Có thể nói là về những vấn đề khó khăn
trong xã hội Mỹ thì khi được giải quyết, nó lại trở thành động lực để thúc đẩy
những cải tổ sâu rộng, làm cho nước này càng trở nên năng động và tiến xa hơn.
Nhắc lại ấn tượng cá nhân
Mùa Hè năm 1958 chúng tôi nhập học tại đại
học Virginia ở Charlottesville. Thỉnh thoảng thì vào cuối tuần chúng tôi thả bộ
xuống phố để tới rạp Paramount xem phim. Dọc đường thấy nhiều tượng đài, dấu vết
kỷ niệm của cuộc Nội chiến (Civil War) cũng như cảnh nghèo nàn của người da
màu.
Không những ở trạm xăng
mà ở cả rạp cinema thì phòng vệ sinh cũng treo bảng nhựa trên cửa ghi thật rõ:
một cửa là “WHITE” (Da Trắng) và một cửa là ‘BLACK” (Đen) hay “COLORED”
(Da Màu). Lúc đầu chúng tôi cũng hơi lúng túng không biết mình nên đi cửa
nào.
Mùa Thu năm 1958 thì
chúng tôi không thể tưởng tượng được rằng sẽ có ngày nào một người Mỹ gốc Phi
Châu có thể làm tới chức thống đốc của một tiểu bang.
Bởi thế cho nên, vào mùa
Thu năm 2008 chúng tôi thật ấn tượng khi thấy ông Barack Obama được bầu lên vị
trí lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ.
Sau cuộc khủng hoảng hiện
nay, chắc chắn là sẽ có những bước tiến về luật pháp, nhất là về cải tổ lực lượng
cảnh sát, và về mặt xã hội, như tăng số cung nhà rẻ cho người nghèo, giảm thiểu
sự phân biệt sắc tộc khi kế hoạch và xây dựng các trường trung học.
Những bước tiến đó dài
bao nhiêu thì ta còn phải chờ tới sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng
11 thì mới có thể thấy rõ hơn.
Nhưng tôi luôn tin rằng
nước Mỹ sẽ vượt qua.
------------------
Bài thể hiện quan điểm riêng của TS Nguyễn Tiến
Hưng, nguyên giáo sư kinh tế tại N.C. Wesleyan College, Trinity College, cựu
kinh tế gia IMF (1966-1070). Ông là cựu Bộ trưởng Kế hoạch
VVNCH 1973-1975, phụ tá về Tái Thiết của TT Nguyễn Văn Thiệu.
Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất
bản Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập (1986), Khi Đồng Minh tháo chạy
(2005), Tâm tư Tổng thống Thiệu (2010) và “Khi Đồng Minh nhảy vào”
(2016).
No comments:
Post a Comment