Lý Minh
- Luật Khoa
08/06/2020
Trong thời kỳ Duy Tân
Minh Trị cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã đi lùng sục và dịch hàng loạt sách chính
trị, luật, kinh tế của Phương Tây. Tác phẩm “Bàn về tự do” (On Liberty) của triết
gia người Anh John Stuart Mill (xuất bản lần đầu năm 1859) được một giáo sư Khổng
giáo tên là Keiu Nakamura tự dịch sang
tiếng Nhật và xuất bản năm 1872. Khi đó, tiếng Nhật thiếu trầm trọng các từ, ngữ
tương ứng với các khái niệm triết học, chính trị trong tiếng Anh, ông phải vật
lộn với việc tạo ra thêm các từ mới và bổ sung thêm chú giải để giải thích cho
độc giả Nhật hiểu.
Nước Nhật đã làm quen với
các khái niệm “tự do”, “cá nhân” như thế.
Kể từ đó tới nay, đã có
thêm ít nhất tám bản dịch tiếng Nhật khác của “On Liberty”, biến tác phẩm này
trở thành một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nước Nhật hiện
đại. Hai năm sau khi bản dịch đầu tiên ra đời, Phong trào Tự do và Quyền con
người cũng được khởi xướng trên khắp nước Nhật.
Ở nước ta, mãi đến năm
2005, tức là 146 năm sau khi “On Liberty” ra đời, tác phẩm này mới được dịch và
xuất bản với số lượng khiêm tốn vài ngàn bản in. Nhà xuất bản Tri Thức tiên
phong trong nỗ lực này.
Sự khác biệt trong việc
đón nhận quyển sách kinh điển bàn về tự do giữa Việt Nam và Nhật Bản cho thấy
nhiều điều về sự khác biệt giữa tư duy tự do của người Nhật Bản và Việt Nam.
Tinh thần tự do trong suy
nghĩ và độc lập trong tư duy của người dân Nhật Bản cao hơn người dân Việt Nam
dẫn đến hệ quả tất yếu là sự sáng tạo vượt trội của người Nhật Bản trong các
lĩnh vực của đời sống so với Việt Nam. Độc giả Luật Khoa có thể nhìn thấy sự tự
do trong tư tưởng của người Nhật Bản thông qua các bộ truyện tranh nổi tiếng
như Đô-rê-môn, “7 viên ngọc rồng”, “Thám tử Conan”… Thật khó để các hoạ sĩ truyện
tranh bay bổng sáng tạo khi trong suy nghĩ vẫn còn bị kìm kẹp.
Truyện tranh phản ánh một
thế giới bay bổng, đầy trí tưởng tượng của trẻ con. Đó là nơi mà trẻ con được
thả sức thỏa mãn trí tưởng tượng đầy tính sáng tạo của mình. Nhà vật lý học
phát minh ra thuyết tương đối Albert Einstein từng
nói: “Tôi đủ chất
nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của tôi. Trí tưởng tượng quan trọng
hơn kiến thức. Kiến thức là hạn chế, còn trí tưởng tượng bao quanh khắp thế giới”.
Bạn chẳng thể nào tưởng tượng được nếu không có được tự do. Để có được tự do cá
nhân thì bạn phải sống trong một xã hội tôn trọng quyền tự do cá nhân của mỗi
người. Xã hội bạn đang sống có tôn trọng tự do hay không quyết định rất lớn suy
nghĩ của cá nhân bạn có được tự do không.
Có được tự do, mỗi công
dân trong xã hội sẽ làm việc bằng động lực nội tại (động lực bên trong của mỗi
cá nhân), từ đó sẽ có được sự sáng tạo, xây dựng được tinh thần làm việc kỷ luật,
nghĩa là tự khép mình vào kỷ luật để thực hiện công việc mình yêu thích chứ
không phải giả vờ kỷ luật bởi người khác buộc mình làm như thế.
Một minh chứng có thể hơi
cực đoan và có thể làm một số bạn đọc khó chịu nhưng thể hiện rõ nét sự khác biệt
trong suy nghĩ của người Nhật Bản và Việt Nam đó là mức độ chấp nhận của xã hội
đối với ngành công nghiệp phim người lớn. Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia
chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng mức độ tự do, cởi mở của xã hội Nhật Bản cao
hơn của Việt Nam rất nhiều. Ví dụ điển hình là phim JAV (Japanese Adult Video)
nghĩa là phim người lớn Nhật Bản. Thật khó tưởng tượng rằng ở Việt Nam xã hội lại
chấp nhận những bộ phim người lớn do người Việt Nam đóng. Để tồn tại và phát
triển cả một nền công nghiệp phim người lớn mang lại lợi nhuận cao, có tầm ảnh
hưởng toàn cầu, cả xã hội phải thấm nhuần tinh thần tự do.
Nhiều người sẽ phản đối
ngành công nghiệp phim người lớn vì cho rằng nó sẽ làm hư hỏng cả một thế hệ trẻ,
phá huỷ thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nhìn lại Nhật Bản, quốc gia có nền công
nghiệp phim người lớn phát triển nhưng thế hệ trẻ của họ vẫn có được tư cách đạo
đức tốt thể hiện qua chất lượng sản phẩm “Made in Japan”, qua lối sống hàng
ngày, và thuần phong mũ tục của Nhật Bản được phổ biến khắp thế giới như hoa
anh đào, ẩm thực Nhật Bản, áo Kimono cho thấy lo ngại về việc thả lỏng tự do
quá mức làm hư hỏng các thế hệ trẻ là không có cơ sở.
Xã hội Việt Nam có một đặc tính kéo cả dân tộc bị thụt lùi đó là tư
duy theo số đông. Người Việt Nam ít có
tinh thần khoan dung đối với những suy nghĩ không thuộc về số đông. Khi có ai
đó sáng tạo ra một hệ
thống chữ viết mới khác với hệ thống chữ viết hiện hành, người Việt
Nam sẵn sàng “múa phím” để “ném đá” người đó mặc dù phát minh đó chẳng gây hại
gì cho bất kỳ cá nhân nào.
Sự khích lệ, động viên
trước những phát minh mới hầu như không có ở xã hội Việt Nam, đặc biệt là với
những phát minh đi ngược lại với suy nghĩ của phần đông xã hội. Không phải ngẫu
nhiên mà Việt Nam chưa có giải Nobel nào dành cho các nhà khoa học, nhà văn
(ngoại trừ giải Nobel Hòa bình dành cho Lê Đức
Thọ cùng với Henry Kissinger vào
năm 1973 nhưng ông đã từ chối nhận giải). Để đoạt giải Nobel cần có một tinh thần
tự do để phát minh ra những thứ chưa ai từng nghĩ tới, phát hiện ra những quy
luật chưa ai từng nghĩ ra.
Vương quốc Anh, quốc gia
mà John Stuart Mill sinh ra và trưởng thành, có tinh thần tự do cao độ, cũng là
quốc gia đã sản sinh ra thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith, tư tưởng kinh
tế học ủng hộ cho tự do kinh tế. Anh quốc cũng là một đế quốc mà đỉnh điểm khởi
nguồn với các thuộc địa và trạm mậu dịch hải ngoại do Anh thiết lập từ cuối thế
kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII. Vào giai đoạn đỉnh cao của “đế quốc mặt trời không
bao giờ lặn”, đây là đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử và là thế lực đứng đầu
toàn cầu trong hơn một thế kỷ.
Chính tinh thần tự do đã
khai mở tiềm lực trong bản thân của mỗi cá nhân của dân tộc Anh, dân tộc Nhật,
biến các quốc gia đó từ những quốc gia nhỏ bé trở thành những đế chế hùng mạnh
của thế giới. Tầm vóc của
một quốc gia lớn hay nhỏ không phụ thuộc vào dân số, diện tích mà phụ thuộc vào
quốc gia đó có tinh thần tự do hay không. Nhờ có tinh thần tự do mà nước
Anh, một vương quốc nhỏ bé có thể đánh thắng được Trung Quốc, một quốc gia rộng
lớn, có dân số lớn hơn nhiều. Cũng nhờ có tinh thần tự do mà Hong Kong phát triển
rực rỡ khi trở thành thuộc địa của Anh, tinh thần tự do đó vẫn tiếp tục được thể
hiện trong phong trào Dù Vàng.
Dân tộc Việt Nam có thể học
tập con đường mà dân tộc Anh, Nhật và cả Mỹ đã đi qua bằng cách học tập tinh thần
tự do để khai mở tiềm năng mạnh mẽ trong mỗi con người Việt Nam.
Cuốn sách “On Liberty”
(Bàn về tự do), sau khi được xuất bản lần đầu tiên tại Anh năm 1859 đã trở
thành một tác phẩm kinh điển khi thảo luận về “quyền của các cá nhân trong mối
quan hệ của họ với cộng đồng và xã hội” (lời giới thiệu “Bàn về tự do” của GT.
TS Nguyễn Trọng Chuẩn).
Việt Nam biết đến “Bàn về tự do” của Mill rất muộn nếu so với Nhật Bản. Để đuổi kịp và vượt qua Nhật Bản, chúng ta cần xây dựng một không gian tự do hơn nữa trong tất cả các mặt của đời sống từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, xã hội. Ở đâu có tự do, ở đó có phát triển. Nơi nào thiếu tự do, nơi đó kém phát triển. Để xây dựng đất nước phồn vinh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mỗi cá nhân phải tỉnh thức để tìm kiếm con đường tự do cho chính mình. “Hãy là ngọn đèn cho chính mình”.
----------------
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
================================
Bài đọc thêm:
Phạm Chánh Cần dịch
11/04/20164:08 CH
02/03/2015 10:40 SA
No comments:
Post a Comment