Monday, 8 June 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 08/06/2020 (The Economist)




The Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy dịch
08.06/2020

Các cuộc biểu tình ôn hòa chống nạn bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát vẫn tiếp diễn ở các thành phố trên thế giới. Có vài sự cố bạo lực ở một số nơi, bao gồm thành phố Bristol của Anh, nơi một bức tượng của Edward Colston, một thương nhân và lái buôn nô lệ thế kỷ 17, đã bị người biểu tình kéo xuống và ném xuống sông. Trong khi đó, tại Washington, DC, thị trưởng thành phố viết “Black Lives Matter” bằng chữ in hoa lớn trên con đường gần Nhà Trắng để ủng hộ các cuộc biểu tình.

Tổng thống Brazil đã bị chỉ trích sau khi Bộ Y tế Brazil xóa khỏi website của mình toàn bộ hai tháng dữ liệu về dịch covid-19 ở nước này. Brazil đã ngừng công bố tổng số ca nhiễm chính thức – hiện cao thứ hai thế giới sau Mỹ – và tổng số ca tử vong, vốn đã vượt qua Ý trong tuần này ở mức gần 36.000 người vào thời điểm các số liệu bị xóa.
British Airways, easyJet và Ryanair, ba hãng hàng không lớn nhất nước Anh, dọa kiện chính phủ Anh nếu buộc cách ly 14 ngày đối với hành khách nhập cảnh, quy định sẽ có hiệu lực từ hôm nay. Ba hãng vận tải nói lệnh này “phi logic và phi lý tính” khi áp dụng cách ly lên những người đến từ các quốc gia EU vốn có ít ca nhiễm hơn Anh.

Trong một dấu hiệu cho thấy một số đảng viên Cộng hòa cấp cao không hài lòng với nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, Colin Powell, cựu Ngoại trưởng và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, vừa tuyên bố ủng hộ Joe Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này. Cuối tuần qua, ông Biden đã đạt đủ số đại biểu để giành được đề cử của Đảng Dân chủ tại đại hội đảng sẽ tổ chức gần cuối năm nay.

OPEC và một nhóm các nhà sản xuất khác, bao gồm Nga, đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối tháng 7. Vào tháng Tư, các-ten này và các đồng minh đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 5 và tháng 6 ở mức 9,7 triệu thùng mỗi ngày, bằng khoảng 10% sản lượng toàn cầu, trong nỗ lực đẩy giá lên, vốn trước đó đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Các tay súng nổ súng vào một trung tâm cai nghiện ma túy ở thành phố Irapuato của Mexico, giết chết mười người. Bất chấp các biện pháp phong tỏa chống lại covid-19 ở Mexico, số vụ giết người vẫn rất cao, phần nhiều liên quan đến các băng đảng ma túy. Các trung tâm cai nghiện trước đây đã được nhắm đến bởi các băng đảng đang đấu đá để giành quyền kiểm soát ngành kinh doanh ma túy.

Cuối tuần qua, Hàn Quốc ghi nhận hơn 50 ca nhiễm covid-19 mới trong hai ngày liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch thứ hai tại nước này, nơi có mật độ dân cư đông đúc. Trung Quốc cũng báo cáo trường hợp nhiễm virus không nhập khẩu đầu tiên sau hai tuần, ở đảo Hải Nam ngoài khơi bờ biển phía nam.

TIÊU ĐIỂM

Phiên tòa liên quan chuyến bay MH17
Phiên tòa xét xử ba người Nga và một người Ukraine, bị buộc tội liên quan đến vụ bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines năm 2014, sẽ tiếp tục vào hôm nay tại một tòa án ở Hà Lan. Nhưng các bị cáo có thể chẳng thèm quan tâm. Họ vẫn tự do, và chỉ có một, Oleg Pulatov, sĩ quan tình báo Nga, là có gửi luật sư đến bào chữa cho mình. Bốn người được cho là đã giúp triển khai tên lửa phòng không “Buk” của Quân đội Nga. Tên lửa này đã bắn hạ chiếc máy bay thương mại giữa lúc cuộc chiến giữa Ukraine và phe ly khai thân Nga đang diễn ra.

Các bị cáo có thể lại tuyên bố rằng người nào đó khác đã bắn rơi máy bay, điềuđã bị nhóm điều tra quốc tế phủ nhận từ lâu. Nhưng cho đến nay, người ta lập luận rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm cho việc không đóng cửa không phận của mình. Một trong các bị cáo, Leonid Kharchenko, có thể ở tù, nhưng không phải là ở Hà Lan. BBC cho biết anh ta đang bị giam giữ vì một tội tiểu hình ở thành phố ly khai Donetsk – có lẽ là để ngăn các điệp viên Ukraine bắt giữ anh ta.

New Zealand mở cửa dần dần
Không có quốc gia phương Tây nào thành công như vậy trong việc loại bỏ virus. Kịp thời đóng cửa biên giới và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã giúp New Zealand chỉ còn một ca nhiễm trong tổng dân số 5 triệu người. Hôm nay, chính phủ Công Đảng của Jacinda Ardern sẽ xem xét liệu có an toàn để người New Zealand trở lại cuộc sống bình thường hay không, bằng cách dỡ bỏ các biện pháp giãn cách vật lý và các lệnh hạn chế cuối cùng đối với tụ họp đông người.

Nếu không có ca nhiễm mới, nước này có thể tuyên bố sạch virus vào  tuần sau. Biên giới sẽ mất nhiều thời gian hơn để mở trở lại, nhưng một “khu vực du lịch không covid” với Úc đang dần hình thành, điều sẽ giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế. Trước đại dịch du lịch tạo ra 1/5 thu nhập ngoại tệ của New Zealand. Và người Úc chiếm gần một nửa số du khách từ nước ngoài. Các cố vấn soạn thảo kế hoạch cho “bong bóng đi lại” hy vọng các chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào tháng tới.

Anh một mình một đường về các biện pháp chống dịch
Trong suốt tháng 3 và tháng 4, khi gần như mọi quốc gia đặt ra các quy định hạn chế đi lại và kiểm dịch, biên giới của Anh vẫn mở. Vào tháng 6, khi phần lớn châu Âu bắt đầu nới lỏng hạn chế, Anh làm ngược lại. Kể từ hôm nay, bất kỳ người nào đến từ bên ngoài nước Anh, Ireland, Quần đảo Channel và Đảo Man đều phải tự cách ly trong 14 ngày hoặc phải đối mặt với khoản phạt 1.000 bảng, tức 1,270 đô la). Bất kỳ người nào, ngoại trừ một danh sách dài các trường hợp miễn trừ, đồng nghĩa là bao gồm cả những người qua lại biên giới ít nhất một lần một tuần vì công việc.

Các hãng hàng không và công ty du lịch đang rất bất bình. Họ lập luận rằng một quy định kiểm dịch không phân biệt dành cho cả những người đến từ các nước có rủi ro thấp hiện đã kiểm soát được covid-19 sẽ phá hủy việc làm ăn của họ. Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với biện pháp này, nhưng những người Anh đang mong chờ cho một kỳ nghỉ hè ở nước ngoài có thể quên mất rằng các quy tắc cũng áp dụng khi họ  về nước. Bộ Nội vụ hứa sẽ xem xét lại trong vòng ba tuần.

Triển vọng kinh tế Ý không mấy lạc quan
Các nhân viên thống kê tại văn phòng thống kê của chính phủ Ý, ISTAT, đang ở thế khó. Triển vọng kinh tế hàng năm mà họ công bố hôm nay diễn ra giữa lúc có rất nhiều lý do để lạc quan. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng gần gấp đôi chương trình mua nợ. Sau đó là số liệu việc làm sáng sủa của Mỹ hôm thứ Sáu, vốn giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán trên toàn thế giới. Tuần trước, cổ phiếu trên sàn giao dịch Milan đã tăng 10,9%, vượt xa Phố Wall.

Tuy nhiên, mô tả triển vọng kinh tế của Ý là ‘nhiều thách thức’ vẫn là một cách nói giảm nói tránh. Nền kinh tế của họ đã gần như trì trệ trong hai thập niên. Và mặc dù Ý đạt kết quả tốt hơn trong quý đầu năm so với Pháp hoặc Tây Ban Nha, chính phủ của nước này, hiện gánh khoản nợ hơn 135% GDP, đã chi rất ít cho việc chống đỡ nền kinh tế trước tác động của covid-19. Vào thứ Sáu, Ngân hàng Ý đã tăng dự báo suy giảm GDP trong năm nay lên 9,2%. ISTAT có thể sắp đổ thêm vài gáo nước lạnh lên các nhà đầu tư.

Thành phố New York chậm rãi mở cửa
Thành phố lớn nhất nước Mỹ hôm nay bước vào giai đoạn một của quá trình tái mở cửa. Với hơn 200.000 ca nhiễm và 20.000 người chết, đại dịch đã gây thiệt hại nặng cho New York. Sau ba tháng phong tỏa, số ca nhiễm và tử vong đã giảm. Nhờ vậy, ngành xây dựng và chế tạo có thể khởi động lại và các nhà bán lẻ (chỉ giao hàng ở vỉa hè để mang đi) có thể mở lại. Tuy nhiên, thành phố chưa hề bình thường trở lại. Nhân viên văn phòng sẽ tiếp tục làm việc tại nhà. Nhiều doanh nghiệp sẽ chẳng còn mở cửa lại nữa. Đèn sân khấu Broadway vẫn tắt.

Văn phòng Ngân sách Độc lập dự đoán sẽ mất bốn năm để việc làm phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Kinh tế khó khăn khiến doanh thu thuế giảm mạnh, điều báo hiệu cắt giảm chi tiêu trong thời gian tới. Có nhiều nỗi lo mới: trong tuần qua, những kẻ hôi của đã cướp bóc các cửa hàng bách hóa cũng như các doanh nghiệp nhỏ. Hầu hết người dân New York ủng hộ hàng ngàn người tuần hành hàng ngày để phản đối nạn bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát, nhưng họ lo ngại số ca nhiễm sẽ tăng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats