Sunday, 21 June 2020

SAO KHÔNG LÀM VIỆC ĐÚNG NÀY MÀ LẠI LÀM VIỆC ĐÚNG KIA? (Bình Dân Học Vụ - Luật Khoa)





Bình dân Học vụ  -  Luật Khoa
21/06/2020

Sau khi công bố bài “Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm” (ngày 15/6/2020), nhóm Bình dân Học vụ nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Trong đó, có một bài viết công kích, đăng trên blog Cánh Cò, ký tên Bảo An; độc giả có thể đọc để đối chiếu với bài của Bình dân Học vụ, tại đây.

George Floyd  & cụ Lê Đình Kình.  Đồ họa : Luật Khoa

Bài đăng trên Cánh Cò có một ý so sánh phản ứng của dư luận Việt Nam giữa hai vụ giết người: một viên cảnh sát Mỹ giết công dân George Floyd, và một lực lượng công an Việt Nam sát hại công dân Lê Đình Kình. 

Tác giả Bảo An nêu vấn đề: “… lạ kỳ thay, chẳng có ‘nhà dân chủ’ nào của Việt Nam lên án hành động của cảnh sát Mỹ, thậm chí, có không ít kẻ còn tiếp tục bao che, lật lọng sự việc…”, trong khi đó với vụ Đồng Tâm thì “những kẻ ‘dân chủ’ lại ngoác mồm vu khống chính quyền, bao biện cho tội ác”.

Với đoạn “có không ít kẻ còn tiếp tục bao che, lật lọng sự việc”, chúng tôi cho rằng tác giả đang nói đến những người đang tìm cách đổ tội cho nạn nhân George Floyd hoặc tìm các “thuyết âm mưu” khác để bao che cho viên cảnh sát Derek Chauvin. Chúng tôi chia sẻ đánh giá này của tác giả. 

Tuy nhiên, toàn bộ cách đặt vấn đề nêu trên có ít nhất hai sai lầm.


Sai sự thật

Cái sai thứ nhất là sai sự thật: Thực chất, dư luận Việt Nam tranh luận rất nhiều về vụ “cảnh sát Mỹ giết George Floyd”, ít nhất là như những gì được thể hiện trên mạng xã hội cho thấy. 

Có nhiều luồng ý kiến khác biệt, thậm chí đối nghịch nhau. Bên cạnh xu hướng (mà bài báo của Bảo An dùng để phản biện Bình dân Học vụ) lôi thành tích bất hảo của Floyd ra để để bào chữa cho viên cảnh sát, cũng tồn tại cả xu hướng lên án kịch liệt hành vi giết người của Chauvin, phản đối tệ phân biệt chủng tộc, hoặc đặt vấn đề phải xem xét lại toàn bộ hoạt động, cung cách vận hành của hệ thống cảnh sát ở Mỹ. 

Đó mới là sự thật khách quan, chứ không phải dư luận chỉ có một cách phản ứng phổ biến là “bao che, lật lọng sự việc”.


Lỗi tư duy

Cái sai thứ hai là sai về tư duy, thể hiện qua cách đặt một câu hỏi hàm ý: “Sao anh/chị không làm việc (đúng đắn) này, mà lại làm việc (đúng đắn) kia?”. Đó là câu hỏi mang tính đánh đố (và có thể khiêu khích) hơn là cách hỏi để tìm chân lý hay để xác định tính đúng đắn của hành động. 

Khi xem xét một hành động, điều quan trọng là xem xét tính hợp lý (đúng đắn), hợp tình (đúng lương tâm), và hợp pháp (không vi phạm pháp luật) của nó. 

Một vài ví dụ về câu hỏi theo dạng đánh đố – mà với những câu hỏi này, người bị hỏi thường không cần trả lời – là:

·         Sao không biểu tình vì cả Việt Nam xanh, mà chỉ vì Hà Nội xanh? Không lẽ Sài Gòn, Đà Nẵng… không cần xanh?

·         Sao không biểu tình đòi quyền sống cho mọi người, mà chỉ biểu tình “mạng người da đen quan trọng”? Không lẽ người da trắng, da vàng, da đỏ không cần sống sao?

·         Sao không biểu tình đòi đóng cửa tất cả các nhà máy gây ô nhiễm, mà chỉ biểu tình chống Formosa? Không lẽ Vedan, Mei Sheng, Tung Kwang… không gây ô nhiễm môi trường Việt Nam?

·         Sao không biểu tình chống công an ở Việt Nam mà lại sang New York biểu tình chống cảnh sát Mỹ? 

Nói chung, ở một thời điểm nhất định, vì những giới hạn về nhiều mặt (nguồn lực, thời gian, sức lực…), mỗi cá nhân chỉ có thể quan tâm một hoặc một vài vụ việc nào đó, và chỉ có thể hành động để theo đuổi một hay một vài vụ việc đó tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Hỏi “tại sao lại chỉ quan tâm cái này mà không quan tâm cái kia?”, trong bối cảnh tất cả mọi người đều đang bị giới hạn về khả năng hành động, là cách hỏi sai về tư duy và, có thể, sai cả về thái độ (thách thức, đánh đố). 

                                                         * * *
Dĩ nhiên là vì sự gần gũi về địa lý, văn hoá, xã hội…, một diễn biến ở Việt Nam phải và cần được quan tâm nhiều hơn một câu chuyện bên Mỹ. Nhưng, trên bình diện lương tâm con người, thì cứ việc đúng là nên làm (đồng thời, việc sai thì không làm). Cả việc cảnh sát Mỹ giết người da đen trong tình huống không cần thiết lẫn công an Việt Nam giết dân trong một vụ tấn công có chủ ý và ngoài mục đích tự vệ, đều cần được lên tiếng, đáng bị lên án, ở bất cứ đâu. Nhưng, lên tiếng về vấn đề nào, bằng cách nào, như thế nào lại là lựa chọn của mỗi cá nhân – ta gọi đó là “quyền biểu đạt”. 

Nhân tiện, nếu đã so sánh thì so sánh cho trót. Đã nói đến sự tương đồng (cảnh sát giết dân) giữa hai sự việc trên, thì ta lại có thể đặt thêm vài câu hỏi:

·         Ở Việt Nam, nếu hàng ngàn người xuống đường đòi công lý cho ông Lê Đình Kình thì công an sẽ làm gì? Có công an nào nhảy múa, ca hát cùng người dân không? Có sĩ quan nào quỳ gối cùng các nhà hoạt động không?

·         Ở Mỹ, viên cảnh sát Derek Chauvin đã bị bắt và đang trong quá trình xét xử. Ở Việt Nam, liệu có chuyện đó không, sau hàng trăm, có thể là hàng ngàn vụ công an bạo hành, thậm chí đánh chết dân, mà bạn đã được nghe nói đến?

·         Ở Mỹ, việc xét xử là của tòa án (nhánh tư pháp), độc lập với nhánh hành pháp, không chịu sự chỉ đạo, phối hợp, điều phối hay định hướng nào từ phía cảnh sát. Còn ở Việt Nam, theo bạn, tòa án có “được phép” độc lập như thế không?

Trả lời được các câu hỏi trên, ta sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của những khái niệm “tự do”, “dân chủ”, “tam quyền phân lập”…


“Bình dân Học vụ” là một nhóm viết được thành lập ngày 10/6/2020 với mục đích tập trung vào những bài viết cung cấp kiến thức căn bản, đơn giản nhất về logic, triết học, chính trị, pháp luật… cho người đọc Việt Nam. Phương châm của nhóm là phải bắt đầu mọi thứ từ điều cơ bản nhất: tập cách tư duy.





No comments:

Post a Comment

View My Stats