RFA
08/06/2020
Bộ Công an Việt Nam vào
ngày 8/6 chính thức cho ra mắt lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh
Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.
Truyền thông trong nước
loan tin trong cùng ngày cho thấy hình ảnh lực lượng này được diễu hành trên đường
Độc Lập trước tòa nhà Quốc hội nơi các đại biểu Quốc hội khóa XIV đang họp kỳ
thứ 9.
Cảnh sát cơ động kỵ binh
là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung được thành lập theo Quyết định số 326,
ngày 15/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an. Chức năng, nhiệm vụ chính được
nói là trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm
bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ làm công
tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa…
Trao đổi với RFA vào tối
8/6, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn Đô Đốc Hải quân Việt Nam nhận
xét về sự thành lập đội cảnh sát cơ động kỵ binh như sau:
“Các nước người ta cũng có cả rồi như Anh, Ấn Độ có
cảnh sát kỵ binh. Họ có truyền thống. Còn với Việt Nam tôi nghĩ rằng Quân đội
Nhân dân Việt Nam ngày càng có nhiều binh chủng thì tôi nghĩ cảnh sát cơ động
cũng là một lực lượng vũ trang của Việt Nam nên có được thì cũng hay.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến
sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho rằng đây là
chuyện hơi lố bịch. Ông nhận định:
“Việt Nam không có truyền thống về kỵ binh và người
ta học theo một số nước Tây Âu nhưng cái đấy bây giờ không có; chuyện dùng
ngựa quá cổ rồi nhưng người ta vẫn nhập khẩu về, làm thành trung đoàn hôm nay
ra mắt tại Quảng trường Ba Đình trước lăng ông Hồ Chí Minh cho Quốc hội. Những
con ngựa cũng không to bằng con ngựa của người ta. Trời nóng thế này thì đội
quân hốt phân ngựa đi đằng sau thì việc này rất phản cảm, một sự học đòi nhố
nhăng!”
Đồng ý với quan điểm Tiến
sĩ Nguyễn Quang A vừa nêu, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng nêu lên ý kiến
riêng của ông:
“Cảnh sát kỵ binh thường họ giữ trang phục ngày xưa,
ngựa rất đẹp, trong cuộc diễu hành gần như là biểu diễn cho trang trọng nhưng
nhìn cảnh sát kỵ binh diễu hành hôm nay thì rất buồn cười và gây sự chế diễu
trên mạng sáng giờ.”
Lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh tại buổi lễ ra mắt. AFP
Theo truyền thông trong
nước, giống ngựa mà Bộ Công an Việt Nam chọn được cho có khả năng thích nghi
cao với điều kiện khắc nghiệt. Sự dẻo dai, ngoại hình của ngựa phù hợp với việc
tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn.
Báo cáo của Bộ Công an
cho biết, đến nay đã nhân giống được bốn ngựa con và tăng tổng số đàn ngựa lên
100 con. Đội kỵ binh đã thuần hóa, huấn luyện và làm chủ được 65/71 ngựa hoang
dã, đảm bảo sức khỏe đàn ngựa trong giai đoạn nuôi thích nghi môi trường tại Việt
Nam.
Trên các diễn đàn và
trang mạng xã hội, hình ảnh kỵ binh Việt Nam trở thành chủ đề bàn tán khi bị đặt cạnh
hình ảnh của kỵ binh nước ngoài hoặc hình ảnh diễn viên nước ngoài cưỡi ngựa.
Nhiều bình luận cho rằng đoàn kỵ binh chỉ đang cưỡi lừa vì chân ngắn và cổ nhỏ.
Trong khi ngựa của kỵ binh nước ngoài thì cổ to, bờm dài, chân dài và bước đi
dõng dạc.
Theo Bộ Công an, lực lượng
cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn
náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới. Ngoài ra, thì lực
lượng kỵ binh này còn được sử dụng để vận chuyển vũ khí, quân trang, hành quân
dã ngoại trong thời gian dài, tham gia thực hiện các nghi thức và nghi lễ quốc
gia như diễu binh, diễu hành…
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng trong thời buổi công nghệ phát triển
mạnh mẽ như hiện nay, những nhiệm vụ như thế của đoàn kỵ binh vừa
thành lập dường như không đem lại hiệu quả nhất định:
“Chắc cả hàng thế kỷ trước, kỵ binh coi như một ưu
việt, nhưng bây giờ các phương tiện như ô tô xe máy tôi nói ví dụ như tuần tra,
chống tội phạm hoàn toàn với điều kiện bây giờ, hạ tầng giao thông thì đội kỵ
binh này hoàn toàn vô tác dụng.”
Chị Sa Nguyễn đang sống tại Melbourne, Úc nơi cũng có truyền thống kỵ binh khi trao
đổi với RFA cũng cho rằng bên cạnh việc hình ảnh đoàn kỵ binh không được như
mong đợi thì những nhiệm vụ mà phía Bộ Công an thông báo cũng không thuyết phục
lắm :
“Tôi nghĩ không hiệu quả vì đường phố Việt Nam có rất
nhiều loại phương tiện đi lại, trước đó đã cấm các phương tiện thô sơ mà giờ lại
cho ngựa vô thêm thì nó sẽ gây phiền phức và ùn tắc. Cộng thêm việc rượt đuổi bằng
ngựa không đảm bảo an toàn, vừa gây nguy hiểm cho người sử dụng là công an lẫn
người xung quanh. Có thể không nhanh bằng xe nghiệp vụ. Cái đó bên UK hay bên
Úc chỉ được dùng để phạt đậu xe thôi.”
Kỵ binh hộ tống Nữ
hoàng Anh Elizabeth II ngày 14 tháng 10 năm 2019. AFP
Trước những vấn đề liên
quan đến an toàn giao thông chị Sa Nguyễn vừa nêu, chúng tôi liên lạc với Luật
sư Nguyễn Văn Hậu và được ông cho hay hiện tại chưa có luật lệ nào quy định
về việc đi lại của kỵ binh nhưng theo thông tin báo chí loan tải thì kỵ binh chủ
yếu dùng để diễu hành hoặc truy bắt tội phạm vùng núi nên việc bổ sung vào Luật
đường bộ cũng chưa cần vội:
“Dĩ nhiên quá trình mới thành lập từ tháng 1/2020
thì qua quá trình thực hiện tôi nghĩ nếu cần thiết cũng sẽ sửa đổi, bổ sung vào
Luật giao thông đường bộ.”
Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho rằng có thể do mới thành lập nên chưa thể
đưa ra đánh giá chính xác liệu trung đoàn kỵ binh này có hoàn thành nhiệm vụ tốt
hay không được:
“Nói thật thì những nước có truyền thống với kỵ binh
rồi thì họ hoạt động có kinh nghiệm tốt hơn. Còn với Việt Nam nếu thành lập lực
lượng cảnh sát cơ động kỵ binh tôi nghĩ chắc để học tập dần dần xem sao, còn
bây giờ nói dùng kỵ binh đi bắt trốn trại thôi chẳng hạn cũng khó chứ không phải
dễ. Cho nên tôi nghĩ trong quá trình phát triển thì lực lượng vũ trang nước nào
cũng vậy, có những tinh hoa của thế giới du nhập vào.”
Đề xuất thành lập Trung
đoàn cảnh sát cơ động Kỵ binh được Bộ Công an đưa ra vào cuối tháng 10/2019.
Ý kiến này đã vấp phải
nhiều phản đối từ phía dư luận vì cho rằng không phù hợp với cơ sở hạ tầng giao
thông cũng như tình hình nhân sự tại Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, Trung đoàn
đoàn cảnh sát cơ động Kỵ binh vẫn được thành lập vào tháng 1 vừa qua và ra mắt
vào ngày 8/6.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A lập luận rằng sở dĩ Bộ Công an kiên quyết lập
trung đoàn kỵ binh là điều dễ hiểu vì những lý do sau:
“Bộ Công an nếu được phình to ra thêm, có thể tăng
thiết giáp, máy bay thì nó cũng rất muốn như vậy. Tức là quyền lực thì nó là vô
biên, lòng tham quyền lực gấp cả triệu lần ma túy nên những người đã say quyền
lực thì nó bất chấp mọi thứ bởi vì như vậy tăng được quân số, tăng được thẩm
quyền, tăng được chi tiêu, đấy là những chỉ số thành tố của quyền lực biểu hiện
rất rõ. Luôn luôn dùng những mánh khóe để nói rằng cần phải có những binh đoàn
kỵ binh như thế để chống khủng bố ở vùng rừng núi… Nhưng tôi nghĩ tất cả những
mánh lới ngụy biện đấy chỉ là một bức màn rất thưa để che tham vọng quyền lực.”
Trong khi đó, Nhà báo
Ngô Nhật Đăng cho rằng việc đưa ra kiến nghị rồi phớt lờ phản ứng dư luận
không phải chỉ xảy ra đối với chuyện thành lập trung đoàn kỵ binh mà đây là một
việc thường xuyên xảy ra từ trước đến nay:
“Chúng ta đều thấy khi nhà nước đưa ra những chuyện
như thăm dò dư luận nhân dân dù mức độ phản đối thế nào thì học vẫn quyết tâm
làm gần như kiểu người ta gọi là ‘xén long cừu’. Áp đặt những sự cấm đoán xã hội,
bắt xã hội chấp nhận những điều vô lý và từ từ quy định đè nén xã hội.”
Kỵ binh có nguồn gốc từ
Anh và sau này được nhiều nước đưa vào sử dụng như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Brazil,
Bỉ… Hiện có khoảng 40 nước vẫn đang sử dụng kỵ binh, nhưng mục đích chính được biết
là để diễu hành, hoặc với những nhiệm vụ đơn giản như ghi giấy phạt đậu
xe… Còn những nhiệm vụ quan trọng như xử lý biểu tình, bạo loạn, truy bắt đối
tượng tại các vùng núi… thì đã có những phương tiện chuyên dụng như xe tăng, trực
thăng, thiết giáp, vòi rồng…
No comments:
Post a Comment