Lần cuối cùng người Việt
chúng ta phải làm nô lệ cho người Trung Quốc chắc là vào thời nhà Minh bên đó,
khi họ xâm lược và cướp nước ta vào năm 1407, và cai trị cho tới năm 1427. Về
sau, dù cố gắng, nhưng họ luôn bị đánh bại.
Cũng đã mấy trăm năm trôi
qua, vậy mà đến giờ người Việt vẫn có ác cảm với người Trung Quốc, và chỉ động
đậy một chút thôi là sẵn sằng ăn thua đủ.
Trong khi người Mỹ gốc
Phi, đến tận thập niên 60 của thế kỉ 20, mới được công nhận là công dân Hoa Kỳ
một cách đầy đủ. Trước đó, suốt mấy trăm năm liên tục, họ bị làm nô lệ, bị bóc
lột, bị phân biệt đối xử nặng nề trên chính mảnh đất mà họ cất công khai phá,
và nền cộng hoà mà họ đổ máu để bảo vệ.
Đến tận ngày hôm nay,
thái độ kì thị, phân biệt chủng tộc của một bộ phận người da trắng đối với người
da màu vẫn tồn tại. Là cờ Confederate, gợi nhớ chế độ nộ lệ, vẫn tung bay ở nhiều
nơi trên nước Mỹ.
Vậy mà lại có người tỏ ra
ngạc nhiên, khi người Mỹ xuống đường biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Có
người còn lý luận rằng, 'tay cảnh sát đã bị bắt rồi, các người còn biểu tình là
vì mục đích gì?'
Cũng giống như các cuộc
biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, nó không chỉ đơn
thuần là sự phẫn nộ đối với hành vi của Trung Quốc trên biển đông ở thời điểm
đó, sự kiện lúc đó. Nó là sự ức chế được tích tụ qua nhiều trăm năm, nhiều thế
hệ. Và sự bất động của chính quyền Việt Nam đã đổ thêm dầu vào lửa. Chẳng thế
mà vào năm 2011, khi tôi lần đầu xuống đường biểu tình, thì đoàn biểu tình chọn
dừng chân ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám rồi đồng thanh đọc to lên bài thơ Nam Quốc
Sơn Hà.
Phong trào biểu tình chống
phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ cũng vậy, vụ việc viên cảnh sát đè gối lên cổ một
người da màu và cuối cùng tước đi mạng sống của anh ta, là giọt nước cuối cùng
rót xuống cái ly phẫn uất, bất bình, bất lực và tức tối vốn đã đầy tràn vì được
tích tụ qua hàng trăm năm của không những người da màu, mà còn của cả những người
da trắng chán ghét nạn phân biệt chủng tộc. Và tất nhiên, có một vị tổng thống
không những không giúp gì cho việc hàn gắn các mối bất hoà, ngược lại, còn tạo
ra thêm chia rẽ, đã khiến người dân phẫn nộ hơn nữa.
Việc có không ít người Việt
Nam bày tỏ thái độ phân biệt chủng tộc đã khiến tôi vô cùng bất ngờ, bởi tôi cứ
nghĩ rằng người Việt chúng ta hiểu thế nào là bị áp bức. Nhưng tôi vẫn giữ sự lạc
quan, rằng những người đó chỉ là thiểu số, không những vậy, trong thiểu số này,
thì nhiều người hiện không còn ở Việt Nam nữa.
Tôi sẽ chống lại đến cùng
những nỗ lực lan truyền thái độ phân biệt chủng tộc của bất cứ người Việt Nam
nào. Bởi tôi tin rằng, nước Việt Nam mới trong tương lai, phải là một nước Việt
Nam tiến bộ, rũ bỏ những thứ cũ kĩ để hoà mình vào với dòng chảy của nền văn minh
nhân loại.
No comments:
Post a Comment