Tuấn
Khanh
07/06/2020
Khởi đầu, có vẻ như Nhà
xuất bản Tự Do (NXB) chỉ là nơi ấn hành các tác phẩm muốn được đến tay công
chúng, mà không cần sự cho phép nào của hệ thống kiểm duyệt. Thế rồi, những diễn biến dồn dập
trong năm 2019, đã đẩy Nhà xuất bản Tự Do vào vị trí tự bảo vệ sự sống còn của
mình, và trở thành một biểu tượng tranh đấu cho quyền tự do tri thức.
Chính vì sự can trường và
không nhụt chí của những người bạn trẻ hoạt động cho Nhà xuất bản Tự Do, cũng
như sự ủng hộ của đông đảo độc giả Việt Nam trong và ngoài nước, mà tổ chức
IPA ngày 5/6 đã trao tặng giải Prix Voltaire 2020 cho họ, những người ẩn danh
nay rất nổi tiếng.
Ngay sau khi NXB Tự Do nhận được giải
này, công an đã ập đến gia đình cô Đoan Trang để bắt mẹ cô phải ký giấy xác nhận
là Đoan Trang đã vi phạm pháp luật. Nhiều năm nay, cô Phạm Đoan Trang đã không thể về nhà trong sự theo dõi
và vây bắt ngày càng nguy hiểm của công an Hà Nội. Nhưng tuy vậy, cô vẫn không
ngừng công việc của mình, mới đây, lại chính thức nhận trách nhiệm là đại diện
vận động truyền thông của NXB Tự Do.
.
Tuấn
Khanh: Giải thưởng này, trong bối cảnh đang bị vây hãm như
vậy, bên cạnh niềm vinh dự, thì có là một gánh nặng cho Đoan Trang và Nhà xuất
bản Tự do không?
Đoan Trang: Chúng tôi rất mừng, kể cả từ lúc được đề cử. Vì giải thưởng là chung
cho NXB nhưng cũng là niềm khích lệ cho phong trào dân chủ tại Việt Nam. Cả
hai, NXB và phong trào dân chủ đang bị đàn áp dữ dội, từ năm 2020 càng dữ dội
hơn. Nói cách nào đó, chúng tôi cũng quen rồi. Từ năm 2019, khi thành lập đến
giờ thì NXB luôn bị sức ép từ nhà cầm quyền, và chỉ tăng lên chứ không giảm đi
bao giờ (cười), nên rồi cũng thành quen.
.
Tuấn
Khanh: Nói về đàn áp
hay sức ép với NXB, trải qua nhiều sự kiện, rõ ràng nhà cầm quyền không dùng luật,
mà hành xử rất thô bạo. Đã bao giờ NXB thắc mắc và lên tiếng, chính thức đòi hỏi
sự hành xử đúng mực, hay nhờ luật sư khởi kiện với các vụ đánh shipper (người
giao sách)…?
Đoan Trang: Ngay từ khi được thành lập vào ngày 14-2-2019,
chúng tôi luôn bị đàn áp và có vẻ như coi chúng tôi không phải là người (cười)
chứ đừng nói đến là công dân hay nhóm được hiến pháp bảo vệ về quyền. Họ từ chối
đối thoại. Họ đối xử với tác giả, shipper rất tàn ác. Có một thời gian, họ bắt
bớ luôn cả những độc giả, nên chúng tôi khi tư vấn pháp lý cho độc giả cũng đã
nghĩ đến chuyện nói chuyện luật với Nhà nước nhưng rồi lại thôi. Vì họ không biết
lắng nghe. Chúng tôi có nói rõ với các độc giả là khi nào Nhà nước lên danh
sách cấm, và có tên các cuốn sách mà quý vị đang cầm thì công an mới có quyền hỏi
đến. Và ngay cả khi họ cấm, thì họ cũng phải giải thích rõ vì sao cấm. Thế
nhưng, như anh biết, công an cứ im lặng đàn áp, mà không cần một lý do nào.
.
Tuấn
Khanh: Được biết các vụ
tra hỏi shipper và độc giả rất gay gắt, thậm chí đánh đập tàn nhẫn, mà mục đích
là truy tìm NXB ở đâu, có bao nhiêu người, hoạt động thế nào… Đã có bao giờ các
anh chị em trong NXB nghĩ đến tình huống mình bị bắt, và điều gì sẽ xảy ra
không?
Đoan Trang: Chúng
tôi có thể cảm nhận được sự căm thù, hay căm ghét của họ đến mức nào. Lâu nay,
với những người vào tầm ngắm của công an, thì còn được giấy mời, triệu tập…
nhưng với NXB hay đối với chính tôi, thì chưa bao giờ được giấy tờ gì, chỉ
nhìn thấy, nghe nói… là xông vào bắt, đánh ngay, đưa về đồn. Những Shipper cũng
bị vậy. Lôi lên xe là họ đánh trước, mở mắt không nổi, rồi mang về đồn đánh tiếp.
Đánh như đánh kẻ thù. Nên với công việc của NXB như hiện nay, cứ tiếp tục thì
tương lai nếu ai trong NXB bị bắt thì chỉ có nặng hơn, chứ không thể nhẹ hơn (cười).
.
Tuấn
Khanh: Vừa rồi, anh
Phùng Thủy, một shipper cộng tác không thường xuyên với NXB nghe nói cũng đã bị
bắt, bị tra tấn đến sau đó phải đi cấp cứu vị hộc máu liên tục. Nay thì sức khỏe
anh ra sao? Và phía công an có để yên cho anh ta, sau khi đã hành động vô nhân
tính như vậy hay không?
Đoan Trang: Anh Phùng Thủy bất ngờ chạy đi, ở ngay trước cửa
công an trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1, Saigon, khi bị 2 công an viên kèm ra
cửa để nhận thuốc cho con gái mang tới. Lúc ấy là 3g sáng. Nhìn thấy sự lơi lỏng
của người đi theo, anh nhảy lên xe máy của con gái, rồ ga, chạy đi. Đó là anh
Phùng Thủy tuyệt vọng nên làm liều, nhưng may sao thoát được. Ngay cả phía công
an cũng bất ngờ nên ít giờ sau đã ập đến nhà anh tìm kiếm. Thậm chí cử người đi
về quê để đe dọa mẹ già của anh, nay đã 90 tuổi, để anh ra trình diện. Hiện
công an vẫn còn truy tìm, và nói với những người mà họ gặp, là anh Phùng Thủy bị
truy nã nhưng không đưa ra được giấy tờ gì, cũng không nói là truy nã vì chuyện
gì.
.
Tuấn
Khanh: Nhiều người nhận
định rằng việc Đoan Trang nhận công việc vận động truyền thông cho NXB là một
điều mới mẻ, cũng là một bước đi chính trị rất thú vị khi đang bị vây đuổi như
hiện nay, nhưng điều đó có tăng nguy cơ đàn áp với Trang không?
Đoan Trang: Về mặt Marketing thì mọi nhóm hay tổ chức đều cần đến việc vận động
truyền thông. Chúng tôi cũng không muốn những cuốn sách khô cứng là sản phẩm,
mà muốn personalized – hay gọi là nhân hóa – để những tác phẩm đó gần gũi hơn,
đến nhanh hơn với bạn đọc. Vì nghĩ đến điều đó, và muốn giúp cho các bạn nên
tôi nhận lời. Còn nếu nói về chuyện bị đàn áp, thì lâu nay họ đã hành động
không ra gì rồi, thì có thêm không ra gì, chắc cũng như vậy thôi (cuời). Nhưng
chắc họ sẽ truy tìm gắt gao hơn (Chú thích của người phỏng vấn: từ nhiều năm
nay, Phạm Đoan Trang vẫn rày đây mai đó, để tránh sự lùng bắt của công an, dù
cô không có tội gì, chính thức cho đến lúc này)
.
Tuấn
Khanh: Vậy trong bối cảnh
rất khó khăn, NXB dự định sẽ có kế hoạch hoạt động như thế nào trong năm nay?
Đoan Trang: Chúng tôi vẫn có kế hoạch ra sách mới. Bởi
người tham gia xuất bản, người muốn đọc vẫn không ngừng tăng lên. Đặc biệt khi ở
trong đất nước có quá nhiều điều cần phải được viết ra, in ra, có quá nhiều vấn
đề cần được diễn giải đúng… Nói về phía NXB thì luôn luôn phải hoạt động. Nhưng
với tình trạng khó khăn, chúng tôi có thể tạm giảm một số các hoạt động để bảo
an. Nhưng đáng mừng là dù hiểm nguy, nhưng không ai trong chúng tôi muốn dừng lại,
không ai muốn bỏ cuộc cả.
*
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment