Mạc
Văn Trang
10/06/2020
Được nhà báo Võ Văn Tạo
liên hệ, hôm mồng 5 tháng 6 vợ chồng mình nhờ anh bạn Minh đưa đến thăm “Cơ sở
Bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc” của anh Tống Phước Phúc và vợ là chị
Nguyễn Thị Lệ Yến.
Điều đặc biệt của đôi vợ
chồng làm việc Phúc, việc Thiện này là hai người lao động bình dân: Anh Phúc
làm thợ xây, chị Yến bán hàng tạp hoá ở chợ và bắt đầu từ chuyện tình cờ…
Anh sinh năm 1967, chị
sinh năm 1969, hai người kết hôn năm 2000. Năm 2001 chị đến nhà hộ sinh sinh
con. Anh bồn chồn, hồi hộp, thiết tha mong chờ vợ sinh con suốt 48 tiếng đồng hồ…
Trong lúc đó, anh thấy có cô gái đến nạo thai… Rồi anh thấy một thai nhi bị vứt
bỏ ở gốc cây… Anh xót thương, nhặt về chôn.
Anh sung sướng biết bao
khi ôm đứa con đầu lòng đỏ hỏn trong lòng và cảm thấy day dứt, thương xót những
thai nhi xấu số bị vứt bỏ. Về nhà ngắm đứa con bé bỏng, anh càng không cầm lòng
đươc.
Nhưng cũng phải đến năm
2004 anh mới dám quyết định đến bệnh viện xin nhặt các thai nhi bị vứt bỏ về
chôn cất tại mảnh đất anh mới mua ở chân núi Hòn Thơm, cách TP Nha Trang hơn
10km … Anh gọi cái Nghĩa trang cho các những sinh linh nhỏ bé đó là cho CÁC
CON.
Là một thợ nề chuyên nghiệp,
anh tự tay xây cho mỗi con một nấm mồ chừng 35cm2, xinh xắn, con nào cũng bình
đẳng như nhau… Mỗi nấm mộ anh đều đặt cho mỗi con một cái tên và mã số để ghi
nhớ thông tin cần thiết.
Anh cứ âm thầm, lặng lẽ
làm, nhưng rồi nhiều người cũng biết. Thế là công an xã “mời làm việc”, tra hỏi:
“Nhặt rác bệnh viện về chôn nhằm mục đích gì? Với động cơ gì”?…
Anh bảo, chẳng biết “mục
đích, động cơ” là gì cả, thấy thương xót các sinh linh nhỏ bé thì làm vậy thôi.
Bao nhiêu lần gọi lên viết kiểm điểm, cảnh cáo, phạt hành chính … anh chỉ một mực,
chẳng có “mục đích, động cơ gì”, thấy thương xót các con thì làm thôi.
Có lẽ những “đầy tớ của
dân” không thể hiểu, tại sao anh Phúc này lại “khùng” như vậy, vì đối với họ,
trước khi làm gì cũng xác định mục đích phải đạt được trong từng “phi vụ”, từng
“dự án”, từng “chương trình”, từng “nhiệm kỳ”…, xong “phi vụ” này, tính “lỗ,
lãi, ăn chia” rồi mới chuyển sang “phi vụ” khác… Và làm gì cũng phải có động
cơ: vì tiền, vì tiếng tăm, vì chức quyền, danh vọng, vì lợi ích phe nhóm… chứ.
Họ quy cho anh Phúc làm việc “mờ ám”, “vi phạm”, có thể đằng sau có thế lực xấu
xúi giục…(!)
Đến năm 2006, thì CA báo sẽ
ra lệnh cưỡng chế, ủi hết những nấm mồ nhỏ nhoi, “phi pháp”và xã thu hồi lại đất…
Anh Phúc lo hãi, mất ăn mắt ngủ, một mặt kêu các nhà báo đăng bài cứu giúp; một
mặt anh ra nghĩa trang, ngày đêm cầu khấn, kêu gọi các CON hãy cùng BA giữ lấy
nghĩa trang này không chỉ cho các con mà còn cho các EM CON… Anh khóc thương
xót các con và đau buồn vì nỗi bất lực của Ba; anh gày xọp đi, hai mắt trũng
sâu, phờ phạc, thẫn thờ …
May mắn làm sao, Chủ tịch
Nguyễn Minh Triết, qua báo chí và nguồn tin riêng, viết thư “hoả tốc” về cho Bí
thư tỉnh Khánh Hoà. Bí thư tức tốc đem thư đến tận nhà trao cho vợ chồng anh
Phúc. Báo chí đăng tải tưng bừng!
Hú vía, anh Phước Phúc
đang là kẻ “có nhiều lần vi phạm”… bỗng thành “Gương người tốt” được Đảng,
Chính quyền cấp phép thành “Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập”, và được “các
ban ngành quan tâm”!
Anh bảo, anh mơ thấy các
con nửa đêm kéo đến đập cửa nhà Chủ tịch Nguyễn Minh Triết… Và bác Triết đã làm
được một việc đại phúc đức.
An tâm với nơi an nghỉ
yên bình cho các sinh linh nhỏ bé, anh nghĩ đến cách phải cứu sống những thai
nhi trước khi bị huỷ hoại. Thế là anh tìm cách phát hiện, thuyết phục những người
phụ nữ định phá thai, hãy về cơ sở của anh, được nuôi dưỡng để sinh con rồi cho
anh nhận làm con nuôi… Công việc mạo hiểm này cũng không ít rắc rối, nhưng với
lòng chân thành, vô tư làm phúc, không có “mục đích, động cơ” gì, anh đã thuyết
phục được tất cả, nhất là vợ anh.
Anh còn bỏ tiền ra mua
800m2 đất, dựng một ngôi nhà phía chân núi, thêm chỗ cho các cô mang bầu, chờ
sinh con, kín đáo ở trong đó.
Gần đây anh giao nghĩa
trang ở núi Hòn Thơm, nơi chôn cất hơn 11.000 thai nhi cho nhà chùa chăm nom,
vì không còn đất mở rộng.
Với số tiền dành dụm được,
anh quyết định bỏ ra 45 triệu, mua 11.000m2 đất đồi tại xã Điện Khánh, lập một nghĩa
trang thứ 2 với quy mô lớn, hợp lý, đẹp đẽ hơn. Chúng tôi đến đây, thấy anh
cùng các toán thợ đang xây dựng nhiều công trình. Anh tổ chức một trại nuôi heo
vài trăm con, trại nuôi gà, nuôi bò, ao nuôi cá và trồng nhiều cây ăn trái, để
có cái nuôi đàn con ngày một đông, một lớn hơn…
Tính đến nay anh đã chôn
cất hơn 20.000 thai nhi xấu số, có mồ yên mả đẹp và cứu được hơn 350 thai phụ
không vứt bỏ thai nhi, đã sinh con và anh nhận nuôi dưỡng các cháu nên người…
Có 10 cháu được nhận làm con nuôi bên Mỹ; hơn 30 cháu đang được Nhà Dòng nhận
nuôi; 17 cháu đang sống ở cơ sở Phước Phúc; nhiều cháu được mẹ nhận lại…
Có nhiều chuyện tò mò hỏi
anh chị mới rõ.
– Sao ở Nghĩa Trang hầu hết
mộ các cháu như nhau, lại có một số mộ được xây giống mộ người lớn, có họ tên,
địa chỉ…, dù là những nấm mộ mini?
– Đó là mộ các thai nhi
có bố, mẹ đem an táng tại đây… Anh Phúc cho biết.
– Những người Mẹ được anh
nuôi để sinh con, có ai nhận lại con không?
– Ngày càng nhiều, người
Mẹ sau khi sinh con, cơ sở giữ lại để cho con bú, chăm con, rồi không chịu cho
con nữa, xin được đem con về nuôi… Có hàng chục đôi, sau khi cô gái sinh con,
thì xin nhận lại con và làm đám cưới…
– Có ai bỏ con rồi mãi
sau này quay lại xin con không?
– Có chứ, có cô sau 2
năm, 3 năm, 4 năm mới quay lại xin con… Lạ lắm, khi Mẹ khai báo đúng rồi, gọi
con ra là 2 Mẹ – Con ôm chặt lấy nhau khóc, không rời ra nữa …
– Các cháu có Khai sinh
không và đặt tên thế nào?
– Có chứ. Em phải nghĩ
cách khai sinh làm sao để sau này mẹ muốn tìm con không lẫn, rồi các con lớn
lên, nhận biết đâu là anh em, để không lấy lộn nhau.
– Bằng cách nào mà tài vậy?
– Các con đều mang họ cha
Tống Phước, đệm ở giữa là tên địa chỉ mẹ, con gái mang tên TÂM, con trai mang
tên VINH, tên mẹ thì bỏ trống. Ví dụ Tống Phước Lâm Vinh, Tống Phước Phú Vinh…
nghĩa là con đầu ở Lâm Đồng, con sau ở Phú Yên, thêm ngày sinh nữa, không có sợ
lẫn lộn. Nếu tỉnh nhiều quá thì lấy lót tên huyện. Con gái thì Tống Phước Khánh
Tâm, Tống Phước Huế Tâm… là biết rồi.
– Các cháu con nuôi ở Mỹ
có liên hệ về nhà không?
– Bây giờ có mạng xã hội,
các con thường xuyên liên hệ với Ba Má với các em tình cảm lắm. Ba Má luôn nhắc
các con sang đó có điều kiện thuận lợi, cố học cho tốt… Người Mỹ họ tử tế lắm,
họ không giấu thân phận các con, mà luôn mong các con sau này tìm được mẹ ruột,
gắn bó với quê hương…
– Các cháu ở cơ sở đi học
thế nào? Có được ưu tiên gì không?
– Từ nhỏ đến mẫu giáo thì
cơ sở chăm nuôi. Từ lớp Một thì các cháu ở trường phổ thông như con em nhân
dân, cũng đóng học phí, các thứ lệ phí như con dân thường. Cháu nào giỏi được học
bổng, giấy khen…
– Tiền ở đâu ra để anh chị
nuôi được chừng ấy con, làm được chừng ấy việc?
– Cái này công an luôn
tra hỏi. Em bảo, tất cả là do các con, do những ân nhân chung tay, góp sức. Tôi
chỉ là công cụ để thực hiện thôi. Tiền từ tay phải đưa qua tay trái, không vào
túi đồng nào cả. Các anh đến cơ sở mà xem thì biết. Họ đến đó ngồi cả ngày, thấy
người dân đem gạo, mì, rau, quả đến cho; thấy các cô chăm sóc các cháu… Họ về,
không nói gì nữa.
Anh Tống Phước Phúc mới
ngoài 50 tuổi mà mái đầu đã bạc, dáng người lao động khắc khổ, khuôn mặt cháy nắng,
bàn tay chai sần, áo quần đầy vôi vữa, đúng là một thợ xây trên công trường.
Nhưng đôi mắt anh luôn lấp lánh một tình thương bao la, thăm thẳm.
Anh nói, xây dựng nơi cầu
nguyên theo Công Giáo xong rồi, đang xây nơi cầu nguyện Phật Giáo. Ở đây có cả
các con bên Lương và bên Giáo, người theo bên nào cầu nguyện bên đó, đều phải
là nơi linh thiêng. Hai tôn giáo cùng hoà hợp vì lòng nhân ái, cứu độ chúng
sinh…
Đang trò chuyện, ghi
hình, thì có người gọi, anh bảo, thôi còn chuyện gì, về nhà hỏi vợ em. Em phải
đi xử lý sự cố gì đó ở chỗ anh em thợ đang xây dựng…
Thế là vợ chồng mình chia
tay anh Phúc ở Nghĩa trang Điện Khánh, về cơ sở Phước Phúc vào lúc hơn 5 giờ
chiều, ở 56/3 đường Phương Sài, TP Nha Trang. Chị Yến đang bế cháu bé hai tháng
tuổi kháu khỉnh; mấy cô gái mang bầu đang ngồi chơi với các cháu bé; các cháu
đi học về ríu rít chào hỏi… Mình hỏi, chụp hình được không? Mấy cô mang bầu, cười
ngượng ngùng vội tránh ra…
– Cô Yến này, chú Phúc
nói chuyện nhiều rồi, giờ hỏi Cô đôi điều và chụp mấy tấm hình nhé. Khác hẳn với
bề ngoài của chồng, cô Yến người bầu bĩnh, trắng trẻo, nhẹ nhàng nói: vâng ạ.
– Các cháu nhỏ ở đây
đông, đùa nghịch ồn ào, có làm bà con khối phố kêu ca gì không?
– Dạ không! Bà con thương
lắm, ai có gì cũng đem cho. Bà con buôn bán ở chợ, còn hàng dư cũng đem cho để
chăm nuôi các con. Các con cũng biết, đứa lớn bảo đứa bé, không làm gì để người
lớn phiền lòng. Các con ngoan lắm mà…
Muộn rồi, để các con chuẩn
bị ăn bữa tối, vợ chồng mình ra về, lòng tràn ngập tình cảm thương mến, cảm phục
vợ chồng người thợ xây Phước Phúc. Phước Phúc một người thợ xây, thợ hồ thực thụ,
ngó qua có phần lam lũ, mà trí tuệ tinh tường, kỹ năng tinh xảo, tình người bao
la và tinh tế lạ thường.
Kim Chi bảo sẽ làm một
videoclip về câu chuyện “Đại Phước đức” này. Cứu một người phúc đẳng hà sa, mà ở
đây cứu sống mấy trăm con người và hơn 20 ngàn sinh linh nhỏ bé bị vứt bỏ, có
nơi an nghỉ tôn nghiêm, đẹp đẽ, yên bình.
___
Một số hình ảnh của tác giả Mạc Văn Trang:
No comments:
Post a Comment