Jackhammer
Nguyễn
15/06/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đã gây bão mạng, khi ngày 8/6/2020, ông Phúc nói rằng: “Trước đây, sau
1975, một thời gian dài, người ta nói: nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ
hết. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta
nói: nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam”.
Ngoài câu phát biểu đó, ông
Phúc còn đưa ra một con số vô cùng ấn tượng là “đã có hàng vạn người từ nước ngoài đăng ký về Việt Nam”!
Phản ứng của cư dân mạng, của báo chí tiếng Việt ở nước ngoài lớn đến nỗi nhà
nước Việt Nam phải gỡ bỏ những đoạn có phát biểu “gây sốc” đó xuống.
Trong rất nhiều lời chỉ
trích ông Phúc, có hai điểm chính: Thứ nhất là ông Phúc “lạc quan tếu”, nói
theo cách nói của những người cộng sản, có nghĩa là nói sai, lạc quan quá đáng.
Thứ hai, ông Phúc và các quan chức cộng sản nói chung, hay có những phát biểu
ngốc nghếch. Tôi thấy cả hai nội dung chỉ trích trên đều đúng.
Nhưng câu chuyện “cột điện”
của ông Phúc, trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay của Việt Nam, lại cho
tôi thêm một cái nhìn khác: Những người cộng sản rất tự tin và họ thật
sự đang kiểm soát gần 100 triệu người Việt Nam.
Trong phát biểu của ông
Phúc, ông có đặt một tiền đề bằng câu cửa miệng của người miền Nam, nhất là tại
các đô thị, trong nhiều năm sau năm 1975 về chuyện người dân vượt biển bỏ nước
ra đi.
Thời đó, ông Phúc chắn chắn
là một “cán bộ trẻ được qui hoạch” ở đâu đó vùng Quảng Nam, và ông Phúc cùng
các đồng chí của ông nghe và hiểu câu đó, hiểu tới mức vẫn nhớ nó sau mấy chục
năm. Điều đó chứng tỏ họ hoàn toàn hiểu những gì đang diễn ra trong dân chúng.
Xin nhắc lại, là vào thời
kỳ vượt biên đó, những người cộng sản từng tổ chức “bán bãi vượt biên”, rõ ràng
là một chủ trương của họ từ trên xuống. Chủ trương đó xuất phát từ sự hiểu biết
của họ về “nhu cầu” ra đi của một số đông dân chúng và hơn hết là muốn chiếm đoạt
của cải tài sản của bộ phận này một cách nhẹ nhàng.
Việc kiểm soát xã hội của
Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam nói riêng, các đảng cộng sản khác, nói chung, là một
bộ máy khổng lồ từ viên tổng bí thư cho đến sát vách nhà bạn, viên tổ trưởng tổ
dân phố. Việc kiểm soát này những tưởng đã bị internet và mạng xã hội làm lung
lay, nhưng những gì xảy ra trong những năm gần đây, cho thấy ĐCS đã dùng chính
trò chơi mạng xã hội, để kiểm soát xã hội mạnh hơn, theo các phương cách mới mẽ
hơn.
Sự kiểm soát được xã hội
tạo cho họ sự tự tin, sau một thời gian đầu hơi ngơ ngác khi tiếp xúc với
phương Tây từ giữa thập niên 1980 (năm 1986 họ quyết định giao thương với
phương Tây). Nếu chúng ta để ý thì thấy, bước sang thế kỷ 21, nhiều cán bộ cộng
sản cao cấp bắt đầu có những phát biểu thoải mái hơn, mang màu sắc mỵ dân kiểu
phương Tây hơn.
Những phát biểu đó khi
thì mang hơi hướng dân túy kiểu Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Bá Thanh, như ông Dũng
nói không có “hữu nghị viễn vông” khi nói về Trung Quốc, đánh vào
tâm lý chống Trung Quốc của đa số dân chúng Việt Nam, khi thì vẫn mang hơi hướng
chính thống cộng sản, như là Nguyễn Phú Trọng (Hiến pháp đứng thứ hai sau cương
lĩnh đảng). Kiểu của Nguyễn Xuân Phúc nằm trong nhóm thứ hai này.
Những phát biểu này dù khác
nhau về màu sắc như thế, nhưng đều có chung đặc điểm là sự tự tin của những người
phát biểu. Cách phát biểu cũng khác trước, khá đột ngột chứ không chuẩn bị trước
qua những bản sao y hệt nhau thời bao cấp. Cách dùng từ cũng dễ hiểu hơn, gần
gũi hơn với dân chúng.
Vài ngày sau khi lời phát
biểu của ông Phúc bị gỡ bỏ, người ta thấy người phó của ông là Vũ Đức Đam, có một
phát biểu hoàn toàn đồng nhất về nội dung, nhưng cách tu từ có khác đi. Ông Đam nói hôm 13/6: “Cuộc sống của người Việt Nam
hôm nay là mơ ước của nhiều nước”.
Ông Đam là một người được
phương Tây đào tạo. Ông lúc nào cũng nghiêm nghị, không bổ bã đầu nghiêng
nghiêng hay cười như ông Phúc, vì thế phong cách lời nói của hai ông cũng khác,
nhưng cả hai đều đang rất tự tin ở những phát biểu của mình.
Họ đang ở đỉnh cao của sự
tự tự tin vì họ chống dịch phổi Covid-19 thành công.
Họ tự tin vì họ cho rằng
họ đang kiểm soát được mọi thứ.
Họ tự tin khi hàng không
mẫu hạm Mỹ liên tục cặp cảng Đà Nẵng, siêu cường Hoa Kỳ đang cần họ trong cuộc
cạnh tranh chiến lược toàn cầu để chống Bắc Kinh.
Họ tự tin đến mức liên tục
bắt giữ những nhà hoạt động đối kháng và thực tế là họ không bị chỉ trích gì
đáng kể từ một thế giới đang quay cuồng với dịch bệnh, một siêu cường Hoa Kỳ vốn
luôn là ngọn đèn dân chủ thế giới, đang khốn đốn trong bàn tay bất tài của người
đứng đầu tòa Bạch Ốc.
Các chỉ trích câu nói
“gây sốc” của ông Phúc đến nhiều từ những nhà hoạt động đối kháng, chỉ trích cộc
lốc thẳng thừng có, văn hoa bóng bẩy có, nhưng có khi nào các vị ấy đặt câu hỏi:
Có bao nhiêu người Việt Nam trong 100 triệu người, đọc được, nghe được những chỉ
trích ông Phúc? Có bao nhiêu người Việt Nam lắng nghe câu nói của ông Phúc rồi
gật đầu đồng ý?
Tôi thấy rằng giới đối
kháng, giới vận động cho dân chủ Việt Nam cười ông Phúc cũng như các đồng chí của
ông khá nhiều, nhưng liệu các vị có nắm được, hiểu được xã hội Việt Nam hiện tại
như những người cộng sản? Nếu không, tôi e rằng các vị tự tin hơn cả ông Phúc.
No comments:
Post a Comment