(Chyện cũ, chợt nhớ, kể lại cho vui)
Nhân chuyện ông Lê Hiếu Đằng,
nhân vật nằm vùng nổi tiếng trong phong trào phản chiến thời Việt Nam Cộng Hoà,
đã nằm liệt trên giường bệnh rồi, đã thở hắt ra rồi, mà còn hô hào các đồng chí
của ông ta bỏ đảng (tất nhiên là đảng cộng sản), tôi xin hầu các bạn một chuyện
bỏ đảng theo cách hi hữu, xưa nay chưa từng có.
Chuyện bỏ đảng trước nay
vẫn có. Người ta chán thì người ta bỏ, chẳng có gì lạ. Nhưng đàng hoàng nói toạc
ra cái sự bỏ vì chán nó thì rách việc lắm – hành động ấy không khác gì bôi gio
trát trấu vào mặt đảng.
Việc ấy ắt làm cho đảng
cáu. Đảng mà đã cáu thì hậu quả khôn lường, người bỏ đảng sẽ lãnh đủ, đủ cái gì
thì chẳng cần giàu trí tưởng tượng cũng đoán ra.
Vì thế phần nhiều người
ta bỏ nó theo cách êm xuôi – ấy là khi chuyển công tác, hay chuyển chỗ ở (các
quan hay chữ gọi là chuyển địa bàn cư trú), đảng viên được cấp một tấm giấy gọi
là giấy chuyển sinh hoạt đảng để đảng viên tiếp tục được họp chi bộ ở nơi mới
chuyển đến.
Không trình giấy chuyển
sinh hoạt, bỏ bê không liên hệ với tổ chức đảng trong một thời gian nhất định
thì sẽ bị cắt sinh hoạt đảng (tức là không còn được coi là đảng viên nữa).
Ra khỏi đảng cách ấy là
việc mọi người thường làm. Bỏ thì bỏ, nhưng chớ dại mà lộ ra vì sao muốn bỏ để
bị đảng khai trừ. Người bị khai trừ đảng coi như có dấu nung đóng trên trán, sẽ
gặp lắm chuyện lôi thôi, nhất là với các ông bà cán bộ tổ chức, với công an, một
khi anh còn trong tuổi làm việc.
Ra thì ra, nhưng ra cách
nào cho êm là điều người ta phải tính kỹ. Tôi có anh bạn là đảng viên cộng sản,
người trẻ, nhưng tuổi đảng nhiều.
Anh này vào một ngày đẹp
trời bỗng dưng chán đảng. Anh chán các trò đảng lãnh đạo toàn diện, tức là bao
mọi mặt sinh hoạt xã hội, bắt từ ông già sắp xuống lỗ cho tới đứa trẻ mới đến
trường phải gia nhập các tổ chức do đảng bày ra. Ở trong đảng thì đảng viên phải
nhắm mắt chấp hành mọi nghị quyết từ trên ban xuống, cấm ho he, bất kể chúng là
thế nào, ngu xuẩn hay lẩm cẩm. Anh không chịu được cái lối gọi là cơ cấu các cấp
uỷ, tức là được “trên” sắp đặt sẵn, thậm chí trong các cuộc bầu cử Hội đồng
nhân dân hay bầu Quốc Hội thì cũng phải bố trí theo ý “trên” (nhớ phải gạch tên
cái thằng số 8, con mẹ số 9…đấy nhá).
Những chuyện đã thành nếp
như thế với người khác thì không sao, xưa nay vẫn thế, là trò ai cũng biết,
nhưng anh thì lại bực mình. Mới quyết định ra khỏi đảng.
Anh không viết đơn, mà gửi
cho chi bộ của anh một tuyên bố. Anh tuyên bố thế này:
“… Trước nay,
trong mọi việc tôi làm, trong mọi hành xử liên quan tới tư cách đảng viên, tôi
thường tự vấn: Tôi có xứng đáng với đảng không? Chưa bao giờ câu hỏi ngược được
đặt ra: Trong mọi việc đảng làm, đảng có xứng đáng với tôi không? Nay thì câu hỏi
ấy đã được đặt ra, và câu trả lời là: đảng không xứng đáng với tôi. Tôi ra.”
Anh cho tôi xem lá đơn, à
quên, bản tuyên bố ấy, trước khi gửi đi. Tôi băn khoăn:
– Thế này liệu có căng
quá không?
Anh đáp:
– Chuyện nó là thế thì
mình viết đúng thế, có gì mà quá!
Vụ này xảy ra đã lâu, vào
những năm 60 thế kỷ trước. Vào thời ấy, cách bỏ đảng không giống ai như thế là
chuyện động trời.
Tôi lo cho anh lắm. May,
anh không bị làm sao hết. Người ta nhận cái bản tuyên bố ấy, giấu biến nó đi,
nên không ai biết, lẳng lặng quên anh, cho anh muốn ra thì ra.
Tôi không biết anh còn
cho ai đọc nó nữa không, trừ tôi. Sau, tôi mới hỏi anh:
– Sao mà đối với anh đảng
tử tế thế?
Anh cười khì khì:
– Người ta cũng còn có
chút nể nang, ông ạ: Chả là khi ở Thái Lan, hồi ấy gọi là Xiêm La, mẹ tôi từng
nuôi Thầu Chín với bộ sậu của ông ta. Họ ăn dầm nằm dề ở nhà tôi, không phải cả
tháng, mà cả năm.
– Thầu Chín là ai vậy?
Anh trợn mắt:
– Là Hồ Chí Minh chứ còn
là ai! Anh đúng là thằng ngoài đảng. Chẳng biết cái chó gì hết.
No comments:
Post a Comment