Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa
23/06/2020
Một bộ phận người dân Hoa Kỳ đang nổi giận.
Trước tiên, họ giật sập tượng của các tướng lĩnh chính quyền miền Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ giai đoạn 1861 – 1865, vốn là những người mong muốn duy trì chế độ nô lệ.
Đây là một hành động mà ở mức độ nào đó, tôi có thể hiểu và cảm thông. Chưa đến hai trăm năm, nghĩa là chưa đến ba thế hệ. Ký ức về phân biệt chủng tộc và nạn mua bán sử dụng nô lệ, những bất công mà người da đen phải đối mặt cho đến tận giữa thế kỷ 20 vẫn còn rất mới mẻ. Những điều đó có lẽ hoàn toàn đủ để lý giải cho sự tức giận và tính biểu tượng của hành vi mà các nhóm biểu tình đang thể hiện.
Một số đập phá tượng đài của nhà hải hành nổi tiếng Christopher Columbus. Một quyết định, theo tôi, khá khó hiểu về mặt lịch sử. Columbus “tìm ra” châu Mỹ, hiển nhiên là dưới góc nhìn của người châu Âu, và bắt đầu công cuộc khai phá, thuộc địa hóa vùng đất trù phú này vào cuối thế kỷ 15. Đây là thời điểm mà các nguyên tắc pháp lý quốc tế như “quyền chinh phạt” (right to conquest) và nền kinh tế nô lệ vẫn còn được xem là lẽ thường. Khó mà sử dụng tiêu chuẩn ngày nay để lên án Columbus về những định kiến và cách hành xử mà ông cùng những người bạn châu Âu của ông đã làm.
Cho đến nay, nhiều người đã bắt đầu nhắm đến các bức tượng của những nhà lập quốc Hoa Kỳ lừng danh, như George Washington. Dù là một tướng lĩnh tài năng, một nhà tư tưởng lớn, là người có tầm ảnh hưởng nhất trong việc định hình nên vai trò của vị trí tổng thống Hoa Kỳ đương đại và cũng là một người không màng danh lợi (Washington từ chối nắm giữ vị trí tổng thống nhiệm kỳ thứ ba để nghỉ hưu sớm), cái tội tày trời của Washington là một điền chủ giàu có sử dụng nô lệ như nhiều điền chủ thời điểm đó. Các sử gia ghi nhận rằng Washington không thoải mái với việc sở hữu nô lệ, cũng như mong muốn Hoa Kỳ có thể loại bỏ định chế nô lệ hợp pháp trong tương lai. Ông cũng có hành động thực tế là trả tự do cho hơn 100 nô lệ ông đang sở hữu bằng di chúc của mình. Nhưng rõ ràng như vậy là chưa đủ đối với các nhóm biểu tình tại Hoa Kỳ hiện nay.
Tượng Christopher Columbus ở Tòa nhà Quốc hội bang Minnesota bị người biểu tình giật đổ, tháng 6/2020. Ảnh: Evan Frost | MPR News.
***
Bản thân tôi không đồng tình hoàn toàn với cách biểu hiện của các cuộc biểu tình đang diễn ra, đặc biệt nếu chúng nhắm vào các nhân vật lịch sử xa xưa như Columbus hay George Washington. Tôi không nghĩ rằng chúng thận trọng về mặt chính trị, tinh tường về mặt lịch sử hay sáng suốt về mặt đường lối.
Tuy nhiên, tôi hiểu lý do vì sao họ mong muốn thực hiện hành vi này.
Đến cuối cùng, các tượng đài, đền thờ hay các công trình tưởng niệm công cộng khác nhau được dựng nên đều nhằm xây dựng, quảng bá hay củng cố một niềm tin chính trị, lịch sử nào đó cụ thể. Chúng thường thể hiện sự tự hào chắc chắn của một cộng đồng (hoặc chí ít là của nhà cầm quyền) đối với một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử và rộng hơn, là một diễn ngôn chính trị bao trùm.
Trong nghiên cứu quan trọng và độc đáo của giáo sư sử học Helke Rausch (Đại học Freiberg – Đức) về chiến lược biểu trưng sự tiếp nhận của cộng đồng đối với các tượng đài, bà nhận thấy sự “lạm phát” tượng đài tại các thủ đô lớn của châu Âu tập trung chủ yếu vào giai đoạn thế kỷ 19. Từ năm 1848 đến năm 1914, Paris có thêm đến 78 tượng đài, London có 61 tượng đài và Berlin có 59 tượng đài. Và tất cả đều phục vụ cho các mục tiêu định hướng chính trị và lịch sử cụ thể.
Như bức tượng của vị vua Thập tự chinh Richard Đệ Nhất – “Trái tim sư tử” – sừng sững giữa sân của Điện Westminster đã hơn 150 năm, gốc gác là xây dựng tính quốc tế hóa và sự lãnh đạo “lâu đời” của Vương quốc Anh trong các phong trào liên lục địa. Từ đó, họ mong muốn lý giải cho sự thống trị của người Anh đối với các lãnh thổ thuộc địa trải dài khắp thế giới.
Hay tượng đài của Thánh Joan of Arc (một nữ binh nổi tiếng giai đoạn chiến tranh trăm năm với Anh 1337 – 1453), dựng ngay tại Paris’ Place des Pyramides vào năm 1874, cho đến nay luôn là một góc nổi tiếng của cuộc đua Tour de France mỗi năm. Mục tiêu thật sự của nó tại thời điểm được xây dựng, là tìm ra cách diễn giải khác cho các thất bại quân sự của nước Pháp dưới thời Napoleon, xây dựng hình ảnh của một nước Pháp kiên cường trước ngoại xâm, cùng lúc đó khẳng định vị thế của Khối liên hiệp Pháp với các lãnh thổ thuộc địa.
Vì bản chất chính trị gần như là thuần túy của hầu hết các tượng đài, đền điện, việc chúng trở thành đối tượng bị tấn công để thể hiện một thông điệp chính trị nhất định cũng là điều dễ hiểu.
Người viết cũng nhận ra rằng đây không phải lần đầu tiên các tượng đài bị giật sập hay phá bỏ trong lịch sử.
Chỉ vài năm trước đây thôi, người dân Ukraine giật đổ tượng Lenin và Friedrich Engels như là một lời phủ nhận các giá trị cộng sản mà họ đã từng bị cưỡng ép tiếp nhận.
Chính quyền Ba Lan dành hàng chục năm kể từ đầu thập niên 1990 để dỡ bỏ hoàn toàn hay di dời các tượng đài thời Soviet vào bảo tàng lịch sử. Cũng dưới dạng một lời khẳng định chính trị rằng họ không phủ nhận, nhưng cũng không muốn vinh danh hay ủng hộ các giá trị và tội ác người Nga đã thực hiện trên lãnh thổ Ba Lan.
Xa hơn nửa thế kỷ, chiến dịch “dọn dẹp” của người Đức còn mạnh mẽ hơn. Sách báo tuyên truyền chủ nghĩa Phát-xít bị rút khỏi thư viện. Báo đài Phát-xít bị đóng cửa. Mọi dấu tích vật lý dù là nhỏ nhất của Đế chế thứ Ba (The Third Reich) đều bị xóa bỏ.
Kể từ năm 1949, Cộng hòa Liên bang Đức hình sự hóa việc trưng bày công cộng dấu chữ thập ngoặc (swastikas) – biểu tượng của Đảng Quốc Xã. Họ phá hủy một cách có hệ thống các tượng đài và thậm chí là cho nổ những công trình kiến trúc mang phong cách Nazi. Kinh hoàng hơn, các tướng lĩnh, sĩ quan, quân nhân và quan chức dân sự Đức Quốc Xã sau khi chết vì nhiều lý do sẽ bị chôn tập thể, không được đề họ tên hay ghi nhận ngày tháng mất nhằm đảm đảm rằng mồ mả của những người này sẽ không thể trở thành nơi thờ phụng của những người còn cảm tình với Quốc Xã.
***
“Giật tượng” có lẽ vẫn còn là một thói quen còn nóng hổi trong ký ức người Việt.
Sau năm 1975, hàng loạt các tượng đài liên quan đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đều bị giật sập hay phá bỏ.
Thi thoảng, bạn có thể nghe người dân tại một số thành phố Nam Bộ như Mỹ Tho hay Cần Thơ nhắc về “Cầu đài chiến sĩ” hay “Đường đài chiến sĩ” dù bạn không thấy đài chiến sĩ nào ở đó. Thật ra đó là cách gọi quen thuộc của người dân đối với một số địa điểm có các tượng đài “Chiến sĩ trận vong” dưới thời Việt Nam Cộng hòa – ngày nay đã bị san bằng.
Hay tại Sài Gòn, các tượng đài như tượng đài Chiến sĩ Thủy quân Lục chiến tại đường Lê Lợi cũ, tượng đài “Chiến sĩ vô danh” ngã tư Hồng Bàng – Tổng Đốc Phương cũ… cũng là những nạn nhân đầu tiên của phong trào “giật tượng” ở Việt Nam.
Đường bị đổi tên. Và các tòa nhà, kiến trúc chính trị Việt Nam Cộng hòa cũng bị thay đổi mục đích sử dụng. Buồn cười hơn cả, con rùa trong hồ Con Rùa cũng bị phá bỏ.
Tượng con rùa ở hồ Con Rùa trước năm 1975. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Vậy trong tương lai, nếu có những thay đổi chính trị cơ bản tại Việt Nam, chúng ta lựa chọn cách tiếp cận như thế nào về tượng đài, về ký ức công cộng và về giá trị lịch sử của chúng?
Tượng đài tại Việt Nam đương đại đang được xây dựng một cách vô tội vạ. Đó là điều báo chí và các nhà quan sát lề phải cũng phải công nhận.
Gần chục năm trở lại đây, số lượng tượng đài và các công trình tưởng niệm công cộng lớn nhỏ được xây dựng khắp Việt Nam có lẽ đã lên đến hàng ngàn. Và giá trị của từng công trình có khi lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Công trình quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ở Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng, nhưng cho đến nay dường như vẫn còn dang dở, lộn xộn.
Một công trình nghìn tỷ khác là tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ dù vừa xây xong đã phải sửa chữa, tu dưỡng dài hạn cho đến tận hôm nay.
Ngoài ra là hằng hà sa số các tượng đài nhỏ, lẻ mọc lên khắp mọi nẻo đường Việt Nam với chi phí vài chục tỷ đồng là thấp nhất.
Nếu có một đặc trưng mà tôi cần đưa ra để so sánh các tượng đài được xây dựng tại Việt Nam một thập niên trở lại đây, với các tượng đài lịch sử mà người châu Âu hay châu Mỹ xây dựng từ thế kỷ 19 hay 20, đó chính là sự vô nghĩa lý của hầu hết các tượng đài này.
Dưới vỏ bọc “tưởng niệm” và “ghi ơn”, nhiều tượng đài được xây dựng chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu lãng phí có chủ đích của chính quyền trung ương lẫn địa phương. Rất nhanh chóng, khi mục tiêu tài chính đạt được (và nói thẳng ra ở đây là tham nhũng), các công trình này nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
Việc có sử dụng hay không, có phá hủy hay không những công trình như thế, thật ra không hề có bản chất hay thông điệp chính trị nào đằng sau. Vấn đề là của những người đi sau, là lợi ích và chi phí công bỏ ra để phá bỏ hay sử dụng chúng mà thôi.
Mặc khác theo người viết, đối với những nhân vật có khả năng gây tranh cãi (hoặc có thể trở thành các nhân vật gây tranh cãi trong tương lai) tại Việt Nam, việc dỡ bỏ hay phá hủy tượng đài của họ cũng sẽ không phục vụ được một lợi ích nào cụ thể cho những người muốn tháo dỡ, nhưng lại tạo ra một làn sóng cảm tình chính trị lớn hơn những diễn ngôn chính trị mong muốn bảo vệ bức tượng.
Thay vào đó, nhiều biện pháp trung hòa nhưng có sức nặng hơn rất đáng được xem xét.
Ví dụ, tại Sofia, Bulgaria, tượng đài các chiến sĩ Soviet được một nghệ sĩ nặc danh sơn lại bộ cánh của các… siêu anh hùng Hoa Kỳ. Bằng cách chỉnh sửa vài tiểu tiết của tác phẩm, chúng ta hoàn toàn có thể lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử mà tốt xấu thì khó ai có thể phân định, nhưng cùng lúc đó là kể thêm những câu chuyện khác, những giá trị khác.
Trong trường hợp của Sofia, tượng đài này thay vì bị tháo dỡ lại trở thành một địa điểm thú vị mà khách tham quan trong và ngoài nước thường ghé thăm. Câu chuyện được lưu giữ của người dân Sofia giờ bao gồm cả thời kỳ mà họ từng là một quốc gia cộng sản dưới sự đe nẹt của Liên Xô, nhưng sau đó, là dấu ấn quá trình dân chủ hóa cùng sự tự do bay bổng nghệ thuật kiểu Mỹ.
Một phương pháp khác, là bên cạnh những lăng tẩm, đền đài xưa cũ, thế hệ chính trị mới hoàn toàn có thể đặt bên cạnh chúng những công trình khác nhằm vinh danh một góc nhìn khác, một nhân vật khác và một câu chuyện khác, có thể hoàn toàn tương phản với mục tiêu ban đầu của những tượng đài cũ.
Bằng cách này, chúng ta với tư cách là người đi sau, có thể ghi nhớ cả hai câu chuyện, cả hai góc nhìn, như cách mà lịch sử nên được ghi nhớ.
Ở Florence, Alabama (Mỹ) có hàng loạt các đài tưởng niệm để ghi nhớ và tiếc thương các chiến sĩ miền Nam hy sinh trong Nội chiến Hoa Kỳ. Các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền khá thành công trong việc vận động chính quyền đặt bên cạnh đó những đài tưởng niệm liên quan đến Phong trào Dân quyền Hoa Kỳ, vốn thành công trong việc đặt dấu chấm hết cho thời kỳ phân tách sắc tộc ở quốc gia này trong thập niên 1960.
***
Sẽ thật khó để làm hài lòng mọi nhóm chính trị trong xã hội, đặc biệt khi môi trường thảo luận chính trị ngày càng mở và tự do. Và giật sập một tượng đài, hay phá hủy một tượng đài, không nhất thiết là làm thay đổi được cách nhìn, tư tưởng và sự tiềm ẩn của một lý tưởng chính trị âm ỉ trong dân chúng.
Đối với tượng đài, đền điện và các công trình mong muốn ghi nhớ ký ức, lịch sử của cộng đồng, cách tốt nhất là biến chúng thành nơi ghi nhớ của mọi ký ức, chứ không phải là nơi để chọn lọc ký ức nhằm làm lợi cho một diễn ngôn chính trị nào cụ thể.
Khi nào chúng ta còn xem lịch sử là công cụ, khi đó đền đài còn bị nhìn bằng con mắt hoài nghi.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment