Tuesday, 16 June 2020

GÁNH NẶNG TRÊN VAI NHỮNG NGƯỜI "CHỐNG ĐỐI" (Trịnh Hữu Long)





Phong trào xã hội nào cũng dễ bị tổn thương. Lý do vì lợi ích của các nhóm khác nhau trong xã hội thì khác nhau, mà một phong trào xã hội không bao giờ tránh được việc đấu tranh cho nhóm này nhưng lại làm tổn hại lợi ích của nhóm kia.

Lại có hiện tượng là sẽ có người lợi dụng phong trào đó để cướp bóc, làm loạn, hay có thể chính một số người của phong trào đó có những phát ngôn, hành động rất xấu xí, rất nhiều khi đi quá giới hạn hợp lý.

Tôi còn nhớ hồi biểu tình năm 2011, tôi và nhiều người khác lăn xả trên mọi chiến trường Facebook để bảo vệ người biểu tình (trong đó có tôi) khỏi những lời chỉ trích cay nghiệt của gần như mọi tầng lớp khác trong xã hội. Trớ trêu thay, nhiều lời chỉ trích trong đó nhắm vào những phát ngôn, hành động không được đẹp đẽ gì của người biểu tình, thứ mà một người có thể dễ dàng cảm thông nhưng người khác lại phán xét rất cay nghiệt (chứ không phải là phê phán có thành ý).

Những phán xét cay nghiệt đó đã đặt một gánh nặng khổng lồ lên vai những người biểu tình, rằng họ phải có nghĩa vụ trở thành những con người không tì vết, đẹp đẽ từ lời nói cho đến hành động. Chẳng ai trong chúng tôi hội đủ được những thứ đó. Nhiều người còn từng vào tù ra tội, nhiều người còn văng đủ các bộ phận cơ thể vào mặt người khác, v.v…

Gánh nặng đó khiến cho phong trào không lê bước nổi quá tuần thứ 11, trong khi nếu có đủ một tỷ lệ nhất định trong xã hội ủng hộ thì chúng tôi đã có thể hiện thực hóa được quyền biểu tình và ép chính quyền phải cứng rắn hơn với Trung Quốc ngay từ khi đó. Người ta đã soi những thứ xấu xí tủn mủn của chúng tôi và đè bẹp những giá trị to lớn đẹp đẽ mà một nhúm vài trăm người chúng tôi liều mình đấu tranh khi đó.

Đó chính là những ngày hè này, 9 năm về trước.

Vụ Đồng Tâm cũng chịu những phán xét cực kỳ cay nghiệt từ một bộ phận rất lớn trong công chúng, do nó có màu sắc bạo lực. Công chúng không cần biết bạo lực đó chính đáng đến đâu, họ sẽ rất dễ dàng phán xét những người thấp cổ bé họng mà chẳng cần phải cất công suy nghĩ xem thông tin họ đọc có chính xác hay không và bối cảnh sự việc như thế nào. Phán xét người dân thấp cổ bé họng thì vừa dễ dàng, vừa an toàn, có khi lại còn được khen.

Một nhóm bút mới thành lập, tên là “Bình dân Học vụ”, vừa ra mắt với bài viết đầu tiên trên Luật Khoa, với một cách tiếp cận rất mới mẻ: thảo luận về cách tư duy về các vấn đề chính trị.

Bài đầu tiên có tên “Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm”: bit.ly/2zxso8u


.
Xin có mấy ý kiến ngắn gọn như vầy với anh Long và LK:

(1) Những chỉ trích đó của ai và như thế nào mà được gọi là "phong trào xã hội" anh Long nhỉ? Liệu có thể chia người chỉ trích làm 2 nhóm: một, hưởng lợi khi chỉ trích, hai, dại khờ mà chỉ trích? Nhóm một thì khó mà bớt. Nhóm hai muốn bớt phải cho họ thêm thông tin, kiến thức, tức là giúp họ "giác ngộ cách mạng". "Bình dân Học vụ" (BDHV) của LK hình như viết là để cho mục đích này. Có phải không anh?

Nếu vậy có mấy góp ý nhỏ:

(i) Bạn đọc của LK, tin rằng ít có người thuộc nhóm hai, vậy LK đang viết cho ai đọc?

(ii) "Bình dân" có nghĩa là người dân bình thường. Tiếc là, theo đánh giá của cá nhân mình, cách viết của nhóm BDHV thì nhóm người như sinh viên luật, dân văn phòng đọc mới hiểu.

(iii) Người viết hình như học luật ở Mỹ, cho nên hay trích luật và tài liệu Mỹ. Cái này không sai, chỉ là viết cho "bình dân" Việt Nam thì luật Việt Nam không thiếu điều khoản hay tài liệu để mà phân tích, khi đó nội dung sẽ gần gũi hơn. Cách viết cũng vậy, thi thoảng chen vào cụm từ tiếng Anh, cũng được mà mình cũng thích, nhưng nên cân nhắc thêm có cần thiết không vì chắc chỉ nên thêm khi cụm từ tiếng Việt tương ứng không rõ nghĩa.

Cũng vậy, phán xét cay nghiệt về vụ Đồng Tâm là ai phán xét? Có phải mấy bác hưu trí, mấy bà nội trợ hay coi ti vi, chuyên nghe loa phường? Vậy thì họ quan tâm gì đến "tập cách tư duy" như là BDHV mong muốn? Ai mới là những người ta có nhiều khả năng thức tỉnh, gắn kết để rồi đạt "tỷ lệ nhất định trong xã hội ủng hộ" mà "có thể hiện thực hóa được quyền biểu tình"?

Tóm lại theo mình nội dung status của anh và bài đầu tiên của BDHV dường như không ăn nhập gì với nhau. Mình đánh giá cao nội dung bài viết của BDHV nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta xác định đối tượng người đọc là sinh viên luật, luật sư/luật gia trẻ, dân văn phòng. Có phải những người này đã "đặt một gánh nặng khổng lồ lên vai những người biểu tình"?

(2) Cũng nhân đây, nói luôn với anh, anh thấy đó ta đau vì bị chỉ trích và thấy áp lực khi người khác đòi hỏi quá cao về ta. Vậy những người đấu tranh như bác Chênh, bác Vinh, chị Thục Vy....có đau không khi ta (vội vã) gắn cho họ là "cuồng Trump" như họ sẽ ảnh hưởng đến tự do, dân chủ của Việt Nam? Có phải ta đang chỉ trích họ chỉ vì họ không nghĩ giống ta hay không? Có phải ta đang đặt lên họ những kỳ vọng họ là "những con người không tì vết, đẹp đẽ từ lời nói cho đến hành động"? Đó là chưa kể ta hiểu bao nhiêu về TT Trump, chính sách và tác động của ông ấy.

(3) Nói (1) và (2) cũng là để nhắn LK hãy "chọn trận mà đánh" (pick the battle). Và mình cũng đang đợi những đổi mới LK như đã nói trong Thư Tháng Tư vậy.

LK đang làm tốt trong việc phổ biến kiến thức cho nhiều người. Mong LK vững tay bút, thi thoảng anh chị em làm việc mệt quá thì nghỉ ngơi chút. Yêu thương nhiều thì kỳ vọng cũng nhiều.

Thân mến!
Trương Hữu Ngữ

.
ảm ơn anh! Xin trả lời ngắn gọn là độc giả rất rộng, không chỉ có hai nhóm như anh nói. Các nhóm trung dung, quan sát để chọn phe (một cách lặng lẽ) lớn hơn nhiều. Luật Khoa sẽ cố gắng xác định độc giả tốt hơn.






No comments:

Post a Comment

View My Stats