Thụy
My -
RFI
Đăng
ngày: 11/06/2020 - 15:44
Theo chuyên gia François Heisbourg, chủ nghĩa dân tộc
đang tăng lên ở Trung Quốc là nguy cơ thực sự. Trong các hồ sơ nóng, có Đài
Loan, Hồng Kông và Biển Đông, trong khi Mỹ luôn coi tự do hàng hải là lợi ích cốt
lõi. Đối với Hoa Kỳ, châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực chiến lược, châu Âu
thì không có cùng nhận định và tỏ ra ngây thơ trước Bắc Kinh. Tuy khó có một cuộc
chiến tranh trực diện, nhưng các xung đột khu vực ở Thái Bình Dương có thể xảy
ra.
Một phi cơ vận tải
chở khẩu trang từ Trung Quốc hạ cánh xuống phi trường Leigzig, Đức ngày
27/04/2020. Bắc Kinh vận dụng « ngoại giao khẩu trang » để làm áp lực với châu
Âu trong đại dịch virus corona. © REUTERS/Hannibal Hanschke
Trong cuốn « Thời
đại của loài thú ăn thịt », chuyên gia François Heisbourg
của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) và Quỹ Nghiên cứu Chiến lược
(FRS) phân tích sức mạnh tăng lên của Trung Quốc về thương mại, kỹ
nghệ, tài chính và cả chính trị. Sau khủng hoảng virus corona, ông dự báo Trung Quốc sẽ bành trướng
trong khu vực và trên thế giới. Sau đây là phần trả lời phỏng vấn của
tác giả François Heisbourg trên báo Le Figaro.
.
Ông coi Trung Quốc là
« siêu cường ». Cho dù là người chịu trách nhiệm về đại dịch
Covid-19, liệu Bắc Kinh có thể ra khỏi khủng hoảng với tư cách kẻ chiến thắng ?
Trung Quốc vừa trở thành
siêu cường gần đây thôi. Điều này có thể thấy được trong khả năng gây ảnh hưởng
đối với các sự kiện, và cả trong sự vụng về cực độ khi xử lý khủng hoảng. Đó là
một cái nghề mà Bắc Kinh vẫn chưa thành thạo, so với Liên Xô cũ, Mỹ hay Anh,
các nước này từng là bậc thầy thời họ còn ngự trị. Có thể thấy được qua
« ngoại giao khẩu trang », vừa khó thể chấp nhận lại vừa thảm hại.
Nhìn chung, Trung Quốc vất
vả khi khoác bộ áo mới. Về việc ra khỏi khủng hoảng với tư cách kẻ chiến thắng
hay không, tôi không thể phát biểu như vậy được. Trước hết, vì chính trị không
phải là đua ngựa. Nhưng nhất là vì tác động của Covid-19 về địa chính trị vẫn
chưa thể đo lường được.
Những gì chúng ta biết,
Trung Quốc là nước đầu tiên bước vào cuộc khủng hoảng dịch tễ và kinh tế này. Nếu
mọi việc ổn thỏa, nếu dự báo lạc quan nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là đúng, thì
Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1% trong năm 2020. Đỡ hơn là suy thoái, nhưng vấn đề
là quốc gia này đã thành công trong việc gầy dựng giai cấp trung lưu, giảm
nghèo và loại trừ thất nghiệp cơ cấu nhờ tỉ lệ tăng trưởng trên 6%, chưa bao giờ
dưới con số này từ thập niên 70.
Nếu xuống còn 1%, sẽ xảy
ra thất nghiệp. Năm 2021 sẽ còn khó khăn hơn đối với một nước lệ thuộc vào xuất
khẩu. Đó là vấn đề xã hội chủ chốt mà siêu cường này phải giải quyết. Cần biết
rằng tính chính danh của chế độ chính trị Trung Quốc dựa vào hai cột trụ :
lịch sử và hiệu năng kinh tế. Nếu cột trụ kinh tế không còn nữa, sẽ khó khăn đấy.
Không có bầu cử, không có
dân chủ, người dân không thể thay đổi chính phủ. Thế nên mọi đối lập đều trở
nên cực đoan. Ngược với hình ảnh mà người Pháp vẫn có, người Trung Quốc không
có tính kỷ luật, và tại nước này thường xuyên xảy ra các phong trào xã hội mà Bắc
Kinh đàn áp một cách hiệu quả. Đó là quốc gia duy nhất đã chi tiêu cho an ninh
trong nước cũng bằng ngoài nước.
Trung Quốc cộng sản sẽ phải
dựa vào cột trụ lịch sử, dân tộc chủ nghĩa. Người Trung Quốc có quyền hãnh diện
về những gì họ đạt được về kinh tế, xã hội và chiến lược, từ khi Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa được thành lập. Không khó khăn mấy để huy động lực lượng cho một
chương trình dân tộc chủ nghĩa, nhưng lại ẩn chứa mầm mống chiến tranh. Trung
Quốc đã trở thành một đại cường mạnh đến nỗi có thể bành trướng trong khu vực,
thậm chí trên thế giới, như Nhật Bản trong thập niên 30.
.
Đối với ông, Trung Quốc đã trở
thành hùm dữ và châu Âu là con mồi của nó ?
Vâng, tôi sẽ đưa ra hai
ví dụ. Trước tiên là ví dụ châu Âu. Cách đây năm năm, châu Âu coi Trung Quốc là
phiên bản rộng lớn hơn của Nhật Bản, trừ đi nhân quyền. Nhất là người Đức, nhìn
Trung Quốc một cách rất lý tưởng. Rồi cách đây ba năm, họ nhận ra rằng Bắc Kinh
đang bí mật nuốt chửng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức, nên bắt đầu phản ứng.
Nhưng cũng không ngăn được Trung Quốc tung ra một chiến dịch quy mô tại châu Âu
về 5G.
Đó là một chủ đề lớn giữa
châu Âu và Trung Quốc trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, với Hoa Vi (Huawei)
đang mua tất cả các tổ chức vận động hành lang ở Paris để tiêu thụ hàng của họ.
Vấn đề là 5G sẽ cơ cấu lại nền kinh tế tương lai, ai kiểm soát mạng 5G sẽ kiểm
soát nền kinh tế. Và Trung Quốc đưa vào bằng cách vừa nhử mồi vừa đe dọa : « Các
vị không dùng 5G của chúng tôi, thì đừng có ngạc nhiên khi chúng tôi không mua
xe hơi của các vị nữa ».
Ví dụ khác là số nợ mà
Trung Quốc cho các nước mới trỗi dậy vay. Bắc Kinh cho vay mà không đặt ra điều
kiện về chính trị đối với tất cả các nước, kể cả các chế độ độc tài không thể
được các cường quốc khác hỗ trợ về tài chính. Đó là trường hợp châu Phi, châu Á
và vùng Balkan. Với cuộc khủng hoảng virus corona, các nước bị ảnh hưởng nhiều
nhất quay sang G20 xin xóa nợ. Trong khi châu Âu đáp ứng, thì Trung Quốc nhất định
thu nợ. Đó là thái độ của động vật ăn thịt, cũng như châu Âu đã xử sự hồi thế kỷ
19.
.
Virus corona đã bộc lộ sự lệ
thuộc của châu Âu đối với Trung Quốc ?
Có hai vấn đề : toàn cầu
hóa và Trung Quốc. Từ đầu thập niên 80, Bắc Kinh đã quyết định bám vào toàn cầu
hóa vừa khai sinh, đó là chính sách « giấu mặt » của Đặng Tiểu Bình.
Nhờ không gây chú ý, Trung Quốc lợi dụng toàn cầu hóa để trở thành một quốc gia
kỹ nghệ hiện đại. GDP của Trung Quốc tăng lên gấp 30 lần trong vòng 40 năm qua.
Một sự phát triển thần kỳ chưa từng thấy trong lịch sử.
Trung Quốc trở thành
trung tâm của toàn cầu hóa, với chuỗi hoạt động sản xuất xuyên lục địa và các yếu
tố sản xuất được phân bổ theo lợi nhuận cao nhất. Tất nhiên Bắc Kinh không quan
tâm đến việc phát thải khí CO2 và hâm nóng khí hậu, khiến các công ty châu Âu,
trước các tiêu chuẩn ngày càng siết chặt, đã « phá giá » sinh thái ở
Trung Quốc.
·
Đọc thêm: Bước ngoặt của châu Âu : Đối đầu với Trung Quốc
Kết quả là chúng ta có những
chuỗi hoạt động sản xuất lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Sự thức tỉnh trong
lãnh vực dịch tễ là đặc biệt phũ phàng, vì châu Âu bỗng phát hiện là không còn
sản xuất ra khẩu trang lẫn dược phẩm trên lãnh thổ mình. Nhưng điều này có hai
chiều : sự lệ thuộc là hết sức khó chịu đối với chúng ta, nhưng Trung Quốc
cũng lệ thuộc vào xuất khẩu.
.
Ông thậm chí còn muốn nói rằng
Trung Quốc âm mưu sáp nhập châu Âu vào đế quốc của mình…
Con đường tơ lụa mới kết
thúc ở châu Âu. Khi nhìn vào bản đồ Trung Quốc, thị trường châu Âu vốn là thị
trường chính của thế giới, là điểm đến của « Nhất đới, nhất lộ ».
Trung Quốc là một thị trường khép kín. Có thể thấy sự bất xứng về thế giới mạng :
đại sứ quán Trung Quốc có thể lăng mạ chúng ta trên tài khoản Twitter của họ ở
Pháp nhưng ngược lại thì không, vì Twittter bị cấm tại Trung Quốc. Google và
Facebook cũng vậy, trong khi Nga không cấm. Như vậy Trung Quốc bảo vệ lợi
ích kinh tế của họ, nhưng lại lợi dụng sự mở cửa của các nước khác.
.
Về thương mại, Hoa Kỳ và nhất
là tổng thống Donald Trump đã sớm nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc…
Đối với Hoa Kỳ, châu
Á-Thái Bình Dương là một khu vực chiến lược, nhưng châu Âu không coi như vậy. Với
châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương là chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc, với các đồng
minh Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, và một cách đặc biệt là Đài Loan. Ông
Obama có ý « xoay trục sang châu Á » năm 2011, tuyên
bố Hoa Kỳ phải dấn mạnh về Thái Bình Dương để chận bớt sức mạnh đang lên của
Trung Quốc. Nhưng chủ trương này chỉ dừng lại ở ngôn từ, vì Mỹ phải đối mặt với
tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông rồi đến vụ Ukraina.
Trong lãnh vực thương mại,
thách thức chính của Mỹ là Trung Quốc. Và vì Bắc Kinh chơi trò thâu tóm ở Hoa Kỳ
cũng như đối với châu Âu, ông Donald Trump đã phản ứng. Ông chỉ trích sự bất xứng
trong lãnh vực kỹ thuật số, trong bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng lại không muốn tấn công
Trung Quốc với sự phối hợp của châu Âu.
Nếu bị Âu-Mỹ cùng tiến công,
Bắc Kinh sẽ rất vất vả. Khi Emmanuel Macron chính thức thăm Washington tháng
4/2018, tổng thống Pháp chờ đợi thương lượng với ông Trump về hiệp ước nguyên tử
Iran, cũng như đối phó với Trung Quốc về thương mại, bên cạnh đồng minh Đức.
Nhưng tổng thống Mỹ không quan tâm, và viết tweet rằng Đức « cũng
là đối thủ như Trung Quốc nhưng nhỏ hơn ».
.
Trong cuốn Chiếc Bẫy
Thucydide, tác giả Mỹ Graham Allison dự báo một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc. Ông có tin vào điều đó không ?
Nguy cơ thực sự là chủ
nghĩa dân tộc đang tăng lên ở Trung Quốc. Hãy nhìn những gì diễn ra với Đài
Loan, nước đã cảnh báo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới về dịch corona ở Hoa lục. Hiểu
được tầm quan trọng của nó, Đài Loan đã tập trung đối phó với con virus và đã
thành công trong khi vẫn tôn trọng dân chủ. Đài Loan, một « Trung Quốc nhỏ »
đã chứng tỏ cho Trung Quốc lớn làm thế nào một nền dân chủ của người Hoa có thể
xử lý một đại dịch. Tôi không nghĩ rằng điều này làm Bắc Kinh vui vẻ được.
Đối với Trung Quốc, vấn đề
Đài Loan lại trở nên gay gắt, nhất là sau khi Bắc Kinh chà đạp lên quyền tự trị
của Hồng Kông. Bên cạnh đó là vấn đề Biển Đông, nơi phân nửa lượng thương mại
hàng hải thế giới phải đi qua. Trong khi đó Hoa Kỳ luôn coi tự do hàng hải là lợi
ích cốt lõi. Như vậy rất có thể có những tính toán sai lầm.
Tôi không cho rằng sẽ có
một cuộc chiến tranh trực diện, nhưng các xung đột khu vực giới hạn ở Thái Bình
Dương có thể xảy ra. Giả thiết của tác giả Graham Allison không phải là không
có lý.
No comments:
Post a Comment