21/06/20
Một liên minh quốc tế dân chủ mới sẽ hình thành
trong đó sẽ không cần vai trò lãnh đạo áp đảo. Các quyết định chung sẽ không
khó khi đã có đồng thuận cao trên những giá trị nền tảng. Liên minh này sẽ đặt
ra và bảo đảm một trật tự dân chủ mới. Áp lực dân chủ hóa trên các chế độ độc
tài còn lại sẽ rất mãnh liệt, mọi kháng cự đều sẽ vô ích và tuyệt vọng.
Tại Đại hội Đại biểu
nhân dân toàn quốc (Quốc hội) ngày 24/05/2020, ngoại trưởng Vương Nghị đã lên
tiếng cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc đang đứng bên bờ một cuộc chiến tranh lạnh
mới.
Ngày 24/05/2020, tại Đại
hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
đã lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc đang đứng bên bờ một cuộc chiến
tranh lạnh mới. Vương Nghị đã chỉ lặp lại một cách long trọng và nghiêm trọng
điều mà rất nhiều chính trị gia, nhà bình luận và nhà báo đã liên tục nói đến từ
nhiều tháng nay, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Vài ngày sau đến lượt Tập
Cận Bình đến Quốc hội Trung Quốc dẫn đầu phái đoàn quân đội, như để nhắc nhở rằng
ông trước hết là một tổng tư lệnh trong một tình trạng nghiêm trọng để tuyên bố
rằng quân đội Trung Quốc cần được tăng cường. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc
được dự trù tăng thêm 7,5% dù kinh tế Trung Quốc đang nguy ngập. Người ta càng
có lý do để tin rằng sắp có một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng có thực như vậy
không ?
Không thể có chiến
tranh dù nóng hay lạnh
Câu hỏi đầu tiên cần được
đặt ra là tại sao lại "chiến tranh lạnh" thay vì "chiến tranh
nóng", nghĩa là chiến tranh Mỹ Trung thực sự ? Câu trả lời là vì cả Mỹ lẫn
Trung Quốc đều là những siêu cường nguyên tử và một cuộc chiến tranh nóng có mọi
nguy cơ biến thành chiến tranh nguyên tử với hậu quả là thế giới bị tiêu diệt.
Như vậy tối đa chỉ có thể có chiến tranh lạnh.
Nhưng chiến tranh lạnh là
gì ? Đó là một thuật ngữ được chế tạo ra sau Thế chiến II để chỉ cuộc xung
đột ý thức hệ giữa hai phe tư bản và cộng sản. Nó gồm hai thành tố. Thứ
nhất là một tranh đua tuyên truyền và thuyết phục trong đó mỗi phe đề cao lý tưởng
chính trị của mình đồng thời tố giác những sai lầm và tội ác của đối phương. Thứ
hai, cụ thể và quan trọng hơn, là một loạt những cuộc nội chiến khốc liệt diễn
ra trong một số quốc gia giữa các lực lượng cộng sản và chống cộng. Hai nước
quan thày Mỹ và Liên Xô (với Trung Quốc phần nào đứng đàng sau) không trực tiếp
giao chiến mà chỉ giao chiến qua trung gian các đàn em mà họ hỗ trợ. Đó là chiến
tranh ủy nhiệm. Hai bên giành nhau từng nước một. Các cuộc nội chiến dai dẳng
đã diễn ra tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Afghanistan, Nepal,
Angola, Ethiopia, Colombia, Bolivia, Nicaragua và nhiều nước khác. Tại
Indonesia năm 1965 cuộc đảo chính của quân đội -tiếp theo và phản công lại cuộc
đảo chính của Đảng cộng sản- đã khiến gần một triệu đảng viên cộng sản bị tàn
sát trong vòng không đầy một tháng. Trong các quốc gia xấu số này, chiến tranh
không lạnh chút nào mà rất nóng. Người Việt Nam chúng ta biết rõ hơn mọi dân tộc
khác tai họa của của cuộc "chiến tranh lạnh" này. Cuộc nội chiến Việt
Nam đã là cuộc nội chiến dài nhất -30 năm- với sáu triệu người chết và một lượng
bom đạn được sử dụng tương đương với toàn bộ Thế chiến II.
Hiểu như vậy thì không thể
có chiến tranh lạnh trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Trước hết là vì không hề
có chiến tranh ý thức hệ. Trung Quốc chỉ gượng gạo tuyên bố trung thành với chủ
nghĩa Mác – Lênin vì không tìm ra một lý do thuyết phục nào khác để biện minh
cho chế độ độc đảng chứ hoàn toàn không có ý định truyền bá nó sang bất cứ nước
nào. Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa biết chủ nghĩa cộng sản vừa
sai vừa độc hại nhưng họ không thể vất bỏ nó mà không làm Trung Quốc tan vỡ. Điều
quan trọng nhất cần biết về Trung Quốc là nó không phải là một quốc gia mà là một
đế quốc, mỗi tỉnh của Trung Quốc trên thực tế là một nước. Cho tới nay, trong
suốt dòng lịch sử hơn 2.200 năm, sự thống nhất của Trung Quốc đã chỉ được duy
trì, hoặc phục hồi, bằng bạo lực. Khổng giáo và văn bản tân trang của nó, chủ
nghĩa cộng sản, đã là ý thức hệ biện minh cho bạo lực đó. Từ bỏ chủ nghĩa cộng
sản đồng nghĩa với từ bỏ bạo lực như là phương thức bảo đảm sự thống nhất với hậu
quả gần như chắc chắn là Trung Quốc sẽ tan vỡ thành nhiều khối. Bắc Kinh chưa
dám bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không phải không muốn bỏ (có lúc họ đã muốn mượn
danh nghĩa phục hồi Khổng giáo để đẩy dần chủ nghĩa cộng sản vào quên lãng) nên
họ không còn lý do nào để muốn truyền bá nó.
Sự lao đầu cuồng
nhiệt vào chủ nghĩa tân phóng khoáng đã khiến nền dân chủ Mỹ tích lũy mâu thuẫn
để dần dần mất nội dung.
Ngược lại, Hoa Kỳ cũng
không còn tham vọng giành thắng lợi cho cho dân chủ trên thế giới. Kể từ 1992,
khi Bill Clinton lên cầm quyền với khẩu hiệu Economy, stupid ! (chỉ
làm kinh tế !), đấu tranh cho dân chủ không còn là quan tâm của Mỹ.
Sự lao đầu cuồng nhiệt
vào chủ nghĩa tân phóng khoáng (neoliberalism) đã khiến nền
dân chủ Mỹ tích lũy mâu thuẫn để dần dần mất nội dung. Theo chính các thống kê
của Mỹ, trong 30 năm qua số 1% người giầu nhất đã giầu thêm 21.000 tỷ USD trong
khi 50% những người Mỹ thuộc "nửa dưới" đã nghèo đi 900 tỷ USD ; thu
nhập của 20% những người giầu nhất hiện đã gần bằng 9 lần thu nhập của 20% nghèo
nhất và đang tiếp tục tăng lên. Chênh lệch giầu nghèo quá lố đã đẻ ra vô số tật
bệnh.
Một trong những tiến bộ lớn
nhất về tư tưởng của thế giới văn minh là nhận thức rằng, bắt đầu từ một mức độ
phát triển nào đó, sức khỏe của một quốc gia không chỉ đơn thuần là tỷ lệ tăng
trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và chỉ số chứng khoán mà còn tùy thuộc nhiều
tiêu chuẩn khác, như chênh lệch giầu nghèo, giáo dục cho tuổi trẻ, tuổi thọ
trung bình, khả năng thăng tiến trong một xã hội linh động, sự tin tưởng lẫn nhau
giữa những con người, tỷ lệ người tự tử, tỷ lệ người phạm pháp, tỷ lệ người có
vấn đề sức khỏe hoặc tâm thần v.v. Trên tất cả những tiêu chuẩn này, Mỹ đứng cuối
bảng trong số các nước phát triển.
Đồng tiền đang khóa tay tự
do, tài chính đang thống trị dân chủ. Không một người nào có thể trở thành tổng
thống Mỹ nếu không phải là tỷ phú hay được các thế lực tài chính yểm trợ. Thí dụ
gần đây nhất là ba ngày trước đây, ngày 18/06/2020, ban vận động tranh cử của
ông Joe Biden đã cho chiếu trên một số đài truyền hình tại sáu Swing
States, nghĩa là các bang cởi mở có thể bầu cho bất cứ ứng cử viên tổng thống
nào hợp ý mình dù thuộc đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, một video dài đúng một
phút. Họ đã phải trả 15 triệu USD. Họ sẽ còn phải phổ biến hàng chục video như
vậy trong 50 bang. Joe Biden không phải là tỷ phú cũng không phải là triệu phú,
nhưng ông đã có thể tranh cử vì được tài trợ. Các nghị sĩ và dân biểu cũng chỉ
có thể đắc cử hoặc tái đắc cử nếu được tài trợ và họ dành 2/3 thời giờ làm việc
cho các công ty và ngân hàng.
Chế độ dân chủ Mỹ không
còn là một nền dân chủ đúng nghĩa. Gọi nó là mà một chế độ "dân chủ
tài phiệt" cũng không quá đáng. Chưa đến nỗi "đảng cử dân bầu"
như trong các chế độ cộng sản nhưng, trừ một vài ngoại lệ, cũng là "tài
phiệt có chọn dân mới được bầu". Ngay trong lúc này việc một người da đen,
George Floyd, bị chết vì hành động hung bạo dã man của một toán cảnh sát đã chỉ
có thể làm nổ bùng hàng trăm cuộc biểu tình phản đối khắp nơi bởi vì xã hội Mỹ
cần được xét lại. George Floyd chỉ là giọt nước làm tràn ly. Nền dân chủ của Mỹ
đang quá bệnh hoạn để có thể được lấy làm một mẫu mực, quá bối rối để có thể có
tham vọng xuất khẩu sang các nước khác.
Trên thế giới hiện nay
cũng không hề có một cuộc nội chiến ý thức hệ nào, chỉ có những cuộc chiến khủng
bố của một vài phần tử Hồi giáo quá khích mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều lên án.
Mặt khác, cả Mỹ lẫn Trung
Quốc đều không hề có một cố gắng nào để tranh thủ đồng minh và mở rộng ảnh hưởng
để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu. Donald Trump gây sự với tất cả các đồng minh
truyền thống và còn bị khinh ghét hơn cả Tập Cận Bình ngay trong các nước dân
chủ. Mỹ không những không tranh giành mà còn từ chối vai trò lãnh đạo thế giới
qua những hành động co cụm như rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Tổ
chức Văn hóa Giáo dục Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Thỏa ước Hợp tác
xuyên Thái Bình Dương TPP, Thỏa ước Khí hậu COP21 v.v. Mỹ rút lui ngay cả khỏi
những địa bàn chiến lược rất quan trọng đã giành được và không tốn kém bao
nhiêu để duy trì như Iraq, Afghanistan và ngay cả Châu Âu. Mỹ hoàn toàn không
còn tham vọng mở rộng ảnh hưởng. Donald Trump chỉ là thành quả của một khuynh
hướng co cụm lại của Mỹ đã khá rõ rệt từ lâu. Economy, stupid cũng
không khác America first về nội dung.
Trung Quốc đang có
dấu hiệu co cụm lại để cố thủ - Ảnh minh họa Vạn Lý Trường Thành
Còn Trung Quốc ? Một cách
có vẻ rất vô lý, chính quyền Tập Cận Bình tự nhiên trắng trợn thách thức thế giới
bằng cách tung ra luật an ninh mới cho Hồng Kông, phủ nhận cam kết cho Hồng
Kông hưởng quy chế "một quốc gia hai chế độ" đồng thời gia tăng đàn
áp các cuộc biểu tình ôn hòa. Thái độ ngoại giao của Trung Quốc cũng đột ngột
thay đổi. Các nhà ngoại giao Trung Quốc bỗng nhiên trở thành hung hăng, đồng loạt
đưa ra những lời tuyên bố khiêu khích xấc xược gần như với tất cả mọi nước. Nếu
Trung Quốc thực sự muốn giành ngôi vị số 1 của Mỹ, họ đã không ứng xử như vậy.
Đây là dấu hiệu của của chính sách co cụm lại để cố thủ, không khác một người
chửi tất cả hàng xóm trước khi đóng cửa lại. Trong một số bài viết về Trung Quốc
trước Covid-19, tôi đã nhận định rằng Bắc Kinh không có chọn lựa nào khác. Mô hình
kinh tế xã hội của Trung Quốc đã tích lũy đủ mâu thuẫn và đã đến lúc sắp phá sản
(1). Đại dịch Covid-19 đã chỉ giáng một đòn ân huệ trên một bệnh nhân đã kiệt
quệ.
Điều mà nhiều người
cho là một nguy cơ chiến tranh lạnh mới sẽ chỉ chủ yếu là một cuộc chiến tranh
ngôn ngữ, hay nói một cách nôm na là một cuộc đấu võ mồm giữa hai ê-kíp Donald
Trump và Tập Cận Bình.
Tuy vậy tình trạng căng
thẳng Mỹ Trung là có thực. Lý do là vì cả Donald Trump và Tập Cận Bình đều đang
rất cần một kẻ thù bên ngoài để xoa dịu những nhức nhối bên trong.
Tại Mỹ hy vọng tái đắc cử
của Donald Trump gần như không còn gì ; ông đã tự lố bịch hóa trong cách quản
lý dịch Covid-19 sau một chuỗi những sai phạm phơi bày một con người vô học vừa
bất tài vừa bất lương. Chống Trung Quốc là lá bài duy nhất còn lại để cố bám lấy
một hy vọng tái đắc cử rất mỏng manh.
Tại Trung Quốc, chính
sách kinh tế phiêu lưu và giấc mộng vĩ cuồng sau khi giúp Tập Cận Bình trèo lên
tột đỉnh của quyền lực đã dần dần phơi bày sự tuyệt vọng ngay trước cả dịch
Covid-19. Sự chống đối ngày càng mạnh lên, Tập Cận Bình cũng rất cần một kẻ thù
bên ngoài để đoàn kết bên trong.
Sự căng thẳng này sẽ đưa
đến hậu quả nào ? Một cuộc chiến tranh nóng toàn diện và thực sự thì dĩ nhiên
là không vì sẽ đưa đến chiến tranh nguyên tử mà cả hai bên đều không muốn và
không dám. Một cuộc chiến tranh giới hạn trong vũ khí quy ước ? Cũng không, bởi
vì đó sẽ chỉ có thể là cuộc đụng độ giữa hải quân và không quân, nhưng trong cả
hai binh chủng này so sánh lực lương quá chênh lệch. Mỹ mạnh hơn hẳn nhưng
không muốn, bằng cớ là đã rút lui ngay cả khỏi các mặt trận dễ dàng hơn nhiều
như Syria, Iraq và Afghanistan. Còn Trung Quốc thì dĩ nhiên là không dám. Cùng
lắm là một vài khiêu khích trên Biển Đông. Cuộc đấu Mỹ Trung thực sự đáng nói
là cuộc đấu để tranh giành khách hàng cho mạng Internet 5G, trong đó Trung Quốc
không có hy vọng nào.
Như thế, điều mà nhiều
người cho là một nguy cơ chiến tranh lạnh mới sẽ chỉ chủ yếu là một cuộc chiến
tranh ngôn ngữ, hay nói một cách nôm na là một cuộc đấu võ mồm giữa hai ê-kíp
Donald Trump và Tập Cận Bình. Nó sẽ không kéo dài bởi vì có mọi triển vọng
Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng trong vài tháng nữa và Tập Cận Bình cũng bắt đầu
chao đảo. Muốn chửi nhau phải có hai người, ở đây một người sắp ra đi và một
người đang đóng cửa để rút vào trong nhà.
Tiến tới một trật
tự dân chủ mới
Cuộc khẩu chiến chắc chắn
sẽ bớt ồn ào cuối năm nay cùng với giai đoạn Donald Trump nhưng không phải vì
thế mà hai bên bớt kình địch. Giai đoạn hợp tác hậu chiến tranh lạnh đã cáo
chung. Mỹ, Châu Âu, Nhật và các nước dân chủ nói chung đều đã nhận ra rằng sự
kiện Trung Quốc mạnh lên trong khi vẫn duy trì chế độ độc tài đảng trị -và hơn
thế nữa còn liên tục tăng cường quân lực- là một đe dọa lớn cho hòa bình thế giới.
Các công ty đã bắt đầu rời các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ năm 2013
với nhịp độ ngày càng gia tăng. Cùng một thời điểm, chính quyền Obama đã
"chuyển trục" về Châu Á và thúc đẩy việc thành lập Khối Hợp Tác Xuyên
Thái Bình Dương (TPP) mà mục đích không giấu giếm là để cô lập Trung Quốc.
Joe Biden không phải là một
thiên tài nhưng là một chính trị gia đầy kinh nghiệm vươn lên từ giai cấp trung
lưu. Ông hiểu xã hội Mỹ và đặc biệt là cũng hiểu biết tình hình thế giới sau mười
năm làm chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng Viện và tám năm làm phó tổng thống,
khác với mọi tổng thống Mỹ từ trước đến nay. Ông hiểu là nước Mỹ cần hòa giải với
thế giới dân chủ song song với một cố gắng lớn để hòa giải người Mỹ với nhau
sau những đổ vỡ lớn do Donald Trump gây ra. Hiện tượng Donald Trump đã báo động
rằng mô hình chính trị và xã hội Mỹ có rất nhiều tật bệnh cần được chữa trị để
nền dân chủ lành mạnh và chân chính hơn, trong một thế giới văn minh hơn. Thực
tế đang chứng tỏ nước Mỹ đã hiểu phải làm gì.
Liên đới xã hội và
khả năng thành công đồng đều cho mọi người phải được
nâng lên thành những giá trị nền tảng nhất.
Đó là bắt đầu ngay một
cách quả quyết cố gắng liên tục mà các nước Tây Âu và Bắc Âu đã làm từ ba phần
tư thế kỷ nay và vẫn tiếp tục làm. Đã đến lúc Mỹ và các nước dân chủ khác cũng
phải làm và làm mạnh hơn. Để dân chủ có một nội dung phong phú hơn, ngang tầm với
đòi hỏi của một chặng đường văn minh mới. Người dân không phải chỉ cần có quyền
mà còn cần phải có phương tiện để hành xử quyền, không phải chỉ có những quyền
không bị mà phải có ngày càng nhiều hơn những quyền được có trong
Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập. Chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) phải
khiêm tốn hơn, chênh lệch giầu nghèo phải bị giảm bớt. Liên đới xã hội và khả
năng thành công đồng đều cho mọi người phải được nâng lên thành những giá trị nền
tảng nhất. Sự thành công của một quốc gia không thể chỉ được đánh giá qua tỷ lệ
tăng trưởng và chỉ số chứng khoán.
Trên đồng thuận dân chủ mới
đó, một liên minh quốc tế dân chủ mới sẽ hình thành trong đó sẽ
không cần vai trò lãnh đạo áp đảo. Các quyết định chung sẽ không khó khi đã có
đồng thuận cao trên những giá trị nền tảng. Liên minh này sẽ đặt ra và bảo đảm
một trật tự dân chủ mới. Áp lực dân chủ hóa trên các chế độ độc
tài còn lại sẽ rất mãnh liệt, mọi kháng cự đều sẽ vô ích và tuyệt vọng. Đấu
tranh cho dân chủ và nhân quyền sẽ không cần sự bảo trợ của một cường quốc nào
mà sẽ là vấn đề riêng của mỗi dân tộc được sự thúc đẩy của cả một làn sóng dân
chủ toàn cầu mới, làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới.
Trung Quốc sẽ không thể
và cũng không dám chống lại trật tự dân chủ mới này. Chính sách co cụm lại để cố
thủ cũng sẽ nhanh chóng mất hiệu lực trong một thế giới mà bất cứ biến cố nào xảy
ra ở nơi nào cũng lập tức được biết bởi mọi người. Trung Quốc không phải là một
quốc gia mà là một đế quốc và một đế quốc chỉ tồn tại được trên một ý thức hệ
chung. Ý thức hệ cộng sản không còn lý do tồn tại thì Trung Quốc cũng không thể
tồn tại với lãnh thổ và dân số hiện nay. Trật tự dân chủ mới này sẽ khiến chế độ
cộng sản Trung Quốc sụp đổ mà không cần chiến tranh và Trung Quốc sẽ tự nhiên
tách thành một vài liên bang, mỗi liên bang quy tụ một số tỉnh.
Việt Nam sẽ ra sao
trong trật tự thế giới mới này ?
Ban lãnh đạo cộng sản đã
lấy một chọn lựa đúng khi quyết định tách khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc để sáp
lại với thế giới dân chủ, bởi vì Trung Quốc không còn là một chỗ dựa mà còn có
thể là một vạ lây, nhưng họ lại không đủ sáng suốt để nhìn ra tương lai tất yếu
và tìm ra giải pháp dân chủ hóa. Những thảo luận về Đại hội đảng thứ 13 sắp tới
cho thấy trí tưởng tượng của họ chỉ dừng lại ở sự tìm kiếm một phương thức để
kéo dài cơn hấp hối của chế độ. Chính do sự tăm tối đó mà sẽ không có một tương
lai nào cho Đảng cộng sản.
Ngược lại vẫn có tương
lai cho mọi người cộng sản, bởi vì hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ phải là chính
sách cốt lõi và triệt để của đất nước trong giai đoạn sắp tới. Mọi người Việt
Nam yêu nước và sáng suốt đều đã hiểu rằng phải hàn gắn những vết thương cũ mà
không gây ra những vết thương mới, phải động viên mọi khối óc và mọi cánh tay của
mọi người Việt Nam bình đẳng và anh em trong cố gắng chung để đất nước vươn
lên.
Nguyễn Gia Kiểng
(21/06/2020)
----------------------------
No comments:
Post a Comment