Wednesday, 17 June 2020

BIỂU TÌNH MỸ, BIỂU TÌNH HONG KONG - VÀ NHỮNG BẾ TẮC CHƯA LỐI THOÁT (Tina Hà Giang - BBC)




Tina Hà Giang
BBC News Tiếng Việt
17/06/2020

Việc ban Hong Kong BBC chuẩn bị loạt bài kỷ niệm một năm biểu tình phản đối luật dẫn độ của người dân Hong Kong khiến tôi nhớ lại chuyến công tác ngắn ở đây lúc biểu tình lên cao độ, và không khỏi so sánh biểu tình ở đây với biểu tình ở Mỹ.

Phóng viên BBC News Tiếng Việt giữa biển người biểu tình Hong Kong hôm 16/6/2019

Trong khoảnh khắc, trong tôi cơn gió Hong Kong thổi bay đi cái nóng thiêu đốt của hình ảnh George Floyd, bảng hiệu Black Lives Matter được giơ cao khắp trên nước Mỹ, và khúc phim ám ảnh với cảnh người đàn ông da đen tuyệt vọng van nài 'tôi không thở được' khi bị đầu gối của một cảnh sát da trắng chẹn vào cổ cho đến khi không còn thở được.

Hong Kong. Thành phố của hàng triệu trái tim thôi thúc với quyết tâm bảo vệ sự tự chủ họ thấy đang sắp mất đi.

Hong Kong. Nơi trong suốt hơn một năm qua, người khát khao dân chủ khắp nơi trên thế giới hướng về.

Ký ức cuộc tuần hành 2 triệu người hôm 16/6/2019, khi gần 30% dân số Hong Kong xuống đường đấu tranh cho tương lai của thành phố như liều thuốc an thần xoa dịu bớt cảm giác xốn xang vì các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd đang hừng hực ở Mỹ.

Dòng người khổng lồ nối chân nhau qua đường phố đông đúc. Những khẩu hiệu được hô vang nhịp nhàng và mạnh mẽ. Đoàn người lúc bước nhanh, khi phải khựng lại cả 15 phút trước các ngã tư. Các thanh niên đứng trên bục cao vẫy cờ ra hiệu điều khiển dòng chuyển động của biển người.

Giữa rừng cờ và băng rôn phất phới, nam nữ học sinh sinh viên tay cầm khẩu hiệu đi cạnh những gia đình, cha mẹ dẫn theo con nhỏ năm ba tuổi, có người đeo con chưa biết đi trên lưng.

Những em bé ngây thơ tay cầm biểu ngữ nhỏ xíu, tung tăng bước theo cha mẹ hồn nhiên như rong chơi trong công viên.

Người đẩy xe chở nước, thức ăn, tã cho con đi cạnh những bác lớn tuổi ngồi trên xe lăn, hai tay tự đẩy mình đi, mặt nhễ nhại mồ hôi, niềm tin trong mắt sáng ngời.

Tuần hành phản đối luật dẫn độ có thu hút 2 triệu người tham dự. REUTERS

Sau vài tháng đấu tranh không đạt kết quả mong muốn, một số người biểu tình Hong Kong bắt đầu có quan điểm khá cứng rắn. Họ mặt đồ đen, đeo mặt nạ để che giấu danh tính và đụng độ trực diện với cảnh sát. Điều này đã tạo nên một vòng xoáy bạo lực sau các cuộc biểu tình vốn đã diễn ra tương đối ôn hòa. AFP

Hòa mình vào dòng người trong phút giây lịch sử ấy, tôi thỉnh thoảng nhờ một người đi bên cạnh dịch hộ những câu khẩu hiệu đang được hô vang trời.

"Bad for Hong Kong, bad for Hong Kong...", người đàn ông đứng tuổi đi bên trái giải thích bằng thứ tiếng Anh không sõi khi đoàn người vừa hô to "hủy bỏ, huỷ bỏ" (dự luật), theo sau với ''từ chức, từ chức''.

Họ đang đòi chính quyền Hong Kong hủy bỏ dự luật dẫn độ và đòi bà Carrie Lam từ chức.

"Bao nhiêu người xuống đường thế này, có ai bạo động đâu, đường phố có rác rưởi gì đâu, thấy không?" Một người khác cạnh tôi phân bua sau khi dịch câu đám đông la lớn "học sinh không bạo động.''

Trước đó ít lâu cảnh sát Hong Kong đã cáo buộc học sinh đi biểu tình dùng bạo lực.
Người Hong Kong sau này cũng nhiều lúc đã sử dụng bạo lực khi tuần hành ôn hòa mãi không giúp họ đạt kết quả mong muốn. Nhưng cuộc tuần hành 2 triệu người hôm ấy mãi sẽ được nhắc đến như một biểu tượng đẹp của đấu tranh bất bạo động.

Khác với biểu tình để giữ quyền tự trị của Hong Kong, biểu tình đòi công l‎‎ý cho George Floyd tại Mỹ biến thành bạo động gần như ngay lập tức.

Người biểu tình dơ cao chân dung của George Floyd ở Manhattan, New York hôm 14/6/2020. IRA L. BLACK - CORBIS/GETTY IMAGES

Biểu tình chống tàn bạo của cảnh sát tại West Hollywood, California hôm 14/6/2020 . MARK RALSTON/GETTY IMAGES

Cảnh sát đứng trước hàng rào chắn trước Nhà Trắng trong cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát thành phố Minneapolis ở Washington, DC ngày 31/5/2020. SAMUEL CORUM/GETTY IMAGES

Bùng nổ tại Minneapolis trưa 26/5 sau cái chết của George Floyd tối 25/5, chiều hôm đó đồn cảnh sát ở Minneapolis đã bị đốt cháy.

Đến 27/5, biểu tình chống sự tàn bạo của cảnh sát lan sang các thành phố khác của Mỹ, gồm Memphis, Tennessee, Los Angeles, California và Louisville, Kentucky, nơi phụ nữ da đen Breonna Taylor 26 tuổi bị cảnh sát da trắng giết chết nhiều tháng trước đó.

Cướp bóc và hỏa hoạn xảy ra ở một số khu vực của thành phố Minneapolis và nhiều thành phố khác khi phong trào biểu tình lan rộng, dù có nhiều nơi biểu tình rất ôn hòa.
Còn nhớ sáng sớm hôm đó ngủ dậy, đọc tin và xem phim về sự tàn phá của những cuộc biểu tình đầy hành động quá khích mà tôi ngỡ ngàng, không còn nhận ra đất nước mình từ lâu đã nhận là quê hương.

Ở Mỹ thỉnh thoảng tôi cũng đi biểu tình, dù chưa bao giờ tham dự một tuần hành 2 triệu người như ở Hong Kong.

Mỹ lâu lâu cũng có những cuộc bạo động, nhưng thường chỉ xảy ra ở một vài địa phương. Tuy thế, hình ảnh những cuộc xuống đường ôn hòa tiêu biểu với hàng trăm ngàn người tham dự như Woman March 2017, March for Our Lives 2018, luôn nhắc nhớ tôi rằng mình đang sống ở một đất nước tự do, dân chủ, an bình, trật tự và quyền tự do phát biểu được tôn trọng.

Điều gì đang xảy ra ở Mỹ? Tôi ngơ ngác tự hỏi.

Nhiều người da trắng tham dự phong trào Black Lives Matter trên khắp nước Mỹ. ERIK MCGREGOR/GETTY IMAGES

Đàn áp báo chí

Ở Hong Kong khi biểu tình kéo dài, thỉnh thoảng cũng có tin một số nhà báo bị hành hung, nhưng tình trạng đàn áp báo giới tại Mỹ xảy ra ngay lập tức và với cường độ mạnh hơn.

Những khúc phim quay bằng điện thoại di động được truyền tải rộng rãi cho thấy nhiều nhà báo tường trình biểu tình Black Lives Matter trong mấy tuần qua đã bị cảnh sát ngang nhiên đối xử tàn bạo ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Phóng viên Ed Ou của NBC bị đánh khiến mặt bê bết máu, phóng viên Carolyn Cole của Los Angeles Times bị thương ở mắt, và tệ hơn nữa, như phóng viên ảnh tự do Linda Tirado bị đánh vào mặt, khiến một mắt bà bị hỏng không thể chữa được, và còn nhiều người nữa.

Phóng viên Ed Ou của NBC bị đánh khiến mặt bê bết máu hôm 30/5/2020 khi tường trình biểu tình tại Minneapolis, Minnesota. CHANDAN KHANNA/GETTY IMAGES

Phóng viên ảnh tự do Linda Tirado bị đánh vào mặt khiến một mắt của bà bị hỏng không thể chữa được. LINDA TIRADO

Chưa thấy thống kê về số nhà báo đã bị tấn công trực tiếp khi tường trình biểu tình Hong Kong.

Một người bạn làm báo của tôi tại Mỹ cả quyết là số nhà báo Mỹ bị hành hung trong thời gian ba tuần nhiều hơn nhà báo tường trình biểu tình Hong Kong trong suốt một năm qua.

Anh lý giải là với một tổng thống công khai bày tỏ sự thù ghét giới làm báo, thì khó trách những cảnh sát có khuynh hướng như vậy.

''Ông Trump không chỉ gọi báo giới là ''kẻ thù của nhân dân'' mà còn liên tục gửi Tweets cáo buộc biểu tình bùng nổ tại Mỹ hiện giờ là lỗi của báo giới mà ông gọi là 'Lamestream Media'. Chưa bao giờ làm báo ở Mỹ mà nguy hiểm như bây giờ.'' Anh nói.

Không có thống kê nên tôi không thể phản bác anh.

Chỉ biết Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết kể từ khi họ bắt đầu theo dõi ngày 26/5, đã có báo cáo về hơn 280 vụ vi phạm tự do báo chí trên khắp Hoa Kỳ. Tính đến ngày 13/6, nhóm Theo dõi Tự do Báo chí Hoa Kỳ cho biết đã đếm được hơn 380 vi phạm, nhiều hơn chỉ trong một tuần so với tổng số 150 cho cả năm 2019.

Cảnh sát ngang nhiên tấn công báo giới ở nơi quyền tự do báo chí là là quyền hiến định, ở quốc gia từ trước đến nay vẫn được mệnh danh là nơi soi sáng ngọn đèn dân chủ thế giới?

Thật không thể tưởng tượng nổi!

Chới với với với tin người cùng nghề với mình bị hành hung vô cớ, tôi bỗng thấm thía cụm từ ''tai nạn nghề nghiệp,'' rồi chợt nhận ra là thương tích thể chất không phải là tai nạn nghề nghiệp duy nhất.

Trầm cảm vì tuyệt vọng với những gì đang xảy ra xung quanh cũng là một loại tai nạn.

ể trấn an, tôi thử tìm hiểu xem biểu tình ở hai nơi giống và khác nhau điểm gì?

Phản ứng thế giới

Cả hai biểu tình cùng được thế giới nhiệt liệt ủng hộ.

Lãnh đạo khắp nơi ủng hộ người biểu tình Hong Kong bằng cách yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chính sách ''một quốc gia, hai hệ thống'' như đã cam kết. Nhưng cuộc chiến bảo vệ sự tự trị là của riêng người Hong Kong, người dân các nước khác trừ Đài Loan không thể tham dự.

Mặt khác, rất ít lãnh đạo thế giới lên tiếng ủng hộ biểu tình Hoa Kỳ, nhưng phong trào Black Lives Matter lại được người dân nhiều nước hậu thuẫn.

Biểu tình lan nhanh ra hơn 700 tỉnh và thành phố trên khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ, và cả thế giới: Pháp, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Nam Hàn, Úc, Liberia và Switzerland…

Thay vì lên tiếng, người dân các nước ủng hộ biểu tình Hoa Kỳ bằng cách xuống đường tại nơi họ sống, vì bản thân họ cũng là nạn nhân của nạn kỳ thị chủng tộc kéo dài hàng trăm năm, tạo bất bình đẳng sức khỏe, xã hội và kinh tế, giữa lúc họ còn đang điêu đứng vì đại dịch.

Phản ứng nội địa

Người dân hai nơi cùng ủng hộ biểu tình.

Một cuộc khảo sát do South China Morning Post thực hiện sáu tháng sau khi biểu tình Hong Kong nổ ra cho thấy gần 80% (trong số gần 1.000 người được hỏi) ủng hộ biểu tình và bi quan về tương lai của thành phố tự trị. Tỷ lệ gần 30% dân Hong Kong tham dự cuộc tuần hành hôm 16/6/2019 ủng hộ kết quả khảo sát này.

Biểu tình đòi công lý cho người da đen và phản đối sự tàn bạo của cảnh sát được rất nhiều người da trắng tham dự để bày tỏ sự đồng cảm. Theo cuộc thăm dò của 1.004 người Mỹ do Reuters công bố hôm 2/6, hầu hết người Mỹ thông cảm với sự phất uẫn của người da đen cũng như không tán thành phản ứng của Donald Trump trước tình trạng bất ổn.

Thái độ chính quyền hai nơi cũng khá giống nhau.

Nếu Donald Trump gọi những người biểu tình là "côn đồ", cáo buộc "các nhóm có tổ chức" đứng đằng sau bạo lực, và tuyên bố rằng những kẻ đứng sau tình trạng bất ổn là "khủng bố trong nước" thì Bắc Kinh cũng làm gần như vậy.

Khác nhau ở chỗ Bắc Kinh cáo buộc (thế lực bên ngoài) Hoa Kỳ sách động biểu tình Hong Kong.

Quan trọng hơn, Tập Cận Bình chỉ mới đưa quân đến đóng ở Thâm Quyến để hù dọa, còn Donald Trump thì mang quân đội vào tận Washington DC và đàn áp người biểu tình ngay gần Nhà Trắng, một hành động bị dư luận cho là đổ dầu vào lửa, khiến biểu tình bùng nổ nhanh hơn.

Kỳ thị chủng tộc và người Việt

Điều đáng chú ý là đa số người Việt, cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại, không mấy ủng hộ biểu tình của Black Lives Matter. Nhiều người lên tiếng dè bỉu dân da đen, cho họ là thành phần cùng đinh, bất hảo trong xã hội, và nếu có bị chèn cổ chết như George Floyd ''thì cũng đáng thôi.''

Phản ứng này làm tôi cảm thấy vô cùng bất an.

Hồi còn là sinh viên nghèo, cách đây mấy chục năm, tôi và người thân phải đi thuê nhà ở một khu chung cư gần trường. Nơi đây giá tương đối rẻ, vì khu này cả quản lý lẫn người ở thuê toàn là người da đen.

Thú thật, lúc mới dọn vào nhìn họ tôi cũng hơi ''sợ,'' nhưng ít tiền thì phải chịu vậy. Vả lại tôi nghĩ mình là học sinh nghèo, chắc chẳng có gì để cho ai cướp.

Một lần đi học về tối, đi bộ từ bến xe bus về nhà, tôi bị một người đàn ông giật bóp và xô ngã. Đang đau chưa đứng dậy được thì một cậu bé từ đâu đó chạy lại ân cần đỡ tôi lên và hỏi có cần giúp đỡ gì không.

Người đàn ông xô tôi ngã da trắng, và cậu bé đỡ tôi lên da đen.

Trước đó, hồi còn phải làm việc trong xưởng may toàn người da đen ở Richmond, Virginia, tôi cũng từng ngồi cạnh những người phụ nữ làm việc cần cù, và hết lòng giúp đỡ tôi, nhân viên mới lơ ngơ bước vào.

Một người thân của tôi, trong khi đó, tình cờ lái xe lạc vào một khu da đen với chiếc xe mui trần mới mua đã bị một thanh niên da đen dí dao cổ vào cướp tiền.

Giống dân nào cũng có kẻ xấu người tốt, nhưng tội ác thường cao hơn ở những khu nghèo, nhiều thống kê cho thấy như vậy.

Rất may cũng có một số người Việt thế hệ trẻ cảm thấy bất nhẫn và thương cảm khi nhìn cảnh George Floyd bị xiết cổ đến ngộp thở. Có em tham dự biểu tình, rồi bị người da trắng đánh và xô ngã. Có em chia sẻ tâm tư trên những bài viết tỏ sự ủng hộ phong trào Black Lives Matter trên Facebook. Em khác vẽ logo của phong trào này lên mũ đội ngày ra trường.

Tôi không rõ điều gì khiến một người biết thương cảm cho hoàn cảnh của người kém may mắn hơn mình, và điều gì khiến người khác lạnh lùng lên án họ. Có thể là kiến thức lịch sử?

Nhưng kỳ thị chủng tộc và người Việt là một đề tài lớn, vượt quá khuôn khổ bài viết này.

Lý do biểu tình và bạo động

Động cơ biểu tình của hai nơi hoàn toàn khác nhau, và đây là lý do then chốt tại sao bạo động bùng phát rất nhanh tại Mỹ.

Người Hong Kong biểu tình để chủ động ngăn ngừa một nguy cơ sắp xảy ra. Họ muốn bảo vệ thể chế dân chủ đang có bằng cách đòi chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh tôn trọng chính sách ''một quốc gia, hai hệ thống'' mong duy trì sự tự trị.

Biểu tình Hong Kong bắt đầu xảy ra từ đầu tháng Ba 2019, khi dự luật dẫn độ ra đời trong tháng Hai, và cho đến đầu tháng Bảy, sau bốn tháng biểu tình ròng rã không mang lại kết quả, người biểu tình mới bắt đầu sử dụng bạo lực.

Ngược lại, biểu tình của phong trào Black Lives Matter ở Mỹ là phản ứng để bảo vệ sự sống còn của người da đen, nạn nhân nhiều đời của sự kỳ thị đã hiện hữu hàng trăm năm, và sự tàn bạo có hệ thống của cảnh sát, cũng đã kéo dài tại Mỹ với lịch sử cảnh sát ở nước này được thành lập với mục đích chính để kiềm chế người nô lệ.

Cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát chỉ là thùng dầu đổ vào những ngọn lửa phẫn uất dữ dội đã âm ỉ nhiều năm trong cộng đồng người da đen khắp nơi trên Hoa Kỳ, và cả trên thế giới, như chúng ta đã thấy.

Một cuộc thăm dò cho thấy 55% người Mỹ tin rằng bạo lực của cảnh sát là một vấn đề lớn, trong khi 58% cho rằng phân biệt chủng tộc là một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay. Một cuộc thăm dò khác cho thấy hai phần ba người Mỹ tin rằng đất nước của họ đang đi sai hướng.

Viễn ảnh tương lai

Phong trào biểu tình Black Lives Matter tại Hoa Kỳ những ngày gần đây có vẻ đang ôn hòa hơn, vì nhiều chính quyền địa phương đã và đang tìm cách đưa ra những biện pháp cải cách cảnh sát, nhưng nạn kỳ thị chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát là những vấn nạn khó có thể giải quyết ở cấp địa phương, mà cần có sự quan tâm của chính quyền liên bang.

Bạo động và cướp bóc là điều không ai ủng hộ.

Nhưng nếu chỉ tập trung vào các hành vi bạo lực này thì e rằng chúng ta đang phê phán hiện tượng mà quên không nhìn vào cội rễ của vấn đề.

Tại Hoa Kỳ, sự bần cùng hóa và yếu tố kinh tế xã hội trong một xã hội đầy bất công chủng tộc, cộng với lịch sử lạm dụng bạo lực lâu dài của các cơ quan hành pháp, nhất là với dân da màu, nếu không được giải quyết rốt ráo, sẽ nuôi mãi ngọn lửa bất mãn trong lòng nạn nhân.

Khi con người phải trải qua hay chứng kiến quá nhiều đau đớn và đau khổ, thất vọng và chấn thương - sự công bằng bị từ chối và nhân tính bị tước đoạt, cảm giác bất lực và vô vọng xâm chiếm, thì khi có dịp họ sẽ vùng lên để tự giải quyết vấn đề, lấy lại quyền kiểm soát, dù chỉ trong khoảnh khắc, qua việc sử dụng bạo lực.

Còn tại Hong Kong? Khi luật an ninh Trung Quốc hoàn toàn được áp dụng tại đây, Hong Kong sẽ biến thành một phần của Trung Quốc đại lục, sẽ rất khó hình dung những cuộc biểu tình lớn hàng trăm ngàn người như chúng ta đã từng thấy và thán phục.

Có ánh sáng nào cuối đường hầm không cho Hong Kong và Hoa Kỳ?

Bầu trời lúc này dường như còn rất âm u. Nhưng sau cơn mưa trời lại sáng. Tôi đành phải tin như vậy.

------------------------

Tin liên quan
.
.
.
.
.
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats