Nguyễn
Viết Công
01/06/2020
Biển Đông dậy sóng và làm
nóng các mặt báo. Các tin tức cho thấy căng thẳng ngày một leo thang. Thường Bộ
trưởng* thăm và úy lạo binh sĩ ở biên giới Trung – Việt là tin mới nhất. Việt
Nam muốn hòa bình. Trung Quốc cũng muốn hòa bình và … biển đảo. Cái khó của người
Việt là phải giữ gìn cả hai.
Trong chuỗi mắt xích Nhật
Bản, Philippines và Việt Nam thì Việt Nam là mắt xích yếu nhất. Thân cô, thế
cô, không một nơi nương tựa thực sự. Dĩ nhiên Trung Quốc thấy rõ và đã lựa chọn
mắt xích này. Không những thế, họ đã chớp được một cơ hội không thể tốt hơn:
Nga mở rộng lãnh thổ và đang chịu sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu, nay đang
nhìn về Trung Quốc như là phao cứu sinh. Và khi biển Đông nóng lên, Nga im lặng
rồi cũng nói đôi lời vu vơ vô thưởng vô phạt cho qua chuyện. Đồng minh thân thiết
năm xưa nay đang phải lo cho thân mình và ve vuốt Bắc Kinh ngõ hầu vượt qua cơn
bĩ cực.
Trong khi đó, những khác
biệt về chính trị với Việt Nam đã ngăn Mỹ có những phản ứng mạnh mẽ hơn là sự
bày tỏ quan ngại, phản đối mọi hành vi hung hăng, khiêu khích. Mặt khác, Mỹ có
quá nhiều lợi ích ở thị trường Trung Quốc rộng lớn còn Việt Nam thì lại chẳng
có một vai trò gì rõ ràng trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Trung Quốc ngày một leo
thang, số lượng tàu quân sự cứ tăng dần. Tin tức thật giả về động thái điều
binh ở biên giới Trung – Việt của Bắc Kinh chủ yếu nhằm “rung cây nhát khỉ” là
chính. Trên bộ ranh giới đã phân, cột mốc đã cắm. Nhiều khả năng nóng ở đâu sẽ
động binh ở đó, vả lại, động binh ở vùng tranh chấp dù sao cũng ít trắng trợn
hơn. Việc xua quân qua biên giới “dạy” cho Việt Nam một bài học nữa để rồi lại
rút quân về mà chẳng thu lượm được gì không phải là điều Trung Quốc muốn. Động
binh và có chút gì đó để đem về là điều Bắc Kinh đang toan tính. Thế thì Biển
Đông mà cụ thể là các đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ là mục tiêu. Nóng từ giàn
khoan HD- 981 mà lan sang Trường Sa thì quả là rất gần.
Việt Nam cần phải làm gì? Mỹ không phải là đồng minh, lợi ích của họ ở
đất nước này quá nhỏ bé. Còn Nga, như trên đã nói, có cũng như không. Nếu như
năm 1979, Bắc Kinh phải vội vàng rút quân khỏi Việt Nam bởi độ 1 triệu quân Xô
viết đã được triển khai bên kia sông Amur thì nay Nga Trung đang thuở mặn nồng
(cho dù là mặn nồng có tính thời vụ). Đến cả ủng hộ bằng lời nói cũng không nốt.
Mà Nga, qua sự kiện Crimea, đang phải ve vuốt Bắc Kinh, thì còn có thể nói được
gì nữa đây? Vì thế cái sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc có gì là lạ?
Một cuộc chiến với Trung
Quốc sẽ là đại họa. Cần phải thấu hiểu rằng: cái thời lấy yếu thắng mạnh, lấy
ít địch nhiều đã xa, xa lắm rồi. Thời chiến tranh hiện đại, vệ tinh quân sự
luôn theo dõi sát sao từ trên không, rồi tên lửa tầm xa, lực lượng không quân
chiến lược, tàu sân bay, tàu đổ bộ, tàu ngầm tối tân, vũ khí điện từ… sẽ không
cho phép vua tôi nhà Trần thời nay tạm lánh về nơi hiểm yếu tính kế lâu dài như
thời chống quân Nguyên được nữa.
Quay trở lại chuyện giàn
khoan.Trong khi Trung Quốc toan tính đã từ lâu, họ như cọp luôn rình rập chờ cơ
hội, thì có vẻ như Hà Nội hơi bị bất ngờ. Dường như các nhà lãnh đạo của nước
này có ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ thiện chí với Việt Nam hơn Philippines và hy
vọng sự chân thành của mình được đền đáp (Việt Nam chân thành đến độ quên mất
bài học nỏ thần, phái hai tàu hộ vệ tên lửa hiện đại bậc nhất là Lý Thái Tổ và Đinh
Tiên Hoàng thăm Trung Quốc năm ngoái, năm kia). Việc Ngoại trưởng Phạm Bình
Minh bày tỏ sự sứt mẻ niềm tin minh chứng cho việc này.
Trung Quốc có thể sẽ động
binh như họ đã từng, nhưng sẽ như họ nói, chỉ dạy cho Việt Nam bài học (nhân thể
vơ thêm các đảo của Việt Nam ở Trường Sa). Một nước Việt Nam suy yếu đến mức lực
lượng quân đội, cảnh sát khó có thể kiểm soát được tình hình quốc nội để rồi có
thể sụp đổ và cuối cùng, các lực lượng dân chủ thân phương Tây và Mỹ trỗi dậy,
trở về là điều Bắc Kinh không hề mong chờ.
Một khi thấm nhuần: giá
trị của nghệ thuật chiến tranh lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí
nhân thay cường bạo đã trở thành quá vãng thì nay cách bảo vệ dân tộc vẹn toàn
là kiềm chế để không có cớ cho Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự. Một lần nữa
phải nhắc lại rằng: thời của châu chấu đá xe đã qua mất rồi. Ở Điện Biên Phủ,
Việt Minh đã thắng Pháp. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người Pháp
cũng sẽ thua trận, nếu họ tập trung toàn bộ binh lực của quân đội Pháp đối đầu với
Việt Minh. Tại Điện Biên Phủ Việt Minh đã thắng vì ở chiến trường này quân của
tướng Giáp mạnh hơn binh lực Pháp đồn trú tại đây xét trên nhiều phương diện.
Còn chuyện Việt Nam và Mỹ thì hơi khác. Điều này còn tùy thuộc góc nhìn. Người
Mỹ không nghĩ rằng họ đã thua và đương nhiên họ có cái lý của mình. Có một sự
thật mà nhiều người không muốn biết, đó là tình cảnh múa gậy trong bị của
chính quyền Hoa Kỳ qua nhiều đời Tổng thống. Thật khó hình dung, dù lạc quan tếu
cách mấy, là nếu xảy ra chiến tranh tổng lực giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì người
Mỹ lại thua!
Vì vậy nếu xảy ra chiến sự,
kịch bản tệ nhất có thể phải chấp nhận là chỉ giữ được lãnh thổ và hòa bình
trên đất liền, tạm thời thoái lui trước giấc mộng bá vương của gã khổng lồ tham
lam. Bây giờ phải tính kế lâu dài theo kiểu khác.
Một câu hỏi không thể
không đặt ra là: vì sao Trung Quốc dám hung hăng? Vì một Trung Quốc nuôi mộng
bá quyền suốt 5000 năm lịch sử đã trỗi dậy và lớn mạnh? Họ Tập cho rằng không cần
phải ẩn mình chờ thời như đã từng. Đã đến lúc phục cái hận cuối triều Thanh!
Hàng loạt chính sách mở rộng tầm ảnh hưởng, tạo vị thế mới cũng như khẳng định
sức mạnh quân sự ở miền biên viễn và biển đảo dồn dập được tung ra. Biển Đông
chỉ là một trong nhiều điểm nóng. Việt Nam cần phải làm gì?
Có ba nhóm việc Việt Nam
cần phải làm hoặc góp sức làm:
Một: Giảm dần giao thương, hợp tác đầu tư, vay vốn… với Trung Quốc đến mức
không đáng kể nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế, chính trị. Tìm kiếm các đối
tác, thị trường khác nhằm thay thế và cân bằng lại. Kiên trì đấu tranh trên cả
hai mặt trận: ngoại giao và pháp lý. Cung cấp cho người dân Trung Quốc những
thông tin trung thực cần thiết, bóc trần sự dối trá trong sách báo Trung Quốc.
Chúng ta cần phải thức tỉnh người dân Trung Quốc bằng cách chỉ ra rằng điều nghịch
lý nước nhỏ chèn ép, gây sự, bắt nạt, khiêu
khích, quấy rối nước lớn chỉ có trên miệng lưỡi của người
phát ngôn và truyền thông của nước họ. Việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế
là phương án “nhất tiễn hạ song điêu”. Một mặt đây là lựa chọn phù hợp với thế
và lực của một nước nhỏ, phù hợp với cơ sở pháp lý quốc tế và nhằm buộc Trung
Quốc phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam thông qua con đường pháp lý, sau khi
đấu tranh ngoại giao không đem lại kết quả. Mặt khác bằng cách kiện Trung Quốc
chúng ta lôi kéo sự chú ý của người dân nước này, làm cho họ phải tự đặt câu hỏi:
khi nào thì người ta buộc phải đòi công lý tại tòa? Từ đó người dân Trung Quốc
sẽ tự tìm hiểu sự thật và vỡ vạc ra rằng: họ đã bị chính quyền lừa dối.
Hai: Chúng ta phải đi trước Trung Quốc trên tiến trình dân chủ hóa. Phải
làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, văn minh và giàu mạnh. Khi thiết
lập xã hội mới điều tối quan trọng là phải tạo ra sức mạnh trí tuệ của dân tộc
thông qua việc khơi dậy sức sáng tạo của từng cá nhân, khai thác tối đa năng lực
đồng sáng tạo của các thành viên trong xã hội để cho trí tuệ của cả dân tộc bừng
sáng. Ở thời của kinh tế tri thức, đây là điều quan yếu nhất. Hãy nhìn vào
Israel và Hoa Kỳ để noi theo. Khi đất nước giàu mạnh, tính độc lập tự chủ được
đảm bảo, năng lực đóng góp cho hoạt động duy trì hòa bình và trật tự thế giới
được nâng cao.
Ba: Chúng ta cần chung tay cùng Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác thúc đẩy
tiến trình dân chủ ở Trung quốc.
Trước tiên hãy làm cho
người dân nước này rõ về một số việc, chẳng hạn như chính quyền Bắc Kinh đã duy
trì mức lãi suất tiết kiệm gần như bằng không trong suốt 30 năm trời, neo tỷ
giá đồng nhân dân tệ với đô la Mỹ nhằm giữ giá trị bản tệ thấp để thu về thật
nhiều ngoại tệ thông qua xuất khẩu hàng hóa, nâng mức dự trữ ngoại hối lên vị
trí số một. Với tiềm lực tài chính có sự đóng góp từ những đồng tiền đầy mồ hôi
nước mắt này của người dân nhà nước Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trên khắp
thế giới, cho vay, mua trái phiếu chính phủ Mỹ … với mục đích chính trị là
chính, cố gây thanh thế, uy tín cho giới cầm quyền, phục vụ cho mộng bành trướng
về lâu về dài. Ngoài ra Bắc Kinh còn tăng khủng khiếp mức chi tiêu quốc phòng,
mua sắm, chế tạo vũ khí, thay vì đầu tư vào các vùng nông thôn rộng lớn sâu
trong đại lục để nâng cao đời sống cho hơn 900 triệu nông dân Trung Quốc sinh sống
ở đây, tiến kịp với vùng duyên hải. Bắc Kinh đã hy sinh quyền lợi của họ. Người
nông dân Trung Quốc – lực lượng nòng cốt trong cách mạng giải phóng dân tộc cần
hiểu rõ điều này để rồi cay đắng nhận ra rằng họ đã bị phản bội một cách phũ
phàng!
Kế đến, cần phổ cập các
giá trị của xã hội dân chủ, văn minh và tiến bộ nhằm giúp người dân nước này nhận
thức lại những gì họ bị nhồi nhét từ bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh. Một khi
hệ tư tưởng Mao-ít (hoặc đại loại như vậy) không còn hoặc ít có khả năng chi phối
đời sống tinh thần của dân chúng, tiến trình dân chủ hóa có nhiều cơ hội để
thành công.
Song song với việc thúc đẩy
tiến trình dân chủ hóa, có thể làm cho Trung Quốc không còn mạnh và lớn nữa (điều
này sẽ làm cho tiến trình dân chủ ở đây thuận lợi hơn). Việc này chủ yếu trông
cậy vào Mỹ, các nước đồng minh của Hoa Kỳ và đặc biệt là Việt Nam có vai trò
không thật đáng kể.
Hơn ai hết, Hoa Kỳ hiểu rằng,
ngoài họ, không nước nào đủ khả năng để có thể kiềm chế Trung Quốc. Không khó để
hình dung thế giới sẽ ra sao nếu như Trung Quốc là số 1 về tiềm lực kinh tế và
sức mạnh quân sự.
Để Trung Quốc không còn mạnh
Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh cần phải chung tay thực thi các chính sách sau
đây: Thứ nhất, ngăn chặn hoạt động ăn cắp sở hữu trí tuệ. Thứ hai, cấm triệt để
việc thu nhận/tiếp nhận sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học của
Trung Quốc tới Hoa Kỳ và Tây Âu học tập/ nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học
công nghệ. Thứ ba, cấm tuyệt đối việc bán các trang thiết bị công nghệ cao cho
Trung Quốc, kể cả các trang thiết bị thế hệ cũ của Hoa Kỳ hay Tây Âu nhưng
Trung Quốc vẫn chưa sản xuất được sản phẩm có các tính năng kỹ thuật tương
đương nhằm tránh sao chép công nghệ. Thứ tư, cấm tuyệt đối việc các doanh nghiệp
Trung Quốc mua cổ phần chi phối các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ và
Tây Âu. Thứ năm, chặn đứng việc ép buộc chuyển giao công nghệ đối với các doanh
nghiệp của Hoa Kỳ và Tây Âu đầu tư sản xuất ở Trung Quốc. Thứ sáu, bằng mọi biện
pháp có thể, buộc Trung Quốc thực thi thương mại công bằng.
Để Trung Quốc không còn lớn
nữa người Mỹ cần nhóm lửa ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Mãn Châu Lý và có thể
cả ở Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến. Tất cả những nơi có thể, nhằm đẩy
mạnh phong trào ly khai và độc lập. Việt nam cần tích cực hỗ trợ Hoa Kỳ trong vấn
đề này. Có một điều cần phải nói thêm là: tiến trình ly khai và độc lập cũng sẽ
giảm quyền lực của người tiêu dùng Trung Quốc nhờ vào việc xé nhỏ thị trường rộng
lớn này. Kết quả cuối cùng có thể là, người khổng lồ không còn mạnh, to lớn nữa
và được chia thành các quốc gia dân chủ nhỏ hơn với cách hành xử văn minh.
Chắc hẳn đây là một quá
trình không hề ngắn, một quá trình đi đến văn minh. Cả ta và kẻ hung hăng,
ngang ngược, ngạo mạn, thủ đoạn, xảo quyệt, trơ trẽn… đều trở nên văn minh. Khi
người ta thực sự văn minh thì một cách tự nhiên thói hung hăng, côn đồ, ức hiếp
bắt nạt kẻ yếu sẽ không còn. Các tranh chấp lãnh thổ và biển đảo sẽ được phán xử
tại tòa, thay vì bằng vũ lực như đã từng. Một kết cục nhân văn: Hoàng Sa, Gạc
Ma, Ba Bình… thuộc Trường Sa - khu vực đang tranh chấp giữa nhiều nước - lại
châu về hợp phố trong hòa bình, nếu như Việt Nam chứng minh một cách thuyết phục
trước tòa quốc tế rằng những hòn đảo này thực sự là của chúng ta.
* Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung
Hoa Thường Vạn Toàn - ở thời điểm thực hiện bài viết này năm 2014, nay là Ngụy
Phượng Hòa.
Ghi chú: Bài viết 18/5/ - 25/5 năm 2014, chỉnh sửa
& bổ sung 3/5 – 5/5 năm 2020.
No comments:
Post a Comment