Thursday, 25 June 2020

BẢN TIN NGÀY 25-6-2020 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân 
25/06/2020

Tin Biển Đông

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đưa tin, Rosneft Vietnam B.V. thuê tàu khoan Noble Clyde Boudreaux để khai thác dầu tại mỏ Phong Lan Dại, lô 06.1. Dù kế hoạch tiến hành đầu tháng 6, nhưng do sức ép từ Trung Quốc, tàu Noble Clyde Boudreaux hiện vẫn còn neo đậu ở Vũng Tàu để chờ quyết định từ lãnh đạo Việt Nam. Việt Nam phải trả chi phí thuê tàu khá lớn trong 3 tuần qua (giá bên Myanmar là 135.000 USD/ngày).

Nguồn tin này cho biết, giới học giả Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ sự chuyển động của tàu khoan Noble Clyde Boudreaux kể từ khi nó di chuyển từ Myanmar đến neo đậu ở Vũng Tàu. Có lẽ như để củng cố áp lực, ngày 10/6, Trung Quốc đã cho triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 4 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

BBC có bài: Vụ Repsol: Phía sau hàng trăm triệu đôla VN phải đền bù là gì? Bài viết nhận định, ngoài việc phải đền bù công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol một khoản tiền khổng lồ, chính phủ VN đang đứng trước thách thức đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong nước và sự e dè của các đối tác năng lượng nước ngoài.

Bình luận về vụ việc, TS Bill Hayton, nhà nghiên cứu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nói rằng: “Việc này chứng tỏ TQ đã thành công trong việc đe dọa VN để gây áp lực buộc Repsol ngừng khoan dầu. Việt Nam duy trì các quyền của mình về lý thuyết nhưng không thể thực hiện các quyền ấy trên thực tế. Nó không có nghĩa rằng Việt Nam đã từ bỏ các quyền của mình nhưng có vẻ như Việt Nam không thể tiếp tục [thực hiện các quyền này] một mình”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Hôm 24/5, phát biểu tại hội nghị Cộng đồng Chính trị – an ninh ASEAN lần thứ 21, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo đó, các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Nhật, Philippines quan ngại việc Trung Quốc tính lập ADIZ Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói: “Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ với toàn bộ Biển Đông, điều đó đồng nghĩa họ đã cướp lấy một vùng biển rộng lớn vốn luôn rộng mở cho các hoạt động đánh bắt cá và tự do đi lại. Tôi mong là Trung Quốc sẽ không tiến hành các động thái như vậy vì hòa bình và ổn định cho toàn bộ khu vực Biển Đông”. Cùng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng lên tiếng những hoạt động này của Bắc Kinh trên Biển Đông là “vô cùng đáng báo động”.

Mời đọc thêm: 


Tin Nhân quyền

Liên quan tới việc các nhà hoạt động bị bắt giữ vào hôm 24/5, hôm nay trang web Bộ Công an đưa tin, cả bốn người gồm bà Cấn Thị Thêu, cùng hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Nguyễn Thị Tâm đều bị khởi tố về tội “Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.

Nguồn tin này cho biết, bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố và bắt tạm giam. Còn vụ bắt giữ bà Nguyễn Thị Tâm và anh Trịnh Bá Phương do Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội thực hiện.

Tối 24/6, TTXVN đưa tin, quá trình khám xét nơi ở của anh Trịnh Bá Tư, Công an tỉnh Hòa Bình đã thu được một số tài liệu gồm: “Một số cuốn sách ‘Cẩm nang nuôi tù’, ‘Phản kháng phi bạo lực’, ‘Đặt bàn tay lên Việt Nam’, ‘Chính trị bình dân’ của tác giả Phạm Đoan Trang; và một số tài liệu viết tay có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước của các đối tượng, hơn 10 đĩa CDC, DVD, USB, 03 điện thoại di động”.

Công an tỉnh Hòa Bình đọc lệnh bắt anh Trịnh Bá Tư. Ảnh TTXVN

Đáng lưu ý, trong số các tài liệu thu giữ được cho là tuyên truyền chống nhà nước tại nhà anh Trịnh Bá Tư có bài báo “Đảng viên hư trước, làng nước hư theo” đăng trên báo Người cao tuổi, số 1020 ra ngày 3/2/2012. Đây là tờ báo “lề phải” của nhà nước, qua đó cho thấy có sự “quy chụp” và cố gắng tìm kiếm tài liệu để hợp thức hóa cho vụ bắt giữ này.

Hôm qua, facebook Bill Hoang Phuong có đăng tải một video clip bắt bà Nguyễn Thị Tâm. Cảnh quay cho thấy, hàng chục lực lượng công an mặc sắc phục và thường phục bao vây nhà bà Tâm, dùng kìm cộng lực cắt khóa, phá cửa để bắt người, trong tiếng gào thét từ bên trong vọng ra.

Đánh giá về vụ bắt bớ này, RFA có bài: Bắt giữ những người đưa tin về Đồng Tâm để dẹp yên dư luận, chống ý kiến phản biện! Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi nghĩ chính quyền này càng ngày càng sợ hãi, ai tìm cách nói ngược họ thì họ tìm cách họ diệt. Gia đình Chị Thêu, Phương, Tư và Chị Tâm có tiếng nói rất đanh thép… tất cả những cái đó ngứa mắt họ, và họ đã tấn công bắt giữ hôm nay… Tôi nghĩ việc bắt giữ này rất là nghiêm trọng. Việc bắt giữ này theo tôi có lẽ liên quan nhiều thứ chứ không chỉ vì vụ Đồng Tâm. Vì vụ Đồng Tâm chỉ liên quan Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư là chính, nhưng họ bắt cả chị Thêu và chị Tâm, trong khi Chị Tâm chỉ thường lên tiếng cho dân oan Dương Nội”.

Cũng tin bắt bớ liên quan đến “tuyên truyền chống nhà nước”, trang web Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, chiều 24/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy:

Bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy. Ảnh congankhanhhoa.gov.vn/

Bà Thúy sinh năm 1976, từng là giáo viên dạy toán, trú tại thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Bà bị bắt để điều tra về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 BLHS. Theo cơ quan này cáo buộc, “từ ngày 29-4 đến ngày 3-5, bà Thúy đã liên tiếp thực hiện hành vi livestream trên Facebook với nội dung nói xấu Đảng, Nhà nước, 2 lần thực hiện hành vi đốt cờ Tổ quốc, đốt cờ Đảng và dùng kéo cắt, đốt hình ảnh Bác Hồ”.


Trong cùng ngày, trang web Công an tỉnh Lâm Đồng đưa tin, bắt tạm giam anh Vũ Tiến Chi, sinh năm 1966, đang sinh sống tại TP. Bảo Lộc, cũng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Theo cáo buộc của công an, từ năm 2018, anh Vũ Tiến Chi “mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, bôi nhọ, nói xấu Đảng và nhà nước, kích động tư tưởng chống đối. Đáng chú ý, đối tượng còn nhiều lần đi TP.HCM tham gia các cuộc biểu tình, gây rối an ninh trật tự”.

Anh Vũ Tiến Chi bị bắt tại cơ quan An ninh điều tra tỉnh Lâm Đồng. Ảnh congan.lamdong.gov.vn/

Hồi tháng 6/2018, Tiếng Dân đã đưa tin về việc anh Vũ Tiến Chi bị an ninh tỉnh Lâm Đồng tấn công gây thương tích khi đến thăm và hỗ trợ tinh thần gia đình chị Đỗ Thị Minh Hạnh.

Mời đọc thêm: 

Báo lề đảng: 


Tin tổng hợp

BBC đưa tin: Ngân hàng Thế giới cấm vận công ty công nghệ Việt Nam vì gian lận. Nguồn tin dẫn từ thông cáo của Ngân hàng Thế giới hôm 24/6, công bố cấm vận 7 năm đối với Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) có trụ sở tại Việt Nam, liên quan đến các hoạt động lừa đảo và gian lận trong Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.

Tuổi Trẻ dẫn tin từ Reuters: ‘Mỹ xác định Huawei và 19 công ty do quân đội Trung Quốc đứng sau’. Ngày 25/6, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump xác định danh sách mới nhất gồm 20 công ty do Quân đội Trung Quốc núp bóng công ty dân sự, tư nhân. Ngoài những cái tên như Huawei, Hikvision còn có Tập đoàn Viễn thông di động Trung Quốc (China Mobile), Tập đoàn China Telecom, Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC).

Hôm nay tòa án tỉnh Bình Dương xử vụ đổ bê tông giấu xác: 5 điểm bị cáo phản đối cáo trạng, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin. Nói về cách tu luyện “khác người”, bị cáo Phạm Thị Thiên Hà nói, trước đây có tập luyện Pháp Luân Công, sau đó tham khảo một số tôn giáo khác rồi nghĩ ra cách riêng của mình để “tu luyện”. Vụ án này liên quan đến niềm tin tôn giáo, mời đọc lại bài viết: Hai xác chết trong bê tông và cuộc khai đạo bất thành, của luật sư Đặng Đình Mạnh.

Mời đọc thêm: 







No comments:

Post a Comment

View My Stats