BTV
Tiếng Dân
12/06/2020
Tin Biển Đông
Trang Trí Thức Trẻ có
bài dự báo động thái của Mỹ và TQ ở Biển Đông sau khi Mỹ gửi Công
hàm phản đối của Thạc sĩ Lục Minh Tuấn, nhận định, việc Mỹ gửi
công hàm lên LHQ cho thấy Mỹ quyết tâm đối trọng với Trung Quốc trên mặt trận
pháp lý ở Biển Đông – một mũi nhọn mới trong thế trận đối trọng toàn diện về
kinh tế, công nghệ, quân sự giữa Mỹ – Trung trên bình diện toàn cầu. “Trận chiến
pháp lý” mà Mỹ đang nhắm đến nhằm bảo đảm tự do hàng hải trên các vùng biển quốc
tế ở Biển Đông.
Về phía Trung Quốc, theo
chuyên gia này đánh giá, nhìn chung Trung Quốc rất ngại các rủi ro vượt quá sự
kiểm soát, nên họ thường có xu hướng tiến hành các hoạt động đáp trả tương ứng ở
cùng cấp độ do các quốc gia đối trọng tạo nên.
Tạp chí Modern Diplomacy
từ châu Âu có bài nhận định, Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á đoàn kết trên Biển Đông.
Đánh giá về Việt Nam, GS Pankaj Jha cho rằng, Việt Nam đã có lập trường khá cứng
rắn qua thực tế là nước này đang phải đối mặt với các chiến thuật đe dọa thường
xuyên từ Trung Quốc. Mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ dần được nâng cấp từ quan hệ đối
tác lên thành “quan hệ đối tác chiến lược”.
GS Jha cũng cho biết, Việt
Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ vào năm
2021, làm nhiều người tin rằng trong những năm tới, chủ đề Biển Đông sẽ “giành
hết ánh đèn hội trường ở Liên Hợp Quốc”. Việt Nam nên tận dụng vị trí này để
bảo vệ các yêu sách của mình ở Biển Đông.
AP đưa tin: Sự hội
tụ của hải quân Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương được coi là lời cảnh báo cho Trung
Quốc. Nguồn tin cho biết, lần đầu tiên sau gần ba năm, ba tàu sân bay Mỹ
cùng lúc tiến hành tuần tra trên vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Sự xuất hiện đồng thời của
ba tàu sân bay, cùng với tàu tuần dương, tàu khu trục, và các máy bay chiến đấu
của Hải quân Mỹ được cho là rất bất thường, trong bối cảnh Mỹ-Trung leo thang
chỉ trích nhau về sự bùng phát của đại dịch Covid-19, và các hành động gần đây
của Trung Quốc nhằm kiểm soát Hồng Kông và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển
Đông.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn
cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định, có một số
đánh giá của Trung Quốc nói rằng, Mỹ đã bị Covid-19 tàn phá, theo đó làm suy yếu
quân sự Mỹ, nên có lẽ ba tàu sân bay của Mỹ đồng loạt ra khơi là nỗ lực để cảnh
báo cho Trung Quốc rằng họ không nên tính toán sai lầm.
Mời xem thêm:
.
Vụ Đồng Tâm: Công
an đề nghị truy tố 25 người về tội ‘giết người’
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người bào chữa cho những người dân xã Đồng
Tâm, cho biết, Cơ quan Công an TP. Hà Nội đã ra Kết luận điều tra đối với vụ
án hàng
ngàn CSCĐ đột kích trong đêm, khiến 3 cảnh sát tử vong, xảy ra tại
thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng 9/1/2020.
Theo kết luận điều tra,
có 25 người dân bị đề nghị truy tố tội “Giết người” theo Khoản 1, Điều 123 Bộ
luật Hình sự 2015; cùng 4 người khác bị đề nghị truy tố tội “Chống người thi
hành công vụ” theo Khoản 2, Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với tội danh
“Tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” được đình chỉ điều tra
do qua xác minh, những quả lựu đạn tự chế không phải là vũ khí quân dụng.
Vụ bắn chết ông Lê Đình
Kình ngay tại phòng ngủ, bản kết luận điều tra nêu rõ, việc một số người (trong
đó có vợ ông Lê Đình Kình) có đơn tố cáo và đề nghị khởi tố vụ án giết ông Kình
là không đúng sự thật. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng khẳng định một số vết
thương của một số bị can như Bùi Viết Hiểu, Lê Đình Uy là không xác định được
cơ chế hình thành vết thương, không xác định được vật gây nên, nên không có cơ
sở xử lý.
Cũng theo Luật sư Tuấn, nội
dung Kết luận điều tra này “có rất nhiều vấn đề cần bàn cãi”, nhưng hiện
các luật sư bào chữa chưa đưa ra bất kỳ một quan điểm nào trước khi có sự bàn bạc
thống nhất giữa các luật sư.
Mời xem thêm:
.
Thêm một thành
viên của Hội Nhà báo Độc lập bị bắt
Tin từ nhà hoạt động Phạm
Đoan Trang, sáng nay 12/6, Cơ quan An ninh điều tra TP. HCM đã bắt thêm một
thành viên của Hội Nhà báo Độc lập là ông Lê
Hữu Minh Tuấn, thường gọi là Lê Tuấn, sinh năm 1989, quê Quảng
Nam. Ông Tuấn là một nhà nghiên cứu sử độc lập, đang học thêm văn bằng 2 luật học,
tại Đại học Luật Hà Nội.
Lê Tuấn (phải) với
nhà thơ Bùi Minh Quốc. Nguồn: FB Pham Doan Trang
Nguồn tin này cho biết,
sau khi Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập là ông Phạm Chí Dũng bị bắt vào tháng
11/2019, ông Tuấn liên tục bị cơ quan an ninh triệu tập làm việc. Bạn bè khuyên
Tuấn lánh đi, nhưng ông từ chối vì không muốn sự nghiệp học hành bị gián đoạn,
ông cũng chấp nhận đối diện với cơ quan an ninh.
Đánh giá về ông Tuấn, bà
Trang cho biết: “Anh là một trí thức trẻ, nhận thấy những bất công
trong xã hội từ rất sớm và lâu nay vẫn thường xuyên theo dõi sát sao các vận động
của tình hình chính trị trong nước cũng như phong trào dân chủ Việt Nam. Cũng với
chuyên môn về sử học của mình, Tuấn vẫn ấp ủ mong mỏi một ngày nào đó sẽ viết một
cuốn sách về lịch sử tiến trình dân chủ hóa đất nước”.
Hiện chưa rõ anh Tuấn bị
khởi tố về tội danh gì. Ông đã bị đưa về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn.
Gần đây, một thành viên của
Hội này là ông Nguyễn Tường Thụy, Phó chủ tịch hội, cũng đã bị bắt hôm 23/5, với
tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
.
Quảng Trị: ‘Thượng
bất chính, hạ tắc loạn’
Truyền thông trong nước
đưa tin, nhiều hộ nghèo tại Quảng Trị phản ảnh khi đi nhận tiền hỗ trợ đại dịch
Covid-19 là 750.000 đồng/ nhân khẩu, họ đã phải trích lại 50.000 đồng để “cán bộ uống nước”. Sau khi vụ việc bị phanh phui, các
cán bộ thôn bị yêu cầu giải trình, tự kiểm điểm trước lãnh đạo xã và trả lại tiền ‘uống nước’ cho hộ nghèo, VnExpress
cho biết.
Đây là tình trạng tham
nhũng vặt khá phổ biến ở Việt Nam. Số tiền tham nhũng thu từ mỗi người tương đối
nhỏ, nói theo Cảnh sát giao thông là “nhận dăm ba chục” sao gọi là tham nhũng? Cho nên
những người nhận tiền trong trường hợp này rất ít khi bị xử lý hình sự.
Nhưng con số “dăm ba chục”
khi được nhân lên cả ngàn nhân khẩu trong một xã sẽ là một số tiền lớn, mà một
vài cá nhân không thể tùy ý làm được. Vụ việc này rõ ràng là tham nhũng có hệ
thống, bằng phương pháp “ăn ít no lâu”.
Cũng tin Quảng Trị, cấp
xã tham nhũng loạn cào cào bên dưới cũng bởi “thượng bất chính” – đảng bộ tỉnh
Quảng Trị đang đánh nhau loạn xì ngầu theo thông tin của nhà báo Trương Châu Hữu
Danh: “Bầu cử thấp, Bí thư tỉnh Quảng Trị dọa cấp dưới”.
Hôm 11/6, nguồn tin này
cho biết, trong vụ bầu phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (kiêm Chủ tịch UBND tỉnh) vừa
qua, vị trí này chỉ có một ứng viên duy nhất nhưng có đến 45% phiếu chống, dù
đảng viên tham gia bầu đã được “đả thông tư tưởng”, bởi trước đó có đến 60% chống
lại ứng viên này. Vụ việc khiến bí thư Quảng Trị đăng đàn, đe dọa các tỉnh ủy
viên dưới quyền, không chịu quán triệt quan điểm của cấp trên trong việc bỏ phiếu.
Nghe lời phát biểu của
ông bí thư Quảng Trị, có thể thấy bầu cử ở tỉnh này chỉ là một trò hề. Khi người
dân Quảng Trị không có quyền lựa chọn lãnh đạo tỉnh mình, mà đó chỉ là cuộc
chia ghế của các phe phái trong đảng. Cho nên, Quảng Trị: Đừng mơ hết nghèo!
No comments:
Post a Comment