Sau phán quyết của Tòa PCA ngày 11 tháng 7 năm 2016,
các luật gia TQ tập hợp nhau lại để viết ra 2 tập sách 500 trang, một tiếng Anh
một tiếng Hoa, xuất bản năm 2018, nội dung từng điểm phản biện lại những phán lệnh
của Tòa. Song song với vụ xuất bản sách, TQ còn “mướn” thêm học giả nước ngoài
để bênh vực lý lẽ của họ.
Tập sách giải thích rõ tại sao Tòa PCA “không có thẩm
quyền xét xử”, vì sao TQ không tham gia và vì sao TQ không chấp hành án lệnh…
Điều đáng quan tâm là một trong các luận cứ của TQ,
(theo tôi là quan trọng), Tòa đã (tự ý) ra phán quyết về tình trạng pháp lý của
các thực thể ở Trường Sa trong khi Phi không có yêu cầu điều này. Việc này có
“hợp cách” hay không, ta cần tham khảo ý kiến của các luật gia giàu kinh nghiệm.
(Thực ra phiên tòa về “thẩm quyền” năm 2015, luật sư
của Phi có đề cập đến tình trạng pháp lý của đảo Ba Bình. Họ cho rằng đảo này
không có hiệu lực “đảo”). Tòa dựa vào việc này để phán rằng, các thực thể địa
lý ở TS không có cái nào được xem là “đảo” để có hải phận EEZ 200 hải lý.
Lập luận khác cũng cần chú ý, TQ cho rằng tranh chấp
giữa họ và Phi bắt nguồn từ việc “phân định biển” mà việc này TQ đã “bảo lưu”
theo điều 298 UNCLOS. TQ cũng giải thích về các “quyền” theo bản đồ 9 đoạn mà họ
có được từ “lịch sử”, trước khi UNCLOS ra đời…
Từ vài tháng qua TQ đã đưa tàu bè nghiên cứu cùng
các tàu hộ vệ vào các khu vực biển EEZ của VN, Phi, Mã lai… để thăm dò địa chấn.
Mục đích của họ là gì?
Báo chí VN dẫn ý kiến của học giả nước ngoài, chuyên
gia Collin Koh, thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore.
Ông này “cho rằng Bắc Kinh có dấu hiệu đang áp dụng một kiểu ngoại giao pháo hạm
với những đòn tấn công dai dẳng, để buộc Việt Nam phải lùi bước và ngừng các hoạt
động thăm dò và khai thác năng lượng trong khu vực mà Trung Quốc nhòm ngó”.
Đây cũng là ý kiến của giáo sư Hồ Ba, giám đốc cơ
quan Sáng Kiến Điều Tra Tình Hình Chiến Lược ở Biển Đông, thuộc Đại Học Bắc
Kinh. Ông cho rằng “chính công việc khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng
Bãi Tư Chính mới là mục tiêu thực sự của chiến dịch Hải Dương Địa Chất 8“.
“Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc, theo hầu hết các
nhà quan sát, là ép không cho Việt Nam hợp tác với các đối tác ngoài khu vực để
khai thác dầu khí ở Biển Đông, để chỉ hợp tác với Trung Quốc mà thôi.”
“Ý đồ này lộ rõ trong đề nghị mà Trung Quốc muốn đưa
vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông đang thảo luận với ASEAN, theo đó các đề án
phát triển tại Biển Đông chỉ dành riêng cho các nước có tuyên bố chủ quyền, các
nước ngoài vùng không có quyền tham gia.”
“Nói cách khác, các nước như Việt Nam, cũng như
Malaysia hay Philippines, chỉ có thể hợp tác với Trung Quốc nếu muốn khai thác
dầu khí ở Biển Đông.”
Theo tôi, những ý kiến này đều đáng tin cậy, nhưng
nó cũng không đứng ngoài kế hoạch “bảo vệ an ninh năng lượng” của TQ mà tôi đã
viết qua hai bài báo trước (trên BBC).
Sự phát triển bền vững của TQ (hay của một quốc gia
bất kỳ) lệ thuộc vào nguồn năng lượng phục vụ cho công kỹ nghệ.
Sự quấy nhiễu của TQ ở vùng biển kinh tế độc quyền của
VN, Phi, Mã lai… trong thời điểm “chiến tranh thương mãi” với Mỹ có mục đích hết
sức rõ rệt. Cuộc chiến Mỹ-Trung có thể trở thành “chiến tranh lạnh” lâu dài mà
trong đó ai cũng có thể hình dung một “thí điểm nóng” xảy ra ở Biển Đông (để TQ
kiệt quệ). TQ phải giữ được sự an toàn về năng lượng mà điều này chỉ có thể thực
hiện nếu TQ chiếm hữu các mỏ dầu ở Biển Đông.
Nhưng TQ còn có mục tiêu khác. Việc cho xuất bản tập
sách 500 trang nhằm phản biện phán quyết của PCA 11-7-2016 là gì nếu không phải
để chuẩn bị “đấu tranh pháp lý” lần nữa với các nước VN và Mã lai (ngay cả với
Phi).
TQ đang mong chờ (và thúc đẩy) VN phạm sai lầm. VN
nghe lời theo “học giả” lấy hồ sơ của Phi đi kiện TQ vụ Tư chính.
TQ sẽ “quần” khu vực Tư chính đến khi “học giả” VN
nóng gà, không chịu đựng được nữa, mỗi ngày xuống đường, làm kiến nghị, yêu cầu
nhà nước đi kiện TQ.
Vấn đề là, khi VN kiện TQ ra tòa PCA theo hồ sơ của
Phi, VN đã gián tiếp nhìn nhận phán quyết 11-7-2016 của tòa PCA “không hiệu lực”.
Điều này trúng y như mong muốn của TQ
Những bài viết của tôi trình bày lợi hại vụ đi kiện
liền bị “chụp mũ” là “thân Tàu”. Nếu không thân Tàu thì tại sao không chịu đi
kiện?
Theo tôi, qua các bài viết trước, VN cần vận động Ủy
ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ để nhìn nhận hồ sơ “thềm lục địa mở rộng”
của VN (nộp chung với Mã lai tháng 5 năm 2009). VN cũng có thể hỏi ý kiến của
ITLOS hoặc ICJ để hiệu lực phán quyết 11-7-2016 có hiệu lực trên vùng EEZ của
VN.
Học giả VN mà không “thâm hơn TQ” là không thể giữ
được chủ quyền lãnh thổ.
No comments:
Post a Comment