Friday, 9 August 2019

NĂM MẮT HƠN MỘT MẮT? (Phạm Phú Khải)




06/08/2019

Một mắt, hay đúng hơn, một cặp mắt, dù có tinh xảo mấy, cũng khó mà nhìn thấy được mọi khía cạnh của vấn đề, nhất là các vấn đề linh động, tinh vi và phức tạp. Nhưng năm cặp mắt, ở vị thế khác nhau, và có những kinh nghiệm, khả năng và sở trường khác nhau, chắc chắn bổ sung cho nhau. Đặc biệt nếu chia sẻ cùng ý thức hệ chính trị và quan điểm chiến lược.

Năm cặp mắt đó chính là liên minh tình báo giữa năm quốc gia: Anh, Mỹ, Úc, Canada và Tân Tây Lan. Năm nền dân chủ cấp tiến này chia sẻ chung truyền thống văn hóa, chính trị và ngôn ngữ Anh. Liên minh này có nguồn gốc từ Thế Chiến II, khi cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt và cố Thủ tướng Winston Churchill hợp tác tìm chiến lược chung cho đồng minh chống lại trục Đức Ý Nhật, và tìm giải pháp chung cho hậu chiến tranh. Vấn đề trao đổi và hợp tác tình báo, nhất là để giải mật tín hiệu của kẻ thù, là một trong các chiến lược quan yếu lúc đó. Trong thời điểm này, Úc Canada và Tân Tây Lan vẫn trực thuộc Anh và hầu như không có tiếng nói độc lập nào về mặt ngoại giao, do đó sự hợp tác vẫn chủ yếu giữa chính phủ Anh và Mỹ. Đến năm 1955 thì ba nước Úc, Canada và Tân Tây Lan mới được nâng cấp thành các nước hợp tác thuộc khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth). Mặc dầu vẫn tiếp tục liên minh và hoạt động xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh và sau đó, mãi cho đến năm 2013, năm nước này mới chính thức luân phiên tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng về an ninh mỗi năm (Five Country Ministerial/FCM). Mục đích chính là bàn về các mối đe dọa quan yếu đối với nền an ninh quốc gia. Tên bán chính thức của họ là Năm Mắt (Five Eyes/FVEY).

Tuần qua, năm bộ trưởng trách nhiệm an ninh quốc gia, và một số nhân vật quan trọng khác từ năm nước này, kể cả Bộ trưởng Tư Pháp của Mỹ và Anh, đã gặp mặt nhau tại London, Anh quốc vào hai ngày 29 đến 30 tháng Bảy. Nghị trình chính thức, theo Bộ trưởng Nội vụ Anh bà Priti Patel (người vừa mới được tân Thủ tướng Boris Johnson bổ nhiệm trước đó một tuần) là để bàn về các mối đe dọa đang trổi lên, các “cơ hội và rủi ro” đến từ kỹ thuật công nghệ mới như an ninh mạng, các vấn đề mã hóa và các tác hại trực tuyến. Trên trang mạng chính thức của chính phủ Anh cũng cho biết đây là cơ hội để bà Patel tìm cách thuyết phục các đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Anh hầu cùng nhau cam kết hành động mang tính liên hợp và được điều phối đối với hàng loạt những quan ngại về an ninh hiện nay. Các vấn đề mã hóa, như phần mềm WhatsApp, và các đối phó với nạn khiêu dâm trẻ em, cũng như vai trò của các đại công ty Google, Facebook và Microsoft v.v… trong các vấn đề này, nằm trong nghị trình chính thức của hội nghị này.

Tất cả các nghị trình trên, tuy quan trọng, nhưng có lẽ phần quan trọng hơn, nếu không phải là quan trọng nhất, trong cuộc gặp mặt kỳ này, chính là nỗ lực tìm sự thỏa thuận, hoặc tốt hơn nữa, là sự thống nhất về chiến lược giữa Năm Mắt về Huawei, 5G, cũng như khung sườn chung để đối phó với những thử thách của an ninh mạng hiện nay và sắp tới.

Chính sách đối phó với Huawei hiện nay chưa thống nhất giữa Năm Mắt. Hiện nay chỉ có Mỹ và Úc là dứt khoát, trong khi ba nước còn lại vẫn chưa công bố chính thức quyết định của mình. Úc là nước đầu tiên ra lệnh cấm Huawei trong công nghệ 5G của mình. Sau đó Tân Tây Lan cũng tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn Huawei tham gia vào phần lớn công nghệ 5G của mình, mặc dầu Thủ tướng Tân Tây Lan cho biết chưa có quyết định sau cùng nào. Canada vẫn chưa quyết định dứt khoát vì cuộc xét nghiệm công nghệ 5G (một cách độc lập) vẫn chưa đi đến kết luận sau cùng, trong khi tháng 10 này có bầu cử liên bang. Cho nên quyết định cho hay cấm Huawei có lẽ phải chờ cho đến sau bầu cử. Quan điểm của Mỹ về Huawei thì quá rõ ràng, từ vụ yêu cầu Canada bắt giam bà Mạnh Vãn Chu và dẫn độ sang Hoa Kỳ cuối năm 2018 cho đến các cơ quan an ninh Mỹ đều quan ngại về mối nguy an ninh mà Huawei mang đến, do đó mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã theo lệnh tổng thống Donald Trump cấm Huawei, cũng như cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng các hệ thống, thiết bị và dụng cụ của Huawei vào ngày 15 tháng Năm.

Trong Năm Mắt, Anh quốc có vẻ lưỡng lự nhất về quyết định đối với Huawei. Anh không muốn cho thấy quyết định của mình là bị áp lực từ Mỹ, hay bị ảnh hưởng bởi các quyết định từ Úc, chẳng hạn. Chính quyền của một nhà nước dân chủ cần chứng minh tư duy độc lập của mình, do đó các quyết định quan trọng như vấn đề này cần sự nghiên cứu độc lập, khách quan và bao quát. Ngoài ra, phí tổn là một yếu tố quan trọng trong quyết định này. Huawei mang tính cạnh tranh cao vì giá thành rẻ so với các công ty khác. Anh, cũng như mọi nước khác, đều biết rằng ký hợp đồng với Huawei có thể tiết kiệm vài trăm đến cả tỷ đô la. Thêm vào đó, việc Hoa Kỳ cấm Huawei và 68 công ty liên hệ khác vào tháng Năm 2019 có những tác động trực tiếp đến việc chọn hay không chọn sử dụng Huawei, bởi vì hạ tầng cơ sở viễn thông đang hoạt động và phí tổn cho công nghệ 5G phụ thuộc vào thiết bị và công nghệ sẽ được chọn. Sau cùng, qua nhiều cuộc tranh luận với lắm bất đồng trong nội các bà Theresa May, Anh cũng đi đến quyết định vào tháng Tư là tất cả các phần hệ trọng trong mạng 5G không thể dùng Huawei vì lý do an ninh, nhưng các phần ít nhạy cảm khác thì Huawei có thể tham gia một cách giới hạn. Tuy nhiên vì các lý do chính trị tại Anh, đặc biệt là vấn đề Brexit, rồi thay đổi thủ tướng và nội các trong những tháng qua, cho nên đến gần cuối tháng Bảy vừa qua vẫn chưa có công bố chính thức nào về lập trường của chính phủ Anh đối với Huawei.

Ông Johnson chỉ mới lên nhậm chức vài tuần qua nên chưa lấy quyết định, là điều dễ hiểu. Cho nên một trong các mục tiêu hàng đầu của cuộc họp mặt Năm Mắt kỳ này là để thuyết phục nhau, và thống nhất, về chiến lược đối phó với Huawei/5G và an ninh mạng. Các quyết định sử dụng, hay không sử dụng Huawei cho 5G của năm nước này sẽ có những tác động sâu xa lên nền công nghệ tầm quốc gia cũng như quốc tế trong một hai thập niên tới, và vấn đề an ninh mạng, một cách tổng quát.

Về mặt chiến lược, rõ ràng chấp nhận Huawei cung cấp công nghệ 5G có quá nhiều rủi ro, cho dầu Huawei hoạt động hoàn toàn độc lập với Bắc Kinh đi nữa. Độc lập hiện nay, hay trước đây, dù thật sự như thế, không có nghĩa là sẽ độc lập trong tương lai, khi một nhà nước Trung Quốc luôn yêu cầu, và nếu cần thì bắt buộc, mọi công ty và cá nhân phải phục vụ cho mục tiêu chiến lược và quân sự của Trung Quốc. Trên thực tế, Huawei sẽ không thể nào đạt được vị thế hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của lãnh đạo Bắc Kinh, và ngược lại, Bắc Kinh luôn xem Huawei là biểu tượng quốc gia và là phương tiện để phát triển tầm ảnh hưởng của mình một cách toàn cầu.

Ông Trump từng đe dọa là sẽ không chia sẻ tình báo với Anh nếu họ quyết định sử dụng Huawei cho công nghệ 5G. Lời đe dọa của một nguyên thủ quốc gia dân chủ với một nền dân chủ khác không phải là cách tốt nhất để thuyết phục. Ngoài ra, không chia sẻ tình báo trong Năm Mắt với nhau gây ra tác hại và ảnh hưởng chung chứ không chỉ riêng gì Anh. Dù sao lời đe dọa đó cũng làm cho chính phủ Anh suy nghĩ đắn đo, cân nhắc lợi hại, trước khi lấy quyết định sau cùng.

Cuộc họp mặt Năm Mắt đã diễn ra tuần qua, tuy công khai nhưng không tiết lộ gì đáng kể, tuy quan trọng nhưng chủ đích không gây tiếng ồn, càng cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng của Năm Mắt trong việc đối phó với an ninh toàn cầu, nhất là cơ hội và thử thách của an ninh mạng trong một hai thập niên tới. Năm Mắt có đạt được đồng thuận trong chiến lược và thống nhất trong hành động hay không có lẽ phải chờ đến cuối năm nay, nhất là các quyết định sau cùng của Anh, Canada và Tân Tây Lan về Huawei.

Phạm Khú Khải
Úc Châu, 04/08/2019





No comments:

Post a Comment

View My Stats