Thứ Tư, 08/21/2019 - 04:01 — VietTuSaiGon
Chuyện cô gái trẻ được cất nhắc lên làm Phó Bí Thư tỉnh
đoàn Nghệ An gây xôn xao dư luận trong tuần qua. Nhưng, sâu xa của câu chuyện
này, có hàng trăm câu hỏi đặt ra về hệ thống công quyền Việt Nam, không riêng
gì cô hot girl này. Đó cũng là câu hỏi: Liệu trong một, hai thập kỉ tới, hệ thống
công quyền Việt Nam có được thay đổi tốt hơn nhờ vào thế hệ trẻ hay không? Và
liệu thế hệ sau có lý tưởng gì trong việc xây dựng đất nước hay không? Câu trả
lời về vấn đề này tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng.
Ở câu hỏi thứ nhất, đất nước có tốt hơn nhờ vào sự
thay đổi của thế hệ trẻ hay không? Từ câu hỏi này, phát sinh thêm nhiều câu hỏi
khác: Liệu những người không phải hot girl, không phải chân dài có được cất nhắc?
Những cô chân dài hầu hết có lý lịch tốt, học bạ tốt, liệu đó có phải là sự thật?
Có một thứ “văn hóa” không thể chối bỏ của hầu hết
quan chức đứng đầu cơ quan ở Việt Nam hiện nay là trong tuyển dụng, từ cơ quan
nhà nước cho đến cả cơ quan tư nhân, hầu hết tiêu chuẩn tuyển dụng không phải
là trình độ, năng lực làm việc mà là ngoại hình, đặc biệt các cô gái đi xin việc,
cô nào có ngoại hình tốt, nhìn bắt mắt thì sẽ được các sếp phỏng vấn. Câu hỏi
phỏng vấn cũng không xoáy thẳng vào năng lực làm việc (vì không chừng, nếu nói
về năng lực, trình độ, các sếp cũng chẳng biết nói gì!) mà hỏi xoay quanh chuyện
thích nghe nhạc loại gì, thích uống loại bia gì và khả năng uống nhiều nhất là
bao nhiêu chai… Khi các cô chân dài hoặc các cậu trai trẻ tỏ ra biết làm hài
lòng sếp, biết đón tâm lý sếp thì sếp quyết định nhận.
Đáng sợ hơn là trong môi trường học đường (tôi từng
trải qua, chứng kiến), hầu hết các thầy giáo, cô giáo đều chấp nhận đi đêm với
sinh viên. Nghĩa là nếu sinh viên nam, sau kì thi cảm thấy bài thi của mình
không ổn thì tới thẳng gia đình thầy giáo, cô giáo bộ môn để quà cáp, xin xỏ điểm.
Nếu thầy giáo bộ môn là nam, sinh viên là nữ có nhan sắc một chút thì có thể
quà cho thầy không phải chai rượu hay tiền bạc mà một đêm đi hát karaoke với thầy.
Chuyện này đầy rẫy trong môi trường học đường, thậm chí các sinh viên nữ còn
kháo với nhau về khả năng làm “chuyện ấy” của thầy giáo. Nói như vậy để thấy
ngay cả các bảng điểm, kết quả học tập của các hot girl cũng chẳng có gì là thực
tế. Đó là chưa muốn nhắc đến bảng điểm của con các quan chức, có nhiều cô
chiêu, cậu ấm con nhà quan chức chẳng cần học hành gì nhưng vẫn có thể thủ
khoa.
Tôi có người bà con sống ở Tây Nguyên, có lần, ông
ghé thăm tôi, dắt theo cả một nhóm gần hai mươi người cùng quê, cùng làm cà
phê, cao su vào thăm tôi trong túc tắc để hỏi đường đi đến trung tâm, hỏi các
quán ngon ở thành phố. Chuẩn bị rời đi, họ nói nhỏ với tôi là cả nhóm đều có
con học đại học, vừa xong mùa thi, giờ rủ nhau đi thăm thầy chủ nhiệm, cả nhóm
không có con học chung trường nhưng chung thành phố, đã hẹn với thầy cô chủ nhiệm
các lớp đại học của con họ. Để mời ăn nhậu, sau đó bỏ phong bì cho thầy, gọi là
gửi gắm con cái khi ra trường… Dẫn chuyện này ra để thấy rằng ngay cả người
nông dân có con học đại học trong xã hội này, họ cũng phải biết “ăn ở phải đạo”
với thầy vì tấm bằng của con họ. Và đương nhiên, tấm bằng đó có chứa cả sự đi
đêm của cha mẹ sinh viên, bản thân sinh viên với thầy cô. Liệu những tấm bằng
đó chứa bao nhiêu phần trăm thực lực?!
Và, trong môi trường giáo dục đầy những chuyện mờ
ám, cộng thêm những tấm thẻ đảng cũng đầy mờ ám từ khâu giới thiệu nhân lực cho
đến xét kết nạp, thêm nữa, tấm bằng trung cấp, cao cấp, đại học và trên đại học
về chính trị như một thứ bùa hộ mệnh mà chỉ có con nhà quan chức, các cô chân
dài được cấp trên nâng đỡ mới có được thì có thể nói rằng, nguồn lãnh đạo trong
tương lai của Việt Nam nếu không là nguồn chân dài thì cũng là nguồn cô chiêu cậu
ấm. Liệu với nguồn lãnh đạo trẻ vốn dĩ không có lý tưởng, cống hiến bằng lý lịch,
bằng sự chịu nhục, chịu đi đêm với sếp, hay nói toạc móng heo là chiều chuộng,
vào khách sạn với sếp để rồi thoắt một cái, lên ngồi ghế đầu ngành. Và, để đảm
bảo quyền lực của mình, họ lại dùng thủ đoạn, dùng thứ ứng xử đội trên đạp dưới,
độc đoán, chuyên chế nhằm kìm hãm những người có thực lực để đảm bảo chỗ ngồi…
Thì liệu đất nước có tốt hơn được hay không? Lỗi này do ai?
Nói đến thế hệ lãnh đạo chân dài, con ông cháu cha,
hot girl, nam thần trong tương lai, chắc chắn một điều, không riêng gì nhân
dân, ngay cả các trí thức có tâm huyết với quốc gia, dân tộc cũng sẽ khó bề mà
ngóc đầu lên được vì họ còn tệ hơn cả thế hệ cha anh của họ. Chí ít, cha anh,
ông bà của họ từng có khát vọng, lý tưởng (đúng sai chưa bàn), từng cầm súng, từng
cống hiến tuổi trẻ cho lý tưởng… Còn lãnh đạo chân dài, hot girl, cô chiêu cậu ấm,
họ hoàn toàn không có điều này, và họ sẵn sàng chơi, sẵn sàng đánh đổi, bất chấp.
Thì hi vọng gì vào họ?!
Nhưng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này nằm ở đâu?
Nó không phải là hoàn toàn do tham vọng của các hot girl, cô chiêu cậu ấm hay
các nam thần theo ngôn ngữ tuổi teen hiện nay. Mà do hệ thống, chính cái hệ thống
đào tạo dựa trên diễn ngôn của kẻ có tiền, có quyền và vật dục, đào tạo dựa
trên căn bản tham vọng quyền lực và bất chấp, dựa trên triết lý ngọn roi và ký
thịt heo, úp nồi gạo hay mở toang phẩm giá… Tất cả những loại bệnh hoạn này đã ăn sâu trong giáo dục
Việt Nam kể từ khi đất nước này bước vào thể chế Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Và, mọi thứ hiện nay chỉ là hệ quả, mọi thứ trong tương lai cũng chỉ là hệ
quả của ngày hôm nay bệ rạc và thối nát. Rất khó để tin rằng tương lai Việt Nam
tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn nếu như nguồn lãnh đạo của hệ thống công quyền là những
thứ vừa nói trên.
Khi đất nước đầy rẫy, lúc nhúc các lãnh đạo chân
dài, hot girl, cô chiêu cậu ấm và nam thần, thì tương lai của Việt nam sẽ đến
đâu? Có lẽ không cần trả lời thêm, cũng không cần hỏi thêm mà ngay bây giờ,
chính những người làm việc trong hệ thống công quyền cũng cần phải hành động, bởi
hành động là vì chính tương lai, chính cái hủ gạo, nồi cơm của gia đình họ. Nếu
nói rộng ra một chút, đương nhiên, đảng Cộng sản muốn tồn tại, họ phải dẹp bỏ
hot girl, chân dài, nam thần và cô chiêu cậu ấm trong hệ thống càng sớm càng tốt.
Và để làm được điều này, không khó, chỉ cần chính người Cộng sản, chính các
lãnh đạo cao cấp buộc phải sống thật với nhận thức của mình, đừng để tình trạng
nhận thức thấy mình sắp chết chùm nhưng luôn miệng hô hào an toàn tuyệt đối, dẫu
biết chuyển hóa dân chủ là tối cần thiết nhưng chính sách thì luôn bảo thủ, đạp
bỏ dân chủ.
Xin nói thêm, anh đạp bỏ dân chủ, đạp bỏ văn minh
nhân loại thì lịch sử sẽ đạp bỏ bàn thờ và sang phẵng mộ chí của anh. Đó là qui
luật, đừng để quá muộn!
No comments:
Post a Comment