Trung Nguyễn
14/08/2019
Theo tin từ BBC,
tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đã chính thức quay lại bãi Tư Chính sau khi rời
khỏi khu vực này hôm 8/8/2019 để tiếp nhiên liệu. Giới lãnh đạo Cộng sản Việt
Nam chắc chưa kịp thở phào đã phải tiếp tục lo đối phó với “bạn tốt” Trung Cộng
xâm lược ở bên ngoài và sự phẫn nộ của người dân Việt Nam về các chính sách đối
ngoại và đối nội sai lầm của đảng Cộng sản.
Chính sách dựa Nga chống Tàu của cộng sản Việt Nam
Do không dám bắt tay ngay với Mỹ, quốc gia mà thời
gian gần đây lãnh đạo đất nước vẫn cho giảng dạy tại các trường vũ trang là “đối
tượng tác chiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội Mỹ và đồng minh“,
Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn một đối tác truyền thống là Nga, một cường quốc
biển, với lực lượng hải quân có thể hoạt động tầm xa và bảo vệ các mỏ dầu trên
biển.
Bắt tay với Nga là bài học mà Cộng sản Việt Nam đã học
được từ bài học cay đắng với Repsol, một công ty Tây Ban Nha, khi Trung Cộng
đem tàu chiến vào, buộc Repsol phải rút lui khỏi dự án Cá Rồng Đỏ hồi năm
2017-2018. Chính phủ Tây Ban Nha im lặng, trong khi Repsol thậm chí còn muốn chính phủ Việt Nam phải bồi thường thiệt
hại.
Tuy nhiên, việc mời công ty Rosneft của Nga liệu có
phải là một bước đi khôn ngoan của Cộng sản Việt Nam? Liệu Trung Cộng sẽ e sợ sức
mạnh hải quân Nga mà không dám điều tàu chiến uy hiếp các giàn khoan có Rosneft
tham gia?
Thế chân vạc như thời Tam Quốc
Kể từ sau Thế chiến 2, có thể nói quan hệ giữa ba đại
cường Hoa Kỳ – Nga Xô – Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn thế giới, và dĩ nhiên ảnh
hưởng đến Việt Nam sâu sắc qua cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền
Nam – Bắc. Việc để mất Hoàng Sa năm 1974, một số đảo ở Trường Sa trong đó có Gạc
Ma năm 1988, chiến tranh biên giới Tây Nam chống cộng sản Khmer Đỏ và phía Bắc
chống cộng sản Trung Quốc, giai đoạn 1979-1989, đều có nguyên nhân sâu xa bắt
nguồn từ ý thức hệ cộng sản mù quáng không phân biệt bạn – thù với lợi ích quốc
gia, cộng với ý chí duy trì quyền lực bất hợp pháp đến nỗi Cộng sản Việt Nam
luôn lựa chọn sai lầm.
Sai lầm đó kéo dài đến ngày nay khi Cộng sản Việt
Nam tiếp tục là đồng minh ý thức hệ với Trung Cộng, tán dương mô hình xã hội chủ
nghĩa của Trung Cộng đã giúp Trung Quốc phát triển nhanh, ảo tưởng nước Nga hiện
tại vẫn là “anh hai” truyền thống như thời Xô Viết, giúp đỡ Việt Nam đối phó với
“anh ba” Trung Cộng.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Cộng quay lại bãi
Tư Chính mới đây chính là quả bom nổ tung những hi vọng của cộng sản Việt Nam về
việc Trung Quốc sẽ không dám đụng đến công ty Rosneft của Nga.
Gấu Nga chỉ là đàn em của gấu Panda
Đầu tiên, có lẽ cộng sản Việt Nam hi vọng vào việc cạnh
tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Nga sẽ giúp Nga có thêm quyết tâm giúp Việt
Nam bảo vệ chủ quyền trên biển Đông. Trung Cộng ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại
Trung Á, là “sân sau” truyền thống của Nga với dự án “Vành đai – Con đường”,
thách thức ảnh hưởng của Nga tại khu vực này. Nga cũng không muốn Trung Cộng kiểm
soát tuyến hàng hải hàng ngàn tỷ đô-la qua biển Đông, nối liền Ấn Độ Dương và
Thái Bình Dương. Dù vậy, những mâu thuẫn giữa hai nước này là nhỏ so với việc
Nga ngày càng phụ thuộc hơn vào Trung Cộng.
Năm 2014, Nga sát nhập Crimea từ Ukraine, nên bị
phương Tây cấm vận khiến kinh tế Nga lụn bại. Trung Quốc là cường quốc duy nhất
ủng hộ Nga. Đổi lại, Nga sẽ nhắm mắt làm ngơ trước đường lưỡi bò 9 đoạn độc chiếm
biển Đông do Trung Cộng tưởng tượng ra. Năm 2016, chính Tổng thống Putin tuyên
bố “tình đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc” sau khi Trung Cộng
tuyên bố, không chấp nhận phán quyết của tòa quốc tế bác bỏ yêu sách của Trung
Cộng ở biển Đông sau vụ kiện của chính phủ Philippines.
Về kinh tế, nền kinh tế của Trung Quốc hiện tại lớn
gấp 6 lần Nga, tính theo sức mua tương đương. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu
quan trọng nhất cho tài nguyên thô của Nga. Bản thân Rosneft, một công ty dầu
khí quốc gia của Nga đang khai thác dầu ở biển Đông, phải phụ thuộc vào tài
chính của Trung Quốc và phải bán dầu cho Trung Quốc. Gần một nửa các thiết bị
khai thác dầu khí của Nga mua từ Trung Quốc. Tỷ lệ dự trữ của đồng nhân dân tệ
trong rổ dự trữ của Nga đã lên tới 14%.
Trung Quốc cũng là nhà cung cấp các bộ phận quan trọng
trong các hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. Nga cũng đã cho phép Huawei cung cấp
thiết bị mạng 5G. Các thiết bị mạng và camera an ninh dựa trên trí tuệ nhân tạo
của Trung Quốc được Nga mua và sử dụng để kiểm soát đối lập và người dân, dập tắt
biểu tình phản kháng của dân đối với chế độ độc tài cá nhân trị Putin.
Với việc phụ thuộc vào tiền và công nghệ của Trung Cộng
như vậy, không khó hiểu khi Nga luôn sẵn sàng bán các vũ khí tiên tiến nhất của
mình cho Trung Cộng như hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, trong khi Việt Nam chỉ
có thể mua được S-300 thế hệ cũ hơn.
Cùng nhau, Nga và Trung Quốc bác bỏ các giá trị tự
do – dân chủ – nhân quyền mà họ coi là của phương Tây. Nga và Trung Quốc cũng ủng
hộ nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc để chống lại những điều mà họ coi là
phục vụ cho lợi ích của phương Tây đại diện bởi Mỹ, Anh và Pháp.
Cộng sản Việt Nam cũng đem kỳ tích phát triển kinh tế
của Trung Cộng để biện minh cho đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa” của mình, ngụy biện cho mô hình độc đảng toàn trị tại Việt Nam.
Nhìn thấy được sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga
vào Trung Quốc thì sẽ thấy được chiến lược dựa vào đội tàu hải quân của Nga để
bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên biển Đông chỉ là ảo tưởng của cộng sản Việt
Nam.
Tương lai vẫn thuộc về chế độ dân chủ, pháp quyền
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Cộng và Nga Xô
cạnh tranh về mặt chiến lược với Hoa Kỳ, đó là hình mẫu cho một nhà nước lý tưởng
tương lai của nhân loại. Việc phân định thắng thua đã rõ với thắng lợi thuộc về
chế độ dân chủ. Chế độ nào thực sự “của dân, do dân, vì dân” mới là chế độ có sức
sống bền bỉ.
Nga và Trung Cộng hiện tại không còn khả năng đề xuất
một hình mẫu lý tưởng cho loài người như thời trước. Giới cai trị hai quốc gia
này chỉ đơn thuần là bác bỏ các giá trị tự do – dân chủ – nhân quyền mà họ coi
là của phương Tây. Dù vậy, giới tinh hoa (trí thức, thượng lưu, trung lưu, quan
chức) trong các xã hội như của Nga, Trung Quốc, và cả ở Việt Nam đa số đều thân
phương Tây, hướng về phương Tây, thể hiện rất rõ ở con số di dân định cư và du
học của tầng lớp tinh hoa các nước này đều chọn phương Tây. Sự chọn lựa của tầng
lớp tinh hoa sẽ cho thấy định hướng của các quốc gia này trong tương lai, bất kể
chế độ chính trị hiện tại có vẻ chống phương Tây như thế nào đi nữa.
Bản thân chế độ cộng sản Việt Nam cũng phải dựa trên
luật pháp quốc tế, tức là tư tưởng pháp quyền qua Liên Hiệp quốc và các tòa án
quốc tế để làm vũ khí chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Nhưng trong nước,
Cộng sản Việt Nam lại bác bỏ chế độ pháp quyền, trong khi đề cao chế độ đảng trị:
Đảng đứng cao hơn pháp luật và chủ quyền đất nước, cũng tương tự như Trung Cộng
cho rằng họ cao hơn công pháp quốc tế.
Chính do việc theo đuổi con đường độc tài của Tập Cận
Bình và Putin đã khiến cho hai quốc gia này gặp phải rất nhiều vấn đề nội tại
trong nước, không hóa giải nổi. Ví dụ như ở Trung Quốc, nước này đang bị kẹt bởi
các vấn đề như quả bom nợ do cho vay nợ ào ạt để phát triển kinh tế; ô nhiễm
môi trường trầm trọng; dân bất mãn vì không có các quyền tự do dân chủ (ở
Hongkong đang diễn ra các cuộc biểu tình liên tục đòi dân chủ); vấn đề dân tộc
như Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan; kẹt trong chiến tranh thương mại – công nghệ
với Mỹ và phương Tây; tham nhũng rộng khắp; cuộc chiến quyền lực giữa các phe
phái trong đảng cộng sản; tư tưởng bành trướng Đại Hán mà cộng sản Trung Cộng
đã nhồi sọ người Trung Quốc, khiến quốc gia luôn phải sẵn sàng gây chiến;… Sự sụp
đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc và chế độ độc tài ở Nga là không thể tránh khỏi
(có phải là trước sau gì thì Putin hay Tập Cận Bình rồi cũng phải chết?).
Bài học cho cả cộng sản lẫn người dân
Do đó, giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cần dứt khoát
nhìn thấu suốt vấn đề về mặt chiến lược dài hạn cho đất nước trong hàng chục
năm, và cả trăm năm tới. Đó là phải thiết lập mô hình dân chủ pháp quyền, đa
nguyên đa đảng ở trong nước để đoàn kết dân tộc, huy động được sức mạnh toàn
dân tộc.
Nên nhớ là sau khi ăn quả lừa thế kỷ, đánh Mỹ để “giải
phóng miền Nam”, người dân Việt Nam sẽ không bị Cộng sản Việt Nam lừa bịp một lần
nữa: Dân sẽ không đổ máu bảo vệ Tổ quốc để rồi đảng Cộng sản nhận vơ đó là công
của cộng sản và tiếp tục cai trị đất nước một cách độc đoán.
Bên ngoài, Việt Nam cần liên minh với các quốc gia
dân chủ ở cả phương Tây như Hoa Kỳ lẫn phương Đông để chống lại sự xâm lược và ảnh
hưởng tiêu cực của Trung Cộng lên đất nước.
Cần nhớ là có rất nhiều quốc gia phương Đông chọn chế
độ dân chủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia,… Phải chấm dứt ngụy biện
cho rằng tự do – dân chủ – nhân quyền là các giá trị của phương Tây, không
thích hợp với Việt Nam.
Việc cần làm ngay trước mắt là khởi kiện Trung Cộng
thăm dò dầu khí bất hợp pháp tại bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam lên tòa quốc tế để giữ vững thế chính nghĩa của Việt Nam.
Dĩ nhiên, cộng sản Việt Nam sẽ không trao trả quyền
lực cho người dân một cách dễ dàng nếu người dân không chủ động đoàn kết lại với
nhau để tạo sức mạnh đấu tranh, tương tự như người dân Hongkong đang làm, để
thoát khỏi chế độ độc đảng toàn trị của Trung Cộng.
Đoàn kết, chủ động đứng lại với nhau qua từng hội
nhóm nhỏ như xã hội dân sự, đấu tranh một cách hợp pháp để giữ gìn lực lượng, đợi
thời cơ đến,… và muôn vàn phương pháp đấu tranh sáng tạo khác, phù hợp với từng
địa phương, với hoàn cảnh từng người một. Đó là cách thức khả dĩ hiện nay để buộc
chế độ cộng sản Việt Nam phải thực hiện khát vọng dân chủ và độc lập của người
dân.
No comments:
Post a Comment