Gia đình bạn tôi đã bán rẻ căn biệt thự ở khu Nam
Sài Gòn. Một quyết định dứt khoát sau chuỗi ngày ở và kinh doanh bị ảnh hưởng bởi
mùi hôi, ngập nước và kẹt xe. Anh chị đã sang một phương trời mới vì hai đứa
con. Căn hộ nhỏ giá gần 200.000USD khá đẹp và tiện nghi.
Không giỏi ngoại ngữ. Phải chấp nhận một cuộc sống
khép kín ở xứ người. Ít có điều kiện giao lưu vì muốn gặp một “hàng xóm” người
Việt gần nhất cũng cách nơi ở 400km. Và cứ mỗi khi trời đổ tuyết thì hai vợ chồng
an ủi nhau bằng những cuộc gọi điện qua OTT về Việt Nam. Đang nói cười bỗng
dưng bật khóc…
Phú Quốc chưa kịp ngập vì nước biển dâng thì đã ngập
vì những chuỗi ngày quay cuồng với đất. Phá rừng để lấy đất và beton hoá bất cứ
nơi đâu có thể ra được sổ đỏ, xây chồng lên khách sạn, vila sang trọng. Đà Lạt
cũng ngập sâu kèm sạt lở. Những cây thông bị tiêm chất độc và cưa ngang thân
nhường phần cho sân golf, khách sạn, nông nghiệp nhà kính có vẻ sạch sẽ hay nhà
ở đã kịp để lại “lời nguyền” của chúng.
Nhiều cô gái miền Tây tôi biết phải rời quê vì chữ
hiếu. Họ không thể mưu sinh khi “tư bản đỏ” cơ bản thu hồi và tích tụ đất đai của
họ về tay chúng, nhân danh phát triển. Lấy chồng nước ngoài là một giải pháp.
Đi làm công nhân là một giải pháp. Phấn son đi làm PG nhà hàng, quán bar cũng
là một giải pháp. Có những giải pháp cũng cần phấn son nhưng không phải loại đắt
tiền… Những đồng tiền gửi về có cay đắng trong ấy không dễ thấy. Cũng có trường
hợp biết vậy mà đành tặc lưỡi, cuộc sống mà…
Những người đàn ông Bắc Trung Bộ quen với tôi ở Sài
Gòn kể về thuế, phí ở quê hương họ. Những ngư dân bây giờ làm bảo vệ ban đêm,
ngày chạy xe ôm công nghệ. Những nông dân khoác áo công nhân trong các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp. Giải pháp đó khá hơn hẳn là làm đòi nợ thuê hay cướp
giật. Nếu tìm hiểu về tỉ lệ
phạm nhân có quê quán không phải Tp.HCM nhưng gây án ở Sài Gòn- nơi bây giờ đầy
cướp giật- bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên.
Cách đây ít lâu, tôi thấy một nhà báo ở Hà Nội viết
về những biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp ở Tam Đảo. Sự trăn trở của anh ta về bảo tồn
và phát triển nghiêng theo hướng phi bảo tồn. Hình ảnh những biệt thự ấy, với
cá nhân người viết, giống hình ảnh sông Cửu Long màu xanh trong. Không lầm chút
nào! Màu xanh trong của nước sông Cửu Long xuất hiện ở một vài thời điểm trong
nhiều năm gần đây. Khá đẹp về mặt cảm tính và rất tệ về mặt tự nhiên, an sinh
xã hội và an ninh chính trị.
Không có phù sa, đồng bằng sông Cửu Long sẽ đói! Nơi
ấy đói, nghĩa là quốc gia sẽ đói! Hãy hỏi những người nông dân đặt lọp ở Đồng
Tháp, An Giang xem năm nay họ làm gì? Câu trả lời sẽ là đi tứ xứ làm thuê hay ở
địa phương nhưng làm nghề khác. Với những siêu đập thuỷ điện, Trung Quốc đã khống
chế cơ bản Mekong. Và những cô gái miền Tây, những người đàn ông Bắc Trung Bộ
nói trên sẽ xuất hiện ở những địa phương khác, trong những hình hài khác nhưng
cùng mẫu số chung về bi kịch.
Nhiều nơi ở đất nước này đã lộ diện thứ quy hoạch bậy
bạ bất kể quy luật tự nhiên. Phản tự nhiên chi đạo ắt vong! Trong quá trình đó,
sự giàu có của một nhóm cá nhân quyền lực, sự khá giả của một nhóm cá nhân xu
phụ quyền lực đã đưa những cư dân yếm thế nhất vào cuộc sống bất an nhất.
Sự bần củng
hoá của những người trên lý thuyết là nằm trong giai cấp lãnh đạo: công nhân,
nông dân; có lẽ mới chính là nguyên nhân của những sự việc mắt thấy, tai nghe
hôm nay. Những dự án đội vốn ngân sách hay vốn vay nước ngoài trả bằng ngân
sách cao ngất cùng tư duy quy hoạch “cài cắm” đang tàn phá quốc gia này kinh khủng
hơn những ví dụ kể trên.
Và điều đó vẫn
chưa dừng lại!
Trong suốt 21 năm viết báo và 18 năm rong ruổi khắp
đất nước này, người viết đã chứng kiến quá nhiều những di sản biến mất, quá nhiều
những thực thể tự nhiên bị tàn phá, quá nhiều đời sống “chạm đáy” đến mức họ phải
quỳ xuống để kêu cứu. Kể cả kêu cứu những kẻ đã tước đoạt tài sản, lợi ích, sức
khoẻ , nhân phẩm, tự do và thậm chí là tính mạng của họ.
Và bi kịch lớn, trong góc nhìn cá nhân tôi, là việc
tự đòi lại công bằng!
Những cánh rừng biến mất, những rạn san hô chết đi,
những khu đất trũng dành cho việc thoát nước nhường chỗ cho beton hoá nhà ở,
chung cư hay trung tâm thương mại đang đòi lại công bằng theo cách của chúng.
Âm thầm hơn và cũng tàn khốc hơn. So với tiếng súng đòi đất của dân oan thì tiếng
sấm thịnh nộ của đại tự nhiên đáng sợ hơn nhiều!
Những cơn lũ quét, lũ ống không cần tiếng sấm nào
như những oan hồn đòi mạng những kẻ thờ ơ khi rừng bị tàn phá. Những hạt siêu
nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường của các ngành công nghiệp đốt lò như độc chất
âm thầm phá huỷ từ bên trong sau từng nhịp thở, hớp nước, miếng ăn. Những cái
thai biến dị, những cái thai chết lưu sẽ “giúp đỡ” những người vô cảm hôm nay
biết thế nào là biến dị giống- một hậu quả khác của ô nhiễm.v.v..
Những quyết định duy ý chí của một số “bề trên” cũng
đang đưa họ và tổ chức độc quyền của họ nhanh đến “vực thẳm” đúng nghĩa “đi trước
chủ nghĩa tư bản một bước”..v.v.
Chẳng có ai vô can cả!
Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến ngày càng nhiều hơn những
thuật ngữ như di tản môi trường, tị nạn thời thiết, đột biến khí hậu… Điều đó lớn
hơn bình diện một quốc gia, đảng phái hay dòng họ rất nhiều, rất rất nhiều.
Nhưng một cuộc “hành hương” về các giá trị cốt lõi của con người, của hợp lòng
nhân dân, của thuận lẽ tự nhiên lại luôn rất ít những cá nhân dám dấn thân tham
gia.
Tôi bình thản nhìn bi kịch ấy! Nhưng cũng không quên
chọn cách phẫn nộ với bọn tạo ra bi kịch ấy, những kẻ xu phụ bọn chúng lẫn những
kẻ thờ ơ. Sự khôn khéo trí trá, những lời mềm mại hay cách sống cao đạo thâm
nho câu từ ý tứ không giúp cho đất nước khá lên nên đành chọn phẫn nộ làm thái
độ sống “dễ thấy”.
Có vài cá nhân ở quốc gia này đã và đang chuẩn bị
cho cuộc tị nạn thời tiết, di tản môi trường sang xứ khác. Còn xứ người thì đã
nhắm tới một hình thức tương tự nhưng địa điểm sẽ là hành tinh khác.
Einstein đã nói đúng! Ông ấy không chắc chắn về sự hữu
hạn của ngu dốt con người….
P/s: Khi tôi viết về cuộc đếm xác nghĩa đen từ sau 2030, đó thực sự là một
trăn trở rất lớn! Nếu bạn cần vài ví dụ, có thể xem ở comment. Trong 12 năm trở
lại đây tôi đưa ra các dự đoán xu hướng trên cơ sở logic học. Và khốn thay, chúng
đúng đến 100%!
No comments:
Post a Comment